Mọt sách

Chuyến đi tới hội sách sau giãn cách

Có lẽ đã lâu lắm rồi hắn không tham gia một hội sách ở Hà Nội. Thậm chí còn trước khi Cô vy tới Việt Nam cơ, vì những lý do cá nhân mà hắn không thực hiện được điều này. Và như bao kẻ mọt sách ngoài kia, hắn cũng nhớ cũng mơ mộng về cái ngày lại được đi lại những hội sách như thế để thoả cái đam mê và nghiện ngập của bản thân.

Và nếu bạn cũng đang có suy nghĩ giống hắn, mà lại chưa một lần đi những chỗ như thế này thì để hắn khai não và trả lời vài câu hỏi mà bạn thường băn khoăn nha.

Đi hội sách có tốn kém không?

Vừa tốn vừa không nếu bạn biết cách chi tiêu hợp lý trong khả năng và sức chịu đựng của ví. 5 nguyên tắc mà hắn áp dụng để tránh làm hại ví đó là:

Nguyên tắc số 1: Hàng nào mà có mấy ông bà tác giả ngồi ký ký thì cố gắng không đến gần, hạn chế tiếp xúc nhất có thể. Đến gần là dễ động lòng phàm mà xuống tiền lắm.
Nguyên tắc số 2: Hạn chế mua những đầu sách mới, sách được in trên mấy standee và băng rôn, vì chúng không hề rẻ và hầu như không bao giờ được chiết khấu hoặc nếu có thì rất mi nhon.
Nguyên tắc số 3: Lượn một vòng cả hội sách rồi mới mua, nhiều quyển thì nhà xuất bản không giảm nhưng các gian hàng của nhà sách thì lại có giá rất tốt.
Nguyên tắc số 4: Ưu tiên các quyển sách đã ra mắt lâu. Vì chúng thường là những quyển có mức giá hợp lý nhất và thường đi kèm khá nhiều ưu đãi kiểu mua mấy lại tặng 1 chẳng hạn.
Nguyên tắc số 5: Nhớ Sách là bạn những Tiền cũng là bạn, thậm chí còn thân hơn.

Tới hội sách thì có gì?

Tất nhiên là có sách, rất nhiều sách thuộc đủ các thể loại và nhà xuất bản, công ty phát hành khác nhau

  • Có những con mọt, già có trẻ có mà bé tí bé teo lẽo đẽo theo bố mẹ tới thăm hội sách cũng có và tất nhiên không thể thiếu những mọt xinh tươi trẻ trung hấp dẫn 😍
  • Có các buổi giao lưu giữa tác giả và người đọc. Mà qua đó độc giả hiểu thêm về nhân vật, câu chuyện và tác giả.
  • Có những khu trưng bày sách cũ và sách mới nằm đan xen. Có nhiều quyển nhìn chỉ còn vài mảnh, vài miếng và viết bằng thứ tiếng mà dân ta vẫn gọi là chữ Nôm
  • Có những chỗ để chụp ảnh rất nghệ thuật và những nhân vật thú bông cỡ lớn được mô phỏng những nhân vật trong sách để bạn đứng selfie cùng
  • Và dĩ nhiên có cả những bạn PG 🤩 được các hiệu sách thuê đứng vẫy tay để thu hút người đọc ghé vô

Các hoạt động bên lề của hội sách cũng chỗ mà bạn nên nán lại và dành chút thời gian cho chúng. Nhưng nhớ nguyên tắc số 1 đã đề cập ở trên, các hoạt động trưng bày thì không nói làm gì nhưng các hoạt động mà có nhóm tác giả ngồi nói nói thì cứ cẩn thận một chút. Tâm thật tĩnh rồi mời ngồi nghe, vì nói gì thì nói tuy là nguy hiểm cho ví nhưng nhiều buổi chia sẻ như thế rất có giá trị. Bạn sẽ hiểu thêm về tác giả, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, phương pháp viết và sáng tạo của họ. Phần nào đó giúp bản thân rất nhiều trong việc gõ phím trong tương lai nhất là những người như hắn vừa yêu sách mà vừa yêu viết lách.

Hội sách có đông không?

Thường nếu là ngày cuối tuần thì siêu đông nhưng bạn có thể đi những hôm đầu hội sách khi rơi vào ngày thường và bạn có thời gian thì sẽ vắng hơn. Còn nếu không thì việc chen lấn, xếp hàng dài chờ ký tặng hay là ngán ngẩm hóng đoàn người bên quầy tính tiền là thứ chắc chắn gặp phải. Nhưng mà thôi đã yêu sách và mê hội sách thì phải chấp nhận thôi. Chả thể nào mà vừa muốn chảy hội vừa muốn vắng vẻ được.

Hội sách có trộm cắp không?

Buồn một chút là có, dù lực lượng bảo vệ khá đông nhưng tình trạng này vẫn diễn ra. Cái này thì cũng khó trách khi mà lượng bạn đọc tập trung ở một chỗ nhiều như vậy thì tất nhiên sẽ là miếng mồi ngon cho những kẻ ba ngón muốn lợi dụng.

Hội sách có sách giả sách đểu không?

Vừa có vừa không tuỳ vào quy mô và tên của hội sách. Nếu là những hội sách lớn có sự tham gia của một số đơn vị phát hành sách uy tín thì hầu như là không có sự tồn tại của sách giả sách đểu. Nhưng với những hội sách tự phát, hội sách cũ hay là hội sách sinh viên thì kiểu gì cũng có sách giả sách đểu được chèn vào. Nên theo quan điểm của riêng hắn thì nếu muốn xuống tiền một cách an toàn, hợp lý và ủng hộ nhiều cho tác giả thì nên là ở những hội sách lớn. Còn những hội sách nhỏ, chỉ nên tham quan, sờ mó sách và mua gọi là theo kiểu hú hoạ hoặc là nếu quá rẻ thì mới nên xuống tiền còn không thì thôi.

Hội sách đi ban ngày hay buổi tối thích hơn?

Cái này thì tuỳ, hắn đi cả hai buổi rồi và thấy rằng mỗi buổi lại có những ưu và nhược điểm riêng

  • Ban ngày: Sáng sủa, việc lựa sách cũng thuận tiện hơn. Nhưng vào những ngày mùa nắng nóng thì khá là khó chịu dù mỗi gian hàng đều trang bị những chiếc quạt cỡ lớn nhưng cũng khó mà xua hết cái nóng và mùi mồ hôi của đám đông.
  • Buổi tối: Hội sách nhìn lung linh và đẹp hơn với vô số đèn trang trí tại mỗi gian hàng, tiết trời cũng mát hơn nhưng nhược điểm là với những kẻ mang hai đít chai như hắn thì khá là khó đọc và lựa sách.

Một vài địa điểm thường tổ chức hội sách ở Hà Nội?

Bảo tàng phụ nữ, Hoàng Thành Thăng Long, công viên Thống Nhất, cung văn hoá hữu nghị Việt Xô, kho sách Nhã Nam, phố sách 19 tháng 12, Văn Miếu, Hồ Giám (ở bên này thường là hội sách cũ và tự phát như đã đề cập ở trên), sân của các trường đại học trên địa bàn Hà Nội.

Đó là những kinh nghiệm của hắn ở hội sách.

Còn bạn có câu chuyện gì muốn chia sẻ không?

Leave a Comment