Nhắc đến trà sữa mà không nhắc đến topping đi kèm thì chẳng khác nào vô quán bia không gọi đồ nhậu thế nên bài thứ 2 trong nhật ký trà sữa của mình sẽ để liệt kê, tổng hợp và nói tới những loại topping phổ biến nhất thường được chọn cùng trà sữa. Tất nhiên với sự hiểu biết ít ỏi của mình chưa chắc trong bài viết này đã liệt kê đầy đủ hết mọi loại topping nhưng hy vọng với nó, ai đó mới bước chân xa ngã vào thế giới trà sữa sẽ tránh khỏi đau đầu nhức óc và choáng khi lựa topping. Thế nhé cùng bắt đầu nào.
[Đứng đầu tiên trong danh sách là Trân châu truyền thống]
Luôn là lựa chọn cơ bản và quen thuộc với hầu hết thực khách mới uống hãy đã nghiện trà sữa lâu năm. Đơn giản vì nó tròn dễ hút, đứng hàng trên cùng trong menu topping và bạn bè chọn thì mình chọn theo…. Nhưng có thể bạn chưa biết số lượng các chủng loại trân châu là cực kỳ phong phú.
Nếu phân loại theo màu sắc thì có đen – xấu màu nhưng đứng đầu(mình khoái loại này nhất), trắng – đẹp màu nhưng thú thực mình anti loại này vì chỉ cần cửa hàng làm không cẩn thận và sạch sẽ thì một vật thể lạ đen đen sẽ xuất hiện ngay giữa tâm (mình đã từng có trải nghiệm nhè ra một hạt trân châu trắng có một bé bọ đầy đủ chân cánh bên trong, nên thề là không bao giờ gọi loại này trong đời nữa), vàng hay còn có tên khác là hoàng kim – nhìn khá sang chảnh và thường đi kèm với những loại trà sữa cũng có tên kiêu sa không kém như trà sữa tam bảo, hoàng đế chẳng hạn, nâu – cacao hoặc sô cô lu tùy cửa hàng lựa, xanh thẫm – matcha hên xui thì được làm từ loại matcha cao cấp chuẩn Nhật, còn không thì chả biết có dùng màu thực phẩm không nữa vì nhiều loại mình từng thử mang tiếng trân châu matcha mà chả có tí vị matcha nào bên trong, xanh tươi – lá dứa thơm rõ ràng mùi nhưng chỉ có các cửa hàng nhỏ nhỏ hoặc bán online mới làm còn các chuỗi trà sữa lớn thì chưa thấy bao giờ….. và ti tỉ màu khác nữa mà mình còn chẳng bao giờ được thử vì đã cai trà sữa được gần tháng rồi.
Tương ứng với mỗi màu sắc kể trên người ta còn phân chia trân châu theo nguyên liệu tạo thành và mùi vị thành phẩm. Có mùi cà phê, mùi đường cháy, mùi matcha, mùi mật ong, mùi caramen…. Tùy vào khẩu vị của từng bạn mà sẽ thích loại trân châu riêng, có người nhận xét loại này ngon, loại kia chán và khó ăn.
Còn nếu xếp theo hình thì có tròn – cơ bản ai cũng thích, sợi – có hai loại sợi thẳng dài đầu đít bằng nhau và sợi ngắn đầu đít bé hơn giữa giống giun thái, vuông – cái này xếp vào trân châu cũng được mà xếp vào đám khoai nghiền phía dưới đây mình sẽ kể cũng được.
Nói chung chỉ riêng việc kết hợp các loại trân châu cũng đủ tạo nên trăm nghìn loại trà sữa và tên gọi khác nhau rồi. Nhưng có một sự thật là các chuỗi cửa hàng nhượng quyền uy tín có quy trình làm trân châu nghiêm ngặt sẽ cho ra đời những loại trân châu chất lượng và đảm bảo vệ sinh tránh những trường hợp như:
– Trân châu chưa chín, ăn sống ở giữa
– Trân châu có dị vật ở nhân
– Trân châu có mùi lạ do để quả lâu
– Trân châu không đều hạt to hạt nhỏ
– Trân châu quá mềm hoặc quá cứng
– Trân châu bị dính lại từng chùm không tách rời từng hạt
– Trân châu nhạt, ngọt lẫn lộn
– Trân châu thiu, chua hỏng do nguyên liệu đểu
……
[Hạt thủy tinh]
Đây có lẽ là thứ anh em sinh đôi với trân châu nhưng có vẻ ít được lựa chọn hơn hẳn. Hạt thủy tinh hay còn được gọi trong menu là Popball, nhìn bên ngoài thì hầu như mọi người sẽ nghĩ nó giống hệt hạt trân châu với vô số màu sắc khác nhau. Nhưng sự khác biệt quan trọng nhất chính là khi cắn vào từng hạt và làm vỡ lớp vỏ mỏng, dai dai ra sẽ xuất hiện 1 ít nước xiro như dâu, yaourt, cam, xoài, vải v.v. ngọt ngọt, chua chua tê cả đầu lưỡi. Và lớp vỏ bên ngoài của hạt thủy tinh khá mỏng nếu tinh mắt bạn có thể nhìn xuyên vào tận bên trong chứ không kiểu trong trong đục đục như trân châu.
