Ở bệnh viện khổ nhất chính là khi tinh thần suy sụp, áp lực nhất chính là sức khỏe của người bệnh. Mỗi ngày mỗi giờ mỗi phút từng người từng cá thể sống ở môi trường này đều đấu tranh với những suy nghĩ bi quan, những tình cảm tiêu cực và muôn vàn những đè nén vô hình, cứ bào mòn sức khỏe lẫn cảm xúc đi từng chút một. Chỉ có một thứ giúp những con người ở đây vượt qua những ngày tháng ấy, chính là những tình cảm chân thành quan tâm giúp đỡ lẫn nhau của những con người chẳng họ hàng thân thích, chẳng cùng quê quán đồng hương, thậm chí chẳng cùng tuổi tác địa vị xã hội đối với nhau.
Đó cũng là chủ đề mình muốn chọn để viết về trong ngày hôm nay. Vừa để kết thúc cho một chuỗi bài viết 60 bài về chủ đề bệnh viện vừa thay cho một lời cảm ơn sâu sắc đến những người đã giúp đỡ mình trong thời gian vừa qua.
Để nói về cái thứ tình nghĩa vô hình nhưng giá trị lắm ấy chỉ có thể mô tả từng phần từng hành động thật nhỏ mà nó thể hiện và để mọi người tự cảm nhận ra nó, chứ thực sự rất khó rất khó để có thể mô tả hay làm rõ nó là gì hay nó như thế nào được.
Nó có thể chỉ là những câu hỏi quan tâm thật nhẹ nhàng khi người bệnh lần đầu tiên nhập phòng.
– “Bà bị gì thế?”
– “Bà cũng phẫu thuật tim hả?”
– “Ông nhập viện lâu chưa?”
– “Nhìn mặt chú xấu quá, chắc bệnh nặng lắm hả?”
– ………
Nó có thể chỉ là hành động chia sẻ những vật dụng, quà bánh mà người thân tới thăm nom cho cả phòng cùng hưởng. Từng quả cam ngọt rời tay từ giường này tới giường kia, từng gói bánh chia nhỏ người này gửi người nọ, từng gói giấy ăn sẻ đôi , từng túi xà phòng sẻ nửa. Mỗi người trong phòng bệnh chẳng ngại chia nhỏ phần đồ dụng của mình cho bạn cùng phòng với thái độ thật vui thật thoải mái.
Nó lại có lúc là những mánh thật nhỏ mách nhau về vị trí có thể nhét thêm đồ, balo mình mang theo vô viện, những địa điểm có thể phơi quần áo trên tầng thượng, hay những quán ăn ngon mà rẻ xung quanh đây.
Nó có thể chỉ là khi người này nhường người kia vào nhà vệ sinh trước hay sau, tắm đầu hay tắm cuối, hay đơn giản là việc nhường vị trí xếp hàng lấy cơm lấy cháo lấy chè từ thiện cho người già hơn, yếu hơn lên trước. Nhường nhịn như một biểu hiện quen thuộc mà nó mang trên mình hàng ngày.
Nó cũng đôi khi là những quan sát bình dung dịch truyền của người bên cạnh mà người nhà chẳng kịp để ý để báo cho y tá kịp thời khóa lại hay thay bình dung dịch khác vào. Cũng có khi là những cái lay nhẹ lúc 2, 3 giờ sáng khi thấy máy theo dõi sự sống của ai đó kêu tít tít, hay máy kiểm soát tốc độ truyền thuốc báo đỏ khi xi lanh thuốc sắp hết.
Nó có thể là buổi tối ngồi cạnh nhau bên ấm trà đặc thơm phức, kể cho nhau nghe những khó khăn đang gặp phải, những quyết định còn đang trong suy nghĩ chưa dám đưa ra hay chỉ là những tâm tư, thắc mắc về căn bệnh và phương pháp điều trị cho người bệnh của những người nhà mới vào đối với những người trông nom bệnh nhân lão thành đã đóng chốt ở đây vài tháng rồi. Câu chuyện có thể chẳng đi đến đâu sau vài tiếng thì thầm nói chuyện ngoài hành lang, nhưng cũng phần nào giúp cho tâm lý của những người đang lo lắng căng thẳng nhẹ đi bớt đi được phần nào.
