Xin nói luôn từ đầu hắn là một người cà rốt tiếng anh, lúc nào cũng phải có từ điển bên cạnh chứ không phải một Ielts 7 8 chấm gì cả. Thế nên những điều chia sẻ dưới đây sẽ phù hợp hơn cho người tiếng anh phèn phèn như hắn, còn nếu bạn đã giỏi và việc đọc sách tiếng anh là dễ như ăn kẹo thì bỏ qua nha.
Xuất phát điểm hắn là một con mọt sách, nhiều bài viết trong blog này đã đề cập đến chuyện đó nên là không cần giới thiệu nhiều nữa. Hắn đọc rất tạp và nhiều, đọc đủ mọi thể loại và toàn là các sách tiếng việt hoặc đã được dịch sang tiếng việt. Nhưng đến một thời điểm, do nhiều yếu tố như nghèo quá không mua thêm được sách nữa, hay một yếu tố khác là tủ sách ở nhà, lẫn các nơi trong phòng đã chật ních toàn sách là sách và không thể chứa thêm được nữa. Hắn đánh ngậm ngùi chuyển qua đọc sách online, lúc đầu cũng vẫn là những quyển sách tiếng việt, nhưng rồi một lần hắn thử nghe xui dại trên Youtube và thò mắt vào sách tiếng anh.
OA – có lẽ là từ đầu tiên bật ra trong đầu khi đọc quyển sách này. Không phải vì nội dung quá đặc sắc hay do tác giả là một người nổi tiếng với lối viết mê hoặc độc giả. Mà đơn giản là vì quá nhiều thứ trước đây khi hắn đọc sách tiếng việt đã bỏ lỡ mất. Mà dọc theo bài viết này hắn sẽ chia sẻ dần dần những thứ khác biệt, lẫn những thứ mà bạn sẽ nhận thêm nếu đọc sách tiếng anh nha. À mà quyển sách đó hắn vẫn giữ trên máy, và nó có tên là “The Insider’s Guide to Culture Change Creating a Workplace That Delivers, Grows, and Adapts”, một quyển sách thú vị và có nhiều nội dung rất hay cho những ai làm về gây dựng văn hoá tổ chức nhé, rất khuyến khích nên đọc nếu có thời gian bạn nhé.
Điều đầu tiên khác biệt khi đọc một quyển sách anh ngữ đó là bạn nhận được luồng thông tin trực tiếp từ tác giả chứ không phải thông qua dịch giả. Cái này vừa có mặt ổn và mặt chưa ổn. Mặt ổn đó là bạn kết nối thẳng đến những gì tác giả muốn nói và truyền tải, cho dù bạn có kém tiếng anh đến đâu đi nữa thì việc tự bản thân dịch những điều tác giả viết luôn luôn giúp bạn nhận được nhiều hơn lượng kiến thức “thuần khiết nhất” mà trong sách đề cập tới. Còn khi đọc qua dịch giả thì mặc dù dịch giả đó có chuyên nghiệp và giỏi đến đâu đi nữa, thì cũng hiếm ai dám khẳng định là truyền tải được hết những gì tác giả muốn nói, chưa kể đến việc khi một câu chuyện được kể được nói qua một người trung gian thì luôn luôn có nhiễu do kiến thức, kinh nghiệm sống và cả cái tâm của người dịch lẫn vào. Đó là còn chưa kể tới những dịch giả thời vụ, dịch theo xu thế thị trường làm sai lệch hết ý của tác giả, thậm chí chèn những ý kiến rất chủ quan vào, nói thật là tác giả mà hiểu tiếng việt chắc thiếu điều muốn bóp cổ chết tay dịch giả mất. Nhưng cái chưa ổn đó là tốc độ đọc của bạn sẽ giảm sút nhiều nếu không muốn nói là rất nhiều, tuỳ theo trình độ tiếng anh cũng như lượng từ vựng mà bạn sở hữu so với khi bạn đọc các sách bằng tiếng việt. Nhưng một điều may mắn là càng đọc sách tiếng anh nhiều bạn sẽ càng tăng vốn từ vựng và càng ngày càng đọc nhanh hơn.
