Hà Nội có vô vàn thứ để yêu và ghét nhưng mỗi năm qua đi danh sách những thứ yêu và ghét đó trong hắn lại đổi thay theo sự biến đổi của thời cuộc. Thế nên cũng để khép lại một năm cũ và chào đón một năm mới gần tới, hắn lại viết lại tổng hợp những thứ hắn yêu và ghét ở quê hắn.
Đông và tắc
Có lẽ hai từ này thường gắn liền với những cảm xúc khá tiêu cực cho mỗi người dân tham gia giao thông vào buổi sáng lẫn lúc tan tầm ở thủ đô. Năm qua điều này cũng vẫn thế không thay đổi quá nhiều dù rất nhiều dự án giao thông đã được khánh thành với hy vọng làm đường xá thông thoáng và ít tắc đi. Nhưng sự thật với hơn 10 triệu con người cư ngụ cùng một lượng lớn ra vào mỗi ngày để buôn bán tại thủ đô thì những cố gắng này dường như ra khá nhỏ. Con đường hắn hay chở cụ nhà hắn đi viện khám hàng tháng hoặc phải nhập viện vì lý do gì đó lúc nào cũng ùn ứ dù nó là một trong những ngã 5 thuộc dạng bự và hiện đại khá gần một trong nhưng ga xuống của đường sắt đô thị Cát Linh Hà Đông. Nhất là vào những ngày mưa thì chuyện chôn chân hàng giờ trên đường là chuyện hết sức bình thường. Thế nên hắn ghét cái sự đông đúc này của Hà Nội năm qua, dù hôm qua và hôm nay ít nhiều được tận hưởng cái sự ít hơn ngày thường do người dân bắt đầu về quê ăn tết hoặc đi du lịch, hôm qua hắn phóng bay bay chở người nhà đi sang nhà họ hàng không tắc một tí nào, khá là thích dù trời hơi mù sương.
Thủ tục hành chính ok hơn trước
Năm qua hắn nhận thấy một vài thủ tục đã làm nhanh và ok hơn trước rất nhiều. Cụ nhà hắn giờ đây đi khám không cần trình cả thẻ bảo hiểm y tế lẫn CCCD ra mà chỉ cần giơ mặt ra trước máy phát số là đã hiện hết thông tin ra rồi. Một vài thủ tục hắn thực hiện năm qua trên dịch vụ công quốc gia cũng trơn chu và nhanh nhẹn hơn rất nhiều chứ không bị ùn ứ và chậm như các năm trước. Hắn nghe nói từ vài người thì bây giờ làm hộ chiếu trực tuyến 100% và có thể nhận sau 15 ngày. Thế nên về mặt này hắn khá thích nhưng vẫn hy vọng sẽ còn được tốt hơn nữa. Ước gì 100% dịch vụ công đạt cấp độ 4 thì hay biết mấy, lúc đó người dân chỉ cần ở nhà, gõ gõ và nhận kết quả qua bưu điện hoặc trực tuyến.
Làm đường
Dù vẫn biết có sửa chữa và làm đường thì mới có những con phố đẹp đẽ và ngon nghẻ để mà người dân sử dụng. Nhưng thú thực cái công tác sửa chữa cuối năm này làm bụi mù và người đi xe cực kỳ vất vả. Năm qua ngoài đường ngoài phố thì vài con đường trong ngõ cũng được sửa sang, làm phẳng và lát lại. Đi thì thích, bon bon hơn những cái ổ gà ổ voi mọi khi nhưng thời gian thi công khá lâu và đất cát thì bay tứ tung. Hắn một kẻ yếu phổi không thích cái này cho lắm, đặc biệt một vài khu khá hẹp nên việc đi lại cực dễ ngã đặc biệt với người già và phụ nữ chân yếu tay mềm. Hy vọng việc làm đường và sửa chữa này trên toàn thành phố sẽ diễn ra nhanh hơn, ít thay đổi nhiều để người dẫn đỡ khó khăn trong việc đi lại.
Diện mạo mới có nét văn hóa hơn
Ngọn đồi chong chóng ngõ Thổ mà hắn đã có dịp viết trong lần trước là hình ảnh gần gũi nhất minh họa cho điều này. Nhiều nơi ở thủ đô đã có sự đổi thay hoàn toàn về diện mạo, màu sắc hơn văn hóa hơn và dễ dàng để checkin hơn cho cả giới trẻ lẫn giới già. Những bốt Hàng Đậu, Nhà máy xe lửa Gia Lâm, ga Hà Nội, ga Long Biên và cầu Long Biên trước đây thuần một màu thần bí với những truyền thuyết đô thị phủ bụi theo thời gian thì nay đã được sửa sang, làm mới và mở cửa cho du khách gần xa tới thăm quan. Còn những địa điểm du lịch cũ như Văn Miếu, Hoàng Thành Thăng Long, đền Ngọc Sơn, Tháp Rùa cũng được đầu tư chỉnh trang và khai thác nét văn hóa rất riêng trong những tua du lịch khám phá thủ đô. Đặc biệt trong đó không thể không kể tới sự sáng tạo trong quảng bá của một địa điểm mà tại thời điểm hiện tại nghe thôi là thấy hứng thú muốn đi ngay và luôn rồi, đấy là nhà tù Hỏa Lò, một nơi mà suốt thời cấp 2 cấp 3 hắn từng đạp xe qua và cũng không ít lần được đi tham quan theo trường theo lớp. Nhưng thú thực các buổi tham quan học hỏi và viết bài văn thu hoạch hồi đó khá cứng nhắc và mang tính hình thức, cũng rất ít sự đổi mới trong cách thức trình bày và thể hiện nên hắn cũng chả ấn tượng và nhớ cho lắm. Chỉ tới khi đọc được những bài viết, hình ảnh và video do đội ngũ marketing của nhà tù thực hiện trên Facebook thì hắn đã có góc nhìn hoàn toàn khác về nơi này. Một thứ rất đáng để yêu của Hà Nội.
