Nếu nhà bạn hay nằm giường dịch vụ và vật giá trong viện không phải vấn đề đáng quan tâm thì tạm bỏ qua bài viết này nhé. Vì đơn giản, danh mục này hắn viết là để cho những người vẫn nằm giường bình dân, lẫn rất phân vân giữa thứ này thứ kia khi mua đồ ở các cửa hàng quanh viện.
Tất cả những thứ dưới đây được hắn đúc kết trong vài năm trở lại đây khi đi ra đi vô ở viện như ở nhà, vừa dưới vai trò người nhà chăm bệnh nhân, lẫn cả khi đã đóng vai một người bệnh. Nên sẽ ít nhiều hữu ích nếu bạn đang ở trong tình huống phải đi chăm người thân nơi bệnh viện, hay kể cả bạn là người bệnh đi nữa. Let’s go:
1) Ba lô: Đây là thứ quan trọng bậc nhất theo quan điểm của riêng hắn, thứ này để nhét hầu hết các vật dụng bên dưới một cách nhanh chóng và chính xác. Nên chọn loại bự và dày một chút vì không gian đựng đồ cạnh các giường bệnh rất chật hẹp, số lượng đồ để được tương đối ít, nên phần lớn vẫn phải nhét vô ba lô và đeo lên vai đem theo người khi đến giờ bác sĩ đi phòng. Chớ dùng loại đeo một bên, nên lựa loại đeo sau lưng sẽ giúp bạn đỡ mỏi, vừa làm được chỗ dựa lưng trong những ngày dài ở viện. Loại nhiều túi, nhiều ngăn sẽ giúp bạn phân loại đồ dễ dàng và tốc độ hơn.
2) Thẻ bảo hiểm, đơn thuốc và sổ y bạ: Hầu hết vấn đề phát sinh khi thanh toán đều liên quan đến tấm thẻ bảo hiểm này. Gần đây bộ y tế bắt đầu áp dụng VssID thay thế cho thẻ giấy, nhưng tốc độ app khá là chậm. Vẫn nên đeo theo bản cứng đề phòng. Đơn thuốc và sổ y bạ sẽ giúp bác sĩ xác định tình trạng bệnh và đưa ra phác đồ chuẩn hơn, dựa trên hiểu biết về người bệnh và các loại thuốc đang uống hàng ngày.
3) Giấy khô, giấy ướt: Combo này gần như nên nghĩ tới đầu tiên khi đã đặt chân tới giường nội trú vì những ưu điểm cũng như sử dụng được trong khá nhiều lúc, lau đồ, lâu mặt, lau một số chỗ kết hợp với thứ bên dưới. Bạn có thể mua hoặc mang từ nhà đi. Mua thì hên xui, đắt, chất lượng không tương xứng với giá thành và không được lựa loại yêu thích. Giấy khô nên có cả loại vuông, lẫn loại cuộn tròn có lõi hoặc không (cá nhân hắn thích loại không lõi hơn). Một dùng khi đi vệ sinh và một một để lau chùi chỗ này chỗ kia 🤣
4) Bô bệt( nữ 🦋), bô tròn đứng hoặc bô ống( nam 🍌): Như đã nói ở thứ trên, bô là vật dụng tiếp theo bạn phải có khi đi chăm người bệnh. Đừng nghĩ chỉ những bệnh nhân quá già, quá yếu mới cần tới thứ này. Nên nhớ đã vào viện là phải tiêm truyền, có những thứ thuốc thời gian truyền có thể lên tới vài chục tiếng, nên chuyện có một cái bô sẽ giúp bệnh nhân rất nhiều, không phải lê ra nhà vệ sinh quá xa mà trên người vẫn đang có kim. Bạn cũng có thể chọn giải pháp là bỉm. Nhưng nói thật tình một câu từ kinh nghiệm của hắn và nhòm ngó những giường bệnh có người dùng bỉm, cực chẳng đã mới phải thay bô bằng bỉm. Vì mỗi lần vệ sinh, lau dọn bộ phận này bộ phận kia của người bệnh thì đúng là cực hình và bốc mùi cho cả người thay lẫn người xung quanh. Nên nếu người bệnh không ngại và không quá yếu thì bô nên là lựa chọn ưu tiên hơn bỉm. Ngoài ra một số người bệnh được bác sĩ yêu cầu cân do lượng nước tiểu một ngày, thì bô sẽ là công cụ tốt hơn bỉm.
