Tâm sự

Tiếng Việt đẹp lắm nhưng thiếu

(Bài viết được gõ trên quan điểm của dân thường, ít học ít nghiên cứu về ngôn ngữ và từ vựng. Nên sẽ rất nhiều chỗ viết như một con ếch béo đang ngồi sâu trong giếng ít khi được khai sáng)

Tiếng Việt thiếu cái chi?

Thiếu một kho từ chuẩn trực tuyến mà ai cũng có thể tra cứu cũng như được bổ sung và cập nhật liên tục theo sự phát triển của thời đại và văn hoá đại chúng, là thứ đầu tiên hắn muốn đề cập tới. Hắn đang dùng những từ điển như Longman hay Oxford mà thấy cái kho từ của họ càng ngày càng phình to ra và cực kỳ hấp dẫn người đọc với tra cứu. Một phần lớn là nhờ đội ngũ biên tập rất chuyên nghiệp, liên tục bổ sung những từ mới, những từ gắn liền với cuộc sống và những sự kiện mang hơi thở của thời đại nhưng vẫn rất chuẩn mực khi phải trải qua các bước tuyển lựa rất khắt khe thì mới được bổ sung. Chứ không phải kiểu từ nào đưa lên cũng được duyệt và cho vào. Phần còn lại là sự góp công của đội ngũ cộng tác viên, lẫn người tra cứu góp phần bổ sung và đánh giá thêm về một từ mới nào đó được lên sóng.

Kho từ lớn là vậy. Nhưng không có nghĩa là nó cứng ngắc và bất biến qua mọi thời đại mà luôn có sự thay đổi, biến tấu thậm chí là sáng tạo để có thêm những bộ từ điển mới với nền tảng là những từ gốc. Ví dụ như từ điển về thành ngữ, tiếng lóng hay tiếng địa phương chẳng hạn. Hay thậm chí nhiều nhà văn còn sáng tạo ra những ngôn ngữ độc đáo riêng làm màu mỡ thêm kho từ vốn đã quá đỗi phong phú ở bên đó rồi. Nhà văn J. R. R. Tolkiez là một ví dụ kinh điển cho những gì hắn đang nói.

Vậy thực sự là Tiếng Việt có thiếu thật không thì hắn nghĩ là không, mà ngược lại Tiếng Việt cực kỳ phong phú và đa dạng. Cái thiếu ở đấy chính là những nguồn có thể dễ dàng tiếp cận để có thể trau dồi và bổ sung thêm. Cũng như một nguồn chính thống để hoàn thiện, chỉnh lý và bổ sung những nét những từ thuộc về văn hoá thời đại vào. Hắn nói thế không phải là không có những nguồn như vậy, mà vấn đề là những nguồn đó cực kỳ khó tiếp cận với mọi người, chỉ những ai đang nghiên cứu về chữ nghĩa mới có thể chạm đến hoặc phải yêu ngôn ngữ làm thì mới có thể tìm ra. Chứ còn người bình thường thì chắc chịu chết. Đó chính là mặt yếu và thiếu đầu tiên của Tiếng Việt hiện nay.

Nói tiếp chuyện sáng tạo ở phần trên, thì Tiếng Việt cũng có một vài những đề xuất những đổi mới nhất định nhưng thực tế ra chưa ra khỏi vỏ thì đã bị đập cho ra bã. Chắc ai cũng còn nhớ câu chuyện năm 2017 của PGS Bùi Hiển với những sáng tạo về cách thức trình bày và phát âm của Tiếng Việt. Cụ thể, bác ấy đề xuất C sẽ được thay cho Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = D, Gi, R. Kết quả là ai cũng biết rồi đấy. Cả cộng đồng mạng lẫn những người có tiếng trong nghề đều dìm như chưa bao giờ được dìm hơn. Hắn có một bài viết về quan điểm của hắn với việc chỉnh sửa này. Bạn có thể ghé qua để đọc nhé https://vspthd.com/van-vo/ngon-ngu-tieng-viet-moi/ à và một bài nữa ứng dụng ngôn ngữ mới này vào một bài viết hắn cũng đăng ở đây luôn https://vspthd.com/van-vo/cuyen-qu-qon-bien-tau/

