Tâm sự

Cái nóng mùa hè ở Hà Nội

Có người từng ví von cái nóng mùa hè ở Hà Nội phải bỏng rát hơn cả Sahara và cái rét mùa đông ở đây thì Siberia phải gọi bằng cụ, thủ đô xứng danh là nơi khắc nhiệt nhất trên hành tinh 😂. Tất nhiên cách so sánh như vậy thì có phần hơi nói quá, có chút pha trò và trừu tượng vượt mức bình thường. Nhưng cũng có một chút sự thiệt nho nhỏ trong cái việc so sánh như thế, hãy để hắn – một kẻ đã sống ba mươi mấy năm có lẻ ở đây dãi bầy giải thích một chút cùng bạn cho cái sự so sánh phía trên trong những ngày Hà Nội đỏ lửa như đợt này nha.

Nóng luôn đi kèm ẩm và oi

Nếu cái nóng ở miền Trung là cái nóng của gió Lào cháy da cháy thịt, hắn đã từng vô đó công tác và chứng kiến em chim đang đậu trên cây chẳng ai bắn mà lăn quay ra ngỏm củ tỏi vì nóng.

chim rụng vi nong
chim rụng vì nắng nóng ở miền Trung

Hay cái nóng ở phía nam xa xôi tận Sài Gòn với cái kiểu sáng nắng gắt nhưng cứ tới chiều tối là mưa tầm tã với những đợt chiều cường cuốn trôi xe cộ, kèm theo từng đợt gió biển thổi tan đi cái nóng ban ngày. Thì cái nóng ở Hà Nội lại theo kiểu chẳng ông chẳng bà và là một sự kết hợp có phần quái dị của hơi nóng và độ ẩm. Có người từng so sánh cái nóng của thủ đô giống hệt một cái lò hấp bánh bao với nhiệt độ ban ngày lên tới gần thậm chí hơn 40 độ nhưng đến tối thay vì gió mát mưa ẩm thì lại là những làn hơi oi ả ẩm ướt kèm nhiệt độ cao phả ra từ từng khối bê tông hút nhiệt ban ngày, Kết quả là người dân chốn kinh kì mỗi đợt hè về lại được thưởng thức mùi bánh bao thơm phức toả ra từ cơ thể bất kể ngày hay đêm. Và nặng nhất là lúc trước những cơn mưa, không khí bí bách và ngột ngạt đến mức khó chịu khiến không biết bao người lăn quay ra ốm, đặc biệt là người già và trẻ con. Còn sau cơn mưa á, chúng ta có những quân đoàn muỗi ghế thăm từng nhà, thăm từng người với những đợt dịch sốt xuất huyết dâng cao. Nếu chỉ cần bớt ẩm đi một chút thì có khi cái nóng ở Hà Thành đã chẳng đáng nói tới khi so với miền Trung gió lào hay miền Nam nắng nóng quanh năm.

Có nhiều nguyên nhân gây ra chuyện này, nhưng hắn xin phép liệt kê một vài những tác nhân chính dưới đây:

