Hồi ký

Thuê người chăm bệnh nhân

Bài viết không nhằm bóc phốt hay lật tẩy một ngành nghề chẳng chính thức nhưng phổ biến cực kỳ trong hầu hết các bệnh viện hiện nay. Mình chỉ muốn cung cấp một chút kiến thức và những nhận xét mang tính cá nhân thông qua quan sát những người làm nghề này và những khách hàng của họ. Mong những điều này sẽ giúp một ai đó hoặc gia đình nào đó có người nhà nằm viện chọn lựa được một người trông ưng ý và tốt. Vẫn biết rằng có thể tự bản thân chăm người thân là tốt nhất, nhưng chẳng phải gia đình nào cũng có đông người hay có thời gian sắp xếp để bỏ công bỏ việc chăm lo vài ngày đến cả tuần nơi bệnh viện. Nên họ đành chọn giải pháp là thuê người chăm sóc hộ và đi kèm với nó là muôn ngàn những nỗi lo thường trực.

Đầu tiên vẫn là tiền đâu hay mức giá của một người trông trong một ngày. Theo mình nhìn thấy mấy tháng qua thì mức giá dao động từ 300k đến 500k cá biệt có một vài trường hợp người nhà trả tới 1 triệu một ngày cho người chăm sóc. Giá thấp thì có ưu điểm là giảm bớt gánh nặng về mặt kinh tế cho các gia đình nhưng sẽ có một bất lợi là nếu người nhà không theo dõi thường xuyên rất dễ xảy ra tình trạng 1 người chăm sóc 2 đến 3 bệnh nhân trong phòng cùng lúc và tất nhiên người bệnh sẽ là người chịu thiệt. Mức giá cao thường áp dụng với những bệnh nhân gia đình khá giá nằm phòng Vip chỉ từ 1 đến 2 giường, nhược điểm là đắt nhưng ưu điểm là người chăm sóc toàn tâm phục vụ người nhà mình và không kiêm nhiệm lo cùng lúc cho vài cụ khác. Mức giá mình nêu ra trên đây chỉ đúng với ngày thường thôi các bạn nhé, còn những ngày lễ tết thì tùy vào quan hệ và khả năng đàm phán của các gia đình mức giá sẽ khác, thậm chí là khác rất nhiều so với giá trên. Ví dụ có cô tâm sự với mình năm ngoái 3 ngày tết cô được trả 2 triệu 1 ngày… Vậy nên biết mức giá trung bình và những điều kiện đi kèm sẽ giúp bạn lựa được người với khoản chi phí hợp lý và phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình.

Tiếp sau quan tâm về chi phí phải trả cho người chăm sóc, các gia đình thường quan tâm tới thái độ của người đó với người bệnh. Có chu đáo chăm sóc tận tình không? Có tỏ thái độ công nghiệp không? Có hỗn láo thậm chí mắng người bệnh không? Có lau rửa và cho ăn uống đúng đủ hay không?…… rất nhiều những nỗi lo khi không thể tận tay làm những việc đó lẫn thời gian để theo sát kiểm tra người chăm sóc được. Mình thì quan sát trong những ngày ở viện thì hầu hết những người làm thuê ở đây khá chuyên nghiệp nên họ thực hiện các quy trình lau rửa và cho ăn khá nhanh và trơn tru, không bị nhưng cái như lau không sạch gây nhiễm trùng cho những bệnh nhân bị liệt hay bán thân bất toại nên các gia đình có thể tạm yên tâm khoản này. Nhưng thái độ giao tiếp với bệnh nhân thì lại tùy vào người chăm sóc, có cô thì khá ngoan vâng dạ và đối với người bệnh rất tốt, nhưng có chị thì rất VÔ TÂM làm xong thủ tục là kệ người bệnh, gọi vài ba câu mới đáp một câu. Thế nên kinh nghiệm là người nhà nên thường xuyên bất chợt tới kiểm tra vào những khung giờ không cố định để theo dõi, thậm chí là cho người chưa từng tới thăm bệnh nhân tới để quan sát thái độ của những người chăm sóc, kịp thời nhắc nhở hoặc thay luôn. Vì bạn nên nhớ người chăm sóc CỰC NHIỀU và đứng ĐẦY ở ngoài hành lang viện, bạn không phải lo là không biết thuê ai hay là không có ai làm việc này. Mình xin nhắc lại một lần nữa là CỰC NHIỀU người làm nghề này đứng khắp nơi trong bệnh viện lẫn ngoài cửa viện và họ sẽ chủ động mời bạn thuê họ nên đừng lo lắng thiếu mà chấp nhận một người chăm sóc không tốt, làm ăn láo nháo với người bệnh nhà mình. ĐUỔI ngay và luôn nếu bạn phát hiện những hành vi không tốt của họ nhé – Thần chú đấy.

