Đã được đóng vai người nhà bệnh nhân trong vài năm trở lại đây. Đã từng phi vào cấp cứu lúc nửa đêm, lẫn khi tờ mờ sáng lúc 3-4 giờ. Nên hắn cũng tích góp cho mình được một chút kinh nghiệm về cấp cứu. Nay xin phép được kể được chia sẻ lại cho ai đó cần nhé.
Viết giải thích thì dài dòng văn tự. Nhưng thực chất cấp cứu đối với riêng bệnh nhân thì chỉ tổng kết trong đúng 3 chữ cộng 1 số:
Tại sao phải phi đi nhanh đến viện hoặc gọi cấp cứu kịp thời thì có mấy lý do cốt yếu sau đây:
1) Mọi căn bệnh thì đều có khoảng thời gian vàng để cấp cứu. Càng được xử lý nhanh và gọn thì những biến chứng sau này càng ít và đỡ nguy hiểm. Nếu để vượt qua thời gian vàng thì cho dù bác sĩ có giỏi, bệnh viện có xịn đến mấy thì những di chứng để lại vẫn rất nặng nề cho cả người bệnh lẫn thân nhân. Đặc biệt là những “món quà bất đắt dĩ của người già” như ĐỘT QUỴ, TAI BIẾN hay Nhồi máu cơ tim. Nhanh một phút là sống thêm được 1%.
2) Đi sớm đi nhanh vào viện giúp các bác sĩ có thời gian khai thác thêm tiền sử và những biểu hiện của bệnh. Từ những thông tin hữu ích này, đội ngũ bác sĩ sẽ có những phán đoán ban đầu và xử lý kịp thời giúp xác định nguyên nhân và cứu chữa đúng, đủ và kịp thời hơn.
3) Gọi sớm cấp cứu, người nhà ít kinh nghiệm sẽ có những hướng dẫn ban đầu hữu ích. Thứ nhất là bớt căng thẳng lo âu gây ảnh hưởng tới tâm lý người bệnh cần cấp cứu. Thứ hai là tránh những thao tác sai, hay những phương pháp truyền miệng mang đầy tính huyền bí dễ làm người bệnh nhanh thăng thiên hơn. Hay tệ hơn là gọi ông A thần y B lang C, mất thời gian chờ A, B và C đến, thay vì kịp thời đưa đi bệnh viện.
Từ ba lý do kể trên việc đến viện hay gọi cấp cứu nhanh là yếu tố kiên quyết giúp bệnh không trở nặng và để lại những biến cố lâu dài.
NHƯNG tại sao khẩu quyết ngắn gọn cỡ vậy mà ít người thực hiện được thì hắn lại xin phép tổng kết tiếp vài nguyên nhân sau đây. Một số hắn hỏi thăm nói chuyện cùng những người nhà đi chăm người thân ở viện, một số hắn tìm trên mạng ra và một ít thì hắn rút ra từ trải nghiệm của bản thân.
1) Nhà neo người không có ai theo dõi chăm sóc người bệnh. Nhất là với những gia đình có con cái đi làm xa, làm muộn hay các cụ sống một mình không có người thân. Đến khi hàng xóm, hay con cái về nhà để ý tới thì đã hơi trễ một chút rồi. Hầu như những trường hợp như vậy đều qua mất thời gian vàng 4 tiếng, nên những di chứng để lại tương đối nhiều. Chưa kể tới một vài trường hợp con cái trong nhà không hợp ngôn với ba mẹ khiến việc giao tiếp hàng ngày rất hãn hữu, nên đến khi phát hiện sự bất thường thì cũng đã hơi muộn rồi.