Kiểm duyệt nội dung, và thiếu khá là nhiều so với bản sách gốc. Đây có lẽ là vấn đề cực kỳ lớn với ngành xuất bản Việt Nam, lý do thì “thuần phong mỹ tục” rồi “một số thông tin không phù hợp” v…v nói chung là rất rất nhiều, khiến cho nhiều cuốn sách khi được ra mắt bằng tiếng việt luôn luôn thiếu hơn so với cuốn gốc. Đặc biệt là các cuốn mà có nhiều nội dung nhạy cảm, 18++ thì càng bị lược bớt nội dung. Hắn sẽ không đề cập cụ thể tên vài cuốn như vậy ở đây, vì như thế vô hình chung làm ảnh hưởng tới lợi ích của các công ty xuất bản sách, mà thực ra đây không phải là lỗi của họ hay dịch giả mà là do bộ phẩn kiểm duyệt xa xôi ở đâu đó gây ra. Khi hắn biết tới điều này và có tự so sánh vài cuốn tiếng anh với tiếng việt thì khá là sốc, nếu không muốn nói là vô cùng buồn như kiểu từ trước tới nay không được ăn trọn vẹn một miếng bánh thơm ngon vậy, luôn luôn bị bẻ hoặc bị khuyết một mẩu. Hy vọng trong tương lai việc này sẽ bớt bớt đi và Việt Nam xây dựng được một hệ thống phân loại sách ngon ngon một tí, để bọn trẻ không cầm vô sách không hợp tuổi cũng như ở hướng ngược lại người lớn bớt “bị” đọc những cuốn sách bị gọt.
Khi đọc sách tiếng anh, bạn sẽ rèn được tư duy tra cứu và đọc thêm từ các nguồn trong sách. Trước đây nhiều quyển có đề cập tới các nguồn thao khảo bên ngoài nhưng lại bị dịch sang tiếng việt nên hắn không cách nào có thể tìm đọc thêm được. Chắc bạn đã không ít lần gặp phải trường hợp này, kiểu một đoạn trong sách đang đọc trích một mục trong quyển sách khác, mà tên quyển đấy trong đoạn đó là tiếng việt nhưng lại chưa được xuất bản ở Việt Nam hoặc chưa dịch sang tiếng việt nên bạn có tìm cả ngày cũng không ra quyển đó để đọc được toàn bộ đoạn đã trích trong quyển ban đầu. Nếu may mắn đoạn trích đó ngoài tên sách có thêm tên tác giả thì hy vọng tìm ra lớn hơn, nhưng cũng có nhiều tác giả có quá nhiều đầu sách khiến bạn khó mà có thể tìm thấy ngay trong thời gian ngắn được. Nhưng nếu đọc sách tiếng anh, thì tên quyển sách đó rất rõ ràng, bạn chỉ phải ctrl+c và ctrl+v vô google là ra ngay. Chưa kể nhiều bản mềm còn có link đến quyển đó luôn trong phần tham khảo, đỡ luôn bước tìm kiếm lâu la. Nói chung là đọc một mà được tới hai ba khi bạn lựa chọn đọc sách tiếng anh.
Sách tiếng anh thì đa dạng và phong phú hơn sách tiếng việt rất nhiều. Bạn cứ hình dung số lượng người nói tiếng anh trên thế giới này so với người nói tiếng việt thì sẽ thấy ngay tương quan về số lượng đầu sách. Cùng một chủ đề bạn có thể tìm thấy cả trăm thậm chí cả ngàn quyển tiếng anh về nó, nhưng với tiếng việt có khi chỉ một hai thậm chí là chả có quyển nào nói về chủ đề bạn đang tìm kiếm. Tuy nói ở trên là đọc tạp nhưng thật ra hắn cũng có khá nhiều chủ đề yêu thích và hay ngó nghiêng tới, nhưng thú thực những chủ đề này không có nhiều sách được dịch ra tiếng việt, nên là khi tiếp cận sách theo hướng bỏ qua tiếng việt thì hắn tìm ra vô số nguồn để đọc và ngâm cứu.
