Có lẽ không chỉ riêng hắn mà bất kỳ ai đó ngoài kia đang sống ở năm 2021 có thể chẳng bao giờ nghĩ tới viễn cảnh một ngày cầm phiếu đi chợ như cái thời các cụ nhà mình. Nếu có chắc là chỉ trong những câu chuyện cổ tích thời hiện đại hoặc những bộ phim xuyên không của phim truyền hình Trung Quốc. Nhưng như một trong những điều lạ kỳ của Cô vy đã mang tới làm đảo lộn cuộc sống, tem phiếu đã quay trở lại.
Trải nghiệm dưới đây có lẽ không hoàn toàn đúng cho mọi chợ, mọi loại phiếu được phát ra nhưng là những gì chân thực nhất mà hắn nghĩ rằng bản thân đã được trải qua khi sử dụng phiếu đi chợ để kể lại cùng mọi người.
Đầu tiên phải nói những ký ức về tem phiếu trong hắn chủ yếu là qua những câu chuyện. Đó có lẽ là những lời kể của các bà các cô các chị trong nhà đã từng trải qua thời kỳ này. Vui có, buồn có, chán có và éo muốn nhắc tới dĩ nhiên là cũng có. Rồi đó là những thứ được diễn lại qua những bộ phim truyền hình dài tập của VTV trước năm 2010, còn sau này thì hắn thấy ít phim về đề tài tem phiếu hơn. Rồi đó còn là những gameshow nhắc về quá khứ, điển hình là ký ức vui vẻ đã tới 3 mùa trên VTV3. Và thứ chốt lại trong đầu hắn về tem phiếu trước khi được trải nghiệm thực đó là buồn cười và khó hiểu. Buồn cười trong cách phân loại tổ chức hàng hóa ở thời đó và khó hiểu trong cách phân phát lẫn triển khai bán những hàng hóa đó. Có lẽ nếu không có Cô vy hai cảm nhận đó sẽ còn nằm lại mãi trong hắn về tem phiếu.
Và rồi thời cũng tới, tem phiếu cũng được bác tổ trưởng phát tới tận tay mỗi hộ gia đình. Mỗi nhà được 3 phiếu đi chợ tương đương với ngày mùng 1, mùng 4 và mùng 8. Nhòm qua một chút thì cơ bản là không khác những mẫu phiếu đã được dùng ở các phường khác tại Hà Nội mà đang được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, có chăng là những điều chỉnh nhỏ trong tên phường, giờ đi chợ, phạm vi đi lại, tên chợ và những thông tin bổ sung về phòng chống dịch bệnh Cô vy.
Nào phiếu đã vào tay thì giờ là lúc để đem ra xài. Việc đầu tiên là điền đầy đủ thông tin người đi chợ, địa chỉ và số điện thoại vào phiếu đầu tiên. Xé ra bỏ vào ví và lên đường.
Cái chợ nhỏ trong ngõ nhà hắn bình thường thì khá là lộn xộn. Vì bản chất nó là một con chợ tạm cạnh cống thối nhất nhì phố thị, sau này cống được lấp đi trở thành ngõ 360 Xã Đàn và gần đây nhất được đặt cho cái tên rất kêu là đường Trung Phụng, thì cái chợ nhỏ ấy cũng được lên đời thành chợ Thổ Quan. Nhưng chưa dừng ở đó, khoảng hơn 2 năm hoặc 3 năm trước gì đó hắn không nhớ rõ lắm, cái chợ nhỏ ấy được lên dự án xây thành một trung tâm thương mại. Rồi thì như bao dự án khác ngoài kia, cũng phản đối, cũng chậm trễ và cũng nằm chờ vô thời hạn với cơ số lý do từ khách quan tới chủ quan. Khiến cho một phần tiểu thương chuyển sang chợ mới nằm ngay cạnh, một số khác thì quyết bám rễ với chợ cũ, hiện đang là đất chờ xây trung tâm thương mại gì đó (mà hắn cũng chả rõ là cái dự án ấy có còn triển khai nữa không). Khiến cho bình thường người đi chợ phải lượn qua cả chợ mới lẫn chợ cũ thì mới mua đủ được đồ ăn hàng ngày. Khá là rườm rà và rắc rối. Rồi thì Cô vy đến và cái chợ ngõ nhỏ nhà hẵn BỖNG trật tự, nghiêm chỉnh và quy củ đến lạ. Và khi phiếu đi chợ được phát cho người dân thì cái sự “bỗng” câu trước được làm gắt lên x2 x3 lần.
