Sống đẹp

Văn hóa chê

Hắn không biết văn hóa này bắt đầu từ đâu, hoàn cảnh ra đời và cũng chả biết ai phát minh sáng tạo ra nó. Nhưng hắn nhận thấy một điều là dân ta rất giỏi bộ môn này đặc biệt là mấy cụ thuộc thế hệ cũ. À mà cũng chẳng phải toàn các cụ, cả giới trẻ, giới tinh hoa hoặc tự cho mình là tinh hoa trên các nền tảng mạng xã hội cũng đang áp dụng văn hóa này rất thường xuyên và ổn định. Chê tất chê hết chê bất cứ thứ gì ngoại trừ những thứ dính đến bản thân.

Lúc đầu, do ngây thơ thì hắn nghĩ chắc chỉ có mấy chị em cô bác mới có cái văn hóa này khi đi chợ. Đó là lúc mà chê trở thành một công cụ và phương pháp để có được một giá hời cho một món hàng nào đó họ muốn mua. Đầu tiên chị em sẽ chê thậm tệ, chê trên chê dưới, chê trái chê phải, chê từ trong ra ngoài, chê từ mẫu mã tới chất liệu, chê cả xuất xứ lẫn màu sắc và đặc biệt là chê chất lượng không tương xứng với giá bán để đi đến một câu chốt vô cùng thân quen “hết chỗ này xx đồng nhé”. Những tưởng các câu chê đó chỉ dừng ở ngoài hàng tôm hàng cá hàng rau, thì không chê đã trở thành một nét văn hóa mà thấm nhuần trong không ít người cả ngoài chợ, lẫn trên mạng xã hội bây giờ.

Và một sự thật đáng nhăn mặt và lắc đầu đó là văn hóa chê đã bám rễ rất sâu và rất lâu trong chúng ta, bám sâu đến mức mà có những người đã đi xa tít khỏi biên giới ở phương trời xa xăm nào đó cũng không quên mang theo nét văn hóa này đi theo, phần để quảng bá tính cách con người, và phần cũng để thỏa mãn thú vui được chê. Nhưng nói gì thì nói, thứ văn hóa ấy vẫn đậm đặc nhất là ở trong nước khi mà trên mạng xã hội, tìm được một status khen khó hơn lên giời nhưng để mà thấy một status chê thì nhiều như lá rụng mùa thu. Nhiều khi không tự chủ, hắn lướt mạng vu vơ thì những tút chê đó còn tự nhiên đập bồm bộp vào mặt lúc nào không hay. Nói chung là vừa buồn mà vừa tức cười cho cái văn hóa này.

Chê hay chê hợp lý thì đã không nói làm gì, vì chê là một môn nghệ thuật, chê chuẩn cũng là một thứ tinh hoa không phải muốn là học được ngay nhất là những văn hóa chê vô tội vạ đã tồn tại quá lâu rồi. Nhưng nhiều cách chê rất phản cảm, rất tục rất bậy và cực kỳ mất văn hóa nếu không muốn nói là vô cùng xấu xí và làm ngôn ngữ Việt kém lung linh đi khi đứng trước bạn bè nam châu. Vài vụ hot hot trong năm qua cũng minh chứng phần nào cho điều này.

Trong khi hắn là một người thuộc trường phái mở, lịch sự nên khá dị ứng với kiểu văn hóa này. Với bản thân thì hắn thích kiểu chê gì thì chê nói gì thì nói cũng lên giữ một phép lịch sự cơ bản giống người phương tây. Cái này chắc do ảnh hưởng từ chơi mạng xã hội Linkedin lâu ngày mà ra. Hắn thấy trên đó khi một quan điểm bất đồng xuất hiện, họ luôn khen luôn nói một vài câu xã giao rồi mới bắt đầu bóc tách và cùng thảo luận, hoặc là chê một cách rất lịch sự, mang tính xây dựng và với thái độ rất cởi mở mà người được chê hay gọi là bị chê đều cảm thấy được tôn trọng và không phản cảm, không ghét người đang chê tí nào. Thậm chí nhiều trường hợp sau khi chê, nhiều người còn kết nối và làm bạn lâu dài cũng từ những tút chê rất là hợp lý đó.

Ngược lại ở một phía vô cùng tối màu với sự thân thiện ở trên, chê kèm chửi đổng là cấp bậc cao hơn của văn hóa chê. Ở đây ngoài chuyện chê vô tội vạ, chuyện chê nhưng kèm theo chửi tứ tung, chửi từ ông x đến bà y, chửi từ cấp cơ sở tới trung ương, chửi từ bên a tới bên b. Và đặc biệt là chụp mũ luôn ai mà có ý nói là chê chưa đúng đâu một cách vô cùng vô cùng mất dạy là một kiểu đáng sợ nhất của văn hóa chê. Việc chụp mũ này gần như diễn ra mọi lúc nếu ai đó có ý định sửa hoặc chỉnh, hoặc những người đưa ra bằng chứng về chuyện chê này sai lè. Nói chung là với những tut nhưng thế này chạy xa vài chục mét là điều nên làm ngay và luôn, chứ like hoặc cười mà không nói gì cũng bị gắn cho cái mác “im lặng là đồng lõa”.

