Tâm sự

Buông hay Cắm

(Chuyện có thể thật có thể giả, nhưng tên và hình dáng nhân vật thì chắc chắn là do người viết phịa ra. Nên nếu trùng khớp trùng hợp với ai đó, nhà nào đó vào đúng thời điểm này thì có lẽ là một sự ngẫu nhiên vi diệu của cuộc sống mà thôi)

Ngồi nhâm nhi ly trà nóng, hắn chợt nhớ về một buổi chiều gần một tuần trước khi còn ngồi ngả nghiêng trong hành lang, ngáp ngắn ngáp dài sau một đêm trắng trong viện. Bỗng có tiếng xôn xao, cãi cọ từ phía phòng cấp cứu của khoa. Ừ thì buồn ngủ thật đấy nhưng như một bản tính khó bỏ, tai vẫn ngỏng và mắt vẫn lơ đễnh ngó sang xem có chuyện gì. Hắn thấy bác sĩ và y tá chạy vội chạy vàng vào, hắn thấy kim truyền với oxy và hắn thấy những người nhà bị đuổi ra nhưng vẫn cố níu lại bên hành lang. Trong nhóm người nhà có một bác mập có tuổi đeo kính có vẻ kể cả, một chị phụ nữ kém tuổi hơn, một vài chàng trai và cô gái trẻ. Tiếng bíp bíp của máy kiểm tra huyết áp, điện tim dồn dập. Hình như là y tá điều dưỡng của khoa lúc này đều đổ dồn về giường này. Một lúc sau khi nhịp điệu đã chậm lại, người cũng giãn ra chỉ còn lại hai điều dưỡng chỉnh sửa ống nối và lấy máu. Hai bác sĩ đưa người nhà ra bàn bên ngoài hành lang “tâm sự”.

Tình hình của cụ khá nguy cấp, suy đa tạng và có thể tử vong bất cứ lúc nào kèm theo vô số những thuật ngữ chuyên môn mà hắn chả hiểu tới một phần tư. Người nhà mặt đăm chiêu, khó coi nhất là bác mập mà giờ hắn mới nhấp nháy nghe được là anh con cả, còn lại là cô em và đám con cháu.

– Anh hỏi có cứu được không, bác sĩ ơi

– Khó anh ạ, hiện tại việc cắm máy chỉ có thể duy trì sự sống và hy vọng việc điều trị sẽ có tiến triển.

Nét mặt đường gân trên mặt đỏ ửng. Trầm tư suy nghĩ một lúc lâu và trao đổi thêm với bác sĩ thì anh lưỡng lự bảo:

– Thôi…

Nhưng đúng lúc này thì một chị tóc rất dài hớn hơ hớn hải chạy vào, chị phi ngay tới giường bệnh gọi mẹ ơi (hai hôm sau hắn nói chuyện mới biết là cô em út), rồi lại chạy ra chỗ bác sĩ, miệng liên tục kêu van

– Bác sĩ cứu mẹ em, cứu mẹ em bác sĩ ơi. Tiêm truyền gì cũng được (chả hiểu sao lúc này mắt hắn cay cay, dù đã từng ra vào viện như đi chợ và người nhà cũng vẫn đang nằm truyền Na, có lẽ là một sự đồng cảm nhẹ trong những tình huống như thế này)

Bác sĩ lại giải thích một lần nữa, Nhưng người anh cả thì gạt đi, muốn cụ đi thanh thản không đau đớn. Nhưng cô em út thì nhất quyết không chịu, gọi điện đi khắp nơi nhờ người quen. Bác sĩ H lại nhẹ nhàng nói, thế giờ người nhà muốn để nguyên hay cắm máy. Người anh nạt cô em rồi trả lời

– Cô để yên anh quyết, bác sĩ cứ duy trì thôi không cắm gì cả. Cắm vào đau đớn lại không giúp gì thêm được.

Bác sĩ H trả lời

– Không được, nếu bệnh nhân nằm lại thì chúng tôi phải làm mọi thứ để duy trì sự sống. Còn nếu người nhà không muốn thực hiện thủ thuật thì phải xin bệnh viện đưa về. Chứ dựa vào các chỉ số thế này, cụ ngừng tim tại viện bất cứ khi nào thì theo quy định phải đưa xuống nhà xác và làm thủ tục xác định nguyên nhân tử vong.