Cây xanh và mặt hồ mỗi ngày một ít đi

Ai ở thành phố lâu năm thì đều nhận ra một thực trạng cực kỳ đáng buồn đó là diện tích cây xanh và mặt hồ mỗi ngày một nhỏ và hẹp lại. Những cái ao hồ còn lại thì cũng mỗi ngày một bé đi, những cái trong ngõ trong làng thì siêu bẩn và ô nhiễm. Hai bên bờ với cơ man là rác là vật liệu xây dựng bỏ đi và nhiều thứ không tiện kể ra 💩 của cả người lẫn cún. Cây xanh thì đúng kiểu lớn thì dễ đổ khi mùa mưa mà bé thì không chịu lớn, cứ khẳng khiu xung quanh là những chân giả bằng kim loại để chống đỡ. Thành ra những cái cây cổ thụ tán rộng, nhiều tầng nhiều lớp chỉ là những câu chuyện cổ tích ngày xưa hoặc thấp thoáng trong trí nhớ của thế hệ 8x về trước. Tất nhiên ở Hà Nội vẫn có những con đường với hàng cây xanh tươi mát cả hai bên lề đường, rồi thì những cây to thiệt to dọc các ngôi nhà trên phố, nhưng có một hiện thực đó là hình ảnh đó mỗi ngày một ít đi nhỏ lại và dần bị quên lãng. Hắn nhớ hồi còn học tiểu học, chuyện đi từ nhà tới trường mà không dính tí nắng nào là điều khá thi, nhưng ở hiện tại có lẽ sẽ khó có chuyện đó, thậm chí nhiều con phố còn có tí tẹo vài cái cây nhìn mà thương mà xót cho cả con đường lẫn những dòng xe cộ đang lưu thông bên dưới. Hy vọng trong tương lại quê hắn sẽ nhiều cây hơn, các cây to hơn, tán rộng hơn và chắc chắn hơn để che mưa che nắng cho người đi đường. À quên cả cái vấn đề ao hồ đoạn đầu đã nói nữa, hy vọng và mong các ao hồ khắp thành phố sẽ ít bị bức tử đi, sạch hơn ít rác hơn và đừng gầy đi nữa.

Hiệu ứng đô thị

Với xi măng và các nhà cao tầng với 4 mặt là kính kèm hàng trăm chiếc điều hoà phả thẳng hơi nóng ra không khí là minh chứng rõ nhất cho hiệu ứng đô thị. Ngày xửa ngày xưa, nhà dân còn ít, cũng chẳng có mấy nhà cao tầng ngoài các khu tập thể nên không khí cũng như làn gió mát từ ngoại ô từ những cánh đồng xung quanh thành phố còn có thể thổi vào nội thành. Chứ hiện tại đâu đâu cũng là những khối xi măng, thấp nhất là 4 đến 5 tầng còn những căn chung cư cao hàng chục tầng thì khỏi cần nhắc đến. Mặt đường bằng xi măng và nhựa đường cũng đóng góp một phần không nhỏ vào những hiệu ứng đô thị này. Chúng hút không khí nóng ban ngày, tích tụ từng giờ từng phút và đến tối thì phả thẳng vào không khí với sự trợ giúp nhiệt tình của những cục nóng điều hoà làm không khí buổi tối ở nội đô đúng chuẩn một nồi bánh bao hoặc cũng có thể gọi là nồi xôi bảy vị (vị mồ hôi, vị nhựa đường, vị da cháy nắng, vị xăng xe, vị rác chưa kịp dọn đi, vị đồ ăn bữa chiều và vị thủ đô siêu đặc trưng).

Sức chịu đựng của người thành phố kém dần theo năm tháng

Mà ở đây là cả sức chịu đựng của cơ thể lẫn tâm lý với những áp lực vô hình của cuộc sống nơi phố thị. Trong các câu chuyện kể của các bà các cô, con người ngày xưa chịu đựng giỏi lắm, khoẻ lắm. Họ có thể vác bao gạo 50 cân mà vẫn đi phăng phăng, có thể cầy cấy cả ngày ngoài đồng nắng chói chang và có thể đạp xe hàng giờ ngoài đường từ ngoại ô vào tận Hồ Gươm mà không xi nhê gì. Còn ngày nay thì lẽ con cháu các cụ sẽ khó mà làm được điều đó, khi mà hầu hết đang làm công việc liên quan tới văn phòng, ít vận động chân tay và trà sữa bánh ngọt, đồ ăn nhanh là thứ ưa thích mỗi ngày. Thế nên khả năng chịu nóng, chịu khổ cũng khó mà bằng ngày xưa, làm người thành thị ngày nay than nhiều hơn, ca thán dài hơn và yếu hơn khá nhiều. Tất nhiên không thể hoàn toàn so sánh kiểu một một như vậy được, vì con người ngày nay đặc biệt là ở thành phố còn phải chịu những áp lực về mặt tâm lý. Áp lực về cơm áo gạo tiền, áp lực về sự thăng tiến, áp lực về chuyện mua nhà, áp lực trụ lại thủ đô, áp lực con cái với người già… Vân vân và mây mây những thứ như thế làm căn bệnh trầm cảm và stress ngày ngày một phổ biến hơn ở giới trẻ lẫn trung niên đang mỗi ngày chạy đua ngoài kia. Kết hợp với cái nóng bức khó chịu của mùa hè làm không ít người phải kêu lên ĐM ĐC cái mùa này.