Tiếng Việt ngày nay thật sự thiếu sự hỗ trợ từ các bậc cao nhân trong ngành lẫn sự ủng hộ từ mạng xã hội, nơi mà những người bình dân học vụ như hắn vẫn sử dụng nó hàng ngày. Ở vế các bậc cao nhân thì hắn không hiểu rõ mà cũng chẳng muốn bàn sâu hơn, vì thực tế đang diễn ra là vậy. Bất cứ một đề tài nào mới hăm he đưa ra thôi đã bị cơ số cao nhân biên bài phân tích và nhét cho xuống trở lại lỗ rồi thì còn nói gì tới phát triển và cải biên cho thêm giàu thêm phong phú nữa. Ngược lại hoàn toàn với văn hoá xây dựng và hỗ trợ mà bên trời tây họ làm. Bên đó dù ý tưởng có điên có ngỗ ngược và lạ kỳ tới cỡ nào, thì các bậc cao nhân luôn luôn phản hồi trên tinh thần xây dựng với góc nhìn rất tích cực thậm chí sẵn sàng đi ngược lại luôn với ý kiến của đám đông hay có thể gọi với một cái tên khác là cộng đồng mạng. Nhưng ở ta thì trên mạng chửi với dìm đã đành, đằng này đến cái bậc cao nhân cũng hùa theo và kết quả là chưa kịp có tí gì đổi mới thì đã chui lại vào hang ngủ đông rồi. Và như một lẽ dĩ nhiên, khi các bậc cao nhân đã mở lời phản biện và dìm hàng, thì con dân như hắn với thói quen hít hà drama cũng nhiệt tình ném gạch ném đá theo. Kết quả là Tiếng Việt thiếu trầm trọng sự ủng hộ từ cả trên lẫn cả dưới. Và tiếp tục chết dí và nhàm chán vô cùng trong những quyển sách vô hồn mà bọn nhóc vẫn mang đi mang về mỗi ngày.

Và cái cuối cùng mà Tiếng Việt thiếu đấy là một nền tảng văn hoá thiệt mạnh của việc thích đọc và ham mê tìm hiểu. Cái này là hệ quả của phần trên hắn đã đề cập. Từ các bậc cao nhân học nhiều hiểu rộng còn cư xử như vậy thì bọn nhỏ ở dưới tất nhiên là cũng vậy. Và tổng hoà trở thành một lỗ hổng rất lớn trong văn hoá. Mà trên báo đài với ra rả hàng ngày, người Việt lười đọc, người Việt lười ghi chép, người Việt ít chịu sáng tạo… Với những nước có nền văn hoá đọc, văn hoá tra cứu, tìm hiểu và sáng tạo mạnh họ có số lượng sách được tiêu thụ mỗi năm vô cùng lớn. Và kết quả là ngôn ngữ của họ cũng phát triển lên cao và ngày càng phong phú. Hắn chưa thấy một nước nào sách ít, người dân lười đọc và dìm hàng là một môn thể thao mà nuôi dưỡng với phát triển mạnh về mặt ngôn ngữ cả. Có chăng chỉ có trong mơ với ảo tưởng.

Thế nên xin phép được chốt ở phần này. Tiếng Việt thiếu một kho dữ liệu to và chuẩn, thiếu sự ủng hộ của toàn dân cả cao tầng lẫn thấp tầng và quan trọng nhất thiếu một văn hoá đọc được xây dựng bài bản.Hắn

Tiếng Việt những ảnh hưởng và tác động

Dọc theo dòng chảy lịch sử của Tiếng Việt, bắt đầu từ thời các cụ xa xôi với những chữ Hán chữ Nôm uốn lượn như rồng như phượng. Tới thế kỷ 15-16 khi các giáo sĩ Bồ Đào Nha ngôn ngữ hoá chữ Việt thành dạng Latin như hiện giờ, để tiện cho việc ghi chép và học hỏi. Rồi tới ngày nay thời đại của kỹ thuật số và mạng internet. Tiếng Việt đã trải qua vô số thăng trầm. Ấy vậy mà vẫn có bô lão nghĩ rằng, Tiếng Việt hồi các cụ còn trẻ hay hơn, dùng tốt và đỡ mất chất hơn bây giờ. Hắn chợt nghĩ giờ mà các cụ đồ ngày xưa thật xưa mà sống lại chắc cũng bóp cổ bằng hết các bô lão thời nay vì thấy toàn dùng abc chứ không phải là ô vuông với một móc lên một móc xuống đâu nhì 😂

Và theo suốt những mốc thời gian đó, Tiếng Việt luôn biến đổi, bổ sung và thêm mới để hoàn thiện và lớn dần lên từng ngày. Đi cùng với sự trưởng thành đó là những ảnh hưởng và đóng góp của Tiếng Việt vào mọi mặt cuộc sống, mà dù ít dù nhiều hắn tin là bạn cũng đã từng quan sát và nhận ra những tác động đó.

