Tâm sự

Phòng của “người nghèo”

Đợt này đi viện thay dây JJ cho cụ nhà, hắn lại được nghe một cụm danh từ mới từ các cô các bác cùng phòng bệnh đấy là “phòng của người nghèo“. Vậy cái phòng đó là gì? Tại sao mọi người ở đây gọi nó như vậy? Hãy cùng hắn khám phá trong bài viết ngày hôm nay nhé.

Đầu tiên xin nói luôn đây hoàn toàn là cách gọi vui của các bệnh nhân trong phòng với hàm ý vui vẻ và trêu đùa nhau cho qua cơn đau sau phẫu thuật là chính, chứ không có ý định đả kích hay quy chụp cho bất kỳ ai. Nên nếu bạn cảm thấy hông vui, hông khoái và bực bội khi nghe cụm danh từ này. Hãy bỏ qua và coi như chưa từng thấy nó trên blog này của hắn nhé.

Rồi vào nội dung chính thôi, ở bệnh viện thường có hai loại phòng, một là phòng thường hay phòng bảo hiểm và loại thứ hai là phòng dịch vụ hay còn có một cái tên mỹ miều phòng chất lượng cao.

Loại một thì chắc đã qua quen với hầu hết những người đã từng đi viện, đây là phòng được bảo hiểm chi trả hầu như gần hết tùy vào % trên thẻ bảo hiểm. Ưu điểm của loại phòng này là rẻ. Còn nhược điểm thì khi bệnh nhân quá đông, tình trạng nằm ghép là chuyện thường ngày ở huyện. Trong quãng đời lang bạt đi trông người thân ở viện của hắn thì giai đoạn duy nhất những phòng này không có chuyện nằm ghép là thời điểm covid bùng phát. Còn lại thì báo chí thường nói thế nào thì nó đúng như vậy trong thực tiễn.

Loại hai thì số lượng người xài ít hơn và cũng kém phổ biến hơn loại một. Ưu điểm thì phải một lố như sạch, đẹp, vắng, thơm ngon và chất lượng cao. Nhưng nhược điểm thì chỉ có một đấy là giá đắt, không phù hợp lắm với tầng lớp người dân nghèo tựa như nhà hắn 😥 Nên thú thực với mọi người dù cũng từng qua thăm, qua ngó nghiêng thậm chí tắm nhờ những phòng dịch vụ dạng này thì nhà hắn cũng chưa từng trực tiếp trải nghiệm qua một đêm trong phòng chất lượng cao. Nên mấy thứ hắn viết về loại phòng này hoàn toàn do hóng hớt và nhìn lén vô những khi phòng mở cửa lau chùi. Và bài viết ngày hôm nay tập trung nhiều hơn vào loại một, còn loại chất lượng cao này sẽ lướt qua đôi chỗ để mà có cái so sánh thôi.

Phòng nào thì cũng đau như nhau là điều mà dù muốn hay không thì bệnh nhân nào cũng phải gật đầu công nhận. Dù là phòng 1 củ 2 củ hay chục củ như ở các bệnh viện tư lẫn bệnh viện có yếu tố nước ngoài thì cơn đau của những người bệnh nằm ở đó cũng có đúng một vị thôi à. Tất nhiên thuốc tốt hơn, hóa chất giảm đau có số má hơn thì cũng phần nào làm giảm bớt cái sự nhức nhối và đau buốt tại các vị trí bị hành hạ, nhưng đó lại là một hạng mục khác rồi còn ở chủ đề phòng ốc thì phòng bảo hiểm hay phòng dịch vụ hắn xin phép kết luận một câu là đau y xì đúc, chả thể vì phòng vắng hơn, sạch hơn mà cơn đau nó đỡ cho đi. Tất nhiên về một phần nào đó trong cảm giác thì khi đau mà phải nằm ghép hai ghép ba chật chội thì cũng có đôi phần tủi hơn nằm một mình một giường.

