Nếu có một mùi hương nào có thể đưa hắn trở về tuổi thơ, đó hẳn là mùi hương của cây dừa, cái cây mà giờ đây, hắn chỉ còn thấy trong ký ức. Ngày trước, dãy dừa xanh mát thuộc trường tiểu học kế bên nhà hắn. Theo thời gian, chúng dần bị đốn hạ, chỉ còn lại duy nhất một cây ngay sát vách trái. Cây dừa ấy gắn liền với tuổi thơ của hắn, cho đến khoảng ba bốn năm trước, khi vụ việc một cây phượng đổ ở một trường tiểu học phía Nam gây thương vong cho vài bé học sinh, cây dừa cuối cùng này cũng chung số phận. Hôm nay, hắn viết vài dòng gợi nhớ về em nó, vì giờ đây, nhìn ra cửa sổ, hắn không còn thấy bóng dáng quen thuộc ấy nữa.
Thật ra, hắn không rõ nhà hắn xây trước hay những cây dừa này mọc trước. Chỉ biết rằng khi gia đình hắn chuyển từ phố Lê Văn Hưu về đây, chúng đã sừng sững ở đó rồi. Hỏi chủ cũ, họ cũng chỉ ậm ờ không nhớ. Hắn chỉ mang mán nhớ rằng ngày chuyển về đây cây dừa mới cao ngang cửa sổ tầng 3, còn khi bị đốn hạ em nó vươn mình lên trên tầng 4 hơi với một chút. Lý do tại sao lại có phần “hơi với một chút” thì hắn sẽ viết rõ thêm ở phần dưới nhé.
Mỗi năm, cây dừa cho trái hai lần, thường vào mùa hè và dịp gần cuối năm âm lịch. Trái to nhỏ không đều, cùng một buồng có trái to đùng, có trái lại bé tí hon như em bé suy dinh dưỡng. Vẻ ngoài thì tròn trịa, xanh mướt khá hấp dẫn, nhưng khi bổ ra, cùi lại không được dày cho lắm. Được cái cùi dừa ngọt thanh, mỏng tang và hơi sần sật, thơm thơm nơi đầu lưỡi khi thưởng thức. Nước dừa, theo cảm nhận của riêng hắn, chỉ ở mức 7.5 điểm, ưu ái lắm thì cho lên 8, chứ không thể so sánh với những quả dừa bán ở vỉa hè hay trong các quán nước bây giờ. Có lẽ do trồng ở thành phố nên chất lượng cũng chỉ có vậy. Có năm, không biết do thời tiết hay do ong bướm không thụ phấn, cây dừa ra toàn quả bé tí, khô đét, không có tí nước nào. Nhưng có năm, nước dừa lại ngọt lịm, trái dừa to không kém gì những trái dừa Bến Tre. Bức ảnh phía trên là một trái như vậy, được thu hoạch vào dịp gần Tết. Có năm cây cho cả chục quả, nhưng có năm chỉ vỏn vẹn hai quả. Hắn nhớ đó cũng là dịp Tết, nhà hắn giữ lại một trái cúng gia tiên, còn một trái đem biếu.

Trước đây, nhà hắn thường leo lên tầng ba để hái dừa, nhưng vài năm sau đó thì phải lên tới tầng tư mới chạm được tới em nó. Và như đã nói, đến gần năm cây bị đốn hạ, chiều cao của nó đã vượt quá tầm với, phải kéo cả tán dừa vào gần nhà mới hái được quả. Việc hái dừa cũng tương đối đơn giản, có hai cách chính. Cách thứ nhất không cần dụng cụ gì, chỉ cần cầm quả dừa và vặn, ngược hay xuôi chiều kim đồng hồ đều được. Đến khi phần cuống nối quả dừa và buồng bị đứt ra là xong. Cách thứ hai thì nhanh hơn, nhưng phải cẩn thận vì rất dễ “của đến miệng còn rơi mất”, đó là dùng dao chặt. Một tay giữ dừa thật chắc, một tay chém xuống dứt khoát. Thường thì đến nhát thứ hai hoặc thứ ba là dừa rời cây. Nhưng nếu tay trơn, trái dừa to quá thì chuyện rơi xuống đất cũng đã từng xảy ra. Mà đây lại là dừa bên trường, nên đã rơi là mất luôn! 🙃
Đến đây, chắc mọi người sẽ thắc mắc tại sao dừa bên trường mà họ không thu hoạch, lại để nhà hắn hưởng? Xin thưa rằng, ngày trước khi bên đó còn cả chục cây, vào dịp hè các bác bảo vệ sẽ gọi thương lái đến hái hết đem bán. Nhưng từ khi dừa bị đốn gần hết, chỉ còn mỗi cây cạnh nhà hắn, thì việc này dần trở thành mối làm ăn không “thơm” cho lắm. Nên có khi vài năm mới có một người “dũng cảm” leo lên hái dừa, còn không thì mấy mùa đậu trái liền chẳng ai ngó ngàng, toàn để rụng xuống sân. Thế nên, nhà hắn nghiễm nhiên trở thành “thương lái” của cây dừa này mỗi năm.
Có cây dừa cạnh nhà thì cũng có nhiều ưu điểm như có quả ăn, bóng cây che mát, nhưng nhược điểm cũng không ít. Vào thời điểm thay lá, tán dừa rụng khá nhiều, phủ kín cả sân thượng tầng bốn nhà hắn. Nếu lười không dọn ngay, sau một mùa mưa nắng, đám lá dừa ấy sẽ vụn ra thành từng đám bột mịn, dễ theo nước mưa chảy vào làm tắc ống thoát nước. Mà cái lá dừa này ngoài công dụng để che nắng ra thì nhà hắn, khi năm mới đến và bước qua 12 giờ đêm, thường hái lộc là một tàu lá dừa dài và xanh ngay trên sân thượng, rồi cắm vào một chậu nước để gần bàn thờ, nhìn cực kỳ xanh tươi và hoành tráng, hơn hẳn đám mía tài lộc đầu năm vẫn bán ngoài đường. Hoa dừa cũng khá đẹp để trưng lên bàn thờ, nhưng nhà hắn hạn chế hái vì cây dừa này “chảnh” lắm, hái hoa của nó, năm sau nó “tịt” quả luôn thì bách nhục!
Giờ khoảng không gian cạnh nhà trống trải lạ thường. Mỗi khi nhìn ra cửa sổ, hắn lại vô thức tìm kiếm bóng dáng quen thuộc. Thiếu vắng cây dừa, dường như một mảnh ký ức cũng đã theo nó mà rời đi. Cây dừa không chỉ là một cái cây, nó còn là một phần của tuổi thơ hắn, là chứng nhân cho bao kỷ niệm vui buồn của cả hắn và ngôi nhà ở Thổ này. Nhớ cây dừa, là nhớ những tháng ngày hồn nhiên, vô tư lự, là nhớ về một thời đã qua khó mà có thể quay trở lại.
Tưởng nhớ vu vơ em dừa đầu năm Tỵ!