So với các năm trước thì hắn thấy năm nay khoa tiết niệu đông một cách khó tả, đông tới mức hắn cảm thấy ngột ngạt trong cả không khí lẫn con người xung quanh. Có lẽ năm nay sẽ là năm đáng quên nhất trong những năm lang bạc bệnh viện chăm người thân của hắn. Trong bài viết này hắn sẽ có vài so sánh với những năm bình thường và cả những năm covid để người đọc có thể dễ dàng thấy sự khác biệt của năm nay.
Đầu tiên về số lượng bệnh nhân thì hắn thấy ít nhất là tăng gấp đôi so với những năm trước đó. Phòng bệnh nam 10 giường thì lúc nào cũng đủ 20 bệnh nhân kèm khoảng 15 tới 20 người nhà, phòng nữ 5 giường nhưng cũng không kém cạnh với 10 người bệnh và 8 đến 10 người nhà. Nếu có một so sánh trên bậc thang số lượng thì những khi covid tung hoành thì bệnh nhân vắng nhất, những năm bình thường thì ở mức trung bình và năm nay thì là đỉnh của chóp về số lượng bệnh nhân nhập khoa theo sự kiểm đếm của hắn. Mà như bạn biết, khuôn viên bệnh viện nói chung hay diện tích của khoa nói riêng đều luôn cố định, nhưng khi số lượng bệnh nhân tăng lên cấp số nhân sẽ tạo ra một áp lực vô hình lẫn hữu hình lên khoa. Và cái áp lực đó năm nay hắn được cảm nhận một cách vô cùng rõ ràng, hắn sẽ viết chi tiết từng áp lực đó bên trong bài viết hôm nay.
Đó là về phòng thường hay còn gọi là phòng bảo hiểm y tế đồng chi trả, còn những phòng dịch vụ aka phòng yêu cầu thì sao. Xin thưa rằng chưa có năm nào mà hắn thấy người bệnh phải xếp hàng xếp lót xếp gạch để được bỏ tiền ra nằm các phòng đó như năm nay. Nhiều người sẵn sàng bỏ 2 triệu thậm chí 2 triệu rưỡi nếu còn phòng vì việc nằm ghép sau phẫu thuật vô cùng khó chịu và đau nhưng tiếc rằng cũng chả còn mà sắp xếp. Ngay khi có một bệnh nhân phòng dịch vụ rời đi là có tới 2 tới 3 ca sẵn sàng chi xiền để lấp vào chỗ trống. Nhiều người nhà tâm sự cùng hắn trong lúc trà dư tửu hậu ở ngoài sân viện khi y tá đi làm thuốc là đã lường trước mùa này bệnh nhân đông lắm và tính đăng ký từ sớm rồi mà cũng không kịp. Thôi thì đành trâu chậm uống nước đục nằm phòng thường, rồi nếu có trống giường dịch vụ nào thì lại trám vô.
Từ lý do đông quá thể là đông phía trên mà trong quá trình cụ nhà hắn nằm trong này một bệnh nhân nam đã phải qua phòng nữ nằm và trở thành “mỳ chính cánh”, một cảnh tưởng lần đầu tiên hắn được chứng kiến trong suốt 5 năm qua tại nơi này, một cái khoa khá nhạy cảm và riêng tư mà những phần phải can thiệp và lộ ra vô cùng vô cùng 18++. Chiếc giường cụ ông này nằm cũng vừa được giải phóng buổi sáng sau khi hai cụ bà khác được “thoát viện” <– xin phép dùng từ này riêng cho năm nay thay cho từ ra viện. Dẫn tới tình cảnh vô cùng trái ngang lúc làm thuốc rút ống thông tiểu, lẫn khi ban đêm cụ ông này thì nóng ướt đẫm mồ hôi đòi bật quạt tốc độ cao nhất trong khi các cụ bà thì rét run trong chiếc chăn mỏng mạnh của viện cấp. Tất nhiên chiếc bạt để che giường cũng được hoạt động hết công suất trong trường hợp nay, che khi cụ ông cần che và che khi các cụ bà giường bên cạnh cần ẩn đi những phần cần che.
Hành lang ban đêm giờ ken đặc người với người dọc hai bên, đan xen là những chiếc giường gấp với người nhà nằm trên, thậm chí có những chiếc hai vợ chồng đi trông bệnh nhân cùng nằm chung cho tiết kiệm(mà thực ra là hết cả giường để thuê). Có những trường hợp do nhập khoa muộn hoặc do mới thay ca trông cho người khác mà chưa biết chỗ thuê, đành ngậm ngùi trải tạm cái áo ra hàng ghế ngồi ban ngày để ngủ qua đêm. Lực lượng quân đội muỗi đông và hùng hậu trên những lùm cây trong sân vô cùng thích những con mồi tươi ngon nằm phơi ra mời gọi này. Hắn đã chuẩn bị sẵn thuốc xịt da chống muỗi rồi mà nhìn đàn quân này vẫn thấy khiếp sợ nhất là trong giai đoạn bệnh sốt xuất huyết đang lên đỉnh ở Hà Nội. Cũng may mắn là vì có kinh nghiệm lâu năm, thuê giường sớm chọn được cái còn ngon và xí được một vị trí cũng gọi là đắc địa trong phòng nên hắn không phải phơi hàng ra cho đám muỗi kia thịt.
