Như đã nhắc tới ở bài viết lần trước về chuyện tìm đường của thế hệ 8x. Lần này hắn xin phép kể một vài những kỉ niệm cũng như câu chuyện về việc đạp xe ngày trước. Một thứ có lẽ sẽ ít dùng ở thời nay do với gen Alpha hắn thấy xe đạp điện lẫn xe máy dưới 50 phân khối đã quá phổ biến và rẻ để hầu hết các nhà ở thành phố đều mua cho con em làm phương tiện đi học đi chơi.
Trước tiên hãy bắt đầu bằng việc học lái xe đạp mà theo quan niệm của cá nhân hắn thì vất vả và khó nhằn hơn luyện đi xe đạp điện với xe máy khá nhiều. Hắn nhận thấy ít có bạn trẻ nào ngày nay ngã xe máy hay xe đạp điện trong lúc tập mà thường các tai nạn chủ yếu do phóng nhanh vượt ẩu, không chịu quan sát khi tham gia giao thông là chính. Còn với xe đạp chạy bằng cơm thì trong quá trình luyện tập để đi được thì ít nhất phải vồ ếch và đâm vào tường vài ba lần, thâm tím thì cũng phải chục chỗ trên người thì may ra mới biết cách lái em nó. Tỉ dụ như hắn đây từ thời ở Lê Văn Hưu đã luyện đi xe đạp rồi, lúc đó khoảng 7-8 tuổi gì đó nhưng mãi đến khi về Thổ và lên cấp 2 thì mới gọi là biết đi. À quên trước nhất cũng làm rõ loại xe đạp mà hắn nhắc tới trong hầu hết nội dung của bài viết này là loại xe hai bánh không có bánh phụ như loại mà bạn vẫn thấy trẻ con 2-3 tuổi lái, loại có bánh phụ kia thì dễ ợt ai cũng điều khiển được, cái loại 2 bánh mới khó đi, dễ ngã và cần luyện tập mới lái được. Tất nhiên một phần lớn trong cái sự luyện mãi mới thông của hắn là do lười tập, tháng có một buổi, còn phần bé thì là do trước ở Lê Văn Hưu nhà phố đường hẹp không có chỗ để đâm với ngã, chỉ từ khi về cạnh trường tiểu học mới có sân rộng tha hồ cho hắn tung hoành và tổ lái. Nhưng cũng xin thú thực và gửi lời xin lỗi bác bảo vệ già thời đó, cháu cũng ít nhiều đâm méo cái cửa nhà kho đựng ghế và đệm tập võ, cũng đôi lần tông nát mấy bụi cây trồng quanh trường. Nhưng rồi thật may mắn sau những cố gắng không ngừng nghỉ của bản thân kèm tiếng cổ vũ của đám trẻ gần trường hắn cũng biết lái xe đạp hai bánh mà không cần chống chân với phanh bằng dép.
Chính thức thì khi kết thúc đời đạp xe để sang xe máy thì hắn tàn phá hết hai con xe đạp. Một con màu hường lai đỏ rượu vang kế thừa lại của đứa em họ nhưng hơn tuổi của cô hắn và một con xe Thống Nhất màu xanh da trời mà đến đại học thì chẳng còn nhận ra cái màu xanh ấy nữa, vì giờ nó là sự kết hợp của màu rỉ sét với đất bùn nhiều năm đóng lại. Lợi ích khi đạp xe thì khá nhiều nhưng hắn chỉ xin phép điểm qua những thứ mà hắn thấy nổi bật nhất. Đầu tiền là đùi to, kiểu đùi ếch hay vẫn được gọi là “lốp căng ra phết” theo ngôn ngữ nhà nghề. Sức khỏe khi đạp xe thường xuyên cũng cải thiện nhưng cân nặng thì vẫn vậy, nhưng cũng phải thú nhận chỉ tới khi dùng xe máy hắn mới nhận thấy việc đạp xe này tốt cho sức khỏe thế nào. Rồi thì tự chủ hơn không phải nhờ người lớn đưa đón nữa, việc đi học thêm lẫn trốn học thêm đi chơi điện tử cũng được thực hiện dễ hơn. Và như đã nói ở rất nhiều bài viết trước đây, lang thang trên từng con phố và ngắm Hà Nội qua 12 mùa hoa cũng đơn giản và thú vị hơn rất nhiều việc chỉ ngồi sau xe máy. Hắn sẽ viết kỹ hơn về điều này ở đoạn dưới. Rồi thì vừa đi vừa chém gió chuyện trên trời dưới biển khi không có người lớn đi kèm lúc từ trường về khá là vui cùng một ông bạn cấp 2 nhà bên ngõ Văn Chương là một kỉ niệm thú vị làm hắn còn nhớ mãi. Đặc biệt trong những ngày trời mưa đường tắc hoặc dính tàu hỏa đi qua ở đầu Khâm Thiên, thì trò chuyện trên xe đạp là thú vui giết thời gian hiệu quả nhất mà hắn từng trải qua. Và còn một vài những ưu điểm nữa nhưng cũng lâu quá rồi không đi xe đạp nên hắn cũng lãng quên ít nhiều.