5) Chậu nhỏ: Dùng để mang nước ấm ra giường lau mặt cho người bệnh. Hoặc để mang nước mát ra để chườm khi người bệnh sốt cao. Thường ở nhà vệ sinh trong viện có khá nhiều chậu vô chủ, do người ta bỏ lại khi đã xuất viện, bạn có thể lấy dùng. Nhưng nhớ rửa xà phòng và tráng nước sôi thật kỹ trước đấy. Còn không chuẩn nhất là mua hoặc mang từ nhà đi, không cần loại chậu quá to vì tốn diện tích không có chỗ để mà cũng chả bao giờ dùng đến quá nhiều nước như thế.
6) Kem muỗi: Cái này phải ai đã từng ngủ trong hành lang viện, chợp mắt đặt mình ngủ vội ở ghế đá hay gốc cây trong viện lúc mặt trời hạ xuống mới thấu cảnh muỗi bbq thịt người là như thế nào. Nên kem muỗi là thứ nên mang theo nhất là vào mùa hè, kể cả khi bạn có mặc quần áo dài đi chăng nữa. Muỗi ở viện toàn loại đói và hung hăng, nên chúng sẵn sàng luồn thẳng vào ống tay áo chích bạn nhiệt tình.
7) Bánh xà phòng, bàn chải đánh răng, kem đánh răng, dầu gội đầu, khăn mặt: Mấy thứ này chủ yếu là dùng cho người nhà, chứ người bệnh thì việc tắm giặt là rất hãn hữu không cần quá lo, trừ mỗi khăn mặt là có thể dùng nhiều để lau, rửa cho người bệnh. Mua ở viện thì chú ý nên mua loại to, rẻ hơn một tẹo, còn mua loại lẻ dùng thì tiện nhưng khá là chát.
8) Dao + kéo: Hai vật này hơi sắc nên phải cẩn thận gói giấy vào rồi mới bỏ vô balo. Công năng thì vô vàn, bổ hoa quả, cắt thuốc, rạch giấy, cắt bánh mì, cắt ngắt tóc… Nói chung là không có thứ gì sắc sắc trong tay thì khá khó chịu 😂 Có thể mượn nhưng mà ngại mỗi khoản vệ sinh.
9) Nilon đựng đồ, ít nhất là 3 cái: 1 cái đựng đồ bẩn, 1 cái đựng đồ ăn khô như bánh kẹo sữa, 1 cái để phòng trường hợp người nhà nôn thì còn có mà hứng.
10) Cốc nhựa hoặc thép loại dày giữ nhiệt + ống hút: Dùng để pha sữa cho người bệnh, tranh thủ những lúc không bị đuổi ra ngoài, bạn tranh thủ pha sữa cho vào đây để giữ nóng, đặt ở cạnh giường. Lúc nào người bệnh muốn uống thì lấy ra. Cốc này cùng với ống hút có thể dùng uống nước khi người bệnh nằm hoặc đang truyền không ngồi được.
