Cứ đến tết là Quốc Hương lại trở thành một tên tuổi, một bài báo, một cái tít được không ít bạn quan tâm rồi kèm theo đó là một loạt các bình luận kiểu như “Xếp hàng như thời bao cấp thế mà chịu được, tiêu dùng thông minh sẽ không lựa chỗ này, bánh chưng thì chỗ nào chả như nhau mất công thế làm gì, ăn chả có gì ngon cả, bán hàng thì chảnh, hâm hấp mới phải tốn sức vì một cái bánh như thế vân vân và …”
Mình không thêm thắt bình luận gì về mấy câu trên chỉ là viết một chút trên quan điểm của một cụ già 8X và ở Hà Nội cũng lâu lâu một tí mà thôi.
Ngày bé nhà mình sống ở Phố Lê Văn Hưu con phố cũng được mệnh danh của ăn của chơi với ngõ 1 ngõ 2 ngõ 3, của văn học với tên tuổi Nhà văn Băng Sơn. Nhà mình ít khi nào gói bánh chưng nên việc mua trở thành ngẫu nhiên, và lựa chọn bánh chưng Quốc Hương cũng lại là một thương hiệu mặc định nữa. Lý do nói đơn giản thì là nhà có người già thích thế, mẹ lại là con gái Hàng Bông nên từ thời còn ở nhà ông ngoại đã bị sai vặt đi xếp hàng mua ở đó rồi.
Còn nói sâu xa ra một chút thì lại khá dài và tốn giấy mực nếu thích các bạn có thể đọc tiếp hoặc like cái và bỏ qua để bài viết tụt xuống.
Đầu tiên về mùi vị, nhận xét cơ bản thì không có gì ngon hơn bánh chưng ở nơi khác. NHƯNG nhân bánh của Quốc Hương hơi đậm và có vị hạt tiêu nồng hơn một chút và đó có thể đó chính là điểm khác biệt, nó gợi cho người ta cảm giác về một Hà Nội cổ một nơi không tấp nập như bây giờ mà khá trầm, ấm và đầy sự thanh lịch. Nói chung là một hương vị khá truyền thống.
Thứ hai về việc xếp hàng khi mua, rất trật tự, rất vui và rất Văn hóa bao cấp tương tự như phở ở Bát Đàn, hay bánh trung thu ở Thụy Khê. Chính nó tạo cho từng chiếc bánh chưng khi đã mua được một cảm giác rất đã, rất sướng :v như lâu lắm rồi mới được măm nó vậy. Theo mình thế rất hay vừa tập được một thói quen xếp hàng vô cùng tốt của nước ngoài, vừa khơi được khao khát ăn uống trong cái thời đại cung lớn hơn cầu, thừa mứa thực phẩm như bây giờ.
Thứ ba người già trong nhà thích vị như thế, việc mua bánh chưng không chỉ mang ý nghĩa để thờ cúng, để ăn hay để bày cho đẹp nữa, mà còn mang theo một ý nghĩa để tỏ thái độ hiếu thảo với các cụ. Còn gì vui hơn khi từng chiếc bánh chưng Quốc Hương được bóc ra, cắt nhỏ rồi nhai móm mép cùng câu khen ngon của các bô lão trong gia đình nữa, một câu thôi tuyệt vời làm sao còn gì ý nghĩa hơn cho các bậc hậu bối nữa.
Thứ tư đó là thương hiệu Quốc Hương được định hình trong suy nghĩ của rất nhiều người từ bé như mình, có người sẽ nói là sang chảnh là sính, là theo trào lưu là trưởng giả học đòi, nhưng thực sự thì chất lượng gắn liền với thương hiệu đó quả thật rất ổn định, giá cả cũng hợp lý và không bị ảnh hưởng quả nhiều bởi thị trường. Nếu so sánh hơi khập khiễng một chút thì giông giống các sản phẩm đầu i của Apple vậy.
Thứ năm cái này là nói riêng về cá nhân mình, vài năm gần đây có lúc tự đi mua, có lúc mẹ mua, có lúc lại được cơ quan mẹ tặng, và cũng không còn thường xuyên năm nào cũng ăn Quốc Hương nữa. Nhưng hương vị đó, cách gói đó mãi sẽ luôn ghi dấu trong ký ức tuổi thơ và để mình có thể tự hào giới thiệu đến bạn bè một thương hiệu bánh chưng ngon của Hà Thành khi có dịp.
Kết một cái Quốc Hương không ngon hơn không đặc sắc hơn bất kỳ bánh chưng ở nơi nào khác, chẳng qua là nó tạo cho ta hai chữ cảm giác mà thôi, cảm giác về quá khứ của một Hà Nội xưa – thế thôi. Nếu bạn chưa từng thì mình khuyên bạn nên thử một lần để hiểu thêm về Hà Nội, còn nếu đã từng và thấy không hợp thì bỏ qua và tìm đến một đặc sản khác của Hà Thành, còn nếu hợp hãy giới thiệu nó đến với bạn bè để mọi người hiểu thêm về Văn Hóa Hà Nội nhé.
HẾT rồi ^_^
Cảm ơn bạn đã đọc đến những dòng này, chúc bạn một dịp tết may mắn và tốt lành!