Sống đẹp

Đồng nghiệp ơi – xin hiểu nhau một chút

Công ty là gia đình thứ hai mà mọi sinh viên sau khi ra trường dù muốn hay không đều phải gia nhập vào đó. Nó là một gia đình với đủ mọi thành phần, từ ông già, trung niên cho đến những cô cậu tuổi teen. Trong đó có đầy những điều xấu xa nhưng cũng không ít những điều tốt đẹp. Từ những người đam mê với điều mình theo đuổi và cống hiến, cho đến những người ích kỷ với suy nghĩa vụ lợi thông thường, đến người vì những lý do cơm áo gạo tiền cho đến những người trẻ học hỏi và trải nghiệm để làm đẹp bản CV. Tại đó con người sống và làm việc với nhau 8 tiếng một ngày, để dần hình thành nên mối quan hệ mà mọi người vẫn gọi với cái tên thật kêu “ĐỒNG NGHIỆP’.

Mỗi một con người khác nhau tụ tập trung trong một mái nhà, không chóng thì chầy cũng xảy ra mâu thuẫn, nhẹ thì là những lời nói bóng gió, chê bai, bất hợp tác, nặng hơn thì lừa lọc, chơi đểu nhau rồi cuối cùng dẫn đến xích mích không thể gỡ bỏ và kết quả có thể là bye ta đi mày ở lại mà tự sướng. Chìa khóa nào đây cho nhưng điều trên, nó có nằm trong bài viết này không, xin thông báo để bạn khỏi thất vọng là không vì bạn vốn đã có nó trong tay rồi. Thông điệp mà bài viết này truyền tải đến là cách bạn sử dụng chiếc chìa khóa đó hay bạn có dám lấy nó ra để dùng hay không thôi.

Người xưa nói tu 10 năm được ngồi cùng thuyền, trăm năm mới làm bạn, nghìn năm mới nên kiếp vợ chồng. Còn đồng nghiệp quý giá không kém chắc cũng phải tu luyện tầm vài trăm năm, ấy vậy mà ngày nay bao nhiêu người quý trọng hai chữ “Đồng Nghiệp” đấy đây.

“Đồng nghiệp” từ này nghe thật sang miệng và gợi nhớ đến một từ qua quen thuộc “Đồng chí” nhưng ý nghĩa thì khác nhau. Một thì tao và mày có thể cùng sống hoặc cùng chết nhưng vì một mục tiêu chung gì đó có thể cao cả có thể mù quáng, còn từ còn lại còn có nghĩa là tao cùng mày làm một nơi cộng tác hay giúp mày hoặc dìm mày đó là ý tao (^_^). Vui một chút về mặt từ ngữ thế thôi nhưng thực ra từ đồng nghiệp ngày nay đã quá bị lợi dụng cho những mục đích không lấy gì làm tốt đẹp, của sự sai vặt, nhờ vả và dìm hàng nhau.

Nhưng cũng không vì thế mà đồng nghiệp thiếu đi mặt tốt của nó. Vẫn còn tồn tại rất nhiều tình đồng nghiệp đáng ngưỡng mộ, họ đoàn kết và giúp đỡ nhau như những người thân trong nhà, một người bạn khi có khó khăn, và chia sẻ với nhau những gì gặp phải trong cuộc sống và công việc. Chính những điều đó tạo nên nét đẹp của hai từ “Đồng nghiệp”.

Để có thể viết nên hai chữ này không khó nhưng để xây dựng được nó thì không hề dễ chút nào, tuy nhiên để phá nó thì chỉ cần một lời đặt điều, một câu chửi thậm chí chỉ một ánh nhìn mà “Được” nhận diện là nhìn đểu…
Giải pháp nào đây, ở đâu hay như thế nào để xây dựng được một tình đồng nghiệp vững bền và sâu sắc?

Câu trả lời chỉ đơn giản là hiểu nhau hơn mà thôi.

Hiểu cái tôi khác biệt của mỗi cá nhân, hiểu rằng chúng ta khác nhau nhưng đều là con người cần sự yêu thương và giúp đỡ, cần một thứ tình cảm có thể gắn kết với nhau – tình đồng nghiệp.

Khi cái tôi của một người được thỏa mãn ở một mức vừa đủ thì nên để ý và quan tâm hơn đến cái tôi ở bàn bên cạnh, phía đối diện, hay là tầng trên tầng dưới, chỉ thế thôi thì chữ đồng nghiệp đã đáng giá thêm được rất nhiều rồi. Dĩ nhiên không ai bảo bạn phải là người luôn rộng lượng, nhường nhịn và hi sinh bản thân mình để giúp mọi việc mà đồng nghiệp yêu cầu, nhưng hãy cố gắng điều chỉnh bản thân để đối xử với những người khác một cách thân thiện, lịch sự và tôn trọng và quan trọng nhất là thấu hiểu họ.

Không quá khó để tìm và viết ra trên mười điểm yếu hay thói xấu của đồng nghiệp cùng phòng, nhưng thật khó để nhận định một đến hai điểm mạnh và điều tốt. Chính những cách nhìn khác nhau cho ra những kết quả khác nhau mà thôi.

Vậy còn sếp, có được tính là đồng nghiệp của mình hay không? Theo quan điểm của đa số nhân viên ngày nay thì không, sếp là một từ để chỉ ai đó, cái gì đó thật hoành tráng, to lớn, oai phong và rất dễ tìm ra nhược điểm để anh chị em trong công ty tám chuyện và nói xấu. Nhưng thực ra sếp cũng là một đồng nghiệp nhưng là một đồng nghiệp lớn không thể lắng nghe hết được mọi người, nên hãy hiểu hơn cho họ (từ “hiểu” này có vẻ như đang bị lạm dụng quá trong bài viết này nhưng không sao mục tiêu là mình muốn mọi người bị ám ảnh bởi từ này mà). Họ cũng có những nỗi lo về cơm áo gạo tiền như bất kỳ một đồng nghiệp bé hơn, thêm nữa lại còn hàng trăm vấn đề về doanh thu, lợi nhuận, lương, nhân sự, khách hàng … hàng trăm thứ để lo nên đừng vội trách họ đã lắng nghe bạn ít. Thay vì trách móc nói xấu họ như mọi người vẫn thường làm, bạn có thể đừng tham gia vào đó mà hãy tìm cho mình việc có ích hơn mà làm, lướt face giải trí hoặc tự tìm cho mình một cơ hội khác còn hơn là vừa không hiểu sếp lại nghe những lời không hay càng làm mình thêm nản chí.

Cuối cùng chỉ mong các bạn nhớ một điều thôi hãy cố hiểu người khác bằng việc lắng nghe và giúp đỡ mọi người xung quanh như những gì mình coi trọng và yêu thương nhất để rồi có thể ở lại hoặc ra đi trong sự vui vẻ đến một nơi mới mà còn những kỷ niệm thật đẹp về nơi cũ còn hơn là ra đi trong sự tiếc nuối và giận hờn. Mong rằng lời bài hát “mong ước kỷ niệm xưa” mãi mãi được hát lên khi bạn kết thúc một việc cũ và bắt đầu một việc mới, để những kỷ niệm dành cho đồng nghiệp công ty cũ cũng vẫn còn mãi trong tim…

“Nếu có ước muốn trong cuộc đời này
Hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại
Cho bao khát vọng, đam mê cháy bỏng
Sẽ còn mãi trong tim mọi người.”

Hà Nội, đầu thu tháng 9

Leave a Comment