Đất kinh thành xưa nay vốn là chỗ đông đúc và chỉ vắng vẻ khi tết đến xuân về. Ấy thế gần 2 năm qua, không ít lần xuân đã đi rồi lại đến, xuân đã tới rồi lại sang. Làm cho đất kinh thành nhộn nhịp phồn hoa mọi ngày bỗng chốc trở nên vắng lặng và hiu quạnh biết bao nhiêu.
Nguyên cớ thì vẫn vậy vẫn là do Cô vy, cái cô mà năm ấy chúng ta cùng ĐUỔI. Nhưng cảm nhận mỗi lần xuân Cô vy đến lại mỗi lần một khác. Và như một người nào đó đã khen đùa, hắn thân đã mang cái mác là sĩ phu Bắc Hà (dù dởm) thì cũng nên có đôi dòng miêu tả về cái xuân mới nhất này cái nhì.
7h sáng, hắn ra chợ và cảnh đầu tiên hắn ngó thấy là đông. Không biết có phải hôm nay là ngày rằm hay do bà con nghe thấy kinh thành áp chỉ thị thập lục mà người mua kẻ bán hôm nay đông hơn vài hôm trước. Cái đông còn góp thêm phần của các bổ đầu, hắn đếm sơ sơ phải có gần chục vị bổ đầu đứng vây quanh cái chợ nho nhỏ gần nhà hắn. Người cầm loa phân làn, người nhắc nhở khẩu trang rửa tay, và có vị thì cầm thiết trượng hai màu xua xua đuổi đuổi mấy cô bán hàng rong chạy như vịt. Nói chung là một cảnh tượng hơi hơi loạn và có phần kém 5K, thôi thì hắn tự nhủ lần nào chả vậy, lần nào mà lúc đầu mới áp dụng chỉ thị chả có đôi chút bỡ ngỡ, đôi chút chưa thích nghi, nhất là lần này chỉ thị là lại đưa ra sát canh tí, thì cũng khó cho cả người dân lẫn các bổ đầu chạy kịp. Nhanh nhanh mua vài thứ rồi hắn còn lên đường đi chỗ khác.
Nhưng trái với cái cảnh hơi hơi nhộn nhạo ở chợ thì con đường hắn ra tiệm thuốc để mua một vài thứ cho mẫu thân lại có phần trái ngược. Đường xá vắng tanh, đến cả cái quán nạp cỏ cho con ngựa wave s của hắn cũng chỉ lèo tèo vài người, hắn phi thẳng vô mà cũng chỉ phải chờ đúng 1 người, rồi mạnh dạn hô “đầy bình”. Trong khi cùng thời điểm trước đó hai ba tuần, cái hồi mới nới lỏng thì quán này số ngựa đứng chờ nạp đông thôi rồi luôn.
Đi tiếp tới tiệm thuốc, mua vài ba vị kèm thêm một thủ tục là khai báo vào cái tờ khai ở cửa tiệm. Trên đường về nhà hắn thấy bắt đầu có những vị bổ đầu khác bổ sung trên đường, một vài người nhắc nhở những hàng quán hôm nay chưa biết chỉ thị thập lục mà vẫn mở. Một vài vị đi ngựa công dồn mấy cụ có vẻ đang đi dưỡng sinh vào nhắc nhở. Một vài người khác thấy đi phát tờ khai báo cho mấy cửa hàng bán đồ sinh hoạt và hàng thuốc. Có vẻ càng đến giờ ngọ, việc thắt chặt và làm gắt càng rõ ràng hơn. Hắn dần cảm nhận một gì đó khang khác so với những xuân trước đây.
Mà cũng phải thôi, những xuân trước mọi thứ vẫn còn ổn, Cô vy đến rồi đi nhưng không tạo quá nhiều thảm họa. Nhưng lần này riêng thành Gia Định số người bị em vy em ấy cuốn vô người mỗi ngày đã lên tới cả ngàn, và đội ngũ thầy thuốc tại đó lẫn ở các nơi khác đổ về đều đã thấm mệt. Nhiều người đã chiến đấu cả tháng nay trong cái nắng nóng và mưa giầm của đất phương nam mà vẫn chưa thấy ngày nghỉ. Hắn ở ngoài này đọc tin mà vừa thương họ, thương người dân mà vừa ghét Cô vy thêm vài phần. Giá mà…. À mà thôi làm gì có cái gọi là giá mà trong cuộc chiến chống lại em vy.
Nhưng tương phản hẳn với cái tận tâm ở trên, thì đâu đó trên quãng đường hắn về nhà vẫn có những hình ảnh vô cùng phản cảm. Vẫn có những người khẩu trang đeo cho vui, chứ mũi vẫn phải thò ra ngoài, vài người kéo xuống dưới cả cằm để hút đôi ba điếu cho vui mồm vui miệng. Và cũng không ít người khẩu trang cũng như áo lót, ra ngoài nhiều khi quên luôn mang vô. Vài ông cụ bà cụ vẫn tập thể dục như một thói quen ngoài hồ ngoài đường và khi bị bổ đầu nhắc nhở thì cười khì khì như khỉ. Và tất nhiên cũng không thiếu những quán ăn chạy vội nồi nước dùng và đuổi khách khi thấy bổ đầu tới. Nhiều lắm những cảnh tượng như vậy làm hắn hơi nản và sợ, sợ em vy sẽ không chỉ mang tới xuân này mà còn vài xuân nữa nếu thiếu sự tự ý thức, đồng lòng và quan trọng nhất là thiếu tiên dược 2 liều mỗi người.