Hồi ký

Sen Đỏ nét đẹp nhẹ nhàng nơi Hà Thành yêu dấu

Như đã hứa trước đây, mình sẽ lần lượt viết cảm nhận về từng người từng đối tượng làm việc ở viện trong suốt quãng thời gian tương đối dài được chăm người nhà ở Bệnh viện Tim Hà Nội. Trong những bài hồi ký được mọi người đọc trước đó mình đã viết đôi dòng suy nghĩ về Hoa sen trắng (hướng dẫn viên giúp đỡ chỉ dẫn cho người đến khám chữa) và Bóng xanh thầm lặng (đội ngũ lao công và quét dọn). Nhưng hôm nay mình sẽ dành một bài khá dài để mô tả, để sẻ chia và để kể lại cho các bạn nghe về một loài hoa khác ở viện cũng đẹp cũng tốt và cũng sắc hương không hề kém những bông hoa kia.

Đấy là những bông hoa sen Đỏ những cô/chị/em y tá mỗi ngày đang chăm sóc trực tiếp những người bệnh tại đây bạn ạ.

Sen đỏ
Sen đỏ

Uki để bắt đầu thì mình xin đính chính một chút nếu có người nhà bệnh nhân nào từng ở viện mà thấy bộ đồng phục trên ảnh không giống như mấy tuần trước thì để mình giải thích nhé đây chính là trang phục mới của viện Tim Hà Nội dành cho đội ngũ y tá ở đây. Chính nhờ màu sắc này mà mình mới nghĩ ra tiêu đề để viết bài hồi ký hôm nay, còn nếu cứ như màu áo cũ thì rất khó để viết và so sánh với một bông hoa dù có đôi ba loài hoa cũng khá giống màu cũ. Nhưng dù sao mình vẫn thích lấy hình tượng sen để mô tả hơn cả vì nó là loại hoa của sự thuần khiết, thanh cao và “trong bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Ảnh này mình xin từ một chị đang làm việc tại đây.

Quá trình chăm sóc người nhà ở viện của mình thì bắt đầu từ khoa tim mạch can thiệp, sang khoa hồi sức và cuối cùng là ở khoa phẫu thuật mạch máu. Thời gian ở khoa cuối là nhiều nhất và lúc đó má mình cũng đã phẫu thuật xong xuôi ngon nghẻ nên mình mới có thời gian quan sát những chị y tá ở đây hơn các khoa khác. Vậy nên những cảm nhận và theo dõi của mình cũng chủ yếu xuất phát từ đây nhé.

Thực sự quan sát một ngày làm việc của những bông hoa sen đỏ mới thấy công việc này không hề đơn giản hay nhẹ nhàng như vài người vẫn suy nghĩ trước đây. Có thể ở đâu đó vẫn còn tồn tại hình ảnh một bà y tá béo ú, tay cầm kim tiêm trịnh thượng và mặt lạnh ngắt như đồng cùng những tờ phong bì dày cộp trong túi mỗi lúc đi thăm khám phòng và cực kỳ nhàn hạ lẫn lười biếng khi lấy kim tiêm, khi phát thuốc, và nhiều khi gắt gỏng lên theo từng cơn ho của bệnh nhân…. Nhưng ở viện tim Hà Nội thì khác bạn ạ, bạn sẽ không thấy hình ảnh đó đâu, thay vào đó mỗi ngày bạn sẽ thấy một chị y tá dễ thương đẩy chiếc xe cút cít đầy thuốc và các dụng cụ y tế, xập xình trên sàn nhà bóng loáng tới mỗi giường bệnh để chăm sóc cho bệnh nhân một cách vô cùng chu đáo.

Mỗi ngày bạn sẽ có dịp gặp các chị ấy vài ba lần, buổi sáng sớm khi xét nghiệm máu đầu giờ, lúc 7h khi tiến hành giao ca và dẫn bác sĩ đi thăm khám, 8h lúc phát thuốc lần đầu tiên và thay băng hoặc rút ống dẫn lưu cho bệnh nhân, buổi chiều phát thuốc, và buổi tối với những chai lọ truyền cuối cùng trong ngày. Dĩ nhiên có một vài thời điểm bạn sẽ gặp các chị ấy ngoài những khung giờ đó như khi bệnh nhân có xuất hiện một trình trạng bất thường nào đó này bạn phải chạy ra chỗ các chị ấy gấp, hay khi đơn giản bạn muốn xin thêm một thứ thuốc cho người bệnh mà bác sĩ sau khi khám buổi sáng đã căn dặn lấy thêm vào buổi tối cho người bệnh uống bổ sung. Mình là thằng chuyên đi xin và dẫn đầu phong trào đi xin vì mẹ mình tối thường khó ngủ nên phải xin thuốc ngủ, rồi ruột của cụ không được tốt nên hay bị đi ngoài, vậy là lại lóc cóc qua bên phòng trực để xin các gói rối loạn tiêu hóa và men vi sinh. Ấy mà mình xin có khi vài lần trong tối mà các chị ấy vẫn vui vẻ, bảo cứ về phòng có gì tí chị mang qua cho cực kỳ dễ thương giống trải nghiệm một dịch vụ khách hàng vip vậy.

Lúc phát thuốc mỗi ngày, các chị ấy cũng căn dặn người bệnh và người nhà rất cẩn thận. Loại này uống ngay, loại kia uống sau ăn, loại bột phải pha loãng ra, viên sủi thì phải để tan hết, đây là thuốc huyết áp, kia là thuốc tiểu đường…. cực kỳ chu đáo và chi tiết. Với những người bệnh nhiều thuốc các chị ấy còn chia ra hộp và túi có ghi giờ uống cụ thể tránh nhầm lẫn giúp người nhà đỡ công dò dò từng loại đi rất nhiều.

