Sống đẹp

Cảm ơn + Xin…

Trong cái thời đại mà đi lại ngoài đường mới nhìn nhau yêu thương một chút thôi mà đã dễ nhận lại được “Mày nhìn đểu tao đấy à”, chưa kịp nghĩ ngợi để đáp lại câu trên sao cho phải phép thì ruột đã lủng ra ngoài mất rồi, nhất là với các đối tượng mà thiên hạ vẫn đồn là thanh niên trẩu tre, thì có lẽ chủ đề này mới nghe thật là xa xỉ và kém thực tế làm sao.

Nhưng xuất phát từ thói quen bản thân rất thích nói lời Cảm ơn với Xin kèm cái gì đó đằng sau tuỳ trường hợp, lẫn chơi Facebook ( toàn bạn Việt) và Linkedin (toàn bạn tây) trong một thời gian tương đối dài. Hắn ngộ ra được là hai từ này khá là có trọng lượng, và đôi khi mang lại không ít những lợi ích cho bản thân, nên nay lại lan man viết tí chút về chúng.

Điều đầu tiên là tránh được những rắc rối bị xiên lúc nào không hay, các cụ nhà hắn đã nói rồi “tránh voi chả xấu mặt nào“. Trong khi báo chí thì cứ đôi ba ngày lại có tin một ông chú bị đâm chí mạng vì nhắc một thanh niên chờ đèn đỏ, một ông bác bị xả từ đầu xuống đít trong một quán nhậu, rồi phóng lợn đi muôn nơi từ thằng nhóc 8 tuổi tới ông già 80 tuổi. Thì việc nhịn một chút, nhẹ nhàng một tí ăn khẽ nói ngọt cười duyên là bài học đảm bảo cho việc về nhà ăn toàn mỗi ngày. Có gì thì cứ xin lỗi trước, chứ cứ nóng máu Đm Đc thì thăng thiên lúc nào không hay. Ai chửi hèn cũng được, nhưng nhà hắn còn mẹ già vợ trẻ con thơ (câu này chém) chả tội gì mà lý cố với các đại ca ngoài đường.

Nói hai từ này thường xuyên, giúp bạn rèn luyện một chút sự kiên nhẫn và bình tâm khi đối mặt với sự khó chịu, gây hấn và chọc tức. Nhiều khi trên không gian mạng, khẩu chiến diễn ra nhiều vô số kể cho dù đó có là người thường hay các KOL, nhưng chỉ cần bình tĩnh một chút, gõ mặt cười 😁 thật tươi và cảm ơn nhận xét của ai đó thì có lẽ nhiều Scandal do lỗi miệng lỗi phím đã không diễn ra. Tranh luận với nick ảo, nick không rõ ràng thông tin thì đúng là một hành động ngớ ngẩn, mà lại dễ lưu lại bằng chứng để bị bóc phốt sau này. Nên là cứ cảm ơn và xin tiếp thu, ai biết hắn lâu thì đều rõ phong cách này của hắn trên không gian mạng.

Tiếp nữa là người giao tiếp với bạn sẽ nhớ bạn lâu hơn, ông sửa xe trong ngõ nhà hắn là một ví dụ điển hình. Gần như lần nào bơm xe hay rửa hắn đều nói cảm ơn mỗi khi xong việc, Lâu dần thì dù đã là mùa Covid, ai cũng mang khẩu trang và số lượng người qua lại cửa hàng này mỗi ngày nhiều không kể, thì anh chủ vẫn nhớ hắn, không phải lúc mang xe tới mà là lúc hắn nói câu cảm ơn. Dù việc đáp lại đôi khi chỉ là “Ừ, không có chi” của anh sửa xe.

Một so sánh nhỏ giữa Facebook và Linkedin, mà hắn nhận thấy rõ nhất người Việt có chút khác với mấy anh chị Tây đó là hơi tí họ dùng Thank với Sorry. Share một bài viết thank, nhận xét vu vơ một bài viết cũng thank, tranh luận tí xíu cũng thank kèm sorry một số luận điểm không trùng khớp, nếu ai không hiểu chắc nghĩ bọn tây chắc toàn dùng văn mẫu hơi tí thì Thank với Sorry. Tất nhiên bên Facebook cũng có nhưng tần xuất ít hơn, và người Việt thì khó mà văn mẫu được như vậy nhất là những lúc hăng máu lên tranh luận – cái này đã được chứng minh bằng số liệu, dân ta khẩu chiến dữ dội như nào trên internet. Nên dần dần hắn thích Linkedin hơn một chút và học được nhiều thứ thú vị từ mạng xã hội này.

Vui một chút trong so sánh là vậy, nhưng hắn thấy bọn trẻ con lịch sự nhiều hơn người lớn ở thời đại bây giờ. Một đứa bé thường xuyên nói cảm ơn và xin gì đó là chuyện hết sức bình thường, thậm chí bọn nó còn nói to nói rõ ràng là đằng khác, nhà hắn gần trường tiểu học nên được trải nghiệm rất nhiều về điều này. Vậy mà không hiểu vì một lý do nào đó, càng học lên càng giáo dục dữ tợn hơn thì người lớn ở ta mất dần thói quen nói hai từ này. Hơi buồn một chút, nhiều khi chỉ mong bọn trẻ dạy lại cho người trưởng thành một chút thói quen nói hai từ này thì có lẽ xung đột sẽ bớt đi và dao bầu hoa cải sẽ Ế dài 🤣

Viết đôi dòng như trên về một hiện trạng phổ biến mà chưa có cách chi để giải quyết, cảm ơn mọi người đã đọc tới đây và xin một like nếu thích những gì hắn viết nhé.

Leave a Comment