Cảm nhận đầu tiên của hắn khi đi chợ có phiếu là làm gắt, phiếu được thu ngay ngoài cổng chợ để tránh tình trạng xào đi xào lại. Mà trước kia cả chợ mới và chợ cũ có tất cả 5 cái cổng, thì nay mỗi bên chỉ còn có hai và lưu thông theo một chiều, một cổng vào có bổ đầu ngồi gác, thu phiếu và đo nhiệt độ, còn cổng còn lại có người đứng canh nhưng chỉ cho ra không vào. Xung quanh chợ thì giăng dây và đóng kín lại hết, đảm bảo không có một ai có thể khôn lỏi trèo vô, chui vô mà không có phiếu.
Số lượng người đi chợ thì vẫn đông. Cái này chắc là do phiếu ở phường chỗ hắn không quy định thêm giờ mà ai muốn đi giờ nào cũng được, một số phường trên facebook của bạn hắn đưa lên thì có thêm mục quy định cứng giờ ra vào chợ. Nhưng đông thì đông mà không hề bát nháo tí nào, lý do là số lượng người bán đã giảm tương đối, những người bán hàng rong ngồi xung quanh chợ nay đã bị yêu cầu rời đi chỉ còn những tiểu thương có hàng quán cố định hoặc bán trong nhà. Thêm nữa lượng người đi chợ do phiếu lệch ngày nên cũng giảm bớt đi phần nào. Chưa kể một số lượng không nhỏ quyết định không đi chợ truyền thống mà chọn siêu thị hoặc đặt online đem về nhà.
Khác với tem phiếu ngày xưa giới hạn số lượng hàng hóa được mua thì phiếu đi chợ năm 2021 bạn có thể mua thoải mái với số lượng không hạn chế miễn là có đủ xiền 😃 Nói chung vì điều này nên trải nghiệm của hắn so với các cụ ngày đó có phần hơi sai khác một chút. Ngày đó phải tích đủ một lượng phiếu mới mua được một món đặc biệt như lốp xe, hoặc phải tích đủ lớn để mua số lượng nhiều hơn thường ngày cho những mục đích giỗ tết. Còn không có thì phải mua chui, mua ké, mua nhờ. Nói chung là muôn phần khó khăn và mưu mẹo mới có được mâm cơm tương tất cho gia đình. Khâm phục các bà các cô các chị thời đó nhất là khoản này.
Xong phần xét phiếu và không bị ho sốt gì cả thì việc vào chợ mua bán cũng không có gì khác ngày thường cho lắm. Cùng lắm là tiểu thương giờ tuân thủ đeo khẩu trang nghiêm chỉnh hơn, có người còn chơi 2 cái kèm với một mặt nạ chắn giọt bắn. Nghiệm túc và rất đáng khen, khác nhiều so với cái thời chưa làm gắt, chuyện kéo xuống cổ cho mũi thở là hình ảnh thường thấy ở chợ. Nói chung là hắn thích 5k được tuân thủ như thế này hơn, nhất là với người luôn đeo khẩu trang và sợ Cô vy như hắn.
À có một sự khác nữa là trước đây xe máy được phi ngang nhiên vào giữa chợ thì nay phải để ở ngoài và chỉ có người đi vào rồi đi ra, nên thời gian đi chợ cũng tăng thêm một chút. Cái này thì phải chịu thôi, bình thường chợ đã khá chật, nay còn thêm phần chăng dây và có người kiểm soát nên phải làm vậy không thì sẽ rất khó khăn trong di chuyển và quay xe vì giờ chợ lưu thông theo 1 chiều.
Trải nghiệm lạ nhưng không hề muốn kéo dài lâu là những dòng tổng kết của hắn về phiếu đi chợ 2021. Hắn hy vọng Cô vy sẽ sớm biến mất và cuộc sống dần trở lại cái thời không cần phiếu đi chợ.