Mọt sách

Lại thích những quyển giáo trình cơ bản

Chả hiểu sao dạo này hắn lại hứng thú với những quyển giáo trình cơ bản. Những quyển sách mà nội dung bên trong được chia làm từng chương hồi rõ ràng, có mục tiêu học tập ở phần đầu cạnh tiêu đề từng chương rồi có những câu hỏi kiểm tra ở cuối mỗi phần.

Cụ thể ở đây là quyển sách hắn đang cầy cuốc và gặm nhấm “Essentials of economics” – một tiêu đề vô cùng cơ bản và quen thuộc với sinh viên ngành kinh tế. Nhưng với riêng hắn mỗi chương lại là một khái niệm mới, một bầu trời ý tưởng lạ lẫm và vô vàn những kiến thức mà trước đây, thú thực hắn vô cùng ếch ngồi đáy giếng chả biết cái khỉ gió gì. Thế nên hôm nay lại viết đôi ba dòng nhận xét vu vơ về những quyển sách tương tự như thế để ai đang có ý định đọc hoặc ngâm cứu sẽ có chút chuẩn bị nha.

Điều đầu tiên ở những quyển viết theo kiểu học thuật này đó là chúng giải thích những thuật ngữ vô cùng chi tiết và dễ hiểu kèm các ví dụ khá sát với các sự kiện trong đời thực. Và dọc theo nội dung của cuốn sách, những khái niệm cơ bản đó lại được nhắc đi nhắc lại kèm định nghĩa ngắn ở phía lề bên phải hoặc trái tùy trang. Rồi đến cuối chương, tác giả lại đánh một danh sách những thuật ngữ mới đó kèm địa điểm có giải thích chi tiết về nó kèm với các bài tập để thực hành giúp nhớ lâu nhớ sâu. Vô cùng tỉ mỉ và cẩn thận, để đến một kẻ cực kỳ ngốc và lười học như hắn cũng thấy dễ thở và trôi chảy trong việc nạp vào óc nhợn 🐷 những khái niệm và ý tưởng mà cuốn sách truyền tải.

Tất nhiên kể ra một ưu điểm thì cũng phải kéo ra theo một nhược điểm cho nó công bằng và trung lập. Vì viết chi tiết và giải nghĩa sâu như vậy nên các quyển giáo trình này khá là dày, tỉ dụ như quyển hắn đang đọc có số trang lên tới 773. Trước đây hắn cũng đã đọc và giới thiệu một quyển tương tự như vậy trên này rồi nhưng chủ đề nó lại nói về bơm vá đó là cuốn “Learning & Development of Organization“, số trang của em nó cũng ngót nghét 798 trang. Nên đây chắc chắn là một nhược điểm khiến những người ngại đọc hoặc không hứng thú với chủ đề mà những cuốn sách này đề cập sẽ cảm thấy vô cùng ám ảnh và buồn ngủ. Một tip nhỏ đấy là nếu bạn đang đọc trên máy tính thì ẩn cái thanh báo số trang mỗi lần đọc đi, không thấy là não không nản và tim không sợ nữa 🤣. Không biết mấy cái máy đọc sách có làm được tương tự vậy không nhì?

Các cuốn sách dạng này thì ưu điểm là luôn sẵn bản tiếng anh trên mạng để bạn tải về miễn phí và hút hít nội dung. Tất nhiên vẫn có những cuốn với nội dung tương tự được Việt hóa hoặc viết lại do các tác giả là giáo viên, giảng viên ở các trường đại học hoặc dịch giả độc lập biên dịch. Nhưng chả hiểu sao ở cái tuổi già chẳng già mà trẻ chẳng trẻ nữa ở hiện tại, hắn lại khoái những cái gì đó nguyên bản, thô mộc và không được dịch sẵn. Dù thú thực trong lúc đọc vẫn phải một bên là sách một bên là GoldenDict với Longman với Oxford. Đây cũng có thể gọi là một nhược điểm, vì trong phần nội dung sẽ có khá nhiều thuật ngữ tiếng anh chuyên ngành mà kể cả có từ điển trong một hai lần đầu tiếp xúc bạn cũng khó mà có thể hiểu ngay được. Thậm chí với trường hợp của hắn chẳng hạn, nhiều từ hắn hiểu sai toét ra và chỉ đến khi đọc đến cuối chương mới ngã ngửa ngỡ ngàng ra là từ đầu tới giờ bản thân hiểu chệch 180 độ luôn và lại phải quay lên để nhòm lại phần viết về từ đó. Khá là vui nhưng cũng dễ gây nản lòng nếu bạn là người mới đọc sách.