Đó là tất cả những điều mà hắn thu được khi đọc sách tiếng anh. Vậy đọc sách tiếng anh thì cần những gì, thì tất nhiên đầu tiên là phải có sách tiếng anh, thứ hai là phải có từ điển để tra cứu và thứ ba là có thiết bị đọc:
Về mục sách, nếu xiền 💸 không phải là vấn đề quá lớn, thì hắn mong bạn hãy ủng hộ sách có bản quyển bằng việc mua trên Amazon hoặc một trang phân phối sách chính thống nào đó. Còn nếu đang có khó khăn về tài chính thì ở đây có hai nơi bạn có thể tìm tới để tải sách đó là https://www.pdfdrive.com/ và https://libgen.is/ 😌 tất nhiên đây là tải lậu và việc sách bạn tìm có hay không, hay sách bạn tải về có đẹp có nét và có rõ hay không hoàn toàn phụ thuộc vào may mắn và nhân phẩm. Chốt là mua và đọc chính chủ vẫn tốt hơn bạn nhé <– viết đến đoạn này cứ ngại ngại🙃
Khi đọc sách tiếng anh thì theo hắn bạn nên sử dụng từ điển đơn chứ không phải từ điển đôi. Từ điển đơn nghĩa là từ điển chỉ sử dụng một ngôn ngữ, ví dụ ở đây là tiếng anh thì từ cần tra lẫn phần giải thích hoàn toàn viết bằng tiếng anh. Còn từ điển mà bạn hay dùng lâu nay hay được dạy trong các trường học là từ điển đôi, từ tiếng anh đi kèm giải nghĩa tiếng việt. Lý do của việc này là bạn sẽ thấu hiểu một cách mộc mạc nhất cái từ mà đang được tra cứu theo cách mô tả kèm hình ảnh chứ không phải theo nghĩa tương đương với tiếng việt. Điều này sẽ giúp bạn hiểu từ hơn giống một đứa trẻ khi được người lớn mô tả cho một khái niệm gì đó mới đồng thời bạn sẽ học được thêm được các từ vựng liên quan. Tất nhiên thời gian đầu sẽ rất khó khăn và chậm do bạn chưa quen, và phải tra qua tầm ba bốn từ mới hiểu được hoàn toàn nghĩa của một từ nào đó, nhưng dần dà bạn sẽ tạo được thói quen liên kết và hình dung với tốc độ nhanh dần khiến việc tra cứu thuận lợi hơn rất nhiều.
Ở đây hắn xin phép giới thiệu vài từ điển mà theo đánh giá của riêng hắn là dễ tiếp cận và sử dụng, đó là Longman, Oxford, Cambridge, Macmillan, và Merrian-Webster. Bạn có thể tra online hoặc tải về máy rồi sử dụng thông qua một phần mềm tên là GoldenDict. Còn đây là cách sắp xếp các loại từ điển của hắn trong máy theo thứ tự yêu thích. Mỗi loại từ điển lại có cách giải nghĩa một từ, một cụm từ khác nhau, nhiều giải thích hắn đọc phát hiểu ngay nhưng nhiều các tương đối mù mờ, lúc đó lại phải chuyển sang đọc giải nghĩa của từ điển khác.
Còn đối với mục thiết bị đọc thì đến giờ nói thật vì tối ưu chi phí hắn vẫn đọc trên máy tính là chính. Đang ấp ủ mua một cái máy đọc sách e-ink nhưng có lẽ là kinh tế khó khăn do cô vy, cái ấp ủ này có lẽ phải để lại sau sau một tí. Chứ nếu để khuyên thì hắn vẫn khuyên bạn nên đầu tư cho mình một thiết bị đọc chuyên dụng dùng màn e-ink vì nó tốt cho mắt, tốt cho cột sống và tốt cho việc đọc lẫn tra cứu cực nhiều. Đoạn này tính viết dài dài về lợi ích nhưng khổ cái chưa có máy mà trải nghiệm nên cũng chả dám chém bừa, nhỡ ai đang dùng máy rồi họ lại bóc phốt cho thì chết dở 🙂
Hết rồi 😃