Lại vô tình và rất hữu ý, phòng bệnh lần này của nhà hắn lại có một hội các bà các cô mang danh hiệu Mẹ Chồng. Và cũng rất tự nhiên qua một ngày dài mệt mỏi với kháng sinh và tiêm truyền, các giường bệnh sau bữa cơm tối lại túm tụm buôn chuyện nhằm giết bớt thời gian nhàm chán ở trong này. Câu chuyện lần này xoay quanh chủ đề con rể, con dâu và con nhà mình. Nhưng thú thực chuyện con rể cụ thì ít, cũng chỉ bàn thảo đôi ba câu khen lấy lệ còn lại các me toàn chém chuyện con dâu là chính. Nhiều bác còn có tới 2 thằng con trai và có mỗi 1 cô con gái nên phần đóng góp cho cuộc vui có phần hăng say và nhiệt tình hơn hẳn. Hắn thì như mọi lần, lại cười thật tươi dỏng tai hóng các mẹ các cô nói chuyện đạo lý, đặng còn ghi chép tư liệu và biên bài trên blog cá nhân. Chuyện khá dài nhiều tầng ý nghĩa, nên đoạn dưới đây chỉ là một phần thuật lại rất nhỏ trong đó.
Nhà xa nhà gần
Đây có lẽ là chủ đề đầu tiên được đưa ra bàn luận. Có cụ con dâu nhà gần chỉ loanh quanh Hà Nội nên cảm thấy vui vẻ dễ chịu mỗi đợt tết đến xuân về, nhưng cũng có bác con dâu quê ở khá xa tận vùng đất miền Trung kiểu kiểu Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An, thậm chí có cô con dâu ở những vùng đất xa xôi tận vùng biên cương như Lạng Sơn hay đất mũi, dẫn tới mỗi khi có ngày lễ ngày nghỉ là chuyện về hay ở bỗng chốc trở thành một chủ đề nóng. Và tất nhiên như mọi đấng mẹ chồng có căn bệnh say xe kinh điển thì các bác trong này có một đặc điểm vô cùng chung đó là thời gian đầu khi đôi trẻ yêu nhau thì vô cùng không khoái và có phần tỏ thái độ nhè nhẹ. Câu thoại kinh điển luôn được đưa ra đó ra “chúng mày xa nhau như thế sau này đi ăn hỏi tao chịu chết, chắc nhờ các bác trong họ thôi, tao mà đi về chắc lăn quay ra ốm cả tháng“. Nhưng mà chuyện đời đâu có như mơ, sau một thời gian chúng nó yêu nhau vồ vật và kết quả vẫn là đưa nhau về một nhà 😂 Dù xa hay gần vẫn cứ phải làm mẹ chồng nàng dâu mừ thôi. Nhưng cái chuyện về ăn hỏi hay cưới xin chỉ diễn ra có một lần, nên cũng không gây nên hiệu ứng tiêu cực dài lâu cho lắm. Chuyện hay chỉ đến khi những dịp lễ lớn, cả con trai lẫn con dâu đều được nghỉ làm và vấn đề ở lại thành phố hay về nhà ngoại mới được đem ra mổ xẻ. Nếu mà ở gần chỉ chả đáng để nói, nhưng có những gia đình nội cách ngoại tới nửa đất nước thậm chí dài hơn chiều dài từ Hà Nội tới Sài Gòn thì mới là vấn đề gây nhức đầu. Nếu như trên báo thì cứ giải quyết theo kiểu, tết lẻ nhà nội tết chẵn nhà ngoại, hay mùng 1 tết cha mùng 2 tết mẹ mùng 3 tết thầy, hay là kiểu 29, 30 mùng 1 nhà mẹ chồng, mùng 2,3,4 nhà mẹ vợ rồi mùng 5 lên xe về thành phố. Nhưng khổ cái đời thực không hay ho, đơn giản và dễ giải quyết như trên báo hay trong các cuốn sách dạy làm vợ làm dâu. Theo hội các mẹ chồng trên này thì lần nào cũng có trục trặc. Khi thì vé không đặt được nên phải về sớm, nên số ngày ăn tết trên thành phố ít đi hay có lúc nhà ngoại có việc này việc kia nên dù năm ngoái đã ăn tết bên đó năm nay lại phải về. Rồi thì vân vân lẫn mây mây những lý do làm các bậc mẹ chồng cảm thấy nội ngoại không cân xứng và được đối xử đồng đều trong chuyện ăn tết hoặc nghỉ lễ ở bên nào. Kết quả là mỗi lần như thế các cặp vợ chồng lại đau đầu nhức óc để nghĩ kế đối phó. Hắn nghe mà chợt mỉm cười chẳng biết nên mừng hay nên vui, khi cùng lúc ấy nhiều cặp đôi trẻ quyết