Một số thứ ở phòng dịch vụ theo các bác ở phòng của người nghèo là thừa thãi, không cần thiết ví dụ như tủ lạnh, tivi, sofa và bàn tiếp khách. Nhưng hắn thì lại nghĩ khác, chúng nó tồn tại ở đó vì cần thiết và sẽ phục vụ cho những mục đích đặc thù nào đó. Vì hắn thấy một số bệnh nhân khi khách đến thăm tặng hoa quả, đồ ăn thì ở phòng thường sẽ hỏng nhất nhanh, có lẽ nó thuộc về vấn đề môi trường trong viện nhưng khi ở phòng dịch vụ bạn có thể tống vào tủ lạnh và không cần phải xơi ngay hoặc bắt buộc phải đem chia cho mọi người. Hay như bàn tiếp khách, một số bệnh nhân trong một đợt nằm điều trị có khi chả có ai thăm hoặc chỉ một vài người quen với họ hàng gần. Nhưng có nhưng bệnh nhân, một buổi chiều thôi số khách vào thăm đã vượt qua con số vài chục thậm chí chạm vào hàng trăm. Cá biệt có những đoàn khách lên đến vài chục và phải chia nhóm vào theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế. Và từ đây cũng có nhiều sự xung đột và tranh cãi xảy ra về giờ giấc thăm nom về số người được vào phòng bệnh. Hắn đã từng chứng kiến một vụ như thế năm 2022 và y tá trực phải gọi vài bác bảo vệ lên can thiệp nếu không từ võ mồm rất dễ dẫn tới đụng tay đụng chân. Thế nên ở điểm này hắn xin chốt, cái gì đã có ở đó chắc chắn hông có thừa.

Ấy sao đoạn trên lại giống khen và pr cho loại phòng loại 2 thế nhì? Thôi thì lại chuyển qua khen loại số 1 phát. Thứ nhất phòng cho người nghèo thì đông vui và ấm cúng hơn rất rất nhiều. Những buổi nói chuyện rôm rả luôn xuất phát từ những phòng như thế và phần nào theo thiển ý của hắn làm bệnh nhân có những khoảnh khắc bớt chú tâm vào vết mổ hay mấy cái ống dẫn lưu đỏ lòm, tất nhiên mặt trái là sẽ ồn và ít yên tĩnh để nghỉ ngơi hơn loại số 2. Việc nhờ vả giữa các giường bệnh trong này cũng thuận tiện và dễ dàng hơn vì nhà ai cũng nghèo và neo người như nhau, nhưng tổng số lượng trong phòng thì lại đông nên nếu có vấn đề gì thì giường này sẽ giúp giường nọ. Trong khi ở phía ngược lại các phòng dịch vụ thường chỉ có một hoặc hai giường nên có lúc cần người này người kia để đỡ để dìu hoặc thiếu một thứ gì đó thay vì có thể xin thì bên này có lẽ phải chạy đi mua. Ở điểm này với tư thế là người đã từng kha khá lần qua các phòng dịch vụ để giúp đỡ nâng hạ hoặc chỉ bảo thì hắn hơi tự tin để khẳng định mặt hơn này là chuẩn. Ngoài ra vì phòng cũng đông nên nếu một bệnh nhân nào đó có sự bất thường sau mổ vào ban đêm thì cũng được phát hiện và loan báo cho các bác sĩ trực một cách cực kỳ nhanh chóng.

