Nếu ai đã từng trải qua những giờ học dài lê thê, buồn ngủ díp cả mắt nhưng chẳng dám khò khò vì ngồi bàn đầu, nếu ai đã từng phải thi đi thi lại một môn học mà càng học càng mông lung chẳng hiểu đang học về cái gì và nếu ai đã từng tự hỏi bản thân một câu cái môn đó sau này ra đời ứng dụng vô đâu ta? Thì chắc sẽ chẳng thể nào quên Triết học.
Nhắc lại một chút một vài lý thuyết thần thánh mà đến tới hôm nay mình tự hào là mới hiểu được 1% những gì được đề cập trong đó:
2 nguyên lý, 3 quy luật, 6 cặp phạm trù. Trong đó 2 Nguyên lý gồm Nguyên lý về mối liên hệ phổ biến và Nguyên lý về sự phát triển. 3 quy luật có Quy luật mâu thuẫn, Quy luật lượng – chất, Quy luật phủ định.
6 cặp phạm trù tất nhiên sẽ bao hàm:
1) Cái chung và cái riêng;
2) Bản chất và hiện tượng;
3) Nội dung và hình thức;
4) Nguyên nhân và kết quả;
5) Khả năng và hiện thực;
6) Tất nhiên và ngẫu nhiên.
Vậy là tư bản ko thể xuất hiện từ lưu thông và cũng ko thể xuất hiện ở bên ngoài lưu thông. Nó phải xuất hiện trong lưu thông và đồng thời ko phải trong lưu thông.
Chúng ta không nên nói một giờ của người này đáng giá với một giờ của người khác, mà nên nói người này trong một giờ cũng đáng giá như người khác trong một giờ. Thời gian là tất cả, con người không là gì: nhiều nhất cũng chỉ là thân xác của thời gian.
Lịch sử không làm gì cả, nó không tạo ra vô vàn của cải, nó không chiến đấu. Chính con người, con người thật sự đang sống, đã làm tất cả những điều đó.
…..Tạm vài câu thế để mọi người có chất liệu để hồi tưởng lại những năm tháng huy hoàng cùng cụ Karl Marx.
Nói chung học được môn này đã vất vả và khó nhọc, đến lúc thi cử thì còn khổ sở hơn. Chắc sẽ không cần nói quá nhiều về những người bạn của giới sinh viên mỗi mùa thi triết nữa như ruột mèo, phao gấp……
Hồi đó thú thật là mình cũng văn thơ lai láng, nên mỗi lần thi môn này ngoài những cái lý thuyết phải nhớ nhờ chong đèn thức khuya ôn luyện ra thì riêng phần chém gió ứng dụng thì cứ gọi là từng tờ từng tờ cứ liền tù tì ra đời. Cũng không rõ là do chữ mình xấu hay do tính ứng dụng mình mô tả trong mỗi bài thi quá cao và vượt thời đại nữa mà thường không được điểm cao. Có thằng bạn bố láo nó còn bảo, bài thi của ông thì dài thật đấy nhưng giảng viên đọc được mặt thứ nhất thì say chữ bố nó rồi, đố dám đọc mặt thứ hai nữa mà chấm cao đấy các bác xem nó có láo không.
Mà nào chữ mình có xấu lắm đâu, chỉ là hơi khó nhìn một chút thôi. Trong khi từng ý văn ý thơ ý tưởng triết học bay bổng cùng cụ Marx, lượn lờ trong những tư tưởng vĩ đại của cụ Lê Nin, hay gần gũi hơn là những bài học vô cùng sâu sắc của Bác Hồ kính yêu. Từng chữ từng trang giấy mình viết đều thấm nhuần ý nghĩa cao đẹp của các cụ, dẫn ra nhiều ví dụ thực tế và mang tính thời đại như vụ A, vụ B bên tàu bên ta, thậm chí cả bên xứ cờ hoa xa xôi nửa vòng trái đất. Ấy thế mà không được điểm cao mà còn đôi lúc phải thi lại có nhục không cơ chứ. Trong khi mấy cái đứa viết ngắn, toàn chép từ phao cứu sinh ra lại được điểm cao chót vót có tức không các cụ.
Nói chung tổng kết đây là một trong những môn học khoai môn, nhưng cũng có chút thú vị vì được chém gió tơi bời. Được bình luận về các cụ và được đọc những áng siêu văn thơ, đọc tới lần thứ 10 cũng chẳng hiểu mình có đang đọc tiếng Việt không nữa.