định ra nước ngoài ăn tết để các cụ ở nhà mà cãi nhau so kè cái chuyện tết nội tết ngoại. Tất nhiên trong đó cũng không ít gia đình chọn kiểu cân cả nội cả ngoại cùng đi trong một chuyến du lịch đầu năm tới một địa điểm nào đó trong nước vào ngày mùng 2 sau khi đã hóa vàng hoặc cả nhà nội ngoại cùng trải nghiệm ngày lễ tại một resort nào đó. Hy vọng trong tương lai cái nếp nghĩ nội ngoại sẽ dần biến mất hoặc ít nhất là nhạt màu dần đi, để các cặp đôi được tự do, hạnh phúc và có thêm không gian riêng cho bản thân mỗi dịp lễ tết chứ không phải chìm đắm trong cái mớ chuyện nội ngoại này. Nhưng có lẽ khó, vì ít nhất trong phạm vi của phòng bệnh hắn cùng người nhà đang cư trú này thì quan điểm nội ngoại vẫn còn rất ư là đậm đà và niêu khê lắm ai ơi.
Chuyện cưới hỏi nhà trai nhà gái
Nói thêm một chút về chuyện cưới hỏi. Nhiều bác kể trường hợp của nhà mình về chuyện làm cỗ bàn trong mùa dịch năm ngoái, nhà ngoại thuộc vùng xanh nên đã xong xuôi hết thủ tục, đã có cỗ bàn và ăn uống. Còn bên mình chưa có tí gì ngoài một tin báo trên Zalo trên Facebook. Thế là cái sự so ra so vào bắt đầu nảy sinh, nào thì chắc lúc cháu nó đầy tháng đủ năm phải làm cái báo hỉ và một buổi ăn uống để mà bù đắp cho bên nội, nào thì ảnh cưới thì có rồi nhưng ảnh chụp với các bác các cô bên nội thì chưa có cái nào để trưng ra để mà gửi họ hàng gần xa cùng chung vui. Quay lại xa một tí ở quá khứ chẳng phải do dịch năm ngoái gây nên sự chưa đồng thuận trong việc tổ chức đám cưới, mà thực ra từ rất lâu rồi cái chuyện thủ tục nhà trai nhà gái này nó đã diễn ra, rất âm thầm nhưng tạo ra đầy sự vất vả nhọc nhằn cho các cặp đôi rồi. Hắn nhớ tới những đám cưới trong họ nhà mình khi nhà trai hoặc nhà gái theo đạo, các cô dâu chú rể trước khi được thực hiện nghi lễ trong nhà thờ phải học giáo lý phải tuân thủ một số nghi thức, nhiều bạn trẻ trước mặt thì gật gù nhưng lên mạng thì có chút không muốn nhưng vẫn phải chấp thuận để mà xong xuôi êm đẹp cho hai bên. Rồi thì chuyện phong cách cưới hỏi, nhiều nhà thích kiểu A nhưng bên kia lại thích kiểu B. Cơ bản là sau một hồi tranh cãi thì may quá cũng đạt được hiệp nghị giúp đôi trẻ an toàn vượt qua, nhưng nhiều nhà khác thì không được may mắn nhận sự đồng thuận nên nhiều năm sau vẫn còn những câu tâm sự kiểu hồi đó giá mà nghe bên tôi, năm đó mà chọn cách kia gì giờ có phải tốt không. Và cũng thật là lạ lùng trong ít nhiều những gia đình như thế ngoài kia, hắn lại được nghe một câu chuyện như thế từ hội mẹ chồng trong viện, cảm thấy không ưng ý khi bên kia tổ chức theo kiểu không hợp chuẩn mực nhà chúng tôi các cụ ạ, dù cặp vợ chồng nhà này hiện giờ đã có với nhau hai mặt con. Đúng là chuyện ngày xửa ngày xưa cũng có thể là cái gai trong tim của cuộc sống ngày nay giữa quan hệ mẹ chồng và nàng dâu, và rất dễ một ngày nào đó trở thành nguyên nhân cho những chuyện chẳng vui sau này. Đúng là phú quý sinh lễ nghĩa nảy nòi ra lắm thủ tục, hắn nhớ về thời chiến hoặc thời bao cấp khi cuộc sống khó khăn, một cái bàn vài đĩa bánh kẹo kèm trà thơm với bao thuốc lá thế là nên duyên vợ chồng, chẳng cách A thủ tục B mà vẫn có những cặp sống với nhau cả vài chục năm. Còn hiện tại quả thực quá nhiều lựa chọn, quá lắm nghi thức và phương án làm cuộc sống trở nên phức tạp và dễ nảy sinh tranh cãi, cụ thể ở đây là bên nội bên ngoại.