Con nhược điểm thì cũng không kém thậm chí có phần nhiều nhiều với cái tuổi học sinh của hắn thời đó. Mồ hôi thấm đẫm những ngày hè, thực ra là sát hè mới đúng cụ thể là tháng 5 tháng 6 với tháng 9 tháng 10 khi đạp xe mà với kẻ vừa béo vừa lắm mồ hôi như hắn cực ghét. Ngày đó đã làm gì biết tới lăn nách biết tới những thứ khử mùi, trong lớp thì cũng chẳng kiếm đâu ra điều hòa, còn quạt trần thì lờ đờ như mấy anh nghiện vẫn lang thang trong ngõ Thổ những năm trước 2010 ấy. Thế nên kết quả tệ hại là áo trắng đồng phục chả được năm đã xanh xanh ở cổ và nâu nâu ở nách, mốc tím cả phần đóng thùng. Việc đạp xe một mình đặc biệt vào những hôm đi học thêm buổi tối dễ trở thành một miếng mồi ngon cho bọn ăn cướp. Hắn từng bị giật hết đống sách vở và bút đựng trong túi để ở rổ xe khi đi ngang qua Hàng Bột hay còn gọi là Tôn Đức Thắng bây giờ, cũng đuổi theo nhưng chúng nó chạy vào ngõ quen và mất hút. Cũng may chỉ có vài ba cái bút, một quyển sách một tập vở và hơn chục nghìn để gửi xe ăn quà. Ở hiện tại với sự xuất hiện của đội 141 mấy năm trở lại đây, tình hình trộm cắp vặt, ăn cướp trên phố đã ít đi cực nhiều mà theo đánh giá chủ quan của hắn là một sự cải thiện cực lớn về bộ mặt của Hà Nội, làm người dân yên tâm hơn khi đi lại lúc tối trời. Thứ ba là lắm thành phần giả danh thương binh hay cà khịa đám học sinh. Hắn chả biết mấy bác thương binh thật thì thế nào chứ thương binh giả ngày đó nhiều và hiếu chiến lắm. Hắn và thằng bạn từng bị một lão chả biết lý do gì mà chèn cả hai hết một con đường quanh Hồ Gươm, chỉ tới khi người dân quanh đấy can thiệp vào thì lão mới chịu bỏ đi. Cũng may sau rất nhiều vụ việc thương tâm và đẫm nước mắt của đội này gây ra thì số lượng đã giảm sút nhìn thấy được bằng mắt thường, cỡ chục năm trước không hiểu bằng một sự kỳ bí nào đó chỗ nào phố nào cũng thấy thương binh lái ba gác chở đồ, nhiều đến mức hắn tự hỏi chiến tranh cũng đã chấm dứt từ rất lâu mà ở đâu ra nhiều bác thương binh thế. Chỉ đến khi báo đài phanh phui một loạt phóng sự về đội thương binh giả cầy này thì hắn mới à ừ hiểu ra.
