Hồi ký

Thời gian ở viện với thời gian ở nhà

Ở viện thời gian trôi qua thật chậm, ở nhà thì nhanh như gió

Cái này phần nhiều thuộc về cảm giác hơn là thực tế. Nhưng không hiểu sao cái cảm giác ấy lại chân thực tới lạ lùng. Ở nhà lướt web, xem phim hoặc đọc sách một tí là hết một tiếng, nhưng ở viện thì hắn đọc tin tức, lượn tới lượn lui trong sân giữa viện, chuyện trò chém gió với người này người kia đang đi chăm người bệnh, rồi lại chạy lên khoa ngó nghiêng người nhà rồi lại chạy xuống ngó đồng hồ thì chưa tới 15 phút. Nếu không nói quá thì ở viện thời gian phải dài gấp 4 lần khi ở nhà. Đấy là còn chưa kể tới lúc mà người bệnh phải vào phòng can thiệp hoặc phẫu thuật đấy, lúc đấy có nói x10 lần thời gian ở nhà cũng không quá đáng. Mà cái thời gian ấy càng ngày càng chậm chứ không phải chỉ giữ nguyên một tốc độ, ngày đầu tiên thấy nó chậm, ngày thứ hai thấy nó chậm hơn và sau vài ngày thì cái độ ì ạch ấy tăng lên đáng kể và bạn cảm tưởng như có thể kéo dãn thời gian ra mãi mãi như kẹo dẻo vậy. Hắn cũng đã thử một vài phương pháp để tăng tốc thời gian như thiền, đi bộ, ngắm cây cỏ, chụp ảnh, viết lách hoặc nghe ngóng hóng chuyện nhưng thú thực là chả cái nào có tác dụng thực sự cả, thời gian ở viện vẫn chậm và lê lết như vậy.

Ở viện thời gian như rút cạn năng lượng, ở nhà thì thoải mái và khoẻ khoắn hơn

Ai đã từng sống và chăm người nhà thời gian dài trong viện đều trải nghiệm qua thứ này. Nhiều bác nông dân, anh công nhân nói với hắn là làm việc xuyên ca ở nhà máy hay cấy cả mẫu ngoài cánh đồng không mệt với oải bằng một ngày trông người nhà trong này. Cảm tưởng như có một lỗ đen hút cạn sinh lực của những người xunh quanh đây vậy. Mắt thâm quầng, miệng ngáp ngáp và gần như sau vài ngày là đạt tới trạng thái lờ đờ như nghiện là tình trạng chung của những người đi chăm bệnh nhân ở viện lâu ngày. Tất nhiên không phải ai cũng vậy, thường thì thanh niên sức khoẻ tốt thì trụ lâu hơn, còn người già thì nhanh tụt sức bền hơn. Nhưng nói chung nếu tính về thời gian càng dài thì ai cũng mệt cũng uể oải như nhau cả dù trẻ trai hay lão phụ. Với riêng hắn thì có lần cách đây mấy năm khi đi chăm người nhà, ngay 7h tối vừa ngả vào tường hành lang trong khoa là đã không biết gì nữa rồi. Tới lúc có người tới thăm lay mạnh hắn mới tỉnh còn điện thoại reo thì chả tác dụng gì. Nghĩ lại mới thấy cái lỗ đen ở viện ấy đáng sợ tới mức nào.