Về màu sắc thì cơ bản hạt thủy tinh cũng đa dạng thậm chí còn có phần nhiều màu hơn trân châu khá nhiều nhưng hình dáng thì chỉ có một đó là tròn và nhỏ hơn trân châu một chút(có nơi làm to hơn).
Nhận xét về mùi vị thì với riêng mình thấy nó không quá đặc sắc, dùng một chút tô điểm cho cốc trà sữa thì ổn nhưng nếu cho nhiều như trân châu thì không ngon và đặc biệt một số loại hạt thủy tinh có vị xiro đối nghịch với vị của trà sữa làm cho người thưởng thức mất đi cảm giác trọn vẹn khi uống trà sữa. Nên nếu cửa hàng bạn chọn có hạt thủy tinh trong menu (có nơi gọi là topping cầu vòng, topping 7 màu) hãy cân nhắc kỹ khi lựa món này và có thể hỏi người ghi đơn xem liệu vị trà sữa bạn chọn có quá đối nghịch với mấy hạt thủy tinh này không nhé, hay vị hạt thủy tinh này thiên về vị chua nhiều hay ít để kết hợp cho chuẩn.
[Thạch các màu, thạch nhân phô mai]
Chuyện kể rằng để thu hút và hấp dẫn các em nhỏ với những cốc trà sữa của mình thì tại quê hương của trà sữa là Đài Loan những người bán hàng đã nghĩ ra cách cho thêm vào trong cốc trà sữa của mình những viên thạch trái cây với đủ màu sắc và hương vị của những loại hoa quả tươi. Điều này không những khiến các em nhỏ thích thú mà ngay cả người lớn cũng phải gật gù với hương vị mới này.
Gần đây có một loại thạch cũng rất ngon đó là, thạch có nhân phô mai ở bên trong. Nếu may mắn bạn có thể gặp hàng làm bằng phô mai ngoại còn thường họ sẽ lựa con bò cười, nhưng ăn cũng ổn không đến nỗi nào.
Trước đây thì vị thạch chỉ có hai ba loại từ cà phê hoặc thạch dừa nhưng thời điểm hiện tại thì số lượng các loại thạch cũng nhiều và phong phúc gần như trân châu vậy.
[Pudding]
Pudding thì được làm từ bột flan trứng. Chỉ riêng với cái tên gọi thạch Pudding thôi thì cũng đã có đến vô vàn loại cho bạn lựa chọn như :Pudding trứng, trà xanh, đậu đỏ, trái cây,…
Điểm khác biệt của loại topping trà sữa này với các loại khác chính là sự thơm mềm tan chảy trong miệng chứ k có sự dẻo dai hay giòn giòn sật sật. Có lẽ vì thế mà càng làm tăng thêm sự khác biệt và độc đáo cho cốc trà sữa.
Với mình khoái nhất là khi miếng pudding được cắt to bản, lúc hút phải khó khăn vất vả tống công mới hút được lên, cảm tưởng như tắc đến nơi rồi thì lại chui tọt vào miệng rất đã. Ghét nhất là pudding bị cắt nhỏ ra, nát vụn hay mình vô tình ngoáy quá tay làm vỡ hết ra cũng làm giảm vị ngon của loại topping này đi mấy chục phần trăm. Thế nên nếu chọn pudding làm topping chính hãy dặn người pha cắt pudding to một chút thì lúc thưởng thức sẽ khoái hơn rất nhiều.
[Các loại bọt kem]
Phổ biến nhất là hai loại Bọt kem sữa Milk Foam và Kem sữa mặn kèm Cheese. Còn có một số quán cho thêm vị cốt dừa trắng trắng giống cà phê của Cộng. Đây có thể trào lưu mới xuất hiện từ 1 đến 2 năm nay, mình thấy khởi đầu là bác Roi An rồi lan dần ra các cửa hiệu khác.
Chính loại này đã tạo cho topping một cách thưởng thức mới, thay vì hút lên bằng ống hút hay dùng thìa thì bắt buộc bạn phải vét phải liếm để có thể lấy hết lớp kem mặn ngọt ở trong mỗi cốc. Hay đơn giản hơn dùng ốc hút quét một vòng quanh cốc và mút sạch lớp kem dính trên đó cũng là cách măm cực kỳ thú vị.