Anh con cả chen ngang:

– Không đưa về nhà, người sống đi về ma chết ở lại bác sĩ ơi. Nếu mà cứu được thì nhà sẽ mang về, còn nếu chết thì xin ở lại, không về.

Bác sĩ lại giải thích thêm về quy định. Cô em út khóc lóc van nài thêm nhìn rất tội. Tới thời điểm này bác sĩ chốt:

– Thế này đi, người nhà ra ngoài bàn lại thật kỹ và chắc chắn đi. Chứ quy định chúng tôi không thể can thiệp hay để nguyên nếu người nhà không cho phép, và trong trường hợp người bệnh đột tử ngay bây giờ mà không được can thiệp thì sẽ chuyển xuống nhà xác và khám nghiệm nguyên nhân tử vong. Nên mong người nhà quyết định nhanh để chúng tôi thực hiện, thời gian rất gấp.

Đến đoạn này thì hắn bị đuổi ra vì đến giờ đi phòng của đội điều dưỡng, nên không được nghe tiếp theo họ bàn ra sao. Chỉ biết rằng sau đó ống được cắm, máy được chạy và nhiều loại thuốc thang được truyền vô.

Hôm sau thì lúc hắn đi mua cơm, lại vô tình lạc vào đoạn nói chuyện của cô em út và một người bác trong điện thoại. Cô em kể về mẹ bắt đầu phục hồi, về cụ vẫn nghe thấy nhưng không nói và về có thể một nỗi buồn trong tim khi các anh các chị không muốn cứu cũng chả muốn mang về. Hắn tạt qua và tặc lưỡi.

Tới lúc người nhà hắn chuyển khoa, thì bà cụ đã được rút ống với máy, có vẻ những tín hiệu đáng mừng đã tới với cụ. Những tiếng trao đổi bớt nặng nệ hơn, câu chuyện về sự hồi phục được kể được truyền đi qua điện thoại. Anh chị em nhà đó thay phiên nhau chăm sóc 24/7. Âu cũng là một sự may mắn và kết đẹp cho họ.

Đáng ra câu chuyện sẽ dừng ở đây và không có lời bình. Nhưng hắn biết vì đã viết rất nhiều trường hợp như này trong môi trường bệnh viện, nhiều người sẽ khen cô em và vài người khác sẽ chê sẽ mắng sẽ chửi người anh cả.

NHƯNG

Bạn ơi, xin một góc nhìn nhẹ và khoan dung về người anh và về cái anh ấy đang phải chịu đang phải nghĩ. Nếu bài toán chỉ là 1 cắm là sống, 0 cứu thì chết, thì có lẽ đã chả có gì để nói để kể. Nhưng có cả ngàn biến số sẽ diễn ra mà không ai biết trước điều gì. Ngay khi bác sĩ H tư vấn cũng đề cập tới, việc cắm máy ngắn hay dài ngày nhất là người già đều gây viêm loét rất đau đớn, người nhà phải xác định tư tưởng. Rồi vấn đề về chi phí, ECMO kết hợp lọc máu không phải là phạm vi của người nghèo kể cả có bảo hiểm hay không. Nó là một thứ rất Đắt đỏ và càng kéo dài chi phí liên quan càng đội lên. Thế nên sự lưỡng lự, không dám và muốn buông là hiểu được, còn việc mang về nhà thì có lẽ hắn nghĩ liên quan đến tâm linh của người có tuổi, với hắn và đội con cháu hay cô em út không phải là vấn đề, nhưng với người đang làm nghề buôn bán thì lại là một chủ đề đáng quan ngại lắm lắm….

Viết cũng đã dài, văn cũng cũng đã kiệt, hắn chỉ mong đưa đến cho mọi người một câu chuyện nhỏ một góc nhìn từ phía kia. Sẽ không phán xét đúng sai hay tốt xấu ở đây. Chỉ đơn giản một câu chuyện chủ đề bệnh viện đọc để biết để cảm mùa dịch mà thôi.

Hà Nội – Mùa Covid nhưng được ở nhà

Leave a Comment