Ở viện thời gian luôn đi kèm áp lực, ở nhà thì không lo không nghĩ

Nếu ai bệnh nhẹ thì cái này sẽ không rõ ràng cho lắm. Nhưng với những nhà có người bệnh nặng thì đây đúng là một cơn ác mộng. Áp lực về sự mong manh của mạng sống, áp lực về tiền bạc và trên tất cả là áp lực về mặt tâm lý khi mỗi ngày quan sát những trường hợp xung quanh, có người tự đi về, có người xe lăn về và cũng có người được cán đi bê đi kín mít từ đầu tới chân. Trải nghiệm này rõ ràng nhất với hắn ở hai nơi, phòng hậu phẫu sau một cuộc mổ xẻ lớn và khoa chống độc hồi sức tích cực với hàng loạt máy thở, máy xông và ECMO chạy ro ro xung quanh. Tới bây giờ hắn vẫn nhớ về những ngày ấy, trời Hà Nội lạnh thấu xương, hắn nằm co ro như cún bên hành lang của khoa hồi sức, sáng trưng vì ở đây đèn không bao giờ tắt. 3h sáng một tiếng gọi và tít tít lớn vang lên, tiếng bước chân dồn dập về phía phòng đối diện chỗ hắn nằm. Hắn mơ màng nhỏm dậy, đi thử ra đó xem và thấy xung quanh giường một bệnh nhân là toàn bộ y bác sĩ trực đêm nay. Người bóp bóng, người nhấn tim và người thì tiêm truyền đủ thứ. 10 phút rồi 15 phút 20 phút trôi qua không có gì tích cực xảy ra. Vẫn là đường thẳng dài trên máy theo dõi sự sống. Đội ngũ y bác sĩ mồ hôi đầm đìa trong đêm đông giá rét, lắc đầu nhìn đồng đồ ghi chép vào tờ theo dõi cạnh giường, kéo chăn chùm kín mặt người bệnh rồi đi ra. Sáng hôm sau hắn thấy người nhà đổ tới, nói chuyện đôi ba câu với bác sĩ điều trị để hoàn thành thủ tục xuất viện và bắt đầu mặc lại quần áo che kín đầu và chân cho người bệnh rồi đưa ra xe cấp cứu trở đi nhà xác. Đó chỉ một trong những kỉ niệm mà hắn tận mắt chứng kiến, tạo nên vô vàn những áp lực vô hình nơi bệnh viện. Mà nếu ai chưa từng trải qua những khoảng thời gian như thế có lẽ sẽ không bao giờ hiểu được.

Ở viện thời gian để ngẫm nghĩ, quan sát chất lượng hơn ở nhà với vô số đề tài để viết

Có lẽ không ở đâu cho hắn nhiều đề tài để viết và để tâm sự như thời gian ở viện. Mỗi một giường bệnh là một hoàn cảnh, một mảnh đời và một câu chuyện. Có vui có buồn, có hạnh phúc có chia ly, có bi thương và cũng có hy vọng. Mỗi lần “được” hoặc “bị” chứng kiến những câu chuyện đó, hắn đều ghi chép nhanh ngắn gọn vài ý rồi khi người nhà được xuất viện, về tới nhà ngồi bên chiếc laptop thân quen hắn mới thong thả viết thành những bài chia sẻ trên VSPT blog này. Bạn có thể thấy ngay là tag Bệnh Viện ở trên trang blog này của hắn, số lượng bài viết chiếm ưu thế nếu không muốn nói là cực kỳ nhiều, nhiều đến nỗi mà tới giờ hắn cũng ngạc nhiên về những thứ mình nghe được, nhìn được và kể lại từ môi trường bệnh viện. Hắn coi đó là khoảng thời gian chất lượng để chiêm nghiệm và ngẫm nghĩ về nhân sinh, về cuộc đời và một vài thứ hắn bỏ lỡ khi ở ngoài. Nghe thì hơi hàn lâm và bác học vậy thôi, chứ thực ra đó là những câu chuyện phiếm với những người nhà khác, với những bệnh nhân giường đối diện và đôi khi là những điều dưỡng hay những bạn trẻ sinh viên thực tập tới từ các trường y. Qua đó hắn thu được những ý tưởng, những đề tài rất hay và phong phú để mà viết và để mà chém gió lại trên này.

Ở viện thời gian xuất hiện ở mọi nơi

Từ đồng hồ trong phòng lẫn hành lang, trong giấy xét nghiệm chờ kết quả, đeo trên tay của những người ngồi chờ xung quanh phòng khám, trên những chiếc điện thoại thông minh đang lướt lên lướt xuống khắp mọi ghế ngồi với giường bệnh và tất nhiên cũng có trên những màn hình đánh số thứ tự người vào khám. Như đã nói ở phần đầu tiên, xuất hiện nhiều và luôn chạy với tốc độ chậm thật chậm như thế nên thời gian luôn là thứ ám ảnh với tất cả những ai đến viện dù là chỉ thăm khám hay là phải nhập khoa. Và so với ở nhà thì thời gian ở đây khó chịu, đáng sợ và muốn quên nhưng nhớ dai hơn rất nhiều. Bạn có thể quên tuần trước mình làm gì nhưng sẽ nhớ rõ như in số tiền, tên khoa, tên bác sĩ ở lần đóng viện phí cách đây cả năm. Thật trớ trêu và cũng thật tức cười, phải hông nhì 😊

Leave a Comment