Sống đẹp

Yêu trà theo kiểu lẳng lơ

Nói về trà thì hắn cũng đã có đôi ba bài viết về chủ đề này nhưng hình như chưa có một bài nào nói về tính cách uống trà hay gọi tắt là trà tính của hắn thì phải. Thế nên nhân lúc nhâm nhi chén trà ấm nóng trong cái thời tiết nửa thu nửa hạ, hắn xin tâm sự đôi ba dòng về trà tính của bản thân một chút.

Hắn khá yêu trà thích trà

Mà tình yêu ấy không bắt nguồn từ những loại trà truyền thống mà các cụ hay những văn nhân vẫn nhắc tới trong ca từ thơ phú hay một câu truyện truyền miệng nào đó. Hắn bắt đầu thích trà từ một loại mà giới trẻ ngày nay vô cùng yêu thích đấy là trà sữa chân trâu với cái vị ngọt ngào giả tạo pha chút béo ngậy của kem phô mai. Rồi theo tuổi đời và những vấp ngã lẫn những chuyện có vui có buồn trong cuộc sống hắn đến với trà xanh, trà đen, trà hồng, trà bông, trà tạp phí lù.

Mỗi ngày thưởng thức một loại khác nhau

Nếu kinh tế không phải là vấn đề thì hắn mơ một tuần thứ 2 uống trà Thái Nguyên, thứ 3 uống Đại Hồng Bào, thứ 4 uống Long Tỉnh, thứ 5 uống Phổ Nhĩ, thứ 6 uống Matcha, thứ 7 uống Earl Grey và chủ nhật uống trà Thổ Nhĩ Kỳ. Tuần sau lặp lại hoặc ngó nghiêng sang những loại trà ở các quốc gia khác. Nếu có thể trong một tháng uống 30 loại khác nhau thì thật tuyệt vời làm sao. Từ cái sự ước mơ đầy tham lam đó bạn có thể thấy hắn là một kẻ lẳng lơ, không hề chung thủy với một em trà nào trọn vẹn hoặc yêu sâu sắc một loại trà cố định mà luôn biến đổi theo thời gian. Tất nhiên cũng có thời điểm do những điều kiện về thời gian và không gian, hắn buộc phải uống một loại nhất định không thay đổi, nhưng đó lúc buồn nhất trong hắn khi tay cầm trà Thái Nguyên mà tâm hồn thì tưởng nhớ và mơ mộng về loại A loại B loại C nào đó trên Tiktok trên Youtube trong những video về trà đạo. Đúng kiểu các cụ vẫn thường nói đứng núi này trông núi nọ.

Thích quá trình pha trà và những đạo lý

Không phải tuýt người quá cầu kỳ và cầu toàn về việc pha phóng một thứ gì đó. Nhưng riêng với trà thì thú thực hắn có hơi kỹ tính hơn một chút, dù thú thực so với những nghệ nhân về trà thì còn kém xa rất là xa. Và cái sự kỹ đấy cũng lên xuống theo tâm trạng và hoàn cảnh, nhiều lúc cũng làm đủ các bước tưới tắm, kỳ cọ và làm nóng nhưng cũng có khi rót vô là uống luôn chả thèm tráng. Nhưng những đạo lý về trà và lịch sử của trà lại khiến hắn thấy thích thú nhiều hơn. Hắn nhớ trong một cuốn sách đọc cũng hai ba năm về trước có một câu hai khá thích “Lịch sử của trà là lịch sử giao thương của loài người, của máu, mồ hôi và nước mắt“. Quả thực mỗi lần thưởng trà hắn có đôi chút chiêm nghiệm và ít nhiều cảm nhiễm những gì câu nói đó trong vị chát vị thanh và vị ngọt hậu của chén trà. Còn những đạo lý đi kèm với trà thì nhiều vô số kể mà nói ra lại thành một lão gia tử lắm lời thích dạy đời nên hắn xin phép chỉ nói khơi khơi vậy thôi.

Trà và cảm xúc của hắn

Trong một ấm trà khi được pha ra thì luôn đi kèm với những cảm xúc đặc biệt nhất là khi ấm trà đã gần vơi và chén trà đã gần cạn thì cái cảm xúc đó lại càng mãnh liệt và bung tỏa. Lúc đó trà tính đã ngấm hết vào cơ thể và ít nhiều ảnh hưởng tới cảm xúc của người thưởng trà. Đôi khi làm người uống có cảm giác thăng hoa sáng tạo và đôi khi lại làm phần nào đó trong tâm trạng chạm đến được trạng thái “vô vi” trong thiền định mà chưa cần áp dụng những thủ pháp nào cao sang. Và với cá nhân hắn thì điều đó cũng hoàn toàn chuẩn xác, lúc ấm trà mới được pha thì cũng không có nhiều cảm nghĩ và suy tư lắm đâu, cùng lắm chỉ có sự lựa chọn nên ăn với bánh mặn hay bánh ngọt, nên nghe nhạc hay nghe truyện hoặc vừa uống vừa gõ blog hay là tập trung vào nhâm nhi từng ngụm trà mà thôi. Nhưng khi ấm trà đã đến nước cuối cùng và chén trà đã phần nào nguội bớt thì lại là một sự khác biệt hoàn toàn. Lúc đó nếu đang viết cái gì đó thì tốc độ gõ liền tăng lên và mạch cảm xúc trong từng con chữ cũng tuôn ra dạt dào hơn. Còn nếu đang ngồi tĩnh tại ngẫm về nhân thế và cuộc đời thì khoảng lặng lại sâu hơn trầm hơn và làm ta cảm thấy vô cùng thoải mái trong tâm can.

Để kết luận cho cái sự lẳng lơ trong trà tính này hắn chỉ xin phép dùng một câu hắn học lỏm được trên mạng mà thôi “trà là ta mà ta cũng là trà“.

Leave a Comment