2) Chủ quan, ngại đi viện vì lý do xyz. Nguyên nhân này hắn thấy tương đối phổ biến nhất là ở Việt Nam. Câu cửa miệng hắn thường thấy nhất là “Tối rồi, hay để sáng mai đi sớm”. Nhưng bạn ơi khoa cấp cứu bệnh viện mở cửa 24/7, và không ai biết trong đêm sẽ có chuyện gì xảy ra cả. Và nếu nó xảy ra thì hắn đảm bảo với kiến thức, thuốc thang và trang thiết bị ở nhà, bạn đừng hy vọng có thể làm được tí gì hữu ích trong những tình huống khẩn cấp nguy kịch. Nêu cứ phi vào càng sớm càng tốt, không ai mắng bạn vì bạn vào viện vì bệnh nhẹ, cũng chẳng ai chửi bạn vì phi vào cấp cứu lúc đêm hôm và cũng chẳng thằng điên nào từ chối người bệnh vì lý do xyz cả. Nếu bệnh nhẹ, xử lý được ngay, người bệnh chỉ cần nằm khoảng 6 tiếng thì bác sĩ cũng sẵn sàng vui vẻ ký giấy cho bạn về chẳng ai giữ lại làm gì. Trong đợt cấp cứu gần đây nhất của cụ nhà hắn, 2 ca giường bên cạnh vào cùng thời điểm được cho về lúc 5 sáng, thủ tục rất nhanh gọn. Chưa kể khi nằm cấp cứu bạn có nộp giấy bảo hiểm sau đó chứ không cần thiết phải giữ ngay như khi khám bình thường. Hắn thấy một trường hợp được hoãn đến hẳn sáng thứ 2 đầu tuần mới phải nộp đủ giấy tờ để hưởng bảo hiểm. À thông tin thêm nữa là khá nhiều viện hiện nay có quy trình khẩn cấp liên khoa và liên viện, nên tốc độ xử lý cho những trường hợp nguy kịch cực kỳ nhanh và chính xác không phải ề à như trước đây đâu. Nút khẩn cấp đã bấm là người bệnh được chuyển đi thực hiện các xét nghiệm lâm sàng ngay và luôn.
3) Vướng ở bệnh viện tuyến dưới xa xôi, nhiều thủ tục không lên kịp bệnh viện tuyến trên. Cái này hắn thấy đúng là một bất cập khá khó giải quyết của ngành y. Bản thân ở thành phố nên hắn không gặp nhiều vấn đề này lắm vì xung quanh nhà lúc nào cũng có vài ba cái bệnh viện từ tuyến trung ương tới thành phố. Nhưng nghe kể từ một số bệnh nhân từ các tỉnh khác thì việc chuyển tuyến khá là nhiêu khê và phức tạp. Khiến thời gian vàng để xử lý nhưng ca nặng bị trôi qua rất phí phạm. Hy vọng trong tương lai, bệnh viện tuyến dưới cấp tỉnh cấp xã cấp huyện sẽ tối ưu hoá quy trình để việc này diễn ra trôi chảy hơn hoặc là được bổ sung thêm trang thiết bị, thuốc thang và nhân lực để người bệnh không bị mắc kẹt quá lâu ở bước “chờ” khiến bệnh tình nặng hơn.
4) Quá tin vào kinh nghiệm của bản thân hoặc một vị thần y, dược vương nào đó trên Youtube để mà tự xử lý ở nhà. Nguyên nhân này cũng siêu nhiều đặc biệt ở các vùng quê. Hắn vẫn không hiểu, thế kỷ 21 rồi, khoa học 4.0 tên lửa bay như đi chợ rồi mà vẫn có người tin Youtube và cơ số thần tiên trên đấy hơn bác sĩ học mòn cả đít ở trường y, hàng ngày phải trực tiếp xử lý cả chục ca bệnh. Chắc là phải có một thế lực ghê gớm nào đó tác động vào, chứ hắn chịu không thể giải thích. Với riêng hắn, hắn tin lý thuyết vào bệnh viện sớm, gặp bác sĩ sớm, khỏi sớm ít biến chứng ít nguy hiểm tính mạng hơn là Youtube và thần thánh trên đó.
5) Sợ Cô Vy, một nguyên nhân mới toanh chỉ xuất hiện trong khoảng 2 năm trở lại đây. Đúng là có những đợt bùng phát thì bệnh viện khá nhạy cảm và là một địa điểm dễ bị lây nhiễm Cô Vy. Nhưng hắn nói để bạn yên tâm một chút nhé. Hiện tại tất cả các bệnh viện đều làm Cực kỳ Cực kỳ nghiêm túc khâu kiểm duyệt bệnh nhân và thực thi công tác phòng chống dịch nội viện. Mọi người đến khám đều được khai báo y tế, khử khuẩn và bắt buộc đeo khẩu trang. Còn những bệnh nhân nội trú thì đều được xét nghiệm Cô Vy và chỉ duy nhất một người nhà được trông nom. Chưa kể việc kiểm tra cũng rất gắt gao nêu không muốn nói là dễ gây một chút khó chịu cho người nhà bệnh nhân.
Chốt, không ai có thể tự tin mình giỏi mình kinh nghiệm khi nói về việc cấp cứu kịp thời. Ngay cả bản thân hắn, đi viện nhiều cấp cứu nhiều và cũng tương đối biết một chút cũng chỉ dám nói hay ở những lần đã trải qua ở viện và người nhà vẫn ngon ít biến chứng, chứ cũng chả dám khoe khoang rằng lần tiếp theo hắn sẽ nhanh sẽ kịp thời và sẽ xử lý gọn được như trước. Thế nên là cứ tâm niệm khẩu quyết này khi rơi vào tình huống đó bạn nhé: