Tâm sự

Đám cưới

 lòi họng ra nhưng vẫn bon chen viết về chủ đề đám cưới vì cứ đến cuối năm kiểu gì thì kiểu cũng vài cái thiệp hồng trên tay, dù có tham dự hay chỉ gửi tiền mừng thì cũng để lại trong hắn đôi ba dòng suy nghĩ miên man về cái sự kiện này. Hãy để xem trong tâm của một kẻ ế lâu năm có gì và mong gì vào cái chữ này nhé!

Tốn kém là từ đầu tiên hiện lên trong óc hắn về đám cưới. Dù có là nhà giàu hay nhà nghèo thì sự kiện này luôn tốn kha kha ngân lượng của gia đình hai bên. Sẽ có người nói tiền mừng sẽ bù vào phần chi phí bỏ ra thậm chí có lãi, hay một vài trường hợp lẻ tẻ các KOL được tài trợ từ A đến Z cho buổi tiệc lẫn khi chụp hình cưới. Nhưng đó là số ít và khá ít, còn phần lớn cô dâu chú rể mong hòa vốn đã là may mắn lắm rồi chứ chả dám kỳ vọng nhiều hơn nhất là trong những năm kinh tế tương đối vất vả như hiện tại. Nên việc lựa chọn địa điểm, tổ chức to hay nhỏ, mời những ai đều khiến cả hai bên gia đình lẫn cô dâu chú rể nhức đầu cân đo đong đếm.

Từ cái đầu tiên nó lại liên đới đến cái thứ hai đấy là khách được mời nên mừng bao nhiêu? 300k 500k 1 củ hay vài vài củ? Bên tổ chức đau đầu 10 thì bên đến dự cũng nhức óc 7 tới 8 nhất là vào những mùa thiên hạ vẫn đồn là mùa cưới thì càng căng cực. Mừng ít thì sợ gia chủ lỗ nặng, mừng mạnh tay một tí thì cuối tháng húp mì tôm thậm chí âm luôn ví vì tháng này phải đi tới vài đám. Thành ra có người muốn đi để chung vui, người lại ngại ngùng nghĩ ngợi hay là gửi nhì? Sẽ bớt hao ví đi một chút so với tới tận nơi. Chưa kể tới vì một số lý do khó nói thành lời khiến nhiều người lấn cấn giữa việc đi hay gửi mất mấy bận rồi tới gần ngày mới dám quyết hoặc cụ thể hơn là chờ tiếng ting ting, chờ khảo giá mâm cỗ tại địa điểm được mời, hay tìm lý do để thoái thác rồi mới chốt số ghi phong bì.

Vẫn biết rằng có những cách tổ chức vô cùng tiết kiệm như đám cưới tập thể trên tivi thường đưa tin vào mỗi dịp cuối năm. Hàng trăm cặp đôi công nhân được tổ chức trong cùng một ngày, cùng một địa điểm và được sự hỗ trợ về tài chính của nhiều bên. Nhưng thú thực đấy vẫn là số rất ít trong xã hội, số đông gia đình vẫn cứ chọn cách truyền thống với mấy bước như đăng ký ngoài phường xã rồi lựa một ngày đẹp đón dâu với bánh kẹo trà mứt, rồi một ngày khác tổ chức ăn mặn ngoài nhà hàng, sân trước hoặc một địa điểm sinh hoạt chung nào đó gần nhà có thể thuê được. À quên còn một cách nữa nhưng chắc phải lâu lắm rồi ít cặp đôi thực hiện đấy là giống đợt covid phải giãn cách không tụ tập đông người, hai gia đình làm một cái lễ tại gia rồi báo hỉ cho họ hàng. Cách này thì khá giống các cụ hồi chiến tranh, không quá ồn ào mâm cao cỗ đầy, một cái bàn với ít bánh kẹo thuốc lá với trà thơm, một cái phông có chữ hỉ đằng sau, một vài cụ cao niên với đồng đội tới chúc mừng, cô dâu chú rể cười cười rồi động phòng, sáng hôm sau chú rể xách ba lô lên đường ra tiền tuyến. Nói một cách hơi bốc phét thì hắn khá thích phong cách này, nhưng chắc sẽ khó được chấp nhận trong thời đại đủ đầy như hiện tại.

Một điều nữa của đám cưới ngày nay hắn thấy khá thú vị đấy là vai trò của bác sĩ trong việc quyết định ngày cưới. Nếu ở những thời xưa cũ chúng ta có thể nghe thấy những chuyện như cạo đầu bôi vôi hay nhốt rọ trôi sông, thì ở hiện tại theo sự phát triển của nhận thức lẫn giao thoa văn hóa thì điều này dần trở thành chuyện bình thường. Thậm chí ở cái thời điểm như bây giờ rất nhiều cặp đôi phải nhờ tới IVF để có được một đứa con thì chuyện ăn cơm trước kẻng lại càng trở nên ít quan trọng. Nhà nào mà sinh đôi sinh ba thì có mà cười phớ lớ chứ quan tâm quái gì tới chuyện tự chọn ngày hay được bác sĩ chọn ngày cho. Thành ra hình ảnh cô dâu bụng hơi bự một tí mặc áo trắng cùng chú rể tay trong tay bước ra sân khấu giờ dần trở thành một thứ gì đó phổ biến hơn thậm chí với cá nhân hắn thì cũng hay hay và vui vui 😁