Đầu tiên những bài thơ, bài văn và bài hát là những đứa con nổi tiếng nhất mà Tiếng Việt sinh ra. Ai mà chẳng từng đọc một bài văn, ngâm một bài thơ và ngêu ngao hát một bài nhạc chứ, phải không nào? Và cũng nhờ những đứa con này mà không ít người dù mù chữ, vẫn có thể thuộc có thể cảm nhận và thưởng thức Tiếng Việt như những ngườii có học. Và cũng nhờ chúng mà Tiếng Việt được nhiều người biết đến hơn, xa hơn rộng hơn thậm chí tận những đất nước xa xôi. Chả thế mà những năm gần đây vô số người nước ngoài tới Việt Nam để học tiếng ta và nói tiếng ta đến là sõi.

Thứ hai là những dòng lịch sử dân tộc được ghi lại bằng cái chi ta? Dĩ nhiên là được ghi bằng Tiếng Việt rồi. Cho dù đó có là cách thể hiện kiểu rồng rắn như chữ Nôm, hay quy củ chuẩn chỉ thẳng hàng như chữ Latin. Thì không thể phủ nhận một điều là không có Tiếng Việt thì lấy cái gì mà ghi lại những sự kiện đã diễn ra ở ta. Đừng bảo là lại xếp đá và thắt nút như hồi ăn lông ở lỗ nhé. Và nếu nói không ngoa thì nhờ Tiếng Việt mà lịch sử nước ta mới có thể được nhớ tới, ôn lại, dạy dỗ và kỉ niệm như ngày nay.

Trong công việc hàng ngày, việc gửi email qua lại, việc viết báo cáo, thậm chí là họp hành và bàn giao nhiệm vụ thì một người đọc thông viết thạo và sử dụng Tiếng Việt một cách nhuần nhuyễn, chắc chắn sẽ có những lợi thế hơn những người viết toàn sai, ghi chép thì ngắn cũn khó hiểu và truyền đạt thì lan man lệch ý lệch nghĩa. Thôi thì hắn cũng mạnh dạn gán luôn cho Tiếng Việt khả năng hỗ trợ tăng lương tăng chức.

Rồi trong giao tiếp, nhất là trong giai đoạn Cô vy như hiện tại thì ngôn ngữ càng được thể hiện vai trò của nó hơn. Cho dù có là chat, video call hay là chém gió qua lại. Thì càng biết nhiều từ, càng thành thạo Tiếng Việt thì có phải chém gió càng nhiệt tình và sâu cay hay sao. Nên là hắn cứ mạnh dạn bổ sung thêm nhờ Tiếng Việt mà việc giao tiếp mới hào hứng và đa nghĩa đến thế, nói một nhưng người hiểu thì đến mười kiểu khác nhau 😏

Cách để hỗ trợ cái sự thiếu của Tiếng Việt

Đầu tiên là về mặt cá nhân:

Hắn có follow mấy trang sau để bổ sung vào vốn từ vựng ít ỏi của hắn về Tiếng Việt, cũng như học lại nhắc lại những từ cũ mà bản thân đã quên hoặc lâu không dùng tới. Nếu bạn thích cũng thì theo dõi với hắn để làm giàu thêm kho từ Tiếng Việt nhé:
Trang Tiếng Việt giàu đẹp: https://www.facebook.com/tiengvietgiaudep/
Trang Ngày ngày viết chữ: https://www.facebook.com/ngayngayvietchu/
Trang Cảnh Sát Chính Tả: https://www.facebook.com/canhsatchinhta

Hắn viết lách và chia sẻ thật nhiều để mài sắc ngòi bút (chính xác hơn là bàn phím) đồng thời luyện tập Tiếng Việt mỗi ngày. Và tất nhiên cũng không ngại thử nghiệm những từ mới, từ thời thượng và thật TEEN CODE để tránh trở thành người tối cổ 😃

Hắn đọc sách cũng nhiều không kém. Đúng kiểu mọt sách đít chai dày cộp trước mắt. Mà qua sách hắn học được rất nhiều kiến thức và cách dùng từ Tiếng Việt hay và thâm thuý.