Nhưng cũng có một thứ ở phòng loại 1 hơi bị buồn so với loại 2 đấy là vấn đề nhà vệ sinh. Xuất phát cũng từ cái sự đông kể trên nên khả năng phục vụ và sức chứa sô cô la nội sinh cũng vô cùng giới hạn. Bạn thử tưởng tượng nhé, một phòng bệnh có khoảng 5 giường thì sẽ có 5 tới 10 người bệnh nếu phải nằm ghép. Thêm khoảng tương đương số đó nữa người nhà thì sẽ có khoảng 10 tới 20 người thường xuyên ra vào gặp William Cường. Trong ngày thì việc sắp xếp vào ra cũng tạm gọi là ổn nhưng đầu giờ sáng mới gọi là thời điểm khủng khiếp, ai cũng muốn vào. khẩn cấp muốn vào, tha thiết muốn vào, sống chết muốn vào nhưng lại chỉ có một và chỉ một được vào mà thôi. Thành ra ai nhịn được thì cứ nhịn, ai không chịu được thì phải chạy sang nhờ phòng khác và có một vài trường hợp, thường là người già chọn cách tỉnh giấc lúc 3-4 giờ sáng để giải quyết sớm rồi lại vào ngủ tiếp. Như hắn thì cũng tùy cơ ứng biến, nhưng cũng gọi là đối tượng quen đường quen lối quen tình hình rồi nên cứ tà tà dậy khi y tá đi phòng đo huyết áp buổi sáng. Rồi thong thả nhẹ nhàng cầm khăn mặt bàn chải và một ít giấy vệ sinh tản bộ xuống khu khám bệnh. Lúc này cực kỳ vắng vẻ vì chưa vào giờ khám, lại sạch sẽ do mới được các bác lao công lau dọn đầu giờ, rồi tâm sự dày mỏng với anh Cường thôi. Thêm một vấn đề cũng tại cái chỗ giải quyết nỗi buồn này của phòng bảo hiểm đấy là ý thức của những người sử dụng, có người ý thức tốt nhưng cũng có người ý thức khá tệ. Dù trên tường đã ghi rất rõ “không vứt giấy vào bồn”, “không đổ đồ ăn thừa vào chỗ rửa mặt” nhưng sự thật là năm nào hắn cũng thấy tình trạng này xảy ra. Hệ quả là bồn cầu tắc, chỗ rửa mặt cũng tắc phải gọi lao công tới xử lý (xin nói thêm một chút có năm hắn ở cùng một ngày mà tắc tới 2 lần và đều do nguyên nhân vứt giấy vô bồn) và người chịu hậu quả trực tiếp chính là những người bệnh trong phòng đó.

Ok tiếp một thứ nữa chắc được nói nhiều qua rất nhiều thời kỳ rồi nên hắn cũng chỉ nhắc lại một chút dưới tâm thế người nhà thôi đấy là chuyện nằm ghép. Sẽ rất khó để mà giải quyết vấn đề này trong ngày một ngày hai với lượng bệnh nhân mỗi ngày tới khám hiện nay tại các bệnh viện tuyến thành phố và trung ương nên xin phép bỏ qua phần nguyên nhân với giải pháp. Chỉ là đã từng nhòm giường 2 thậm chí cá biệt có thời điểm ngắm giường 3 giường 4 trong các phòng của người nghèo thì hắn chỉ thấy nó chật chội, vướng víu và khó khăn lắm mọi người ạ, vất vả cho người bệnh mà cũng vất vả cho cả người đi chăm. Dù có thơ văn, nghệ gừng hành tỏi lạc quan như thế nào đi chăng nữa thì cái sự nằm ghép này nó cũng không hề mang màu hường. Nhất là với những ca người già, khó di chuyện hoặc liệt hẳn phải vệ sinh tại giường. Nói chung chỉ biết ước và ước tình trạng này sẽ dần được cải thiện theo hướng tự nhà ta giàu lên để chuyển qua phòng chất lượng cao hoặc nhiều nhiều bệnh viện được xây mới mà thôi. Mong là ước mơ này dù là phần trước hay phần sau cũng sớm thành hiện thực.

Rồi có lẽ bài viết hôm nay sẽ dừng ở đây, để một chút vui một chút lạc quan ở đầu vẫn còn chưa phai hết vì đoạn cuối hơi chút nao lòng này bạn nhé.

Leave a Comment