Chuyện khẩu vị
Khi còn yêu nhau các cô con dâu ít khi nấu nướng cho nhà người yêu, nên vấn đề này chưa thực sự bộc lộ rõ. Nhưng khi đã về một nhà chuyện xung đột trong khẩu vị bắt đầu nảy sinh. Có bác kể “trước nhà tôi ăn nhạt thế mà từ ngày nó về món nào cũng cả tạ muối với ớt“. Còn có bác thì kêu “tôi bị tiểu đường mà từ ngày có con dâu tôi được ăn đường toàn thời gian, kho có đường, chiên có đường thậm chí luộc cũng có nước mắt chấm đường, nói chung là tắm trong đường mỗi ngày“. Có cụ còn than rằng bảo nó một lần hai lần nhưng vẫn cứ y nguyên và còn thái độ bảo nhà con vẫn ăn thế có sao đâu. Trong khi các cụ muốn là nhập gia tùy tục và khẩu vị phải theo nhà chồng, chứ không được như trước kia thời còn con gái ở nhà mẹ đẻ. Và xung đột trong khẩu vị nhiều khi dẫn tới những mâm cơm gần mà lại xa, làm chuyện mẹ chồng nàng dâu dần trở nên nhạt màu dù các món ăn vẫn muôn màu muôn vị. Có đúng một bác trong phòng thì nói kiểu chung dung, thôi thì kệ tôi dễ ăn cái gì chúng nó nấu tôi cũng xơi, còn hôm nào tôi nấu thì cứ gia giảm theo ý mình, dần dần chúng nó bận đi làm cuối cùng lại tôi tự lo hết phần khẩu vị trong nhà, đỡ khoản tranh cãi mất vui. Hắn chợt nhớ về những mâm cơm bên nước ngoài được thấy qua phim ảnh và mạng internet. Ở trời tây thì mỗi người một bộ dao nĩa và chén đĩa cùng những lọ muối lọ đường cạnh bên, ai thích khẩu vị như thế nào thì tùy nghi gia giảm. Ở châu á thì có Nhật Bản với Hàn Quốc, mỗi người một mâm riêng kèm một bát nước chấm tự pha, ai thích mặn nhạt thì cứ tự xử cho cái mâm của bản thân. Hình như bên Trung Quốc cũng có văn hóa bát đĩa riêng lẻ tương tự tùy vào từng vùng miền, ít nhất là trong các phim Hồng Kông thời trước hoặc một số ít nhưng phim cổ trang lẫn hiện đại của đại lục bây giờ. Nếu thời xưa khó khăn không thể làm được thì còn chấp nhận, chứ hiện tại hắn nghĩ chuyện khẩu vị không nên còn là chủ đề gây tranh cãi cũng như tạo sự bất hòa trong gia đình. Cứ nấu chung chung, ai thích mặn nhạt ngọt cay thì tự xử trong phần ăn của mình. Đơn giản mà cũng bớt đi những xung đột không cần thiết. Hy vọng các mâm cơm tại Việt Nam ta cũng sẽ văn minh lên, tôn trọng khẩu vị của từng người và không áp đặt một công thức chung lên cả nhà.