Đời sống một bộ phận người dân khá khó khăn

Mà rõ nhất là những khu trọ rẻ tiền của sinh viên, công nhân và những người thu nhập thấp trong xã hội mà VTV đã lên sóng khoảng gần tuần nay. Những căn hộ chật chội, lợp bằng mái tôn và tất nhiên không có bóng dáng của điều hoà. Ban ngày thì còn cố gắng chịu đựng, đi làm chỗ khác hoặc tưới nước quanh sân với trong nhà hoặc cởi trần dìm mình trong những chậu nước. Chứ còn khi đêm xuống với những làn hơi nóng phả từ đất phả lên, phả từ tường phả ra và phả từ những căn cao tầng xung quanh phả xuống thì chỉ có nằm yên mà hưởng thụ. Những khuôn mặt khắc khổ, những tấm thân hao gầy vì thời tiết, dù lên tivi đã đôi phần được giảm bớt được che chắn để bớt “ngại” thì cũng khó mà che đậy được cái sự vất vả mỗi ngày khi hè đến với những đợt nóng triền miên gây ra. Tìm kiếm nhẹ trên Google với loạt từ khoá “chống nóng trong mùa hè mà không cần điều hoà” bạn có thể thấy hàng triệu kết quả được trả về. Nhưng tin hắn đi dù bạn có làm theo hết từ đầu tới cuối thì hắn đảm bảo cũng chẳng mát mẻ được bao nhiêu như lời quảng cáo trong các bài viết hướng dẫn đó đâu. Chứ còn mấy thứ quảng cáo tiết kiệm điện, rồi thì quạt pha ke điều hoà hay tấm chắn hút nhiệt và nhiều nhiều những thứ tương tự quảng cáo trên shopee mỗi ngày toàn là chém gió hết. Thế nên chỉ có “Điều hoà mới là chân ái“, còn không thì chỉ có cố gắng tiết kiệm tiền bớt ăn bớt uống bớt mặc và tạm chịu khổ mà lay lắt qua từng đợt nóng mùa hạ mà thôi. Rồi cố gắng để lắp chứ đừng tiêu tiền cho những thứ phù du vẫn quảng cáo lẫn hướng dẫn làm gì. Tất nhiên viết giải pháp thì hay vậy thôi, chứ những nhà quá khó khăn, đang mắc bệnh hiểm nghèo hoặc hoàn cảnh không cho phép thì đúng là không cách gì mà giảm nóng được. Chỉ đành mong, giá cả điều hoà và tiền điện sẽ rẻ đi một chút đặc biệt là mùa hè để người dân đỡ khổ đỡ nhọc nhằn mà thôi.

