Gần đây chả viết được cái gì mới thế là hắn dành thời gian đọc lại những bài viết ngày xưa, đặc biệt những bài viết trên Facebook sau đó mới chuyển lên blog này. Và nhận thấy một vài điểm chưa ưng ý cho lắm, hắn chợt tự hỏi bản thân một câu “Có nên làm mới hoặc viết lại những bài viết cũ này hay không?“. Hắn băn khoăn suy nghĩ ngược xuôi mất mấy bận mà chưa có quyết định cuối cùng, thế là đành một chọn giải pháp đơn sơ nhất mà vẫn hay được dạy trong những quyển sách về giải quyết vấn đề đấy là liệt kê ra hết những ưu và nhược của các bài viết cũ và nếu làm mới hoặc viết lại thì sẽ được gì và mất gì.
Cảm xúc chân thật của những bài viết cũ
Có lẽ thứ giá trị nhất của những bài viết cũ đó là cảm xúc chân thực, không có nhiều kỹ thuật hay mẹo để tô màu cho bài viết ngày đó. Cứ nghĩ cứ cảm thấy gì là phang ra status trên Face thôi, cũng chẳng thèm quan tâm tới chuyện bài viết này hay hoặc dở, người đọc thích hay không thích và nhiều khi cũng chả quan tâm tới chuyện bài viết có tác động tích cực hay tiêu cực, cứ khoái là viết và đăng thôi. Do đó đây là thứ làm hắn nghĩ nhiều nhất khi định viết lại những bài viết cũ, vì cho dù có cẩn thận thế nào đi chăng nữa cũng sẽ không bao giờ bảo toàn được những cảm xúc nguyên bản trong những bài viết này. Những cảm xúc đó có thể thô thiển, có thể mộc mạc và có thể cực kỳ ngu đần và ngây thơ nhưng đó là thứ cốt lõi đã tạo nên bài viết xưa, giờ viết lại cái cốt lõi đó có còn không hay nó sẽ bay màu sạch và thay bằng cảm xúc của hiện tại của một người già U40 đoạn giữa, mặc dù khi viết những bài đó hắn cũng U40 nhưng ở giai đoạn đầu.
Một vài ngôn từ chưa phù hợp
Chữ phù hợp ở đây xin được phép làm rõ một chút chứ không lại gây hiểu nhầm không đáng có thì toi. Phù hợp có nghĩa là bạn có thể đăng lên thoải mái ở bất cứ nền tảng nào mà không sợ dính những thứ như bản quyền, thuần phong mỹ tục hay những khung những đường biên giới hạn tương tự hai thứ đầu. Phù hợp ở đây còn là một câu chuyện khi đăng lên ai đọc cũng thấy vui, cũng cười hề hề và nếu có thấy quen quen thì chắc là “nó chửi cả làng ấy mà“. Và đôi khi đọc lại những bài viết cũ hắn thấy phạm khá nhiều vào cái sự phù hợp này, với cá nhân hắn thì chẳng có vấn đề gì vì nó cũng chỉ là chữ với từ, văn với vở mà thôi. Nhưng biết đâu đấy ở ngoài kia lại không có người nghĩ thế và dẫn tới những hiểu nhầm, hiểu sai, hoặc chí ít là hiểu lệch những gì hắn định viết thì sao. Mặc dù trong nhiều bài viết có yếu tố con người pha chút nhạy cảm hắn luôn thòng vào một câu nói “bài viết này 8 phần là bịa, 1 phần là hư cấu còn cái phần thật ở cuối mà vô tình đúng hoặc trúng với ai đó, gia đình nào đó hoặc hoàn cảnh sự việc nào đó trong đời thực thì hoàn toàn là sự vi diệu của cuộc sống mà thôi😎”. Thế nên dù chẳng quan tâm nhiều cho lắm những đây cũng là một yếu tố hắn cân nhắc tới khi định sửa chữa hoặc viết lại những bài đăng cũ. Để biến những cái chưa phù hợp thành dễ nghe, xào nấu những thứ dễ nghe thành phù hợp hơn với nhân sinh quan của đại đa số người đọc để đỡ bị ném gạch, chọi đá hoặc báo cáo Google cho tụt hạng SEO.
Một vài chuyện nghe chả logic tí nào
Phần khi nghe tường thuật thì câu được câu mất, phần vì chuyên môn không có nên não bộ tự bịa vào chỗ trống chưa nghe được để câu chuyện nó hoàn thiện và đỡ cụt ngủn. Nhưng cũng có thể vì những lý do nào đó mà tự hắn cũng chẳng giải thích được cho rõ trong một vài dòng, nên hắn tự nguyện sửa tên nhân vật nắn chỉnh cốt truyện hoặc cắt bớt những phần không cần thiết. Giống kiểu mấy phim “John And Vova” bên Nhật Bổn ấy, thường người ta che hết những chỗ cần che và cắt bớt những đoạn cần cắt ấy. Thì văn của hắn trong những bài viết cũ cũng vậy, cũng chẳng có dàn ý và cấu trúc gì, cứ nghe kể rồi viết và viết mà thôi, nên đôi khi nó chắp vá làm hắn phải gọt đầu gọt đuôi một tí cho nó hoàn chỉnh một bức tranh hồi ký hoặc để kể lể này kia. À quên cái sự phi logic còn đến từ sự ngu dốt, thiếu kiến thức nặng nề và đôi khi mang theo một núi những thành kiến và bực dọc của hắn lúc viết tạo nên nữa. Thế nên cái sự phi logic được bình phương lên mấy lần, nếu đọc chơi đọc bời thì chẳng thấy đâu nhưng đọc kỹ một tí thì thấy đầy lỗ hổng và như hắn đã nhắc ở đoạn đầu, ngày đó chính hắn cũng chẳng nhận thấy chỉ đến vài năm sau từ tốn đọc lại mới nhận ra. Vậy có nên vì nó phi logic mà sửa lại cho nó logic cho nó hợp lý hay không ta? Hắn vẫn chưa quyết vội và để những yếu tố tiếp theo trả lời vậy.
