Tâm sự

Thưởng trà phong cách VSPT

Uống trà là một môn nghệ thuật và người uống trà đôi khi được coi là một người nghệ sĩ. Người nghệ sĩ đó có thể tung hứng, nhảy múa hay hấp nạp được bao nhiêu tinh hoa của trà phụ thuộc rất lớn vào cách thưởng thức. Thế nên hôm nay, với kinh nghiệm ít ỏi về uống trà của riêng bản thân, hắn lại muốn được chia sẻ được kể cùng mọi người cách thưởng trà của hắn.

Bước 1: Thưởng Hương

Bước này trải qua nhiều giai đoạn từ lúc mở túi chè được rút chân không, hít hà cái hương thơm đầu tiên được nén kín trong bao. Cho tới khi chè được đổ ra lọ, rồi từ lọ được xúc từng thìa bỏ vào ấm. Và tới lúc nước tráng trà dội qua lần thứ nhất, hương vị trà bắt đầu bung toả thơm phức cả một gian phòng, nước rút đi để lại hương trà đậm đà mời gọi cho nước đầu. Rồi khi nước đầu tiên đã ngấm đủ hương, được rót ra chiếc chén nhỏ tí hon xinh xinh, và được người uống mâm mê thứ hương thơm gây nghiện này từng chút từng chút một. Mỗi một khâu trong đó đều là hành trình của hương trà, hành trình của trải nghiệm mà người uống trà bắt buộc phải đi qua để đến được bước cuối tận hưởng trọn vẹn một ấm trà ngon.

Hương trà trong bước này sẽ đi qua cánh mũi đầu tiên, rồi đi xuống họng và nhẹ nhàng lượn lờ hạ xuống tận tâm can lúc nào không hay. Thời gian dường như diễn ra rất nhanh ở bước thưởng hương, khi mà hương trà trôi từ mũi xuống sâu thật sâu chỉ trong chưa tới một giây. Nhất là khi lượt nước sôi tráng chè đổ vào ấm rồi đổ ra. Mùi hương đậm vị sộc thẳng lên chui qua mũi qua mắt qua miệng qua tai rồi chạm vào vùng nào đó trong não khiến ta dường như khựng lại, mê mẩm và tự nhiên buộc miệng ra “Trà thơm quá”. Thơm trên tay, thơm trên chén, thơm trong không khí và thơm xuống tận sâu trong lòng.

Bước 2: Thưởng Vị

Các cụ thường nói chén đầu thưởng hương, chén hai thưởng vị. Chén trà từ nước thứ hai mới thật sự bung toả vị đặc trưng của riêng nó. Thường mọi người nghĩ chát là vị đặc trưng của trà, nhất là ở Việt Nam khi mà trà Thái Nguyên đã quá nổi tiếng. Nhưng thật ra thì chát chỉ là một trong những vị của thế giới trà muôn vị. Ngoài chát còn có ngọt, vị đắng, vị chua, vị trái cây, vị gỗ, vị tanh tanh, vị hăng hăng và vô số vị khác nhau. Mà có lẽ, với bản thân tuổi đời nhỏ bé hắn vẫn chưa thể trải nghiệm hết được. Hy vọng trong tương lại hắn sẽ được nếm thêm, trải nghiệm thêm nhiều vị trà trên đầu lưỡi.

Thời gian trong bước thưởng vị này chậm hơn ở bước đầu tương đối. Nếu như ở bước đầu tiên, hương trà chỉ mất chưa tới một giây để lan toả và xuống sâu hết cỡ. Thì ở bước này vị trà mất đôi ba giây để quyện lên quyện xuống trên đầu lưỡi, rồi mới nhẹ nhàng trôi xuống cuống lưỡi và cuối cùng là trào xuống họng của người uống. Mỗi một cuộn sóng của trà trong miệng đều đánh thật mạnh vào từng tế bào vị giác, đập thật sâu vào từng rễ thần kinh nối tới lưỡi và truyền đi những tín hiệu dữ dội của vị trà về não bộ. Rồi từ đó lại một tiếng “Trà đậm, Ngon” bỗng đâu thốt ra một cách vô thức mà người uống cũng chả hay.

Bước 3: Thưởng Sắc

Màu của tách trà cũng đa dạng như bảy sắc cầu vòng. Mỗi loại trà khác nhau lại đưa tới một màu khác biệt. Trà được oxy hóa nhiều thường nghiêng về màu nâu đỏ hoặc cánh gián, trà được oxy hoá ít thì vẫn giữ được màu vàng nhẹ, trắng trong hoặc vàng sóng sánh. Riêng trà xanh thì giữ trọn màu nguyên bản của lá chè khi pha tuỳ vào thời gian thu hái và bảo quản, có loại trà xanh cho màu xanh mượt mà, có loại trà xanh lại cho màu xanh nhẹ nhàng êm ái. Nhưng cũng có loại trà xanh mang một màu nước vàng cốm mê đắm người thưởng thức. Cho dù là màu nào đi chăng nữa thì quá trình thưởng sắc của tách trà đều đem tới những cảm xúc khác lạ. Đó là cảm xúc thâm trầm, ổn định và một chút chậm của màu đỏ màu nâu. Đó là cảm xúc thanh bình, thư thái của màu trong vắt như nước suối chảy từ trong lòng núi ra. Đó là cảm xúc tận hưởng, thưởng thức và mê đắm của sắc trà vàng cốm. Muôn màu trà muôn màu cảm xúc. Nếu có nói thưởng thức màu trà cũng giống như trải nghiệm một bức tranh đẹp thì cũng không có gì là quá đáng.

Bước 4: Thưởng Trà

Thưởng trà cũng là thưởng chuyện nhưng đồng thời cũng để sống trong những miền tưởng tượng khác nhau. Thưởng trà cũng là ngắm nghía cô gái trà nương bên cạnh xinh đẹp, cười tươi cỡ nào. Thưởng trà cũng là gắn kết với người phía trước, với bạn bè xung quanh và cũng là gắn kết thật sâu với chính tâm hồn mình. Thưởng trà cũng là thưởng thức những miền văn hoá khác nhau trong những câu truyện được nghe được hít hà và được nhìn thấy trên đường đời.

Thời gian ở bước thứ tư này trôi nhanh đến không tưởng như một cơn gió, vút cái đã qua từ lúc nào chẳng biết. Có nhiều người ngồi cả tiếng đồng hồ thưởng trà và tâm sự bên bạn hiền mà cứ ngỡ chỉ qua vài phút. Thế nên mới có câu từ thời các cụ:

Pha trà cả canh, thưởng trà một khắc

Ý nói rằng, mấy khâu pha chế ủ ấm có thể thấy lâu thấy dài nhưng khi đã đến bước thưởng trà mà hội tụ vài yếu tố hợp thì thời gian chớp mắt đã qua. Chớp mắt trà đã hết, chớp mắt bạn hiền đã phải về và chớp mắt một câu chuyện đã được kể xong.

Leave a Comment