Hàng quán chết nhiều hồi sinh ít
Con phố Khâm Thiên nhà hắn là minh chứng hùng hồn nhất cho đoạn này. Năm qua khá nhiều cửa hàng trả mặt bằng, nhiều chỗ khác treo biển cho thuê mãi mà chưa có khách. Tất nhiên vẫn có những hàng quán mới mở, tỉ dụ như hàng bánh rán cổ truyền gần ngõ Cống Trắng mà hắn mới thưởng thức hôm trước vậy, nhưng so về số lượng với những hàng đã rời đi thì kém hơn. Thế mới thấy năm qua là một năm khó khăn và vất vả như thế nào, phải thầm phục những ông chủ bà chủ đã gắng gượng qua 2023 mà không trả mặt bằng và dừng kinh doanh. Về cái vấn đề này thì to nhỏ chẳng nói lên điều gì, nhiều quán bé tí năm qua vẫn sống nhưng ông ĐM Xanh cạnh ngõ Thổ nhà hắn thì tháng trước vừa treo biển thanh lý cửa hàng và giờ thì đóng kín chưa thấy người mới tới thuê.
Xe điện bon bon trên đường còn tàu hỏa thì lả lướt trên đầu
Hình ảnh của những chiếc xe máy điện, ô tô điện hay buýt điện đã không còn xa lạ với người dân thủ đô trong năm qua. Thậm chí đã trở thành một nét văn hóa, một màu sắc trong bức tranh giao thông mỗi ngày ra đường. Ưu điểm của loại hình phương tiện giao thông này đó là sạch, lịch sự và khá mới, hắn đã từng đi đằng sau xe xăng nhiều nhiều năm và xin phép khẳng định luôn là nếu chẳng may mà gặp tắc đường thì leo sau đít xe điện ok hơn rất nhiều, nhất là khi so sánh một chiếc xe điện với một ông xe buýt hệ cũ thả cả đống khói đen kịt ra đằng sau. Nhưng mà nhược điểm thì cũng không ít ví dụ như nếu hệ thống điện trong nhà không được thiết kế tốt đi kèm với hệ thống phòng cháy chữa cháy được trang bị đầy đủ thì rất dễ xảy ra những vụ cháy đáng tiếc. Còn tàu điện cụ thể là tuyến Cát Linh Hà Đông thì có lẽ không cần nhiều lời nữa vì nó gần như trở thành một trend một nét văn hóa rất riêng trong thời điểm mới ra mắt. Cứ lên Facebook, Instagram là thấy hình giới trẻ lẫn người cao tuổi checkin nhà ga, chụp hình cạnh tàu, bên trong tàu và đặc biệt là những video ngắn quay cảnh đầu tàu lúc vào ga kèm nhân vật chính quay đầu đã quá quen thuộc rồi. Nhờ những phương tiện công cộng dạng này mà nhiều người đã bớt phải chịu khói bụi buổi sáng và thay đổi thói quen đi làm mỗi ngày. Tất nhiên với chỉ một tuyến tàu điện thì khó mà có thể thay đổi được bộ mặt của giao thông thủ đô với chỉ toàn đông và tắc như đã nhắc ở đoạn đầu bài viết ngay được, mà sẽ cần nhiều nhiều thậm chí rất nhiều tuyến như thế này nữa. Nhưng hy vọng năm sau khi đoạn trên cao của Nhổn – Ga Hà Nội chính thức vận hành, sẽ lại một trend nữa ra đời và người dân quanh khu vực đó sẽ có một hình thức mới để đi làm đi học và đi chơi. Nhất là hy vọng dọc theo tuyến này đặc biệt là đường Cầu Giấy nơi gắn liền với hắn những năm tháng sinh viên sẽ bớt chật và tắc hơn.
Và còn nhiều thứ để yêu và ghét hơn nữa ở Hà Nội nhưng trong khuôn khổ bài viết ngày hôm nay, tạm thế đã, lúc nào nhớ ra thêm sẽ bổ sung hoặc viết thành một bài mới trong năm sau.