Chuyện chào hỏi
Đặc biệt một cụ đem mới một mẩu chuyện khá vui và hài hước. Cụ bảo con dâu tôi thì ngoan, hiền lành mỗi tội im im và chả chịu chào hỏi. Hồi mới về tôi còn tưởng nó ngại chưa dám nói nhiều, nhưng tới hơn một năm hai năm rồi mà nó vẫn như cục đá. Đi làm về tới nhà là chui lên phòng hai vợ chồng, chả chào hỏi, nói đôi ba câu với mẹ chồng gì cả. Trong khi chúng nó buôn trong phòng riêng thì ầm ầm cười nói khanh khách, đến là bực bội, tôi là tôi chỉ mong nó chào hỏi, trao đổi vài câu rồi hãy phi lên phòng. Nên là các cụ sau này mà chọn con dâu phải lựa đứa nào ăn nói lễ phép một tí. Một bác trai đi chăm vợ giường ngay cạnh đó, nhà có hai cậu con trai chưa vợ gật gù nhưng xin phép không đồng ý vì cái này tùy tính người, cụ không nên trông mong quá một cô vừa biết ăn nói lại biết từ a tới z là chuyện không thể nào, mạnh được mặt này thì sẽ yếu ở các khoản khác. Cụ kia nghe cũng gật gù nhưng vấn đề này còn được mổ xẻ tận hai ngày sau đó và có vẻ cụ này vẫn sẽ mong con dâu chào hỏi nhiều hơn 😂 Có bác còn trêu như cụ nhà hắn tai thuộc loại nói cả ngày nghe được một câu thì chắc khỏi cần chào cứ mấp máy môi thôi là được ấy nhì. Hắn cũng gật gù và đáp rằng có khi đang chửi mà cụ cũng nghĩ là đang khen ấy chứ mấp máy miệng không thôi đã là gì 😁
Chuyện vợ chồng nhạy cảm
Nhiều cặp đôi hiện nay khá hiện đại và tân tiến, trước khi cưới hỏi thường sống thử từ 6 tháng đến 1 năm hoặc đến khi có sản phẩm rồi mới tính tới chuyện mâm cao cỗ đầy. Nhưng khổ nỗi cái này thì có gia đình đồng tình nhưng cũng không ít mẹ chồng cảm thấy không thoải mái với văn hóa này. Nhiều cụ khác có con sống xa nhà thì kể, chúng nó sống với nhau từ lúc nào rồi ý, tới lúc về báo với tôi thì chỉ để gia đình chuẩn bị lễ lạt sang bên kia mà thôi chứ tôi còn chả biết chúng nó yêu đương kiểu gì và bắt đầu từ bao giờ cơ. Nhưng lại có cụ bảo, tôi là tôi cũng mong chúng nó ra sản phẩm rồi mới làm gì thì làm vì bây giờ không khí môi trường nhiều cặp khó đậu thai lắm các bác ạ. Nhiều gia đình khó khăn về diện tích thì chuyện abcxyz 18++ của các cặp đôi mới cưới lẫn cưới lâu cũng trở thành một đề tài dễ gây xung đột giữa mẹ chồng và nàng dâu. Nhiều cụ vẫn mang tư tưởng ngày xưa khó mà chấp nhận một vài những kiểu thể hiện tình cảm của thời này nên lại càng dễ nói ra nói vào, nói qua nói lại. Khiến trong gia đình chuyện vui thì ít mà chuyện chẳng vui thì nhiều vô số. Đúng là tại các thành phố lớn, khi mà giá nhà cửa càng ngày càng leo thang chóng mặt, thì chuyện tậu đủ diện tích cho cả nhà thoải mái ăn ở và “sinh hoạt” đúng là nan giải và dễ gây nên những chuyện khó nói với nhau. Vì nói thẳng quá thì lại dễ sinh mâu thuẫn không đáng có do sự khác biệt trong văn hóa về chuyện ấy, mà không nói thì nhiều khi giống một cụ trong này than thở “giữ trong lòng thì tức mà chết mà sinh bệnh mất“. Hắn thấy một xu hướng bây giờ khá là hay, đấy là các cặp đôi dù mới cưới hay đã cưới lâu mà muốn hâm nóng chuyện tình cảm thì ra hẳn ngoài thuê khách sạn hoặc một homestay ở vài ngày rồi về dù nhà cách đó chỉ vài con phố. Khỏi sợ đụng chạm với xung đột về thế hệ gây nên những chuyện vừa chả vui mà vừa khó bàn luận. Nhưng nhòm đi thì phải ngó lại, hắn chả biết ngày xưa thời còn khó khăn một căn tập thể chia ba chia bốn thì các cụ giải quyết thế nào ta 😏 chắc chắn là không có chuyện ra ngoài thuê rồi.