Đám cưới là kết tinh của tình yêu nhưng cũng là thách thức cho những ngày tháng sắp tới. Chuyện một vài cặp đôi có thể yêu nhau tới chục năm nhưng sau đám cưới thì không quá 1 năm, rồi đường ai nấy đi là chuyện không hiếm ngày nay. Cứ nhìn số lượng các nhóm trên Facebook về chủ đề singer mom hay gà trống nuôi con tăng dần đều thành viên theo các năm thì đủ hiểu. Ở đây hắn sẽ không khoan mũi dùi đạo đức về bất cứ khía cạnh nào, vì mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, điều hắn muốn đề cập tới ở đoạn này chính là những thách thức sau cái ngày váy trắng áo vest cùng về dinh. Thách thức về kinh tế, áp lực về việc phải có con thậm chí là con trai như đã đề cập ở đoạn trên, rồi sự khác biệt trong cách sống cách sinh hoạt cách nuôi dưỡng giữa hai gia đình, giữa hai người tưởng rằng đã quen nhưng rồi lại thấy xa lạ… vân vân và mây mây những thứ làm các cặp đôi khi yêu thì đẹp như thiên đàng mà khi khép đôi mi chung một giường thì tựa hồ địa ngục tầng thứ 18. Đừng ai nói các cụ ngày xưa thế này các cụ ngày xửa thế kia, giờ giới trẻ hơi tí là bỏ nhau, chẳng qua thời thế thế thời và quan điểm xã hội nó đã khác lắm rồi, nhiều trường hợp cũng là các cụ mà khi bước vào năm 202x bắt đầu mới dám ba chấm, thế thì giải thích làm sao? Thế nên nhiều thanh niên mới sợ yêu sợ cưới và vẫn cứ  như hắn 😗

Cách giới trẻ ngày nay khoe về đám cưới cùng những khâu những bước trước, trong lẫn sau ngày vu quy cũng thật khác thật gen Z và cũng thật sáng tạo. Điều thú vị là tới cả những thủ tục hành chính như lên phường ký tá giấy tờ, nhận tờ chứng nhận kết hôn đo đỏ cũng được các bạn trẻ đăng lên mạng xã hội với thật nhiều cách thể hiện khác nhau. Tất nhiên ảnh hưởng từ những trend trên Tiktok cũng phần nào ảnh hưởng tới điều này, nhưng không thể phủ nhận rằng ngày nay có vẻ những sự nhàm chán trong quá trình này đã được loại bỏ và thay vào đó bằng sự vui thích cũng như hào hứng hơn là tuân thủ và nghe theo các cụ. Tất nhiên cũng đâu đó có một vài hình ảnh khoe này khoe kia, phông bạt hơi quá hay hơi hơi lệch pha một chút so với thưởng thức thường ngày nhưng đó chỉ là số rất ít không thể đại diện hết cho những đám cưới sáng tạo và thật nhiều điều thú vị ngày nay của các bạn trẻ.

Ở đoạn cuối này hắn xin phép chèn một vài dòng mong ước riêng về đám cưới. Hắn thích cách văn hóa phương tây quan niệm về đám cưới hơn là phương đông, một cặp đôi có thể tổ chức đám cưới khi đã có cháu hoặc khi hai mái đầu đã bạc trắng với vài chục năm chung sống, cùng trải qua những đắng cay ngọt bùi của một đời người. Giờ đây đám cưới ý nghĩa hơn rất nhiều, nó không còn là một sự kiện hay cái cớ để quan viên hai họ gặp nhau, chè chén và chúc mừng đôi lứa nữa. Nó là một ngày để nhìn lại, cười thật vui, ăn uống nhẹ nhàng và lần đầu tiên cặp đôi tuổi băm được khoác lên mình trang phục của ngày vui. Cầm váy cho cô dâu có thể là cháu gái và đưa nhẫn cho chú rể là cháu trai. Khá là hay ho và kỳ quặc so với văn hóa nhà ta bạn nhì. Cũng có người nói thế thì khác gì đám cưới vàng, đám cưới bạc, đám cưới kim cương của các cụ ông cụ bà lâu lâu lại thấy trên mạng xã hội đâu. Khác rất khác và khác rất nhiều về cả bản chất lẫn hình thái bên ngoài ấy chứ. Nhưng thôi mọi so sánh chỉ là câu chữ lại dễ gây hiểu nhầm, vài dòng ba hoa dừng ở đây là đẹp rồi. Biết đâu đấy khi hắn hết ế, hết độc toàn thân và tham gia đóng vai chính trong một đám cưới sẽ có suy nghĩ khác thì sao. Chờ nhé nếu có ngày đó hắn sẽ biên một bài không dưới 2000 chữ để mà đăng lên trên này đặng còn ghi nhớ dài lâu.

Leave a Comment