Ngoài những nghề nghiệp đặc thù phải mặc đồng phục áo xanh áo cam áo vàng phải trực thường xuyên để đảm bảo xã hội hoạt động thông suốt và mạch lạc, hoặc trong những môi trường nhà máy làm việc theo ca kíp, cùng các công trình đang thi công vào giao đoạn nước rút thì hắn thấy nghề y là một trong những ngành có việc thực tập khá là vất vả gian nan và Mệt. Lại có dịp vô viện chăm người nhà, lại có thời gian thật rảnh lúc bác sĩ đi phòng và bị đuổi ra ngoài để nhìn ngó và quan sát, nên hắn dưới góc nhìn của người nhà bệnh nhân lại kể chuyện về môi trường và những con người đang làm việc trong này, như một kiểu giết thời gian và để giảm căng thẳng do lo âu cho người thân.
Làm quen với ca trực 24h
Với những điều dưỡng, bác sĩ và y tá lâu năm thì việc thức thật dài trong vòng 24 tiếng không phải chuyện quá khó khăn và xa lạ. Nhưng với các bạn thực tập sinh thì đây lại là một thử thách và khá khoai. Những cái đầu ngủ gục mơ màng bên bàn làm việc, hay những đôi mắt xanh xao vì thiếu ngủ bên cạnh ly trà sữa sau một ngày dài trực xuyên từ sáng tới chiều tối rồi lại sang sáng hôm sau là không khó gặp. Tất nhiên không phải lúc nào các bạn ấy cũng phải ngồi làm việc liên tục 24 tiếng đi tiêm truyền rút ống trong các phòng bệnh, các bạn ấy vẫn có những khoảng thời gian rảnh rỗi để nghỉ ngơi, để chợp mắt tạm trong đêm dài. Nhưng cơ bản có vẻ chưa quen nên so về độ tỉnh táo với đội cây đa cây đề thức đêm là chuyện thường tình thì vẫn còn kém xa và cần thực tập thức trực nhiều hơn nữa.
Nhiều bất ngờ và thử thách khác môi trường khi đi học
Chắc chắn đây sẽ là những bài học đáng nhớ nhất sau mỗi lần đi thực tập. Từ chuyện những bệnh nhân khó tính quát tháo loạn xạ, cho tới nhưng ca khó ca khoai mà ngay đến cả những nhân viên lâu năm tại viện cũng phải lắc đầu ngao ngán về tính cách và cách ứng xử khi đến thăm khám. Chuyện này thì báo chí cũng nói quá nhiều rồi nên hắn sẽ không đề cập chi tiết thêm ở đây nữa. Rồi thì chuyện lấy máu, tìm ven, chọc kim, rút ống… Vân vân và mây mây những thủ thuật sẽ thật khác lạ so với những gì trong sách và thực tập tại trường. Ví dụ chỉ riêng như việc lấy ven những cụ già cao tuổi mắc tiểu đường lâu năm thôi chẳng hạn, hắn nhớ một kỉ niệm khoảng 3 năm trước, có bạn vận lộn mãi mà không cách nào chọc được ven cho một cụ cho đến khi phải để một chị y tá khác ra tay thì được luôn và ngay. Rồi thì chuyện thái độ ứng xử khi tiếp xúc với những người cao tuổi, tai điếc cộng với hơi có tính “quên quên” hoặc “trái tính trái nết“, có thể trong trường đã được học để nói thế này, ứng xử thế kia cho chuẩn mực nhưng hắn đoán mò khi đi thực tế sẽ xa xa lý thuyết cực nhiều. À còn chưa kể những bạn thực tập tại một vài khoa đặc thù như khoa nhi, khoa tiết niệu thì cái sự sai sai lệch lệch so với trong giáo trình chắc sẽ còn nhiều nhiều nhiềux10 hơn nữa. À đấy là còn chưa kể tới những lần được tìm hiểu “bất đắc dĩ” để làm con dâu các cụ trong khoa khi nhà có con trai Ế chưa có vợ nữa, dù rất vui nhưng để cưới người trong ngành y thì theo hắn sẽ cần rất nhiều sự đồng cảm khi mà nhiều hôm đêm không về nhà và mỗi lần tan ca vẫn còn vương vấn chút mùi khử trùng, một thứ mùi đặc trưng trong môi trường làm việc của viện. Còn chưa kể những năm đại dịch vừa qua, nhiều y bác sĩ phải gác lại chuyện gia đình con cái để hy sinh những thứ của bản thân để chăm sóc cho người bệnh trong các khu cách ly. Nhiều người chỉ có thể gặp con, gặp chồng gặp vợ thông qua zalo vài tháng trời thậm chí là cả năm. Nếu ai không hiểu và thông cảm thật nhiều cho những bạn làm ngành y thì chắc sẽ khó mà thành đôi hoặc đến với nhau tận cuối cùng.