11) Quần áo vài bộ + quần lót + quần đùi: Quần áo để thay chắc là không có gì để nói rồi, còn quần đùi là để mặc khi đêm xuống bạn không phải ngủ ở ngoài hành lang mà được kê giường gấp ngủ cạnh giường bệnh hoặc chui xuống gầm giường nằm thì thay vô cho mát. Thường các cụ sẽ rét hơn người thường nên nhiệt độ trong phòng khá nóng, bạn mà đóng nguyên bộ quần áo sẽ rất khó ngủ. Nếu vào mùa đông thì nhớ thủ thêm cái áo khoác. Hắn từng co ro như một con cún ngoài hành lang khoa hồi sức tích cực vào mùa đông mà áo không đủ ấm rồi. Nên khuyên bạn đừng ngại mang thêm nhiều đồ dày dày một chút khi trời trở gió nhé. Không dùng tới thì để làm gối, còn thiếu thì chỉ có run cầm cập, ốm cảm có ngày.
12) Tấm bìa lịch to: Cơ bản là quần áo ở viện thì 2 ngày thay một lần, nhưng ga giường và chăn thì khi xuất viện mới thay hoặc khi quá bẩn. Nên việc giữ sạch nó là điều kiện bắt buộc nhất là lúc ăn uống. Nếu người bệnh khoẻ thì không nói làm gì, nhưng khi người bệnh yếu chỉ có ăn ở giường hoặc tệ hơn là nằm ăn thì việc rơi rớt ra là chuyện tất nhiên. Để phòng tránh việc này, thì theo hắn một tấm bìa lịch to sẽ giải quyết thấu đáo hết. Kê ở dưới đồ ăn nếu ngồi, kê ở dưới đầu và cổ người bệnh khi nằm.
13) Sạc điện thoại cộng một gói 4g lưu lượng theo ngày: Sạc thì tất nhiên phải có rồi, ai có pin dự phòng thì càng tốt. Còn việc cài gói 4g lưu lượng theo ngày thì là do wifi trong viện rất yếu và thiếu. Nên dùng 4g là việc mặc nhiên, nếu bạn dùng gói 3GB thậm chí là 5GB một tháng thì rất nhanh là hết. Nên dùng lưu lượng theo ngày cỡ 500MB hoặc 1GB/ ngày là vừa đủ.
14) Áo mưa với mũ đội đầu: Một vài khoa trong viện ở toà nhà lớn, có hành lang rộng thì khỏi nói. Nhưng vài khoa thì nằm biệt lập, cách xa toà nhà chính. Nên khi đến giờ đi giường của bác sĩ, việc bạn ra ngoài sân đứng là chuyện bình thường. Gặp ngày trời mát mẻ khô ráo thì không làm sao, nhưng gặp ngày nắng to hoặc mưa dầm đề mà bạn không chạy đi xa khỏi khoa được thì đúng là cực dã man. Nên trang bị cho bản thân một chiếc mũ đội khi nắng to và áo mưa nếu chẳng may phải đứng ngoài hiên tránh mưa, trong không gian chật hẹp với vô số người nhà khác sẽ cực kỳ hữu ích.
15) Chai nước lọc: Nên là loại 1 lít không nên to hơn, để cạnh giường bệnh dùng khi người bệnh khát mà bạn lại ở bên ngoài không vào được có thể dùng. Có thể thay bằng 2 chai 0.5l cho gọn. Nhiều người thiếu kinh nghiệm, tưởng viện không có cây nước, mua hẳn chai 15, 20l. Vừa lãng phí mà người bệnh rất khó dùng. Do đó loại nhỏ vừa tay là thích hợp nhất, với người nhà thì một chai 0.5l nhét trong ba lô là vừa miếng cho bản thân.