Thứ ba, người chăm sóc nên có số điện thoại của bạn và ít nhất thêm một thành viên nữa trong gia đình có điều kiện về kinh tế, đừng cho số những người không có đủ điều kiện này vì một lẽ rất đơn giản. Trong quá trình điều trị đặc biệt là những ca bệnh nặng trong phòng cấp cứu, sẽ có những lúc bệnh nhân cần gấp một loại thuốc hoặc một loại thủ thuật không nằm trong danh mục được bảo hiểm, và nhiệm vụ của người nhà là đóng thêm khoản chênh lệch đó thì thủ thuật mới được thực hiện (ví dụ lọc máu 20 triệu 1 lần) hay mua thêm một số loại thuốc bên ngoài. Vậy nên người chăm sóc cần số điện thoại chuẩn để gọi gấp trong những trường hợp bác sĩ yêu cầu đóng thêm những khoản đó trong thời gian nhanh nhất có thể.

Thứ tư đừng nhìn mặt mà bắt hình dong. đừng thấy người già hiền lành dễ bảo thì mặc nhiên cho đó là người chăm sóc tốt và phù hợp. Mình đã từng trò chuyện với một bạn trẻ làm nghề này đang học đại học năm 2, rất trẻ là nữ vì gia đình khó khăn nên mới làm công việc này. Bạn ấy chẳng có tí dáng vẻ gì là người chăm sóc chuyên nghiệp và chu đáo cả, đặc biệt với cái áo học sinh cấp 3 tồi tàn thì thực sự có lẽ sẽ rất ít người thuê bạn ấy vì cho rằng thiếu kinh nghiệm và trẻ thế ham vui chắc gì đã chăm lo cho người bệnh được tốt. NHƯNG thực tế lại hoàn toàn khác các bạn ạ, theo quan sát của mình thì bạn ấy làm công việc chăm sóc còn TỐT, CÓ TÂM và CHU ĐÁO hơn rất nhiều những cô bác có dáng hình đầy kinh nghiệm khác ở khoa. Thế đó thực tế khác lắm những gì chúng ta suy nghĩ.

Thứ năm với những nhà có bệnh nhân chuyển viện, thường có su hướng cho thôi người chăm sóc, kể cả người chăm sóc có tốt như thế nào vì tâm lý cho rằng người chăm sóc thì gắn liền với một viện. Nhưng thực tế là người chăm sóc không cố định một viện nào cả, họ sẵn sàng chuyển viện thậm chí chuyển cả thành phố theo người bệnh nếu được yêu cầu. Khi còn ở viện Xanh Pôn mình đã thấy một cô từ viện E nhảy sang, một cô khác thì hôm trước còn ở đây hôm sau đã phi về Hải Phòng để vô chăm sóc người nhà một khách hàng nào đó dưới đó. Thế nên việc cho thôi một người chăm sóc tốt, đã quen với người bệnh nhà mình là rất phí, đặc biệt có những bệnh nhân đã gắn bó với người chăm sóc cả tháng trời và có chút tình cảm. Việc sang một viện mới, lựa một người mới, rồi lại phải theo dõi để đảm bảo người mới này hoàn thành công việc chăm sóc là rất tốn thời gian và công sức. Do đó lời khuyên của mình là nếu gia đình bạn đang có người chăm sóc tốt, đã quen việc mà người bệnh phải chuyển viện thì hãy đề nghị thẳng với người chăm sóc đi theo bệnh nhân để tiếp tục làm, tặng họ một chút gì đó gọi là quà biết ơn, thì mình tin họ sẽ sẵn lòng theo sang viện đó bất kể có là chuyển tuyến lên thành phố khác đi chăng nữa.

Vậy thôi, 5 điều trong bài viết thứ 59 của mình về chuyên đề Hồi ký bệnh viện. Hy vọng sẽ giúp được ai đó trong quá trình nằm việc hoặc chăm sóc người nhà đang nằm viện.

Leave a Comment