Quan sát mấy năm qua và gần đây lại có một tuần ở “Resort” cao cấp nơi những điều dưỡng làm việc mỗi ngày. Nên hắn rút ra được một vài những so sánh vui vui như thế này:
Đi bộ mỗi ngày như vận động viên Marathon đường dài
Nếu bạn thấy quãng đường một điều dưỡng đi lại mỗi ngày thì chắc sẽ hiểu những gì hắn ghi ở đây. Đi từ khoa này sang khoa khác, đi từ phòng bệnh số 1 tới phòng số x. Đi từ cổng tới căng tin, đi từ khoa tới khu xét nghiệm. Mỗi lần đi lại là tay xách nách mang, là có một nhiệm vụ trên người. Khi thì là mang máu của bệnh nhân đi xét nghiệm, khi thì cầm cả chồng dày bệnh án xuống chỗ thanh toán, khi thì đưa bệnh nhân đi làm các chỉ định của bác sĩ và khi thì chuyển đồ này đồ kia tới khoa này khoa nọ. Nói chung là mỗi một ngày là một hành trình đi bộ dài thật dài với hàng cây số dưới chân. Chẳng thế mà bạn cứ nhìn những đôi giày mỗi điều dưỡng mang mỗi ngày thì sẽ hiểu. Hầu như chả phải giầy tây, cũng chả phải cao gót và tất nhiên cũng chẳng phải những đôi chạy bộ của Nike hay Adidas mà đó là những đôi dép y tế như ảnh dưới này. Dày cùi, mềm nhưng chống nước tối đa và siêu thoát khí, cực kỳ thích hợp để Marathon mỗi ngày.

Chạy bộ bứt tốc cũng chả kém dân điền kinh
Đó là lúc mã đỏ được bật, đó là khi bệnh nhân đang nguy cấp hay lúc một tình huống bất khả kháng xảy ra trong khoa hoặc phòng cấp cứu. Cứ gọi là sư phụ của Flash. Khoảng cách dù xa tới đâu cũng gần lại trong gang tấc, và bệnh nhân dù đang ở nơi nào trong viện nào cũng xuất hiện ngay cạnh trong tích tắc. Cơ bản là mấy ông 100m, 200m phải kính nể những đối thủ trong bệnh viện này. Vì các vận động viên chạy vì huy chương, vì thành tích và vì giải thưởng. Còn ở đây bác sĩ hay điều dưỡng họ chạy vì mạng sống bệnh nhân. Hai mục tiêu nên động lực khác nhau và phương pháp bức tốc cũng khác biệt. Một tay không chạy rồi chạm vạch đích, một thì tay mang đủ thứ kim tiêm ống truyền, bóng thở hoặc máy ô xy và đích đến là người đang nguy cấp. Nên hơi thiên vị một chút là hắn thích cách chạy và bứt phá đến mục tiêu của đội áo trắng hơn.
Đẩy nặng nâng nặng cũng cỡ vận động viên cử tạ
Oà! Tạ tay 10 cân ư, 20 cân thậm chí 30 cân ư. Thế là bạn chưa nhìn thấy những bệnh nhân cả trăm cân rồi và họ cũng chả chịu nằm im như những thanh tạ đâu, nhiều người giẫy giụa như sâu đo vì đau, nhiều người khác thì không chịu hợp tác cứ căng cứng cả người ra, nhiều người khác thì mềm oặt ra như sợi bún cực kỳ khó nắm vào, nhưng cũng không ít bệnh nhân chịu khó vận động, hợp tác và hỗ trợ với những nhân viên y tế để vận chuyển qua lại. Nên hắn mạnh dạn phán, đẩy, nâng và bế những bệnh nhân này khó hơn đẩy tạ rất rất nhiều lần. Và đội điều dưỡng xứng đáng đạt huy chương vàng huy chương bạc về cử tạ đẩy với những cục tạ biết chuyển động này.