Thời gian chờ để lên phòng can thiệp hay phòng mổ giờ cũng lâu hơn, số lượng người xếp hàng mặc áo phòng phẫu thuật cũng dài hơn và tất nhiên người nhà cũng mệt hơn, hóng nhiều hơn và giật thót mình khi có tiếng gọi của y tá gọi người nhà chuẩn bị đưa bệnh nhân lên phòng mổ. Nhiều bệnh nhân chờ đến đói meo cả bụng do nhịn từ tối qua lại còn thụt rồi nên cũng lao đao, có người phải xin truyền một chai đường cho đỡ đói, còn người nhà thì cũng lép kẹp cả dạ dày. Như ca của cụ nhà hắn, 11h mới được lên phòng can thiệp và 12h hơn gần 13h mới tỉnh thuốc mê và được về khoa. Thành ra hơn 1 giờ trưa hắn mới tất tả đi vô căng tin mua suất cơm gần chót với những lựa chọn món ăn vô cùng nghèo nàn. Nhiều người hỏi sao không mua từ trước rồi ăn đi, thì xin thưa rằng khoảng thời gian người bệnh trong phòng can thiệp nào dám chạy đi đâu, tới đi tè còn phải ráng mà nhịn, lúc nào cũng lăm lăm cầm điện thoại hoặc chờ gọi trên loa xem bao giờ người bệnh xong và tỉnh để còn đón về khoa. Cũng còn may là được làm trước trưa, chứ nhiều ca còn chờ tới 1h30 chiều mới được gọi thì còn mướt mới xong mà chở về khoa.
Rồi thời gian một bệnh nhân được lưu lại khoa cũng ngắn hơn rất nhiều, như cụ nhà hắn thì chỉ vẻn vẹn có 2 ngày rưỡi. Còn những bệnh nhân mổ sỏi kiểu ngược dòng hay nội soi qua da cũng chỉ 3 ngày tới 3 ngày rưỡi, 4 ngày là cùng. Thời gian này tương đương với giai đoạn covid đang ở đỉnh khi mà bệnh viện là nơi nội bất xuất và ngoại bất nhập, người bệnh với người nhà đã vào là ở tới lúc xuất viện chứ không có chuyện thay ca hoặc đi đâu đó lấy đồ. Còn ở những năm trước covid, cụ nhà hắn thường phải nằm từ 5 tới 7 ngày mới được xuất viện. Trước ngày can thiệp kháng sinh được tiêm trước 2 hôm sau đó tiêm tiếp 3 hôm, còn ở hiện giờ cũng chỉ có hai ngày truyền kháng sinh rồi về nhà uống thuốc thêm. Hắn thì không có chuyên môn để mà đánh giá kiểu nào tốt hơn hay tệ hơn, chỉ biết rằng đông quá nên có vẻ quy trình của khoa cũng được giản lược và tối ưu để bệnh nhân nằm ít hôm nhất có thể. Tất nhiên ngoại lệ vẫn có những trường hợp phải đóng chốt lâu dài ở khoa do tình trạng bệnh nguy hiểm, như một bác trong phòng cụ nhà hắn đã nằm ở đây 32 ngày, tới lúc cụ nhà hắn vào khoa mới được về và được hẹn tuần sau quay lại, nếu chưa cải thiện lại nhập tiếp.
Ồn ào đi cùng với những bệnh nhân ý thức không cao là áp lực tiếp theo hắn nhận thấy trong năm nay tại khoa. Nào là những cái bát hương di động không lúc nào ngừng nhả khói dù bảo vệ và y tá đã nhắc đi nhắc lại kèm những biển cấm gắn khắp khoa phòng mà họ thì vẫn cứ “nghiện”. Nào là những bác già già quen thói bạ đâu vứt đó không thèm biết thùng rác ở đâu, làm sàn khoa hắn đi qua lúc nào cũng có những vụn với vỏ, dù các bác lao công ngày nào cũng quét dọn và lau rửa ít nhất là 3 lần. Nào là những tiếng ồn ào trò chuyện quá mức âm lượng và khiến bản thân hắn một kẻ cũng không ít lời cảm thấy mệt mỏi và có đôi phần khó chịu. Mà lực lượng để đi nhắc nhở thì năm nay do lượng bệnh nhân quá đông cũng chẳng thể nào mà hoàn thành tốt được nhiệm vụ dù đã được bổ sung từ đội ngũ thực tập, mà bạn biết rồi đấy bác sĩ với bảo vệ nhắc còn chẳng ăn ai thì mấy bạn sinh viên có nói cả ngày thì vẫn y nguyên chả thay đổi được gì. Hắn thấy một bệnh nhân còn đang điều trị mà đã phẫu thuật một chai lavie và chế biến thành một cái điếu cày handmade để thỏa cơn khát thuốc lào. Hắn thấy một vài anh em trước khi lên phòng mổ dù bụng có đói vì nhịn từ hôm qua cũng không quên mời nhau đôi ba điếu cho bổ phổi. Và hắn thấy những cái lắc đầu chán nản của người nhà của vợ của thân sinh những bệnh nhân ấy. Và tất nhiên những tiếng quát của y tá do những áp lực hữu hình của những làn khói sặc mùi trong khoa cũng là kết quả tất nhiên.