Đm Đc Đb Đcc, NGU, óc chó, óc lợn, Điê_ Đ_ Lxx cụ thân sinh, giao hợ_ mẫu thân…. nhiều nhiều lắm mà có liệt kê cả ngày cũng chả hết là những mỹ từ mà hắn thấy nhan nhả trên mạng xã hội khi nhận xét về một ý kiến của ai đó trái chiều ở dân mình hoặc những từ này cũng không thiếu trong những bài văn chê dài như sớ mà một vài anh tài trên mạng vẫn hay bung ra khi nói về một chủ đề, một đối tượng hoặc một chủ thể nào đó mà họ ghét và muốn nhận xét. Mà chả phải người ít học mới sử dụng những từ ngữ kể trên, hắn thấy từ người học cao tới người bình dân học ít đều rất thoải mái và tự tin khi sử dụng những ngôn từ này. Nếu không muốn nói là trở thành câu cửa miệng khi chê ai đó hoặc phản bác lại người nào mà đi ngược lại ý kiến của bản thân. Nhiều trường hợp những mỹ từ này được xử dụng nhiều đến mức, luận điểm chê và phản bác thì chỉ cụt ngủn vài ba câu, nhưng các loại Đ thì kéo dài cả đoạn văn.

Câu văn mình vợ người có lẽ luôn đúng cho cách người Việt ứng xử với một ý kiến trái chiều. Văn của mình viết ra là hay nhất, chuẩn nhất và hợp lý nhất còn những thứ thằng khác viết toàn là đbrr hết, còn thứ mình thích mới là chân ái còn những thứ người khác thích thì toàn là rẻ rách, sô cô la hạng ba và là hàng phế phẩm không đáng nhắc tới. Chính vì vậy khi đặt lên trên một bàn cân, những thứ được ta khen chắc chắn phải liên quan đến ta hoặc những thứ ta thích, còn ở chiều ngược lại thì chỉ có ngu mới không CHÊ cho sướng miệng. Âu cũng là câu chuyện dìm người nâng mình mà ra😏

Rất thích chê nhưng khi có ai đó phản biện vào thứ mình chê thì xù lông lên như nhím và tìm mọi cách để mạt sát người đưa ý kiến trái chiều là một phần không thể tách rời của văn hóa chê. Cái này cực kỳ nguy hiểm. Nhưng có một thứ còn nguy hiểm hơn mà đích thân hắn đã được trải nghiệm khi tham gia một mạng xã hội viết blog. Tác giả làm một khảo sát rất dài rất nguy hiểm và chê thậm tệ đám đông ngu dốt, đề cao cái tôi xuất chúng của bản thân. Nhưng khi có ai đó phản biện về tính khoa học và giá trị của bài viết thì tác giả biến mất luôn theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng. Rồi một thời gian sau tác giả lại chụp ảnh lại những bình luận đó và biên bài mới cùng ý tưởng tự cho bản thân đã chiến thắng những kẻ phản biện trước đây. Oa đúng là một cách cư xử trên cả nguy hiểm. Nên nếu bạn thấy bài viết này có gì không ổn, có gì bất hợp lý thì đừng ngại phản biện, đừng ngại để lại bình luận. Hắn HỨA HỨA HỨA x100 lần và cam kết sẽ 😄cười thật tươi, cảm ơn và trả lời một cách dài nhất có thể để đáp lại nhé. Miễn lại đừng chửi đổng đừng dùng một số bộ phận phụ khoa để bình luận là được. Chân thành biết ơn sâu sắc các bạn đã đọc tới dòng này!

Giải pháp với riêng bản thân hắn để không bị nhiễm và chìm trong văn hóa chê đó là:

1) Bất cứ ai mà trong một tuần hắn đọc thấy có từ 2 tới 3 tút chê và than trở lên. Đó là lúc hắn cần unfriend người đó, hoặc nếu người đó là người không thể unfriend do vài lý do đặc thù thì unfollow là một công cụ tuyệt vời để văn hóa chê không xuất hiện mỗi ngày trên tường mạng xã hội của hắn.

2) Chơi sang một mạng xã hội khác mà có ít người Việt hơn, ví dụ như Linkedin hoặc một mạng xã hội mà toàn hình ít chữ như Intagram, Pinterest. Điều này sẽ giúp bạn học được vài cách chê lịch sự và hợp lý của mấy ông tây hoặc là thay vì nhìn thấy chữ lắm than lắm chê thì giờ nhìn hình cho cuộc đời tươi mắt một tí 😍

3) Khi định chê một ai đó hoặc một ý kiến nào đó, hắn sẽ dừng lại đôi ba giây hít thở thật sâu vài ba nhịp rồi mới bình luận. Còn nếu vẫn không được thì bỏ lại tut đó và sẽ bình luận sau, khi mà tâm trạng đã bớt giận hờn vu vơ và ngập ngụa trong các mỹ từ đã nói ở trên. Không phải lúc nào cách này cũng hiệu quả, nhiều khi hắn vẫn lỡ phím lỡ miệng và lỡ lời thốt ra những câu đặc vị của văn hóa chê đã thấm vào người bao lâu nay. Nên là cứ cải thiện dần dần thôi.

Gần đây hắn đọc được một bài viết rất hay. Xin được phép dẫn link ở đây để mọi người cùng tham khảo. Hy vọng sẽ là một chìa khóa cũng như một mẹo nhỏ giúp ai đó bớt bớt sử dụng văn hóa chê thường xuyên và không chịu tiếp thu những giá trị và kiến thức tốt.

http://michaeldsimmons.com/most-people-think-this-is-a-smart-habit-but-its-actually-brain-damaging/

Còn ai lười đọc thì xin phép tóm tắt một cách rất rất cà rốt và mang đầy ý kiến mang màu sắc cá nhân của hắn ở 5 mục sau:

  1. Vốn kiến thức và nhận biết của con người thường mất giá theo thời gian; đầu tư vào kiến thức sẽ làm tăng giá trị của nguồn vốn này.
  2. Tránh tự tin thái quá khi tiếp nhận một vấn đề mới.
  3. Tránh những thành kiến xác nhận.
  4. Hạn chế tin tưởng những ý kiến sai lầm và những chuyên gia nổi bần bật và sáng như sao trên mạng.
  5. Học và tìm tòi nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống.

Leave a Comment