Nhân dịp kỉ niệm 70 năm giải phóng thủ đô 10/10/1954 – 10/10/2024 xem các chương trình chào mừng trên tivi với những hoạt cảnh đoàn quân tiến về thủ đô và có một câu hát làm hắn hơi chút tâm tư đấy là “Nhớ về Hà Nội“. Hắn băn khoăn tự hỏi bản thân, với những người đã rời khỏi thủ đô, thậm chí ra nước ngoài thì họ có một nỗi nhớ thuộc về khoảng cách, còn với một người đã, đang và vẫn sống tại Hà Nội như hắn thì có nỗi nhớ nào không?
Và câu trả lời là “CÓ“, vậy thì hắn nhớ gì về Hà Nội?
Hắn nhớ những mùa thu mát mẻ, thời tiết dễ chịu và đong đầy sự yêu thương mà có lẽ phải lâu lắm rồi người Hà Nội không được trải nghiệm. Nguyên nhân thì đã được hắn viết dài dài trong bài luyên thuyên về biến đổi khí hậu đợt trước rồi nên hôm nay sẽ không đi sâu vào tìm kiếm gốc rễ của cái sự mất mát tiết trời thu ở Hà Nội nữa. Chỉ biết rằng hiện giờ đã chuẩn bị cuối thu đầu đông, nhưng tiếng cục nóng điều hòa vẫn phần phật vang lên trên những ban công nhỏ trong ngõ. Mồ hôi vẫn tuôn rơi trên những tấm lưng trần của đội thanh niên nhiều mỡ như hắn dù là sáng sớm, giữa trưa hay khi mặt trời đã khuất bóng. Nhìn vào những hoạt cảnh bộ đội mặc áo trấn thủ trên tivi mà hắn tự hỏi, chắc ngày xưa xưa ấy thời tiết tháng 10 phải lạnh lắm thì quân dân ta mới phải dùng đến trang phục này, chứ ở hiện tại mặc áo ba lô thôi mà hắn còn mướt mồ hôi thì cuốn vào cụ áo trấn thủ này chắc chỉ có làm nồi hầm. Thế nên hắn nhớ da diết cái tiết trời man mát và đôi chút se lạnh của ngày hắn còn bé, của một mùa thu đúng nghĩa tại Hà Nội mà đã đi xa lắm rồi chẳng thấy còn quay về nữa. À xét chi li ra thì cũng có thời điểm quay về nhưng được đôi hôm em nó lại xách mông đi và thời tiết lại nóng lại oi như mọi hôm.
Hắn nhớ những hàng cây cổ thụ xanh mát mà mỗi năm lại một ít đi trên những con đường tại thủ đô. Có cây thì do làm đường nên phải di dời, có cây thì cũ quá nên bị bão quật gẫy đổ và cũng có những cây do những tác động của chính những chủ nhà gần đó làm chết dần chết mòn vì những lợi ích phù phiếm của con người. Hắn nhớ ngày còn bé ở con phố Lê Văn Hưu tràn ngập những thân cây vài người ôm không xuể, tán thì xòa rộng che sang cả lề đường bên kia và những ngày hè thì mát rượi khi đứng dưới tầng tầng lớp lớp lá phía trên. Giờ Hà Nội ít cây đi, các cây cổ thụ do những lý do về an toàn mùa mưa bão cũng được tỉa và xén bớt, còn cây trồng mới thì bé bỏng và các tầng lá không được dày như ngày xưa. Nhất là sau cơn bão Yagi vừa qua, có những khoảng trống về cây xanh vẫn chưa được lấp đầy. Nhiều ô trồng cây dọc các con phố vẫn chỉ là đất, và nhiều gốc cây bị đổ mới được dựng lại thì chỉ đâm lên ít chòi non. Nhớ cây đồng thời hắn cũng nhớ luôn cái sự thoáng đãng, sạch sẽ, trong lành trong không khí của thời đó dù bếp than tổ ong vẫn là thứ phổ biến trong các hộ gia đình.
Hắn nhớ những con phố vắng người mà ở hiện tại có lẽ chỉ có sáng mùng 1 Tết mới gặp được hoặc phải là ngõ cụt, sâu thật sâu ít người đi lại thì mới có phong cảnh vắng vẻ của ngày xưa. Hiện giờ Hà Nội đông quá, nhiều người quá, lắm xe cộ quá và xô bồ quá làm hắn càng nhớ về những ngày xưa cũ, khi mà 8h30 tối đã có thể ra giữa lòng đường chạy nhảy và vui chơi. Còn sáng tầm 7h vẫn có thể thong dong đi bộ sang đường mà không cần nhìn xe. Nhưng nhớ thì nhớ vậy thôi hắn biết cũng không thể đảo ngược được tốc độ đô thị hóa và tăng dân số của Hà Nội, sẽ mỗi ngày một đông thêm, tắc thêm, nhiều nhà cao tầng thêm và tất nhiên nhiều bụi mịn thêm.
Hắn nhớ một Hà Nội với sự dễ thương, thanh lịch đi kèm một chút hoài cổ của những năm về trước kiểu kiểu người Tràng An. Hiện tại với sự nhập cư ồ ạt và tự tụt hạng về thái độ hành xử của chính những người tới và cả những người “gốc” đã ở từ lâu làm cái nét tinh tế và hào hoa ngày xưa dần mai một. Nếu có còn lại thì chỉ một chút như sương khói buổi sớm mai tại những gia đình có nề nếp truyền thống hoặc lẻ tẻ trong những kẻ vương vấn chút thơ chút ca và chút nghệ sĩ như hắn. Hơi buồn một chút nhưng như đã đề cập ở trên, đó là điều không thể tránh khỏi của một thành phố đang lớn dần từng ngày, từ một thủ đô nho nhỏ quanh hồ Hoàn Kiếm, tới một đô thị nhộn nhịp có núi có sông với vài cái đường vành đai rộng lớn bao quanh.
Hắn nhớ hương hoa sữa nồng nàn mỗi khi thời tiết chuyển mình sang thu. Một mùi hương có người yêu có người ghét có người chẳng thương chẳng thù cũng chẳng nhớ. Chỉ là theo thời gian số lượng cây hoa sữa giảm dần đi, một phần cũng do không khí không tốt làm số người dị ứng và viêm xoang tăng lên, làm các bộ ban ngành phải tiết giảm dần số cây hoa sữa. Như khu phố nhà hắn thôi, trước đây hương hoa sữa có thể kéo dài và xông vào tận giường nơi hắn ngủ mỗi buổi tối thì nay phải đi bộ, phải rảo bước tương đối xa mới có thể được tận hưởng cái thứ hương vị của mùa thu này. Vừa nhớ hương hoa lại nhớ những thứ kỉ niệm lẫn tình cảm thời trẻ trâu mà ở tuổi hiện tại có lẽ cũng dần mờ nhạt theo thời gian.
Hắn nhớ và nhớ một Hà Nội như thế và như thế!