Tính chính xác khi nhắm thì ngang dân bắn súng
Mỗi buổi sáng khi bác sĩ đã đi phòng xong là lúc những vận động viên ngắm bắn vào giờ thực hành. Ngắm kim sao cho cắm ven thật chuẩn, ngắm để kẹp sao cho gắp chính xác sợi chỉ khâu vết mổ và ngắm để chia thật chuẩn lượng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Nói chung là luôn phải thật chuẩn và mắt phải thật tinh như cú vọ như dân bắn súng bắn cung chuyên nghiệp. Vì chỉ cần một điểm lệch là kim sai ven, máu phun ra, chỉ giật chệch sợi chỉ khâu là người bệnh la vang trời và thuốc mà chia sai thì thôi đi không có sau đó nữa đâu. Nếu bạn đã có dịp nhìn một bạn sinh viên đang thực tập và một điều dưỡng lâu năm lấy ven thì sẽ nhận ra ngay sự khác biệt. Một gà tơ, lơ mơ trong từng bước và một cao thủ trong làng chọn, nhắm và chọc, một phát ăn ngay và không thể chệch ven.
Kiên nhẫn thì phải tầm Quang Liêm khi chơi cờ vua
Muôn ngàn người bệnh thì muôn vạn tính cách tuỳ thời điểm trong ngày cũng như độ đau từ những vết mổ, vết can thiệp. Có người nói nhiều, có người giận hờn vu vơ, có người chửi bậy thành tiếng và không ít người tính xấu thì phải liệt kê thành danh sách dài như sớ. Thế nên kiên nhẫn và điềm tĩnh là một đức tính cần có hoặc nói chính xác hơn là phải có đối với những người làm nghề y. Mà ở đây hắn so sánh là lạnh lùng và kiên nhẫn như một tay chơi cờ vua lão luyện, thậm chí đẳng cấp quốc tế. Vì trong cái thời đại ai cũng có điện thoại thông minh, ai cũng có thể live stream và ai cũng có thể là một nhà báo độc lập. Thì chỉ cần một sai sót, một thái độ không chuẩn chỉ trong việc điều trị là bị bóc phốt ngay và luôn. Còn nói theo một cách khoa trương hơn thì có thể ra khỏi ngành ngay trong một nốt nhạc nếu việc bị đưa lên thuộc hàng nhạy cảm. Do đó từ tốn, chuẩn trong các bước và luôn luôn kiểm tra thận kỹ lại các thao tác như trước mỗi nước đi của người chơi cờ là thứ luôn luôn luôn luôn luôn x10 lần phải nhớ và thực hiện.
Thức đêm thì mấy ông chơi thể thao sức bền cứ phải cam bái hạ phong
Trực 24 tiếng là nhiệm vụ quen thuộc của những người làm trong ngành y. Thậm chí trong đợt dịch này nhiều y bác sĩ còn làm lâu hơn 24 tiếng, thậm chí gấp đôi gấp 3 mới nghỉ ngơi. Thế nên cái sự so sánh này nghe có vẻ hơn nói quá, chứ nghĩ kỹ thì còn là hơi nhẹ nhàng. Chuyện một điều dưỡng mặc bộ đồ xanh kín mít từ đầu tới chân, trong cái tiết trời nóng ba mấy độ mà cả ngày không xi nhê là hình ảnh quá quen thuộc trên báo đài. Tất nhiên cũng có những trường hợp quá mệt mỏi và suy kiệt mà ngất đi, nhưng số lượng những người còn trụ lại thì khá nhiều. Điều đó chứng tỏ, sức khoẻ lẫn độ bền của những người làm ngành y này cực kỳ đáng nể và ngạo nghễ luôn trong làng chơi thể thao, nhất là những môn đòi hỏi sức bền và sự deo dai.
Bàn giao công việc lúc giao ban thì chuẩn chỉ dân chạy tiếp sức
Họp giao ban hàng sáng và chuyển tiếp sang ca trực khác là một công việc đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa người trực tối và người làm ban ngày, hệt những vận động viên chạy tiếp sức trao cho nhau cái gậy để chạy tiếp vòng sau. Thường người tối sẽ dẫn người làm ban ngày đi một vòng quanh khoa, tới tận từng giường và bàn gian lại, nói qua một chút những diễn biến trong đêm hôm trước kèm tên bệnh nhân từng giường. Khớp rồi mới ra ký nhận và thay quần áo chuẩn bị về kết thúc ca trực 24 tiếng.
Vài so sánh nhỏ vui vui như vậy. Không có nghĩa là một người y bác sĩ, điều dưỡng có thể ra sân vận động và thay thế những vận động viên hoặc là ngược lại. Mà chỉ muốn nói lên những đức tính và khả năng của những người đang công tác trong lĩnh vực y tế. Cũng như một lời khen, cảm ơn những gì mà họ đã làm trong suốt gần 2 năm cô Vy hoành hành vừa qua.