Trước khi đến với những cuốn mang nội dung nặng học thuật và tư duy kiểu này, hắn cũng từng nhai qua vài cuốn kiểu mỳ ăn liền có tiêu đề chứa các từ khóa như “101“, “hài hước“, “mô hình hóa“, “đơn giản hóa“… Nhưng phải chia sẻ thật lòng, đọc những cuốn đó hắn hiểu rất nhanh, bập phát vào là nổ tanh tách nhưng sau một vài hồi tự vấn và soi xét lại, hắn cứ thấy thiếu thiếu một cái gì đó mang tính nền tảng. Thật chí nhiều nội dung khi đem ra chém gió hoặc phơi ra cho thiên hạ định giá tranh luận, thì hắn chợt giật mình, giật mình vì sự đơn giản của những nội dung đôi khi làm người ta sẽ hiểu sai, thực hành sai dẫn tới những kết quả sai so với những gì kiến thức gốc muốn truyền dạy. Có thể bản thân những tác giả khi viết những cuốn đó họ với dụng ý tốt là muốn phổ cập kiến thức khô khan cho đông đảo bà con, vì bản thân các tác giả cũng đều là những người rất giỏi, hiểu biết và đã trải qua thực tiễn. Nhưng khổ cái là người đọc lại không được giỏi và có kiến thức nền như vậy, dẫn tới việc nhiều người đọc xong một cuốn 101, cảm thấy ui kiến thức này dễ ợt thế mà mấy tay đầu to mắt cận khác cứ đao to búa lớn, thế này thì tui học lên tiến sĩ về chủ đề này cũng được. Và kết quả là ai cũng biết rồi đấy, những người đào sâu ngâm cứu và trải nghiệm thì vẫn cứ ok còn các độc giả của 101 thì cứ lên xuống như con diều không người dẫn lối và lại quay về vòng lặp tìm một cuốn 101 khác. Thành ra sau một thời gian dài, thích đọc những cuốn mỳ ăn liền với kiến thức được chế biến sẵn rất ngon lành, hắn lại trở về túp lều yêu thương đó là những cuốn sách viết theo kiểu giáo trình khô khan nhưng mà kỹ và chi tiết.

Một điểm nữa khá hay với các nhóm sách dạng này đó là chúng dù được viết khá lâu, nhưng lại được thường xuyên cập nhật từ tác giả hoặc nhóm tác giả và được thể hiện dưới dạng edition hoặc ver. Và bạn sẽ thấy nhiều cuốn sẽ lên tới 10th, 11th thậm chí 12th edition, có nghĩa là đã được biên soạn và tái bản tới lần thứ 10, 11 và 12. Có thể thấy những kiến thức dù là nguyên bản nhưng cũng luôn được bổ sung và chỉnh sửa cho phù hợp với thời đại và sự biến động của xã hội. Tiêu biểu có thể nhắc đến ngay như cuốn “Marketing Management” khá nổi tiếng của Kotler Philip T., Keller Kevin Lane đã ra tới phiên bản 15 chẳng hạn. Nói chung là đọc một lần, lần tới cày lại sẽ thấy ngay một phiên bản mới được cập nhật ngay và luôn với những nhóm sách dạng này. Vô cùng thú vị và gây hứng thú với người dù đã cày những cuốn dạng này vài lần.

Trên đây là tất cả những điều mà hắn thu được khi đọc những cuốn sách nặng nề lý thuyết và kiến thức như vậy. Hy vọng từ những gì hắn chia sẻ bạn sẽ có thêm lựa chọn để đọc và ngâm cứu.

Leave a Comment