Những việc thường làm đậm màu thực tập
Như là gục đầu vào quyển sách dày cộp đầy chữ và hình trong những lúc rảnh hoặc đầu giờ sáng, viết chỉnh sửa báo cáo vào các tranh giấy A4 chắc là để nộp bài (hắn đoán mò vậy), hay túm năm tụm ba vào một ca bệnh mới nhập khoa để học hỏi thêm các anh chị bác sĩ và điều dưỡng chính thức. Mà mới chỉ nhìn từ xa thôi, chưa cần nhìn gần để thấy những chiếc thẻ trường y là hắn đã có thể nhận ra đây là đội ngũ sinh viên thực tập. Rồi thì hay đi theo nhóm với gu thời trang khá trẻ trung ngoài chiếc áo blouse trắng bên ngoài như là quần bò rách, quần loe mà với đội ngũ làm việc chính thức sẽ không phá cách như thế mà chuẩn chỉ và công sở hơn. Với riêng hắn thì nhìn thấy đội này càng đông thì hắn càng vui vì vào năm 2022 này nhờ sự đi xuống của dịch bệnh mà các bệnh viện đã có lại lượng nhân viên hỗ trợ tuyệt vời này dù hơi non kinh nghiệm một chút, nhưng nhờ có các bạn mà bệnh nhân và người nhà đã nhàn hơn tương đối và đội ngũ điều dưỡng chính cũng bớt mệt mỏi và áp lực do công việc quá nhiều.
Gầy như siêu mẫu
Trong rất nhiều nghề của xã hội thì hắn nhận thấy điều dưỡng y tá là những người có vẻ có thân hình gầy và chuẩn nhất trong các ngành. Sẽ rất hiếm, tất nhiên vẫn có một số lượng cực nhỏ những người làm trong môi trường này có thân hình hơi đầy đặn. Và điều đó cũng áp dụng tương tự với đội sinh viên thực tập, bạn nào cũng mi nhon gầy gầy và khá nhanh nhẹn, dĩ nhiên là so với tốc độ của người thường thôi chứ so với các lão làng lâu năm thì vẫn có đôi lúc hơi chậm và bị các bác sĩ cũ nhắc nhở. Nói là thế không phải bảo rằng các bạn có thân hình đầy đặn một chút không nhanh không linh hoạt, vẫn rất là dẻo dai và phi như chim nhé. Vài năm trước hắn nhớ có 2 bạn thực tập bên khoa tiết liệu, trong đó một khá gầy người còn lại thì hơi to một chút và thường đi theo đôi một to một gầy như số 1 và số 0 nhìn khá là vui mắt, và quả thực độ nhanh nhẹn chả khác gì nhau. Đặc biệt bạn to còn có khả năng mang vác nâng đỡ người bệnh cực kỳ tốt và nhiệt tình. Dù là số 1 và số 0 nhưng cộng lại thì cả 2 đều xứng đáng 10 điểm cho việc hỗ trợ người bệnh.
Những vất vả và nhọc nhằn phải đối mặt
Dù là những người đã đi làm lâu năm hay các bạn sinh viên mới đang trong giai đoạn thực tập thì điều này là thực tế phải chấp nhận. Đấy là sự vất vả, khó khăn, nguy hiểm, căng thẳng, nhọc nhằn phải tiếp xúc hàng ngày tăng dần theo ma trận số lượng và tình trạng bệnh nhân. Ma trận này gồm hai trục, trục số lượng bệnh nhân trong khoa và trục thứ hai là tình trạng bệnh nhân chia làm bốn ô chính.