Một điểm nữa khi đi xe đạp cũng khá khó chịu là xịt lốp. Nguyên do thì khá nhiều nhưng phần lớn vẫn là đâm vào đinh hoặc vật sắc nhọn. Với xe máy đặc biệt là các loại lốp không săm ra đời sau này thì việc này ít gặp hơn. Còn xe đạp hồi trước thì chỉ cần một hòn đá làm đường hơi nhọn một chút nhô cao một tẹo thôi là xì hơi và xẹp lốp rồi. Nhưng cũng may thời hắn còn đi học một con phố có tới mấy bác sửa xe đạp với đồ nghề đầy đủ nên việc vá săm cũng không quá khó khăn. Có lẽ ở 2024 việc nhìn thấy một bác già già ngồi ở đầu phố cuối đường làm công việc này sẽ khó hơn rất nhiều. Cũng phải thôi, giờ thì ai cũng xe máy, xe điện ô tô cả rồi, xe đạp chỉ là thiểu số thì chuyện tìm một người sửa xe đạp chắc sẽ khó hơn lên zời. Hắn nhớ lần hỏng nặng nhất của con xe Thống Nhất là gãy “râu tôm“, hắn cũng chả rõ là cái gì chỉ biết rằng khi cái râu này gẫy thì bạn có đạp thật lực vào pê đan thì bánh cũng chẳng thèm quay tí nào. Còn chuyện mòn má phanh trước và sau cũng là một câu chuyện hài hước thời đó. Mà cái bệnh này với ai đi xe đạp nhiều sẽ gặp rất thường xuyên. Đó là thay vì mắm môi mắm lợi bóp phanh mãi không ăn, bạn sẽ cần phanh bằng chân nghĩa là rà rà đôi giầy xuống mặt đường cho xe nó chậm lại hoặc chuyên nghiệp hơn là dí sát cả chân thẳng vào bánh xe nhưng nguy cơ bay mất dép khá cao. Có nhiều cao thủ thời đó còn nhảy luôn xuống xe, dùng trọng lượng cả cơ thể để giữ cho xe dừng lại. Hắn thì chịu chả dám áp dụng những cách thức này dù lũ bạn có vài thằng rất thích áp dụng những phương thức dừng xe dạng này, hắn thì cứ thấy phanh lúc nào hơi mòn mòn và có dấu hiệu khó dừng là phải phi ra ngay bác sửa xe gần phụ sản trong ngõ để thay mới. Rồi thì những hình ảnh chưa đẹp về việc bốc đầu, thả hai tay khi lái hoặc bốc đít quay quay bánh xe như trên phim thời đó gặp khá nhiều trên đường chỉ là không có điện thoại hay máy quay để ghi lại mà thôi. Tất nhiên với cả đống nhược điểm như đã kể thì chuyện xe đạp dần trở thành một công cụ tập thể dục của các cụ buổi sáng với các thanh niên yêu thích thể thao đua quanh hồ là chuyện quá đỗi bình thường. Còn bọn trẻ á, xe đạp điện, xe máy phân khối nhỏ thậm chí là xe máy dù chưa đủ tuổi, rồi thì xe buýt thậm chí là đi bộ kết hợp với tàu điện trên cao dần thay thế ông bác xe đạp bằng cơm này. Như thời của hắn thì khoảng lớp 8 lớp 9 mới bắt đầu có đứa trong lớp lái xe máy của bố mẹ đi chơi, chứ đi học vẫn xe đạp ơi hoặc gia đình đèo. Chứ ở hiện tại như hắn quan sát mấy trường cấp 2 quanh khu hắn sống thì mấy đứa lớp 6 lớp 7 đã to cao và phi xe máy ầm ầm rồi, tất nhiên số đông vẫn đi xe đạp điện là chính. Dù so sánh này khá khập khiễng và thiếu số liệu cụ thể để chứng minh nhưng hắn vẫn đưa ra cốt để làm nổi lên cái sự tương phản lẫn khác biệt và lý giải chuyện xe đạp mỗi ngày một ít được sử dụng. Rồi xin phép tạm dừng lại những thứ mang tính vật lý về xe đạp ở đây và chuyển qua một chút về tâm hồn.
Nếu đi bộ tập thể dục dọc những con đường là một món ăn yêu thích vào buổi sáng của nhiều nam phụ lão ấu khắp cả nước thì lang thang trên những con phố vào dịp cuối tuần là một cái thú rất riêng của người Hà Nội đặc biệt là vào mùa thu. Mùa đẹp nhất để đạp xe để ngắm phố phường và thưởng thức hương hoa sữa lẫn những hoài niệm mà theo quan điểm có đầy sự nâng đỡ không trong sáng của hắn thì sướng nhất trong các thú vui rẻ tiền. Dọc theo từng con đường bạn đi qua sẽ không phải là cái vội vã như đi xe máy, ô tô và cũng chẳng phải là cái sự chậm rì rì như đi bộ mà sẽ là sự hài hòa trong từng cảnh vật con người và hàng quán đan xen vào nhau theo từng vòng quay của pê đan. Sẽ có những chỗ bạn chợt đạp chậm lại thậm chí dừng hẳn lại chỉ để ngắm một cảnh một người một cô gái kiến lòng ta xao xuyến, nhưng cũng có vài nơi bạn đạp thật nhanh mong muốn qua thật mau vì nơi đó gợi nhớ tới vài kỉ niệm chẳng vui trong quá khứ. Dù là vui hay buồn, là hoài niệm hay ác cảm từ xa xưa thì việc đạp xe trên những con đường của thủ đô là một cái thú mà sau này dù có đi xe máy thậm chí đi ô tô đi máy bay cũng chẳng thể nào có lại. Đó là cái cảm giác tốn sức của việc vừa phải duy trì những vòng quay pê đan những vẫn dành tâm trí cùng sự thư thái để tận hưởng từng mùi hương của phố phường, từng cảnh sắc của cây cối hoa lá mùa thu và từng câu chuyện của những con người trên phố nhỏ ở Hà Nội.
Còn gì về xe đạp mà hắn quên không ta?