Chất lượng không khí luôn ở mức đáng báo động

Một thứ nữa ảnh hưởng tới sức nóng của mùa hè đó là chất lượng không khí, tạo nên những làn khói làn sương và bụi mịn bao phủ quanh thành phố làm hơi nóng không thoát ra được và cứ giữ mãi trong nội đô dù nắng đã tắt vài tiếng trước. Đóng góp tạo nên cái tấm màn vô hình đó là sự tham gia của khói xe cộ mỗi ngày đang lưu thông, một số cơ sở sản xuất công nghiệp vẫn còn bám trụ trong nội đô rồi thì tình trạng đốt rơm đốt rạ của bà con mỗi đợt thu hoạch xong. Làm cho một thời gian dài cứ xem tivi là thấy báo động về chỉ số AQI luôn ở mức đỏ, thậm chí là tím. Và thú vị là càng oi càng nóng thì tình trạng không khí ô nhiễm này càng tăng cao hoặc cũng có thể đảo ngược để nói càng ô nhiễm, không khí càng tệ thì mùa hè càng nóng càng oi và càng khó chịu. Viết đến đây hắn chợt nhớ về những đợt giãn cách ở thủ đô, hồi đó không khí cứ gọi là xanh ngát, nếu có dịp đi chợ theo ngày hoặc đi công chuyện đâu đó cứ gọi là siêu thích. Không khí mát mẻ, bầu trời trong xanh và lượng xe cộ thì siêu ít để mà phải hít khói xe. Tất nhiên hắn chả mong Hà Nội sẽ vắng tanh để được giảm ô nhiễm theo cách đó vì như thế thì chết bà con cô bác buôn bán này kia mà cũng chết cả những người tiêu dùng nữa. Hắn chỉ mong không khí thành phố được cải thiện bằng những biện pháp cụ thể về cây xanh và giảm phát thải thôi.

Biến đổi khí hậu toàn cầu

Và cuối cùng lý do to nhất mà cũng ảnh hưởng nhiều nhất tới cái nóng của mùa hoa phượng nở đó chính là biến đổi khí hậu toàn cầu. Thứ mà nhiều nước đang phải đối mặt, hình ảnh những ông tây da trắng bà tây phốp pháp nằm lè lưỡi cạnh những vòi nước công cộng hoặc dọc các con sông ở Châu Âu đang là thứ ngày càng phổ biến. Ai đời những quốc gia mọi khi lò sưởi thì có máy lạnh thì không, nhà thì dày cộp, giữa mùa hè cùng lắm chỉ lên đến hơn 20 độ là cao mà nay cũng chạm mốc 30 hoặc thậm chí 48 độ đo ở Tây Ban Nha theo bản tin trưa nay hắn ngó được. Thì chuyện những quốc gia nhiệt đới gió mùa như nhà ta chịu những đợt sốc nhiệt là chuyện hiển nhiên và sẽ phải học làm quen trong tương lai. Dù trên tivi có một vài những động thái của các quốc gia như giảm phát thải, ngưng sử dụng những nguyên liệu hoá thạch rồi thì giảm ô nhiễm môi trường, tăng diện tích cây xanh này kia. Nhưng thú thực là hắn chả tin cho lắm vào những biện pháp trên tivi này của các ông lớn đặc biệt là mấy ông tây mặc com le ngồi điều hoà lạnh ngắt phát biểu xì xồ này kia. Vì làn sóng đổ bộ với chuyển dịch chẳng qua chỉ đưa chỗ ô nhiễm này tới chỗ ô nhiễm khác mà thôi, chung quy trái đất vẫn hứng chịu từng đấy lượng khí thải và chất đốt thì có mùa mít mới mong những cam kết về chống biến đổi khí hậu thành hiện thực. Trừ khi một loại nguyên liệu xanh được ra đời với mức giá rẻ như cho thì may ra mới có những tín hiệu tín cực về không khí và phần nào ngăn cản khí hậu toàn cầu trở nên cực đoan. Ui viết tới đây mà hắn thấy tâm trí của bản thân vĩ mô lên mấy cấp độ, nên xin phép được dừng lại không thì vỏ não lại không chịu được nhiệt mất, nhất là trong không khí mùa hè oi bức này.

Tổng hợp tất cả những lý do kể trên cộng dồn làm Hà Nội có một bầu không khí nóng bỏng hơn rất nhiều nơi khác trên mảnh đất hình chữ S. Ai đến thăm thủ đô đợt này chắc cũng phải lè lưỡi mà thừa nhận đôi ba phần với cái câu ví von ở đầu bài viết mà thôi. Thế nên xin được phép khép lại bài viết này bằng một câu nói vui vẻ của gen Z hắn mới học được gần đây trên mạng.

Thử thách 6 ngày 6 đêm lượn lờ ngoài Hà Nội đợt này để trải nghiệm nơi khắc nhiệt nhất hành tinh, gét gâu 😅

Leave a Comment