Tâm sự

Một phút tĩnh lặng nhìn khoa bệnh

Một bên là dòng người tấp nập nhộn nhịp đang đi làm đi công chuyện trên con phố Nguyễn Thái Học sầm uất, với một bên là cửa khoa bệnh với những con người, sự kiện và câu chuyện khác nhau. Hắn với cương vị là người nhà đang đi chăm bệnh nhân, lại ngồi ở hành lang cạnh cửa khoa. Lại dành một phút thở thật nhẹ, tĩnh tâm và ngắm những con người lướt qua để mà so sánh để mà suy tư và thú thực cũng để giết thời gian trong lúc các bác sĩ đang đi thăm khám trong từng phòng bệnh.

Bên kia cửa sổ là dòng người hối hả ngược xuôi trên đường tới công ty, đưa con đi học, đi công chuyện này kia hoặc đơn giản là một anh grab đang đi ship hàng cho những đơn buổi sớm. Còn bên này cửa sổ cũng là dòng người nhưng là những người nhà đang đi mua đồ ăn sáng, những người bệnh tới khám sớm để lấy số và cũng không ít trong đó là những y bác sĩ, thực tập sinh đang vội vã hoặc thong thả đi tới cuối khoa nơi để những tủ đồ dành riêng cho nhân viên để thay quần áo bệnh viện.

Trong dòng người đó, đặc biệt là đội người nhà, hắn thấy có những người dân quê chân chất, có những người thành phố với lối ăn mặc hiện đại trên tay trên tai là iphone là trang sức đắt tiền và cũng không ít trong số đó là những anh những chú với hình xăm kín tay và dây vàng rất bự mang hình rồng phượng rất y là phim “Người phán xử“. Mỗi người một hướng đi, một việc cần làm vào buổi sáng nhưng tựu chung lại ai cũng mang một sắc mặt mệt mỏi sau một đêm dài chăm người nhà, hoặc cũng có những người đang nhăn nhó vì cơn đau trong lúc người thân đang đi lấy số vào khám sớm. Hắn cũng không nằm ngoài quy luật đó, ngồi ngoài khoa nhưng tâm thì lượn lờ bên trong khoa và quầng mắt thì đã có đôi phần ẩn hiện của gấu trúc.

Dòng người phía ngoài đường kia, có người đi xe máy, có người cuốc bộ tới những trạm xe buýt và không ít trong đó thì ngồi trong những chiếc ô tô bốn bánh hạng sang. Dòng người trong này cũng vậy, có gia đình để người bệnh nằm trong những phòng dịch vụ hạng vip với mức giá 1 đến 2 triệu một đêm. Nhưng cũng có gia đình tạm hài lòng cư trú trong những phòng tự nguyện nằm ở mức 300k tới 500k một đêm. Và rất nhiều trong số còn lại, do điều kiện kinh tế không cho phép đành chấp nhận ở những phòng thường với tình trạng vô cùng phổ biến đó là nằm ghép và diện tích khá bé. Hắn đã từng ngồi chém gió với những người ở phòng thường lẫn những người ở phòng hạng sang thì nhận thấy một vài những điều thú vị như sau. Phòng thường thì có ưu điểm là vui, nói chuyện rôm rả và đông nên có gì nhờ vả người nhà khác cũng khá dễ dàng nhưng phần sinh hoạt, tĩnh dưỡng và đi lại thực sự vất vả lẫn chật chội còn phòng tự nguyện thì sạch sẽ, yên tĩnh nhưng đôi khi khá ít người nên lại không được xôm như bên thường, hoặc lúc cần có người bê vác hộ bệnh nhân ngồi dậy, lấy hộ gì đó sẽ khó khăn hơn, hắn kể điều này ra vì đã không ít lần bản thân sang phòng dịch vụ và làm giúp gì đó theo sự nhờ vả của bên đó. Nên có lúc hắn thấy các phòng cũng có giao lưu qua lại để tâm sự nhờ vả nhau nhưng thú thực cái sự qua lại đó cũng bị giới hạn vì không phải ai trong phòng dịch vụ cũng thích có người đi ra đi vô, trừ duy nhất một thời điểm mà hai phòng này hòa làm một đó là lúc đội tuyển Việt Nam nhà ta vô địch Seagame mà hắn đã từng kể trên này. Nhưng dù là phòng tự nguyện với mức giá cao thật cao, hay là phòng thường thì người nhà, người bệnh đều có một mong muốn nhanh được về, nhanh được rời “khách sạn hạng sang này” càng sớm càng tốt dù cho nhà đấy có điều kiện kim ngân ở đây cả tháng cũng không hết xiền đi chăng nữa.