Chuyện trông cháu chăm cháu
Tưởng rằng những chủ đề phía trên đã là nguyên nhân chính gây nên xung đột từ lớn tới nhỏ thì đây có thể gọi là quả bom nổ chậm của các gia đình. Từ những sự trái ngược trong cách nuôi dạy con cháu, đến những tình huống chớ trêu như bé ốm cũng khiến bao nhiêu cuộc chiến nổ ra. Nuôi con nuôi cháu thế nào cho tốt cho lớn nhanh cho tránh ốm vặt, con dâu một ý với những tìm hiểu tân tiến và hợp thời đại, mẹ chồng một ý với những kinh nghiệm truyền từ thời bà cố tổ. Ai cũng cho là mình đúng mình chuẩn thậm chí nhất quyết cho phía bên kia là kể thiếu hiểu biết và không có kinh nghiệm. Vân vân và mây mây kiến cuộc chiến này mỗi ngày mỗi giờ mỗi phút đều sẵn sàng bùng nổ và gay gắt nhất là trong giai đoạn đầu đời bọn trẻ con hay ốm đau hoặc hơi tí là dở chứng khóc nhè. Mà kể cả sau này khi bọn nhóc đã lớn, đã bắt đầu đi học mẫu giáo với lớp 1 thì chuyện đưa đi đón về hay cho ăn quà vặt cũng khiến không ít gia đình lao đao và gây hấn với nhau. Như một bác trong này, cứ chiều chiều là đón cháu về, tắm rửa và cho ăn cơm trước chứ nhất quyết không chịu cho mẹ bé tắm vì con dâu đi làm toàn về muộn, bác sợ tắm giờ đấy nguy hiểm rồi thì dễ khiến bọn trẻ ốm. Hắn chỉ biết cười trừ khi nghe vì quan điểm này đúng là khó mà giải thích lẫn thông não chi thuật cho nhau được chứ đừng nói đến hòa hợp.
Và siêu xung đột chuyện ở riêng ở chung
Cuối cùng khi mà những xung đột không thể giải quyết ổn thỏa hoặc ngay từ đầu đôi trẻ đã quyết định ra ở riêng thì một vấn đề mới bắt đầu phát sinh và cũng là vấn đề bự nhất, đau đầu nhất khiến không ít cặp vợ chồng quyết định mỗi người mỗi ngả. Đó là ra ở riêng để có cuộc sống tự do hơn và để cả bên nội lẫn bên ngoại khỏi so đo tính toán với nhau. Với những nhà mà điều kiện không cho phép như chỉ còn một mẹ một bố hoặc các cụ trong nhà quá yếu, kinh tế không đủ để thuê người trông nom hoặc đưa các cụ vào viện dưỡng lão thì có lẽ đành chịu. Nhưng những nhà khác mà điều kiện cho phép thì hành trình từ lúc quyết định tới lúc thực sự ra ở riêng cũng đầy chông gai và thử thách. Đầu tiên là vấn đề tiền đâu, tiền đâu để mua? Tiền đâu để ra sinh hoạt? Tiền đâu để mà tiết kiệm? Khi mà các cặp đôi đã giải quyết được rồi đã mua xong rồi đã có nội thất rồi và chỉ chờ ngày chuyển đi thì lại xuất hiện vấn đề. Tiền này của ai?
