Văn vở

Mài dao cuối năm

Cũng phải 5 tới 6 mùa xuân rồi nhà hắn thôi dùng dịch vụ mài dao mà tự thân vận động làm sắc cái đống dụng cụ này tại nhà. Lý do chẳng phải tự làm tốt hơn hay quanh nhà không có các bác cứ cuối tuần rao to “mào dao đê” mà là nghèo quá, tự xử cho nó lành với tiết kiệm. Nhưng dù có tài ba và tháo vát tới đâu đi chăng nữa thì cách tự làm này cũng có những ưu và nhược nhất định và hôm nay hắn sẽ trình bày những thứ đó để ai muốn giành miếng cơm của các bác thợ mài cuối năm nên cân nhắc.

Trước hết hãy nói về quy trình mài một chiếc dao tại gia đã.

Dụng cụ cần có:

  1. Dao chưa được mài (tất nhiên rồi 😄)
  2. Dụng cụ đơn giản nhất cần có là một cái bát sứ không mẻ, để làm gì thì hắn sẽ nói chi tiết ở phần hướng dẫn thực hiện bên dưới hoặc bạn cũng có thể thay bằng dụng cụ mài dao cần tay bán sẵn trong các siêu thị và cửa hàng tiện dụng, nhưng hai món này chỉ mang tính mở màn không thực sự hiệu quả bằng món bên dưới.
  3. Cao cấp hơn thì nên có một miếng đá mài thô và một miếng đã mài tinh hoặc một miếng nhưng có một mặt thô và một mặt nhẵn lỳ cũng được.
  4. Một chai nước lavie đục thủng lỗ nhỏ trên nắp.
  5. Một ít khăn khô để lau dao sau khi mài.

Quy trình mài dao

Trước đây khi chưa sắm được đá mài, nhà hắn thường dùng đít bát sứ và dụng cụ mài dao có sẵn. Cơ bản là cứ lia qua lia lại con dao trên hai thứ này cho tới lúc nào cảm thấy là dao sắc lên thì thôi chứ cũng không quá cầu kỳ làm gì. Nhưng sau này nhà hắn nhận ra rằng với những con dao Thái Lan thì cách này còn hiệu quả, còn với những con dao ta hay còn gọi là dao Đa Sỹ từ nho nhỏ xinh xinh như mổ lòng gà tới dao thái dao chặt thì chỉ có đá mài mới là chân ái.

Bước đầu tiên là xịt một ít nước lên đá thô và thân dao rồi mài qua mài lại. Chú ý không nên để áp sát dao vào đá và cần nghiêng lên một góc khoảng 30 độ. Đưa từ từ đều tay dọc theo thân miếng đá mài, lên xuống từ từ không cần vội vàng nhưng cần có lực một chút. Biểu hiện rõ nhất của việc dùng đủ lực hay không đó là nhìn vào phần nước đọng trên đá. Nếu nước trong veo thì chứng tỏ bạn chả mài được tí tẹo gì, nhưng nếu nước đục đục màu đá và có chút màu rỉ sắt trên thân dao thì đó là chuẩn. Thời gian mài thô thì tùy vào cảm nhận của bạn cũng như độ to của con dao, dao càng to bản càng dày thì thời gian nên dài một chút. Theo kinh nghiệm vô cùng gà của hắn thì dao nhỏ tầm 2 tới 3 phút còn những con dao như dao chặt xương thì nên dành khoảng 5 phút cho mỗi em.

Xong phần mài thô là tới phần mài tinh. Lúc này cục đá thứ hai được dùng tới hoặc chính là mặt trơn bên dưới nếu bạn chỉ có một cục. Phương pháp mài thì vẫn như trên nhưng cần lưu ý đừng làm kỹ quá làm lưỡi dao sắc thì sắc thật nhưng lại bị làm cho mỏng dính thì cực kỳ dễ mẻ và gãy. Cách đơn giản nhất để đánh giá một con dao mài vừa đủ độ chính là để thẳng con dao hướng ra bên ngoài ngay trước mắt, lưỡi dao hướng lên trên và đưa ra chỗ sáng. Nếu bạn thấy lưỡi dao thẳng tắp, không gồ ghề không han rỉ và có độ sắc khi thử cắt một cái gì đó là ổn.