16) Một túi nhỏ tiện ích nhét thật sâu trong ba lô (Ảnh minh hoạ): Để đựng mấy thứ nho nhỏ như thuốc nhỏ mắt, cạo râu, nhíp, dầu gió, bút viết, lược và vài loại thuốc cơ bản chủ yếu là dùng cho bản thân người nhà đi chăm, chứ người bệnh đã có bệnh viện lo thuốc rồi. Quan trọng nhất là TIỀN 💸💸💸, không dồn hết tiền ở trong ví hay phải mở ra mở vào. Nên giấu kín ở trong cái túi tiện ích này và luôn giữ ba lô cạnh người, lúc ngủ thì làm gối kê, việc mất mát hay bị trộm ở trong viện là chuyện cơm bữa và thường xuyên, dù có camera thì việc lấy lại được cũng khá là khó khăn, nên tiền đi cùng khúc ruột. Bạn có thể nói là giờ ATM chuyển khoản đầy ra cần gì giữ lắm tiền. Thì để hắn chia sẻ thật nhé, ở trong viện tiền mặt luôn có lợi, ATM lắm lúc không có cây của ngân hàng bạn có thẻ và chuyển khoản thì quên đi, nhiều viện còn không biết đấy là cái gì. Mà khi đã vào viện, nhiều tình huống không ngờ tới sẽ xảy ra và cần nhanh, nên tiền luôn phải có trong người để đề phòng bất trắc.
17) Khẩu trang: Từ khi Cô Vy ghé thăm Việt Nam ta tới giờ, có lẽ đây là thứ bắt buộc phải có. Đặc biệt trong môi trường bệnh viện thứ này còn bị bắt buộc luôn có trên miệng. Lúc đầu hắn có thủ thêm nước khử khuẩn cơ, nhưng thực tế là thứ này vô dụng vì trong viện cách vài mét lại có một chai rửa tay khô, luôn trong tình trạng đầy ự.
18) Thìa, đũa, hộp nhựa đựng đồ ăn mua về: Mấy thứ này thì không quá quan trọng, nhưng dùng đồ quen vẫn ổn áp hơn là mua ở nhà ăn căn tin bệnh viện. Đặc biệt là thìa, mấy cái thìa nhựa đi kèm hộp cháo mua khá là khó đút cho người bệnh đang nằm, nó mỏng, yếu và răng cưa khá nhiều, dễ làm xước miệng người bệnh. Nên nếu không mang từ nhà đi, bạn nên mua một chiếc bằng inox, viền tròn và dày dặn một chút để lúc đút cháo nhanh nguội và dễ dàng hơn.
Cập nhật thêm NĂM 2022
19) Bỉm người lớn: Đặc biệt là những bệnh nhân già yếu không đi lại được thì càng nên trang bị thêm thứ này. Thứ nhất nó giúp giảm số lần phải đi lấy bô bệt, cũng như những lúc bản thân người đi chăm không thể ở trong buồng bệnh đầu giờ sáng khi bác sĩ đi phòng hoặc phải chạy về nhà lấy đồ thì người bệnh cũng không phải nhịn hoặc tè ra giường. Thứ hai nó khá là nhẹ và gọn, nếu bạn đã thay quen thì chỉ mất chưa đến 1 phút là xong xuôi cả tháo cái cũ ra và lắp cái mới vào. Có hai loại bỉm cho bạn chọn một loại nhìn như một chiếc quần lót có thêm lớp thấm hút ở trong dành cho những bệnh nhân vẫn có thể tự trở mình và xoay qua xoay lại, loại này thì tự bệnh nhân cũng có thể tự thay mà không cần sự hỗ trợ của người thân. Còn loại thứ hai thì là một tấm dài hình chữ I có 4 miếng dán ở một đầu chữ I để luồng qua háng bệnh nhân và đính vào đầu còn lại của chữ I. Loại này dành cho những người bệnh khá nặng, khó khăn trong việc trở mình và nâng hạ, phải có sự hỗ trợ rất lớn từ người thân. Mỗi cái bỉm như vậy có thể thấm hút tới 450ml nên bạn hoàn toàn có thể yên tâm cho một buổi, thậm chí là cả đêm. Nhưng vì lý do “cảm giác” nên có thể thay sớm nếu bệnh nhân khó chịu.
20) Găng tay nilon dùng một lần: Mục đích duy nhất là để đeo vô lúc thay bỉm đặc biệt là khi bệnh nhân có kèm đi nặng ra cả bỉm, giảm thiểu mất vệ sinh và dính 💩