Tiền của vợ con, tiền này hai đứa góp chung, tiền này vay ngân hàng trả lãi. Nhưng qua câu chuyện của các cụ trong này thì có vẻ hắn nhận thấy đa phần không tin và luôn giữ trong đầu tư tưởng tiền mua nhà sắm sửa nội thất này kia là của con trai mình, còn các cô con dâu chỉ tranh thủ mang về bên kia chứ làm gì có chuyện đóng góp này kia. Đây có lẽ là một tư duy khá nguy hiểm dễ dẫn tới những lời không hay sau này dù các cặp đôi đã ra ở riêng. Hắn không phủ nhận chuyện ngoài kia rất nhiều cặp đôi mà người đàn ông là trụ cột kinh tế là buồng lái về ngân sách khi mua sắm nhà cửa và phụ nữ có ít đóng góp hơn về mặt vật chất nhưng họ lại đóng góp về mặt an yên nuôi dưỡng con cái trong gia đình. Nhưng cũng không ít nhà, tiền mua một căn hộ là do cả hai vợ chồng cùng góp cùng tiết kiệt sau vài năm đi làm cũng như đứng ra vay thêm vốn ngân hàng cùng sợ hỗ trợ của gia đình hai bên. Nên cái suy nghĩ là tiền hoàn toàn do một bên nội lo hoặc ngược lại tiền hoàn toàn do bên ngoại chi ra, thằng kia chỉ chui chạn làm đếch gì có đóng góp là cực kỳ lạc hậu, độc hại và dễ từ một nghi ngờ rất nhỏ làm bùng nên những sự hiềm khích trong gia đình không đáng có. Mong rằng những suy nghĩ kiểu này sẽ dần biến mất trong một xã hội bình đẳng mà trong gia đình sự đóng góp của mỗi bên thì đều rất đáng quý và trân trọng.
Rồi thì sau khi vấn đề tiền đã được giải quyết ổn thỏa thì chuyện tại sao ra ở riêng lại nảy sinh. Mà thực ra chuyện này đã xuất hiện từ lúc các cặp đôi mới chớm ý định ra ngoài rồi. Các cặp trẻ hiện đại thì đa phần thích có không gian riêng tư, thích được tự do nhưng hội mẹ chồng thì lại tin vào thuyết tam đại đồng đường, cả nhà xum vầy trong một căn hộ mới là hạnh phúc. Và sự khác biệt làm nảy sinh những thuyết âm mưu vô cùng vô tận.
- Chắc con đó rót mật vào tại con trai mình để ra ở riêng
- Chắc là chúng nó ghét mình nên muốn ra ở riêng
- Chắc thằng con mình muốn ở rể nên kiếm lý do lý chấu đây mà
- …
- Vân vân và mây mây nhưng tư tưởng xuất hiện trong đầu các đấng mẹ chồng mà hắn tin các cặp đôi có nằm mơ cũng không nghĩ được chỉ một việc đơn giản là ra ở riêng mà lại xuất hiện nhiều suy nghĩ như vậy trong các cụ.
Và cuối cùng sau khi đã giải quyết bằng hết những trở ngại những tảng đá cản đường trong suy nghĩ kể trên thì là lúc các cặp đôi được tận hưởng trái ngọt được sống đúng với tuổi, suy nghĩ và quan điểm của bản thân. Và nhiều gia đình mới chợt nhận ra hình như cái cụ xưa dậy hông có sai tí nào “xa thơm gần thối” là có thật các bà các ông ạ. Nhiều cụ trong này thời gian đầu cực không thích cái ý tưởng sống riêng sống xa dù căn hộ mới cách đó chỉ một con phố, nhưng sau vài năm thử và thích thì nay họ chuyển phe sang hẳn phía ủng hộ cho các cặp đôi sống xa các cụ ngay từ lúc mới về làm dâu làm rể. Hắn cũng là một thành viên thuộc phe mỗi người một căn nếu điều kiện cho phép từ đầu chứ đừng để xung đột bùng nổ rồi mới tính đi ra ngoài thì nhiều khi là muộn màng và chẳng thể giải quyết triệt để được cuộc chiến mẹ chồng nàng dâu.
Viết tới đây đã thấy chợt đủ, dù biết rằng câu chuyện giữa hội mẹ chồng còn nhiều lắm những vấn đề những tầng ý nghĩa cao thâm mà với một kẻ non nớt như hắn thì còn lâu mới khai thác hết được. Thế nên xin phép dừng lại ở đây là đẹp là đầy đặn rồi.
Cả bài viết lẫn phần cuối này hắn sẽ không kết luận, quy chụp bên nào đúng, bên nào sai hay bên nào nên theo bên nào. Vì với hắn sự sai sự đúng chỉ mang tính quan điểm và tùy theo từng chủ thể văn hóa, mà nhiều khi chính sự gắn mác cho sự kiện và câu chuyện gây ra xung đột chứ chẳng phải bản thân vấn đề đó. Thế nên hãy để bài viết này thật trung lập, thật vô tính không âm không dương và cũng chẳng đúng chẳng sai. Chỉ cảm nhận và thưởng thức mà thôi bạn nhé.