Tâm sự

Khai giảng nhanh hay chậm

Khai giảng nhanh hay chậm quan trọng đến thế sao?

Với ai đó ngoài kia thì hắn không biết câu trả lời sẽ thế nào nhưng với riêng hắn thì không rất không là đằng khác. Bởi lẽ sau nhiều năm sống cạnh trường tiểu học, được nghe và được chứng kiến nhiều công đoạn với bước triển khai trước lẫn sau ngày khai giảng thì hắn thấy nhanh hay chậm chỉ thuần túy là một danh từ, chả hề đại diện cho một tính từ lẫn biểu hiện được cho hành động của một động từ nào cả. Thế nhưng người ta vẫn hỏi khai giảng nên nhanh hay chậm?

Nhanh hay chậm cũng được miễn là thời gian tập tành của các cháu nhỏ giảm bớt thực sự chứ hông phải từ 2 tiếng xuống còn 1 tiếng khai giảng nhưng thời gian tập tành vẫn là 2 tới 3 tuần. Dẫu biết rằng tập nhiều thì thành thục nhiều và lúc buổi khai giảng diễn ra học sinh sẽ nhuần nhuyễn và ngon lành cành đào hơn. Nhưng liệu cái sự trơn tru và chuyên nghiệp được đòi hỏi ở buổi khai giảng có thực sự cần thiết tới mức đó không? Nhất là với đội ngũ thơ ngây mặt búng ra sữa lần đầu tiên bước vào lớp 1. Có lẽ sẽ có người trả lời là có, hoặc cũng có ai đó như hắn gật gù về phía không. Nhất là cứ cuối tuần đáng ra được nghỉ ngơi lại phải nghe tiếng trống tùng tùng của đội trống, tiếng hô khẩu hiệu của đội nghi thức đang tập tành.

Nhanh hay chậm cũng được miễn là mỗi năm sự đổi mới thấm sâu vào từng thớ thịt từng khúc xương của môi trường học đường để các bé học sinh được trải nghiệm và cảm nhận rõ ràng những sự đổi mới đó. Chứ đừng chỉ như giọt sương trên lá mỗi buổi sáng hay những câu chữ đầu môi, tới miệng rồi nhẹ nhàng bay theo gió tới nơi nào chả ai biết tới. Với hắn kết quả của sự đổi mới thực sự sẽ không nằm trên giấy mà nằm ở nụ cười của bọn trẻ còn mỗi ngày khai trường với lúc kết thúc năm học cũ, đó mới là những trái ngọt mà sự đổi mới nên hướng tới.

Nhanh hay chậm cũng được miễn là bản tin thời sự mỗi khi gần mùng 5 tháng 9 hông có một loạt phóng sự thu cái này, nộp cái kia và phụ huynh khi được phỏng vấn thì méo mặt vì những khoản a khoản b và khoản z. Mà lạ cái là năm nào cũng có tin bài với nội dung như thế mà cái sự ấy vẫn cứ tồn tại dai dẳng mãi, thì liệu nhanh hay chậm của một cái lễ có còn thực sự quan trọng. Hắn chịu không biết, chỉ biết nhà nào có một bé thì còn cố gắng, nhà nào có hai thì phải vượt khó và nhà nào có ba bạn trở lên như nhà mấy ông bạn hắn thì chắc là rầu rầu 😥 đầu năm.

Nhanh hay chậm cũng được miễn là học sinh có chỗ học. Nhìn trên tivi chiếu những khuôn mặt thất thần của phụ huynh khi bốc thăm trượt vào lớp 1 một trường tiểu học mà hắn dù chưa có bé nào cũng thấy xót xa. Trên những khuôn mặt đó là sự vất vả, tiếc nuối và cả lo âu. Ước gì trường học trong nội đô rộng hơn, nhiều tầng hơn hoặc phương tiện công cộng chở học sinh đa dạng hơn như mấy cái xe vàng vàng vẫn thấy trên phim của tây thì hay biết mấy. Lúc đó sẽ không còn trường hợp bé bốc thăm trúng thì vui những vẫn lo mà bé bốc trượt thì buồn với bố mẹ phải chạy đôn chạy đáo đi tìm chỗ học.

Nhanh hay chậm cũng được miễn là các bé học sinh được ăn những bữa ăn đủ chất và an toàn. Năm trước đọc những vụ ngộ độc thực phẩm trên báo mà hắn cay hắn tức hắn chửi đổng cả một đám dã man, sao mà làm đồ ăn cho trẻ con mà nhỡ nào như vậy. Đó là còn chưa kể tới những thứ được trộn được phù phép để bán ở cổng trường hoặc hàng quán xung quanh đó. Chỉ mong bữa ăn cho các bé được kiểm duyệt cẩn thận hơn và làm ơn xin đừng vì những đồng lợi nhuận trước mắt mà tráo đổi, mà trộn bậy trộn bạ vào những món ăn cho thế hệ tương lai nữa người ta ơi!

Nhanh hay chậm cũng được miễn là bọn trẻ được đào tạo trong một môi trường lành mạnh. Tránh xa những cái tát, cái đập của thước kẻ hay những câu chửi “chúng mày, bọn nó” và đặc biệt là những nét văn hóa độc hại bằng một cách thần kỳ nào đó vẫn len lỏi vào hệ thống giáo dục. Nói ra thì thật giáo điều nhưng liệu điều mong ước này của hắn có thành hiện thực được không thì hắn bó tay không có cách nào biết được. Chỉ biết rằng tới giờ những thước phim về việc hành hạ trẻ con lâu lâu lại lên sóng mạng xã hội với những câu chửi đáng ra không nên thốt ra từ những người được gọi là cô là thầy.

Mong và mong điều hắn mong sẽ hết cần mong!

Leave a Comment