Lỗi chính tả nhiều như sao⭐
Nhiều đến nỗi mà hắn vừa ngó qua một bài thôi đã thấy phải sửa mấy lượt rồi. Phần vì hồi trước gõ trên Facebook bản web lẫn lộn với bản di động nên thường gõ theo phong cách nhanh và gọn rồi đăng luôn chứ không trau chuốt như hiện giờ, nào là viết phải có dàn ý, viết mẫu rồi sửa vài lượt với dám đăng lên, tất nhiên cũng có lúc đi tắt đón đầu và bỏ qua hết những quy trình này. Thế nên cứ vài câu là lại lỗi mà toàn những lỗi ngớ ngẩn về dấu, lẫn sai sót trong cách dùng từ. Đây có lẽ là yếu tố hắn thấy băn khoăn và muốn sửa nhất trong các bài viết cũ vì nó nhìn chả có tí chuyên nghiệp gì. Thậm chí nhiều bài lỗi tệ tới mức nếu để một nhóm độc lập đánh giá mù thì khẳng định luôn họ sẽ cho dưới 5 điểm vì lỗi chính tả chi chít và nhận xét nhẹ nhàng vào phần cho điểm kiểu “học sinh cấp 1 này xứng đáng trượt tốt nghiệp môn chính tả“. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, chính cái sự sai chính tả ấy tạo nên cảm xúc, sự ngây thơ và đôi khi là ngờ nghệch trong văn của hắn giống một cậu bé đang viết những trang nhật ký vào ngay lúc câu chuyện ấy diễn ra chứ chẳng phải được viết lại bởi một ông cụ non 3x tuổi. Dẫu là vậy thì chuyện một bài tầm hai ba trăm chữ mà sai đến cả chục lỗi thì cũng khó mà chấp nhận được trong thời đại một mét vuông vài người làm nội dung như hiện nay. Vậy nên hắn chần chừ và cũng khó nghĩ khi định sửa những bài viết cũ, sửa lỗi rồi thì bài nhìn ngon hơn người nhớn hơn nhưng cũng làm mờ đi cái sự trẻ con trong cậu bé cấp 1 kể chuyện đi học, thằng bé cấp 2, cấp 3 kể chuyện trường lớp chuyện dậy thì và sinh viên mặt mụn kể chuyện học hành trốn tiết.
Văn này gói xôi rất là ngon
Vẫn là tiêu chí mà hắn mãi theo đuổi từ ngày còn viết trên Facebook tới tận bây giờ. Văn phong luôn vui vẻ, kể chuyện ngày xưa lẫn bây giờ pha một chút vấn đề xã hội theo kiểu phun sương nhả mây chứ không tập trung vào đả kích hay phê phán, thậm chí đôi khi còn lấy bản thân ra làm mục tiêu để bóc phốt. Mà đã là văn gói xôi thì mục tiêu chính không phải là chỉnh chu, hoàn mỹ hay hấp dẫn tựa một cuốn sách bán chạy để người ta chú ý mà nên dài dài và gói được nhiều xôi nhất có thể và văn của hắn từ trước đến nay luôn đạt điểm 10 cho tiêu chí này. Lâu lâu nếu khách ăn xôi có rảnh rỗi, vừa nhai ngấu nghiến từng hạt xôi thơm ngon mềm dẻo vừa ngó qua đọc chơi thì tốt, còn không thì cứ vứt thẳng vào sọt rác hoặc tận dụng làm việc khác thì càng có ích hơn, giống kiểu các cháu ở đâu đó lấy lá su su để lau sô cô la sinh học ấy. Khi đã đảm bảo tiêu chí dài, lắm chữ đo được bằng thước 30cm rồi thì yếu tố tiếp theo để một bài văn gói xôi chiếm trọn tim gan của người bán xôi lẫn khách ăn chính là không tốn tiền, được phát miễn phí nếu đem đi in và nếu có vô tình đọc được thì cũng làm xôi ngon hơn, dễ trôi và dễ tiêu hơn. Văn hắn thì cơ bản cũng đáp ứng tốt tiêu chí này, văn không quá trôi chảy nhưng cũng mượt mà, dễ nuốt và dễ ra. Thế nên như một đại văn nhân nào đó đã mất từ vài trăm năm trước từng ngâm “Vầng trăng ai xẻ làm đôi. Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường” thì văn của hắn cũng “Văn này nếu xẻ làm đôi. Nửa đem đi gói, nửa soi cuộc đời“.
Viết tới những dòng này hắn chợt nhận ra liệu có muốn những án văn ngày đó trở nên chuẩn chỉ, biến thành khô khan máy móc, không sai tí chính tả nào như được viết bởi AI hay không? Có lẽ là không và chắc chắn là không rồi. Nên hắn xin phép từ bỏ cái ý tưởng viết lại, sửa lại những bài xưa cũ đã đề ra ở đầu. Âu có lẽ cũng một phần cũng do LƯỜI nữa, mấy trăm bài chứ có ít gì đâu.
Xin chào và hẹn gặp lại trong những bài viết xàm như thế này của hắn.