Nó cũng có thể thấp thoáng trong những cử chỉ giúp đỡ thật nhiệt tình và vô tư giữa phòng này với phòng kia, giữa khoa nội với khoa nhi khi có một người bệnh nào đó đột nhiên ngất hoặc choáng ngã lăn ra trong hành lang bệnh viện, hay khi một câu hỏi được đặt ra mà chẳng biết hỏi ai như chỗ lấy nước ở đâu, quần áo mượn mấy ngày được thay, khu này ở tầng nào, bác sĩ này phẫu thật có tốt không….
Nó cũng có lúc là những nhờ vả người trẻ hiểu biết google tra cứu giúp xem thuốc này tên gì, có tác dụng gì. Hay nhưng nhăc nhở đến giờ uống thuốc rồi kìa cụ ơi, để người già không quên không lỡ mất thời điểm uống thuốc định kỳ hàng ngày.
Nó cũng nhiều khi là những chia sẻ manh chiếu nằm tạm buổi trưa, để đánh một giấc ngắn lấy lại sức sau một buổi sáng dài vật vờ khắp nơi trong hành lang bệnh viện. Thậm chí phải chấp nhận một thực tế là chỉ có đầu và vai tựa vô chiếu còn mông và chân thò ra sàn nhà, chẳng sao cả quan trọng là chia sẻ cho nhau vậy là vui rồi.
Rồi nhiều lúc nó lại là những câu trêu đùa vô tư, những câu chuyện cười nhạt ơi là nhạt mà cả phòng đều cười ầm lên như chuyện cạo quả chôm chôm mình đã từng viết. Vui vì có người cười, người ủng hộ người hào hứng kể hơn là nội dung câu chuyện hấp dẫn hay buồn cười thật sự. Nhờ những tiếng cười như thế mà rất nhiều bệnh nhân đỡ mệt hơn, cảm giác ngày mai lên thớt đỡ căng thẳng hơn và nhiều cười cảm thấy yêu đời hơn dù đang mang trên mình những căn bệnh hiểm nghèo.
Nó thỉnh thoảng xuất hiện ở phòng bệnh, lúc lại lang thang nơi hành lang trên những dãy ghế ngồi chờ, khi lại lấp ló trong căn phòng cho thuê dành cho người nhà đợi kết quả sau phẫu thuật. Bất kể ở đâu và khi nào nó xuất hiện thì ai cũng cảm thấy thật ấm, thật yên tâm và bớt đi bao khó nhọc vì có ai đó sẵn sàng giúp ta một điều gì đó hoặc cũng có khi ngược lại là cảm giác vui vì đã giúp được một ai đấy một việc dù rất nhỏ.
Còn nhiều lắm những biểu hiện như thế của tình nghĩa tình thân giữa con người với con người nơi mái nhà chung bệnh viện mà chỉ trong một hai trang chữ khó có thể nào miêu tả hết. Chỉ hy vọng một phần nào đó những tình cảm ấy được truyền tải được lan rộng và được mọi người biết tới. Để một ngày nào đó, chẳng may bạn vô tình phải nằm viện hoặc chăm sóc người thân yêu trong một địa chỉ y tế hoặc bệnh viện nào đấy sẽ chẳng bỡ ngỡ trước nó, và cũng sẵn sàng sẻ chia nó tới những người xung quanh dù ít dù nhiều trong khả năng của mình bạn nhé.
Sự kết nối giữa những con người tình cờ quen nhau nhờ nó đó có thể bị ngắt quãng khi hết đợt điều trị những sẽ còn tiếp tục lâu hơn khi mà bây giờ ai cũng có điện thoại di động, cũng có tài khoản mạng xã hội để liên lạc và hỏi thăm nhau. Có thể sẽ không được thường xuyên như bạn thân hoặc người trong gia đình, nhưng chắc chắn sẽ còn kết nối thật lâu và thật sâu sau này nữa.