Kết thúc bạn dùng khăn khô lau thật sạch thân dao đừng để dính nước với bụi đá, nếu không dao sẽ bẩn và nhanh chóng rỉ sét lại. Viết tới đây hắn khá đồng cảm với giới kiếm thuật ngày xưa. Muốn trở thành thánh kiếm thì phải biết cách mài dao thật chuẩn chỉ, thành ra cứ mỗi cuối năm tới thời điểm làm sắc dao là hắn thấy có chút hừng hừng có chút muốn “vung kiếm chém xuống nước, nước càng chảy mạnh, nâng chém tiêu sầu càng sầu thêm“.

Ưu và nhược điểm

Ưu thì quá rõ ràng rồi cũng không có gì để mà kể lể, tiết kiệm chi phí này, luyện tập tính kiên nhẫn này, biết thêm một kỹ năng này, rồi thì cũng có tư liệu và cảm xúc để mà viết lách này. Nói chung là ưu khá là nhiều và rõ ràng.

Vậy còn nhược điểm thì sao. Xin thưa là cũng nhiều không kém, hắn sẽ liệt kê kỹ một tí ở dưới này theo từng đoạn:

Công cụ phải chuẩn chỉ, thường sẽ là những cục đá mài thô và tinh, không được to quá cũng không được bé quá. Cứ dài dài thon thon như của các bác mài dao chuyên nghiệp là chuẩn nhất, nhưng rất tiếc không phải nhà nào cũng có sẵn những thứ đó và thường tận dụng những cục đá bỏ đi lúc xây sửa nhà hoặc đi mót được ở đâu đó mang về. Như nhà hắn chẳng hạn một cục thì dài quá khổ, còn một cục thì béo ngang nên lúc đưa dao không thể thoải mái bằng cục của các bác thợ mài được. Chưa kể đến chuyện độ cứng rồi thì độ nhẵn của các cục đá tại gia này cũng không hề đạt chuẩn ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng của con dao được mài. Thế nên nhược điểm đầu tiên hắn điểm ra chính là về phần công cụ không hoàn hảo khi tự mài tại nhà.

Kỹ năng phải điêu luyện chính là điểm thứ hai cần kể tới. Việc đưa dao mài trên đá như thế nào cho đúng cho chuẩn và không làm mòn lưỡi dao là cả một nghệ thuật và cần một quá trình dài luyện tập, thực hành liên tục với nhiều loại dao khác nhau. Chứ còn cái loại gà mờ như nhà hắn thì viết ở trên thì góc này góc kia hay thế thôi chứ thực tế mà bạn được nhìn lúc hắn mài dao thì chả khác gì anh tú tài đi cuốc đất với cắt tiết gà cả. Lóng nga lóng ngóng dù hắn đã làm vài năm nay rồi.

Phải không nóng vội và cẩu thả luôn là những đức tính cần có của một người mài dao. Nhưng rất tiếc hắn chưa đạt tới cấp độ tâm lặng như nước và tay thì cứng như đá thế nên con đầu thì còn điềm tĩnh mài đủ các bước, rồi soi lên soi xuống xem lưỡi dao đã bén chưa. Chứ còn đến con thứ 4 thứ 5 là bắt đầu vội vã, bắt đầu cắt đúp bớt quy trình và mài theo tiếng gọi của con tim rồi chứ chả còn kỹ năng với năng lực gì nữa. Rất nể các bác thợ một ngày có thể mài tới vài chục tới cả trăm con mà vẫn từ tốn làm nghiêm chỉnh từng con một.

Từ ba nhược điểm kể trên dẫn tới thành quả đôi khi không mỹ mãn, có con thì sắc lên và có con thì vẫn y nguyên như lúc chưa mài thậm chí có con còn có phần cùn đi.

Chốt lại tiết kiệm thì làm cho vui chứ vẫn nên để thợ mài dao chuyên nghiệp họ làm cho chuẩn chỉ bạn ạ.

Leave a Comment