Trong số những đoàn người ra vào buổi sáng, hắn thấy thú vị và thích thú nhất với đội sinh viên thực tập ở các trường y. Bởi lẽ ở đó hắn nhìn thấy sức trẻ, sự thiếu kinh nghiệm nhưng giàu năng lượng, sự non nớt với những nụ cười, những câu đùa dí dỏm mà ở đội y bác sĩ và điều dưỡng lâu năm sẽ không còn thấy nữa. Mỗi buổi sáng khi các bạn đó đến khoa với cơ man là màu sắc của những trang phục đi đường với những chiếc ba lô hiện đại thời trang là khoa lại ồn thêm một chút, lại đông thêm một tẹo và lại có thêm chút sinh khí một tí. Và chỉ vài phút sau, từ muôn mầu sắc đó, một loạt áo blouse trắng xuất hiện để chuẩn bị phân chia ra các phòng trong khoa để làm thuốc, để tiếp đón bệnh nhân và để hỗ trợ các bác sĩ thăm khám. Hắn đã từng chứng kiến sự khác nhau giữa khi covid còn tung hoành ở thành phố, bệnh viện vắng những bạn hỗ trợ này và các y bác sĩ phải gồng mình lên để mà lo cho bệnh nhân và khi covid đã dần nhạt nhòa, các trường y lại gửi sinh viên tới thực tập thì bệnh nhân được hưởng lợi thế nào. Trước đó khi có dịch một điều dưỡng phải lo cho rất nhiều người và sẽ rất dễ dẫn tới thiếu sót này kia, thì nay mỗi khi cần có chỉ định đi làm các xét nghiệm cận lâm sàng thì mỗi một bệnh nhân được kẹp nách một bạn điều dưỡng, nên với riêng hắn thì cũng gọi là có thêm tay thêm chân nếu có vấn đề gì trên đường từ khoa xuống phòng chức năng. Rồi thì khi lượng bệnh nhân siêu đông, các điều dưỡng của viện khó mà đáp ứng được với số lượng tiêm truyền một ngày thì kim luồn giữ trong tay 2 đến 3 ngày thường được đặt để tiết kiệm thời gian nhưng điểm yếu là bệnh nhân sẽ gặp khó khăn hơn trong sinh hoạt. Thì nay với lượng thực tập nhiều lên, số lượng điều dưỡng kèm các bạn sinh viên một phòng được nâng lên đáp ứng tưng xứng với số lượng bệnh nhân, hắn thấy kim bướm dùng xong là rút lại trở nên phổ cập. Và người bệnh được hưởng lợi là không phải lúc nào cũng chăm chăm nhìn xuống cổ tay với cái ống luồn kèm kim mỗi lần ăn uống tắm rửa hoặc đứng lên ngồi xuống. Cảm ơn thiệt lòng các bạn thực tập sinh vì điều này nhưng cũng xin “chê nhẹ” một tí vì nhiều bạn hơi non kinh nghiệm nên lúc rút với đâm kim hơi đau 🤣 <– đoạn này hắn nghe người bệnh nói thế chứ hắn cũng chưa có điều kiện để thử nên không rõ lắm.

Bẵng đi một hai tiếng khi đồng hồ đã điểm 9h sáng, giờ đây ngoài hành lang người đi lại không còn nhiều nữa, người nhà yên vị trên những chiếc ghế còn ai có áo xanh được vào trong chăm sóc với những trường hợp nặng bị liệt hoặc không thể tự sinh hoạt. Thì là thời điểm những chiếc cán từ phòng cấp cứu dần được đưa lên, theo quan sát của hắn trong một buổi sáng trung bình sẽ có từ tầm 3 đến 5 ca nhập mới khoa. Với khoa người bệnh nhà hắn đang nằm thì bệnh nhân nhập khoa sẽ chủ yếu thuộc các bệnh về tim mạch, huyết áp và tiểu đường. Có người già, có người trẻ và không ít người trong đó nhập khoa trong tình trạng đang cắm cả ống thở lẫn ống xông và được chuyển từ hồi sức tích cực lên. Nhiều trường hợp có người nhà đi kèm những cũng không ít bệnh nhân nhập khoa trong tình trạng 3 không: Không giấy tờ tùy thân, không có người nhà đi kèm và cũng không nhớ luôn số điện thoại của bất kỳ ai để mà gọi điện. Hắn vừa gặp tình cảnh đó ngay ngày không qua, bệnh nhân hỏi gì cũng không nhớ không biết và cũng không có giấy tờ gì kèm trong người trừ tấm thẻ bảo hiểm. Hắn phải nhắc nhẹ mấy bạn sinh viên đang tiếp đón là tìm thử trong sổ y bạ xem, thì mãi ở những trang giữa giữa mới thấy một đơn thuốc kèm một số điện thoại. Gọi thử thì đúng là của anh con trai đang đứng chờ đón cụ ở ngay ngoài bệnh viện nhưng chờ mãi chả thấy đâu đang hoang mang đi tìm. Thiết nghĩ với những nhà có người già mà không dùng điện thoại di động thì nên ghi số điện thoại của người thân thiệt to lên giấy, nhét vào ví hoặc gắn vào sổ khám bệnh, mặt sau thẻ bảo hiểm để có vấn đề gì người ta còn biết mà liên hệ. Chứ cứ như tình huống mà hắn gặp hôm qua thì đúng là hết cách chỉ còn nước, chụp hình rồi đăng lên facebook tìm kiếm mất thôi.

Viết tới những dòng này, suy nghĩ của hắn cũng dần tĩnh lại, tâm cũng thoải mái hơn vì không còn những lo âu quá đáng cho tình trạng của người bệnh trong kia nữa vì dù gì sau vài ngày cũng gọi là khởi sắc và dần ổn định lại. Nhìn những xe cháo từ thiện dưới tầng một lúc 10h bắt đầu tới, những dòng người bệnh nhân và người nhà lại xếp hàng chờ lấy hắn thấy cuộc đời thật đẹp, thấy thật nhiều người tốt đang làm công tác thiện nguyện và thấy dòng người ngoài kia dù tấp nập dù hối hả những vẫn có những người sẽ được tận hưởng vài khoảng khắc yên bình như hắn bây giờ. Một phút ở tiêu đề bài viết có thể sẽ không chuẩn như thời gian ở ngoài, vì dọc theo dòng tâm sự này bạn có thể thấy là nó kéo dài tới tận vài tiếng. Nhưng thôi kệ đi thời gian vốn là một đại lượng tương đối trong suy nghĩ của mỗi người tùy vào hoàn cảnh mà tâm trạng mừ.

Xin chào và hẹn gặp lại bạn ở những dòng tâm sự khác của hắn nha 😊

Leave a Comment