Ngoài những điều buồn phía trên vẫn có những câu chuyện đáng nhớ năm nay, nhưng vì năm ngoái đã viết hẳn một bài dài thật dài về tiết niệu tản văn rồi nên 2023 này hắn chỉ xin phép kể lại một vài những mẩu chuyện nho nhỏ trong một góc cũng be bé của bài viết này mà thôi. Cụ thể là:
- Năm nay hắn tưởng nhầm hai bạn người nhà một học năm 2 đại học tài chính và một đã đi làm là học sinh cấp 2 của một gia đình xứ Nghệ ra bệnh viện can thiệp mổ sỏi 🤣. Tới khi biết tuổi thật thì hắn tí ngã ngửa lẫn quá đỗi ngạc nhiên. Lý do khách quan thì do hai bạn đó nhìn khá nhỏ nhắn lại có trang phục và vỏ điện thoại chuẩn Gen Alpha, còn lý do chủ quan chắc là vì hắn vẫn gim trong đầu một cái thành kiến là giờ bọn trẻ con phải cao lắm, to lắm chứ không thể bé hạt tiêu như thế kia được.
- Rồi chuyện những pha so tài kích thước sỏi với nhau trong phòng bệnh mà cụ nhà hắn cũng chỉ đứng ở tầm trung trung, người lớn nhất phòng có chỉ số là 18mm. Có nhiều ca thì sỏi nhỏ cỡ 8 9mm nhưng lại chạy lên chạy xuống làm một số bệnh viện tuyến dưới dù đủ trang thiết bị để tán những cũng không thể xử lý một cách hoàn hảo và hết đau được nên lại phải mò lên trên này để can thiệp. Rồi thì cũng có những ca để nặng quá khiến thận bị giãn bị ứ nước và suy kiệt không còn chức năng vốn có nữa và phải lên trên viện này để cắt đi. Nói chung là muôn vàn những ca những trường hợp bệnh lý liên quan tới thận và hệ bài tiết mà mỗi lẫn nghe kể sau từng năm hắn lại tự nhủ phải uống nhiều nước phải đi lại nhiều và hạn chế ngồi lâu một chỗ, cấm tiệt việc uống quá nhiều loại nước ngọt cùng đồ ăn quá mặn.
- Vật giá hàng hóa năm nay thật sự là khá căng so với năm ngoái. Thứ gì cũng có phần đắt hơn, ít hơn và tốn xiền hơn. Điều này thì khó mà tránh khỏi sau đợt tăng lương cơ sở tháng 7 vừa qua. Hắn đã ngạc nhiên khi biết chiếc bánh bao 3 4 năm trước chỉ có 12k rồi lên 15k năm ngoái và năm nay đã chạm mốc 17k. Có lẽ nếu tình hình lạm phát không được kiểm soát tốt, năm sau chắc hắn phải bỏ 19k cho một chiếc bánh bao trong viện mất. Buồn nhẹ và chỉ biết than thở ước gì vật giá trong này rẻ hơn một tí cho người bệnh và người nhà đỡ vất vả.
- Chuyện một bác sinh tới 6 cô con gái mà cả phòng vẫn hay đùa rằng sao nhà ấy không cố thêm phát nữa biết đâu lại được thằng con giai thì sao 😁 Bác ấy chỉ cười cười rồi khoe “tôi đi nhập viện thế này mỗi cháu biếu tôi 6 củ đấy các bác ạ”, hắn nghe mà ngưỡng mộ phết. Rồi thì bác còn kể chuyện về các cô con gái, cô thì có cửa hàng spa riêng, cô thì vẫn đang học đại học, trong đó có cô tư khá đặc biệt lấy hẳn chồng Hàn Quốc nhé, mấy ngày tới bác xuất viện thì chồng cô sẽ lái xe ô tô qua đón.
…Vâng vâng và mây mây những câu chuyện như vậy mà hắn xin phép được dừng lại để bài viết ngày hôm nay ngắn vừa đủ không quá dài làm ai đó ngoài kia vô tình đọc được sẽ đỡ ngán ngẩm có mỗi chuyện xử lý chỗ đi tè mà viết gì lắm thế ông ơi.
Xin chào và hẹn gặp lại bài viết về khoa này trong năm sau của hắn!