Có những câu chuyện vô tình lọt vào tai hắn, có những câu chuyện hắn được thuật lại qua người thứ 3 và có những câu chuyện đích thân hắn trải nghiệm. Tuy nhân vật, bối cảnh và nội dung khác nhau nhưng đặc điểm chung của chúng đều là:
Nếu sự thật mà đúng như những gì các câu chuyện được kể và chém gió thì hắn có thể tạm kết luận vui vui vài điều:
- Ở ta người tốt lên tới 99,99% còn người xấu chỉ có trên báo, trên tivi hoặc trong mấy câu truyện trong sách viễn tưởng.
- Nhà ta phải sánh ngang về độ hạnh phúc với đất nước phật giáo nổi tiếng về an lành Bhutan ở xa xôi vài chục nghìn cây số.
- Tỉ lệ tội phạm phải ở mức bé tí teo như con muỗi.
Nhưng thực tế thì ai cũng biết là hông có như vậy. Vậy tại sao trong mọi cuộc đối thoại, mọi câu chuyện phiếm thì người kể luôn là người tốt, người đúng và là người anh hùng. Còn đám còn lại thì chắc chắn phải thuộc phàm trù xám màu, tối màu hoặc không thuộc phe thiện. Lý do thì hắn tạm tổng kết nhẹ vài ý dưới đây:
Ai cũng tự cho mình là TỐT mà chả phải là sự nhận xét công tâm. Chỉ đến khi câu chuyện ngã ngũ đến cuối cùng hoặc được nghe qua vài người để kiểm chứng chéo, ví dụ như đứng trước vành móng ngựa thì người tốt mới tạm gọi là xuất hiện tí chút le lói như ánh sáng cuối ngày. Còn không mọi người tốt trong câu chuyện tự kể của bản thân đều xàm le hết thẩy. Và đặc điểm chung của những câu chuyện kiểu này luôn có đoạn “tao tốt thế mà khổ, tao tốt thế mà nó đối xử với tao không ra gì hoặc tao tốt như thế này còn bọn nó toàn xấu xa”. Nghe chắc rất quen luôn bạn nhì. Hắn cũng tự tin từng là tác giả của không ít câu chuyện mà bản thân là nhân vật chính, tốt bụng, hào hiệp và sáng choé ngời ngời về nhân cách.
Người kể chuyện thường thuộc hệ nói nhiều, chém gió giỏi nên là các câu chuyện càng lan nhanh với tốc độ chóng mặt. Thậm chí nhiều người trong câu chuyện còn có câu “chúng nó xấu tính mà nói nhiều dã man“, trong khi xung quanh thiếu điều muốn điếc tai vì người kể chuyện này. Và khi câu chuyện đã lan xa và lan rộng rồi thì người tốt ở phiên bản đầu tiên bắt buộc phải tốt tiếp trong những câu chuyện kể sau này. Nếu không thì chúng nó bóc phốt chết tươi, nên là đã nhận mình là người tốt thì phi lao phải theo lao nhận là tốt tới tận cuối cùng, bất kể câu chuyện và sự thật có diễn biến như thế nào chăng nữa.Tâm lý học đường phố gọi đây là “hiện tượng mặt dày“. Và tất nhiên hắn cũng mặt rất dày trong rất nhiều bài biết bạn nhé. Nếu không đã làm gì có bài bóc phốt bản thân này.
Luôn coi bản thân là trung tâm của câu chuyện, là cái rốn của vũ trụ và là tâm điểm của sự chú ý. Do đó ai lại đi đóng vai người xấu làm gì, phải là ngươi tốt, bậc chính nhân quân tử, anh hùng hào kiệt, mệnh phụ phu nhân chứ. Còn những người còn lại làm vai phụ thì cứ sắp xếp cho đóng vai phản diện là được, ai quan tâm đâu. Và thế là những kịch bản hay, những bộ phim hấp dẫn, những câu chuyện truyền miệng về bản thân là người tốt luôn luôn được auto xây dựng trong đầu, đồng thời tự nhiên bắn ầm ầm ra khi có đối tác hợp gu hợp chuyện trong những buổi trà dư tửu hậu, những lúc chả có việc gì làm, hoặc mọi lúc mọi nơi với phạm trù chị em. Đạo diễn VSPT cũng được vài giải Oscar về những bộ phim như thế trong đời.
Đó là 3 lý do chính khiến cho bạn hay hắn luôn luôn đối mặt với cả trăm câu chuyện ngoài kia mà người kể luôn ở vế người tốt, còn hiếm lắm lắm mới gặp kiểu người kể chuyện tự giễu, tự châm biến bản thân như hắn đang làm trong loạt bài với tag tính xấu này. Nên đừng thấy lạ thấy ngạc nhiên khi nghe những câu chuyện thuộc phạm trù người tốt đấy mà hãy cười thật tươi nghe cho vui rồi bỏ ngoài tai, và đọc thêm những bài viết kiểu tự bóc phốt, chuyện tác giả là người xấu như thế này để cân bằng bạn nhé.