Còn khi thay băng tháo chỉ thì mình không được ở trong phòng chỉ được ngó nghiêng ở bên ngoài thôi. Nhưng qua lời kể lại thì các chị ấy làm rất nhẹ nhàng, không hề đau và rất chuyên nghiệp từ hộp kẹp, panh y tế, bông gạc băng đều vô trùng tuyệt đối và hấp rồi bọc trong một cái khăn xanh trước khi sử dụng cho mỗi người bệnh. Vết thương được chăm sóc cẩn thẩn nên hầu như các bệnh nhân ở đây hồi phục rất nhanh, có người chỉ 4 5 ngày là được ra viện về nhà.

Tuy nhiên đôi khi có một hai thủ thuật thường một số bệnh nhân sẽ rất đau khi tiến hành, ấy là lúc lấy ven truyền thuốc, rút ống dẫn lưu và tiêm lấy xét nghiệm mỗi ngày hoặc tiêm các loại thuốc khác nhau. Nhưng các chị ở đây làm mình thấy rất nhẹ nhàng, thường với người bị tiểu đường tình trạng vỡ ven khi chọc vào rất dễ xảy ra do thành mạch máu khá yếu và mỏng. Mình quan sát trong phòng bệnh của mình trong thời gian ở đây chưa có tình trạng bị như thế, rõ ràng là trình độ và kỹ năng của những bông hoa sen đỏ cực kỳ giỏi đúng không các bạn. Còn việc rút ống dẫn lưu thì mẹ mình không phải làm ở khu này mà mình nhìn sang mấy bác giường bên cạnh thấy các chị ấy làm cũng rất dễ dàng và gọn gàng, bệnh nhân có đau cũng chỉ một chút chút như con lươn bò bò vậy thôi.

Thêm nữa các chị ấy còn có nhiệm vụ theo dõi các chỉ số huyết áp, lượng nước tiểu và nhiệt độ mỗi ngày để ghi vào bảng theo dõi ở mỗi giường bệnh, tiện cho lúc bác sĩ thăm khám có thêm các thông tin để điều chỉnh phương pháp điều trị cũng như thay đổi đơn thuốc kịp thời nhằm giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn sau phẫu thuật.

Mỗi ngày một quan sát, trò chuyện thêm và đôi khi vài ba câu nói đùa với các chị. Mình cảm nhận mỗi bông hoa sen đỏ ở đây đều rất tình cảm, có lòng với bệnh nhân và một trái tim y sĩ nóng rực mỗi khi làm việc. Các chị luôn đặt tâm tư trong từng hành động từ nhỏ tới lớn, từ phát thuốc, tiêm truyền tới việc đưa bệnh nhân theo chỉ định của bác sĩ tới những khu làm chuẩn đoán thêm như xquang. Có những khi ca trực của các chị diễn ra êm đềm không có gì bất thường nhưng cũng có lúc ngay trong đêm một bệnh nhân có những diễn biến xấu ở vết mổ khiến toàn bộ ekíp phải cứu chữa và theo dõi trắng cả đêm. Có thể nói một phần mạng sống của người bệnh nơi đây có được duy trì hay không phụ thuộc khá nhiều vào các chị, phụ thuộc vào mỗi bông hoa sen đỏ rực cháy mỗi khi làm việc và tiếp xúc với người bệnh.

Công việc tại khoa cứ mỗi ngày một qua đi và thường xuyên lặp đi lặp lại, nếu với một người như mình chắc sẽ rất nhanh chán và bỏ cuộc nhưng với các chị ấy thì không hề vậy, họ vẫn đam mê với nghề với bệnh nhân mỗi ngày. Dù rằng có những khi một số ít bệnh nhân đối xử với họ với thái độ không hề tốt một chút nào kèm những câu nói vô cùng khiếm nhã và thô tục, thực sự là khá buồn khi viết vậy. Mỗi bông hoa sen đỏ cũng có những áp lực thường trực như mỗi chúng ta mà thôi, họ cũng có gia đình có cuộc sống mỗi ngày cần phải lo cơm áo gạo tiền và có những chị còn đang mang thai bụng to vượt mặt những vẫn mỗi ngày tới lui chăm sóc người bệnh. Nên đôi khi sẽ có lúc các chị ấy mắc một hai lỗi nho nhỏ không thể tránh khỏi trong quá trình tác nghiệp, thì nếu được hãy mở lòng và bỏ qua cho những bông hoa sen này bạn nhé. Đừng dùng những lời lẽ hoặc hành động đánh đập như một clip trên mạng gần đây, quá ư là mất tình người khi đối xử với đội ngũ y tá này. Vì tha thứ cũng là một niệm đẹp góp phần làm người nhà mình nhanh khỏi bệnh theo quan điểm của phật giáo đấy bạn ạ.

Và để cho một cái kết nhẹ nhàng mình xin nhắc một chút hôm nay là mùng 2 tháng 9, có thể giờ này rất nhiều người trong chúng ta đang đi du lịch, thăm thú một địa danh nào đó hoặc đơn giản quây quần bên mâm cơm đoàn viên ấm cúng nhân ngày nghỉ lễ với những người thân yêu nhưng đối với mỗi bông sen đỏ này họ vẫn đang phải trực vẫn đang mỗi giờ mỗi phút mỗi giây chăm sóc cho bệnh nhân đang nằm nội trú trong viện.

Dẫu biết rằng đó là nhiệm vụ và cũng không ít ngành nghề cũng đang phải trực ngày hôm nay nhưng dù gì mỗi giờ trực ở đây có ý nghĩa cứu chữa và liên quan đến mạng sống của con người hơn cả.

Cuối cùng xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất từ trái tim tới các hoa sen đỏ.

Leave a Comment