Thứ hai là về mặt mong muốn:

Hắn mong cộng đồng mạng và các bậc bô lão, học cao hiểu rộng hãy mở lòng và chấp nhận những sự thay đổi cần có và sáng tạo của Tiếng Việt. Để nó không trở thành một ngôn ngữ khô cứng và nhạt nhẽo dần theo thời gian. Trong khi ngôn ngữ nhà người ta thì ngày càng mở rộng và lớn mạnh.

Hắn mong sẽ có một Mạnh Thường Quân, hoặc một công ty nào đó có tài chính thật mạnh. Đầu tư xây dựng một kho dữ liệu thật chuẩn thật bự về Tiếng Việt. Và quản lý để cái kho đó được nạp thêm mở rộng thêm từng ngày. Để đến một lúc nào đó hắn có thể được bình chọn những từ hay nhất trong năm. Hay cứ cuối mỗi năm 20xx lại có một bản báo cáo gửi toàn thể thành viên kiểu “Trong năm qua kho dữ liệu từ điển Tiếng Việt đã bổ sung xx từ mới”

Và hắn mong muốn nhất, một văn hoá đọc và học sẽ ngày một thấm sâu thấm rộng để mọi người ở Việt Nam đều yêu thích và ham mê tìm hiểu về con chữ nói riêng và kiến thức nói chung mỗi ngày.

Chuyện tương lai

Tiếng Việt đã già nhưng không có nghĩa là sẽ chết sẽ yếu dần như nhiều dự đoán về tương lai của các anh em đi tây học và nói tiếng nước ngoài như gió. Cái này hắn khẳng định luôn. Vì cho dù là thứ ngôn ngữ siêu xưa và lạ hoắc của vượn người mà đến thời điểm hiện tại vẫn có người đọc, viết và nghiên cứu thì cái thứ Tiếng của một dân tộc gần trăm triệu dân thì biến mất vào mắt. Có mà càng ngày càng có nhiều người nói thêm thì có ý 😛 Tất nhiên không thể phủ nhận một thực tế ở thời hiện tại khi mà Tiếng Anh mới là ngôn ngữ quốc tế và được rất nhiều người theo học. Thì Tiếng Việt đúng là có một chút yếu thế và bị lép vế so với những ngôn ngữ số 1 số 2. Nhưng bạn đừng quên rất nhiều người nước ngoài cũng đang học Tiếng Việt, và rất nhiều thế hệ x2 x3 sinh ra ở nước khác vẫn thích thú ngâm cứu và nói Tiếng Việt. Nếu không tin cứ thử xem trên Youtube mà xem, hắn tin là bạn sẽ ngạc nhiên về trình độ Tiếng Việt của nhiều bạn sinh ra bên đó, và sẽ ngạc nhiên hơn khi biết họ hay cả bố mẹ họ còn chưa đặt chân về Việt Nam lần nào đấy, Thế nên trong tương lại dù gần dù xa, đừng hão huyền đoán mò về cái chết của Tiếng Việt làm gì.

Tiếng Việt là sự tự hào của hiện tại nhưng cũng bao hàm những thách thức trong tương lai mà thế hệ trẻ, đặc biệt là thế hệ tiếp cận với Internet phải giải quyết dù muốn hay không. Đừng biện minh rằng bạn không phải một nhà ngôn ngữ học hay bạn chẳng quan tâm đến Tiếng Việt. Vì như đã nói rất nhiều ở mục trước đó, Tiếng Việt tác động đến tất cả các mặt của đời sống xã hội, Thế nên thách thức này thuộc về bạn lẫn cả hắn. Làm cách nào để Tiếng Việt mỗi ngày một lớn, một khoẻ và hay hơn đẹp hơn. Hãy cùng trả lời và tìm ra lời giải cho thách thức này bạn nhé.

Leave a Comment