[Đậu đỏ, viên khoai 7 màu, bánh oreon, kem tươi các vị]
Đậu đỏ tạo nên vị bùi đặc biệt của cốc trà sữa, trước đây thì mình thấy khá ít dùng nhưng gần đây thì rất nhiều cửa hàng coi trà sữa vị đậu đỏ kèm với topping hạt đậu đỏ được làm chính như là một món bắt buộc cần có trong menu vậy. Với những bạn ghét mùi đậu và họ đậu thì lời khuyên là tốt nhất không nên chọn vì cho dù có kết hợp với trà sữa thì vị đậu vẫn rất rõ ràng và nổi bật, gây ngấy và nếu nhai không kỹ mà hút tụt luôn, hạt đậu dễ chui vào đường thở gây nên ngạt thở.
Còn khoai 7 màu thì thường được sử dụng trong chè Xuka, chè Xueshan, chè Babo, chè Toto…. nhiều hơn là trà sữa. Tuy nhiên trước đây khi trà sữa xô, trà sữa đôi và buffe trà sữa còn thịnh hành thì đây là một trong những topping tạo nên điểm độc đáo về màu sắc của những cốc trà sữa bự thật bự. Những viên khoai này bạn không thể dùng ống hút để măm được mà thường được để thêm thìa để thực khách múc lên bỏ vô miệng. Vị ngọt vị sương sương của từng viên khoái nhai rất đã nhất là khi chế biến kết hợp với bột năng thì quả là sướng răng đã lưỡi.
Bánh oreon thì tùy hãng, có hãng xay nát hòa cùng vào cốc trà sữa, có hãng lại bẻ vụng và rắc lên trên bề mặt, có hãng lại để riêng khi dùng mới chấm vào cốc trà sữa – nhất là những loại trà sữa có kèm kem chesse chấm rất ngon lại béo ngậy. Nhưng thú thực, mình cũng khoái vị socola nên khá hợp với những cốc trà sữa có bánh oreon này chỉ có mỗi cái là hút hơi bị cặn một chút nếu ống hút bé.
[Nhân chè các loại]
Một số loại topping lạ mới xuất hiện gần đây khi kết hợp những nhân chè truyền thống như chè bưởi, lục tàu xá, khúc bạch xanh trắng, caramen, giun thái, caramen, ngô ngọt, hạt lựu, bánh trôi nhỏ, lạc, dừa nạo, dừa khô và sương sa với trà sữa tạo nên một thức uống khá thú vị. Nhưng có vẻ xu hướng này không được giới trẻ ưa chuộng cho lắm, nên mấy quán áp dụng đều chết ngắc hoặc thay lại menu về topping truyền thống.
Mình thì thấy hai thứ này thử chơi với nhau thì được chứ để kết hợp lâu dài thì mất chất của cả hai. Chè chẳng ra chè, mà trà sữa chẳng ra trà sữa lai cằng rất khó thưởng thức vị ngon của từng thứ một. Ngoài ra những topping vị chè truyền thống chỉ ăn ngon nhất khi có nước cốt dừa tưới lên, còn khi đã bỏ vào trong trà sữa sẽ làm nhạt bớt, vị thơm cũng kém đi đặc biệt là trà bưởi. Nói chung là một dòng topping lạ nhưng chỉ là một trào lưu nhất thời, khó có thể tồn tại lâu lâu với trà sữa được.
[Một số loại hoa quả tươi]
(hiếm gặp chủ yếu kết hợp cùng các loại trà không pha thêm sữa)
Cái này thì tùy vào khẩu vị một số nơi thay vì chọn những loại topping cổ điển kể trên thì họ dùng các loại quả được cắt hạt lựu như khi ăn hoa quả dầm trên Tô Tịch vậy. Ưu điểm là thanh mát và lạ vị, nhưng nhược điểm là làm loãng vị sữa trong trà, làm giảm đi vị béo ngậy và ngọt của mỗi cốc trà sữa.
Nên mình thấy nếu uống trà không như ô long, hồng trà, trà xanh trà đen bỏ thêm hoa quả thì hợp lý nhưng khi đã cho sữa vào thì hoa quả có vẻ là một sự nhạt nhòa và không làm tăng vị ngon của cốc trà sữa lên mấy, ngược lại còn làm mất chất của một cốc trà sữa Đài Loan.
Hết rồi
Đó là toàn bộ những loại Topping mà mình biết, nếu bạn thấy còn thiếu loại nào nữa thì bổ sung thêm cho mình nhé.