Nếu đã từng đi viện hoặc ít nhất đi chăm sóc người nhà ở các bệnh viện công thì không ít thì nhiều bạn đã từng trải qua cái cảnh chen chúc trong một căn phòng chật hẹp với cơ man là người với người. Và một trong những hình ảnh khá quen thuộc mỗi khi tối đến đó là cảnh tượng trên giường là người nằm mà dưới đất cũng có người nằm. Một chuyện mà ban ngày có thể sẽ không xuất hiện do lý do vệ sinh, rồi thì quy định của từng bệnh viện và tất nhiên các phương tiện thông tin đại chúng cũng ít khi cho lên sóng vì mấy khi nhà báo đã vô phòng bệnh lúc nửa đêm mà chụp với lên hình. Thành ra hôm nay được sự khuyến khích từ bình luận của thằng bạn đại học về bức ảnh hắn đăng lên về chuyện ngủ gầm giường ở viện, hắn viết vội đôi ba dòng về chuyện 3 tầng giường này. Hy vọng sẽ giúp bạn đọc hình dung phần nào về sự quá tải tại các bệnh viện hiện nay, cũng như những khó khăn của người nhà gặp phải khi đi chăm sóc người bệnh.
Tầng đầu tiên cao nhất dành cho người bệnh
Có lẽ đây là tầng được báo chí, rồi các phương tiện truyền thông ưu ái nói nhiều nhất trong cả chục năm qua. Nên hắn xin phép không đề cập quá nhiều về nó trong bài viết ngày hôm nay. Bạn chỉ cần biết là chuyện nằm ghép, hai bệnh nhân một giường là thứ thường thấy ở các viện công. Trừ khi nhà bạn đăng ký phòng tự nguyện hay có tên khác là phòng dịch vụ thì chuyện hai thậm chí ba người một giường vào những thời điểm đông đúc và dịch bệnh bùng phát là chuyện bình thường như cơm bữa hàng ngày. Tất nhiên cũng có lúc khoa phòng vắng vẻ hoặc người bệnh được ưu tiên do tuổi cao, bệnh nặng hoặc mới từ buồng mổ trở về thì được nằm thoải mái một buổi không có hàng xóm cạnh bên còn không thì ai cũng như ai đều có bạn cùng giường. Nói chung sẽ còn vất vả và xa lắm cái ngày viện công bớt qua tải với tình trạng thành phố mỗi ngày một phình to mà bệnh viện thì ít như hiện giờ.
Tầng thứ 2 dành cho những người nhà thuê giường gấp
Đây là tầng mà hắn hay nằm nhất, một chiếc giường gấp được thuê vào buổi tối khi công tác tiêm truyền hàng ngày đã xong xuôi, nhẹ nhàng gỡ ra, đút một nửa vào gầm giường hoặc nếu may mắn còn thừa chỗ trong phòng thì được phơi cả người ra ngoài ánh sáng. Cơ bản thì như nhiều lần hắn đã đề cập về cảm giác nằm trên những chiếc giường gấp kiểu này đó là đau lưng do khó cựa quậy và khá võng phần lưới do tuổi đời cũng như được sử dụng cho quá nhiều người. Chẳng hề sung sướng như những chiếc võng xếp tại các bãi biển hoặc các khu du lịch đâu. Nằm một đêm mà tựa như già đi vài tuổi do xương khớp thì cứng đờ và gân cơ thì căng mỏi đau nhức, nhất là mấy chỗ khi nằm ngủ vô tình đè vào trụ giường bệnh hoặc thanh thép căng lưới hai bên cạnh giường gấp. Mà chê là vậy nhưng không phải lúc nào muốn cũng có mà thuê đâu, vào những thời điểm khoa phòng quá đông, số lượng người nhà đi chăm vượt quá số lượng giường gấp cho thuê của khoa thì tình trạng cung ít cầu nhiều bắt đầu xuất hiện. Và lúc này sự khôn lỏi bắt đầu thắng thế, ai lấy sớm tức là chưa đến giờ cho mượn đã lẻn vào kho của khoa cắp nách một chiếc rồi mang về chỗ của mình thì có cái mà nằm. Còn với những người lấy muộn hoặc mới nhập khoa vào buổi tối thì chỉ còn biết than trời với câu khẩu hiệu “cái nịt chẳng còn“. Rất nhiều trường hợp phải tận dụng những chiếc ghế nhựa dùng để ngồi ban ngày, xếp dọc vào thành một hàng và nằm trên đó ngủ qua đêm, khó cứ phải gọi ngang ngửa chuyện Long Cô Cô bắc dây ngang phòng để ngủ trong tiểu thuyết Thần Điêu Đại Hiệp của cố nhà văn Kim Dung. May mắn và cũng là khôn lỏi do tích góp nhiều năm đi chăm người bệnh nên hắn lúc nào cũng có giường để nằm ban đêm, tạ ơn trời!
Và tầng cuối cùng
Cũng là tầng thấp nhất, nơi dành cho những gia đình mang chiếu đi để tiết kiệm chi phí và chủ động hơn trong việc nằm nghỉ ở bất cứ chỗ nào trong viện, chỉ cần trải chiếu ra đất và đánh một giấc mà không cần quan tâm đến bàn dân thiên hạ phải mượn giường mới được nằm. À quên ngoài đối tượng chủ động thì cũng có đối tượng bị động nghĩa là hết giường để mượn như ở trên đã nói và phải đi mua chiếu hoặc trải tạm tấm áo khoác lên sàn để nằm cho qua đêm, rồi sáng mai tính, đây là trường hợp điển hình của những ca bệnh cấp cứu phải nhập khoa trong đêm. Ưu điểm của tầng này là tính chủ động, thích lúc nào là trải ra lúc đấy chỉ trừ khi y tá điều dưỡng đi phòng hoặc y công dọn buồng là có chút khó khăn còn lại rất thoải mái về mặt thời gian, nằm lúc nào, nằm chỗ nào và nằm đến khi nào cũng được. Nhưng nhược điểm là cực kỳ đau lưng và lạnh nếu vào mùa đông hoặc mùa hè nếu ban đêm phòng bật điều hòa mà để nhiệt độ quá thấp. Chưa kể tới chuyện nằm sát mặt đất ở buồng bệnh như vậy thì khá mùi, chủ yếu là mùi của thuốc sát trùng được lau chùi mỗi ngày, tất nhiên là cả những rủi ro về tiếp xúc với những vi khuẩn trên mặt đất gây ra các bệnh cơ hội nếu buồng phòng không được vệ sinh sạch sẽ và kỹ lưỡng nữa. Cơ bản là bần cùng lắm mới chọn nằm ở tầng này, chứ chả ai muốn với chọn nó cả. Hắn thì mới thử nằm ké một nhà khác lúc buổi trưa cần chợt mắt một tí cho đỡ mệt, chứ chưa từng nằm cả đêm theo kiểu này bao giờ nên cũng không có nhiều trải nghiệm để mà kể cho lắm.
Chốt lại, 3 tầng giường của viện, một cách nói yêu thương và cả nể là đa dạng trong cách người bệnh và người nhà lưu trú. Nhưng cũng là một lời than thở nhẹ của hắn cho tình trạng quá tải hiện nay tại đa số các bệnh viện từ tuyến thành phố tới tuyến trung ương ở những đô thị lớn. Hy vọng trong tương lai gần tình trạng này sẽ đỡ hơn và tương lai xa là biến mất.