- Ô thứ nhất số lượng bệnh nhân ít và tình trạng bệnh nhẹ thì tương đối thoải mái và dễ chịu, công việc sẽ không gấp gáp và người bệnh được chăm sóc kỹ hơn. Nhưng với hiện trạng như giờ ở các bệnh viện tuyến trung ương và thành phố đây là điều bất khả thi và chỉ xảy ra trong những đợt giãn cách vì cô Vy mà thôi.
- Ô thứ hai số lượng bệnh nhân ít nhưng tình trạng bệnh toàn nặng thì áp lực lên đội ngũ y tá và bác sĩ cũng tăng lên, phải tập trung cứu chữa nhưng ca nặng và phải thường xuyên chú ý lưu tâm đến những trường hợp rất nặng có máy theo dõi sự sống chớp chớp đèn xanh đỏ. Nhưng vẫn là ô nhẹ nhàng vì số lượng bệnh nhân vẫn trong mức chấp nhận được.
- Ô thứ ba là số lượng bệnh nhân nhiều nhưng tình trạng nhẹ nhàng chỉ cần thăm khám và truyền thuốc là ổn. Ô này thì không có gì nhiều để nói ngoài việc các bạn y tá thực tập phải bóc nhiều chai dịch truyền hơn, tốn nhiều kim, bông băng hơn thôi. Còn không có những ca khó nhằn phải tập trung vào để cứu chữa.
- Ô cuối cùng cũng là ô khó nhất thách thức nhất mà các bạn thực tập sinh không ít thì nhiều trong những đợt đi viện phải giáp mặt. Đấy là số lượng bệnh nhân đông đến siêu động và trong đó các ca nặng rất nặng thậm chí thậm tử nhất sinh phải đi kèm tim phổi nhân tạo và lọc máu ngoài cơ thể. Và sự vất vả, những giọt mồ hôi đôi khi là cả những vết hằn vết chai trên bàn tay vì khiên đỡ bệnh nhân nặng bắt đầu xuất hiện. Rồi không chỉ là về thể chất mà còn áp lực về cả tinh thần khi liên tục phải thực hiện những thủ thuật hoặc hỗ trợ đội y tá bác sĩ chính thức thực hiện những thủ thuật khó. Nói chung đây là ô gian nan và áp lực nhất. Có người vượt qua được và có người không, hắn sẽ nói chi tiết thêm ở dưới trong vài năm quan sát gần đây các lứa sinh viên thực tập ở viện.
Không phải ai cũng theo nghề đến cuối
Đây chính là kết luận của hắn trong mấy năm qua. Có bạn sau khi đã tốt nghiệp vẫn dũng cảm tiếp tục con đường mình đã chọn tới làm việc tại các bệnh viện từ trung ương tới địa phương, một con đường khó khăn và đòi hỏi rất nhiều sự cố gắng mỗi ngày. Một số bạn khác rẽ sang bên phải và chọn làm việc ở một số cơ sở liên quan đến ngành y như thẩm mỹ viện, chăm sóc y tế tại viện dưỡng lão hoặc học thêm tiếng để ra nước ngoài làm điều dưỡng tại Nhật tại Đức hoặc vài nước có dân số già rất cần những nhân viên y tế trẻ và khoẻ. Nhưng một số khác có thể thời gian đầu vẫn đi đường chính nhưng rồi cũng rẽ sang trái vì những khó khăn quá lớn gặp phải, để đi một con đường khác như chuyển sang kinh doanh hoặc làm tại một công ty nào đó không liên quan tới ngành mình đã học. Dù là như thế nào thì hắn vẫn rất trân trọng và cảm ơn những bạn thực tập sinh này dù trong tương lai các bạn ấy có trở thành những y tá điều dưỡng hay bác sĩ hay không, thì ít nhất ở hiện tại và quá khứ họ đã giúp đỡ được rất nhiều người bệnh và người nhà tại các khoa phòng. Thông qua những việc nho nhỏ như đưa người bệnh đi làm xét nghiệm cận lâm sàng, giúp người nhà đỡ người bệnh ra cán hay là đo huyết áp, tiểu đường, tiêm insulin mỗi sáng… Vân vân và mây mây những thứ bé mà đầy ý nghĩa như thế.