Với nước khác thì hắn không biết chứ với thế hệ 7x với 8x ở Việt Nam như hắn thì ít nhiều cũng từng trải qua cái thời kỳ ngồi hố xí xổm. Và đó là một trải nghiệm thú vị, đầy hoài niệm gắn liền với những năm tháng ở chung ở đụng và xếp hàng đi ị 💩. Mà tình cờ nếu ai đó hỏi “quay về nhé” thì hắn sẽ không ngại ngùng mà trả lời ngay “éo“. Nhưng dù có ghét bỏ hay yêu thương thì đó vẫn là những mảnh ký ức trong cuộc đời hắn, đáng để viết và ngẫm về một thời đi ị mà không thể ngồi lâu và đôi khi phải xếp hàng. Và đó là lý do bài viết ngày hôm nay ra đời.
Bối cảnh
Hắn không biết cái hố xí xổm này có từ bao giờ, vì trong những ký ức mơ hồ của hắn thời đại chuyển giao từ đi bô sang ra nhà vệ sinh thì nó đã tồn tại rồi. Có khi còn có trước cả khi hắn ra đời ấy chứ. Điều hắn nhớ đầu tiên về cái nhà vệ sinh này đó chính là tất cả các hộ trong số 51 Lê Văn Hưu cùng dùng chung, bất kể có là nhà mặt tiền hay nhà tít trong cùng. Về cơ bản như bao cái hố xí có từ thời xa xưa, nó nằm cạnh một cái sân có một khoảng trời cao xanh với một bể nước cạnh bên và một chỗ đi tè dành cho nam. Cái bể nước hay cái lu nước thời kỳ đầu còn phải xách từng xô từ bể nước công cộng ngoài phố đổ vào, mãi tới sau này mới có nước máy. Bên trong nhà vệ sinh thì chia làm hai khoang, khoang ngoài rộng rãi để làm chỗ tắm rửa và khoang bên trong bé hơn, thụt sâu vào bên phải có một cái hố xí xổm, phía bên trên nó là một cái cầu thang lên các hộ tầng 2.
Trước khi sửa chữa thì đúng là ác mộng
Hắn không nhớ chính xác thời điểm nhà vệ sinh được sửa, chỉ nhớ mang máng lúc đó hắn 6 hay 7 tuổi gì đó. Trước khi sửa cái nhà vệ sinh này đen tới mức không thể đen hơn và bẩn tới mức không thể bẩn hơn. Và với một thằng nhóc con nhát gan như hắn thì thà đi bô còn hơn chui xuống cái chỗ đáng sợ đó. Nhưng sau khi sửa chữa và lắp thêm đèn, thì nhìn nó ngon lành hơn hẳn. Điều đặc biệt của nhà vệ sinh mới là nó cắm chi chít bóng đèn dây tóc to nhỏ lẫn lộn, mỗi cái của một hộ và có một cái đuôi kéo dài từ các nhà xuống. Trước khi sửa thì nơi này tối om, bẩn và hôi. Thì sau khi sửa chữa diện mạo của nơi này đã được cải thiện ít nhiều. Cái cửa sổ thông khí bên cạnh nhìn đã thoáng và sáng hơn, có thể nhòm được ra con ngõ nhỏ cạnh nhà hát Tuổi Trẻ.
Những trò đùa tắt đèn dọa ma
Từ khi cái nhà vệ sinh được sửa thì hắn cũng năng đi ị đi tè hơn, nhưng từ đó cũng xuất hiện một trò đùa éo thể dã man hơn. Đấy là khi ai đó đang hành sự ở trong cùng chỗ hố xí xổm, thì bên ngoài một ai đó sẽ thò tay vào chỗ bật tắt điện của nhà người bên trong và tắt đèn. Nếu là ban ngày thì chả có gì để sợ vì còn ánh sáng từ cửa sổ thông gió chiếu qua, nhưng ban đêm thì đúng là tụt dé. Để dễ hình dung bạn hãy tưởng tượng, bản thân đang thả yêu thương vào cái bồn cầu phía dưới, nhìn thơ thẩn lên trần nhà ngắm bọn thạch sùng và nhện thì xung quanh bỗng tối om. Thề nhiều hôm thiếu điều hắn hét toáng lên và thụt cả kít vào ngược bên trong, rồi phải nhanh nhẹn chùi đít theo kiểu chả cần biết có sạch hay không rồi chạy vội chạy vàng về nhà, theo sau là những tiếng cười ha hả.
Những ngày mưa đội cả bầu trời đi ị
Ai cũng yêu những ngày mưa ở Hà Nội, nhưng riêng việc đi ị mà gặp mưa thì ếch thể nào yêu thương được. Nhất là những cơn mưa tầm tã mùa hè, khi mà hắn phải mặc áo mưa vào để đi ị vì từ nhà hắn tới chỗ đó cần đi qua hai khoảng sân không hề có mái che. Nếu cố chấp không mặc áo mưa hoặc nhét giấy vệ sinh thật kỹ vào trong người thì hậu quả là lúc chùi đít bạn sẽ được tận hưởng những thiếp giấy ướt nhẹp và rách toang. Nhiều người sẽ hỏi sao không để sẵn giấy trong nhà vệ sinh, thì xin thưa rằng đây là vệ sinh chung, giấy nhà nào nhà đấy dùng, có để ở đó thì cũng không cánh mà bay sau vài nốt nhạc. Thế nên công đoạn trước khi đi vệ sinh đó là lấy giấy từ trong tủ, gấp thành vài tập đủ dùng rồi mới chạy thẳng sang đó thăm anh Tào. Người khác sẽ lại hỏi, thế sao không chạy thật nhanh phi thẳng vô nhà vệ sinh. Xin thưa rằng khoảng cách từ nhà hắn tới chỗ đi vệ sinh bằng đúng chiều dài nửa con phố, phải băng qua nhiều hộ, bạn có thể thử đo ngay ở thời điểm hiện tại vì nó đúng bằng chiều dài từ mặt phố Lê Văn Hưu tới cửa nhà hát Tuổi Trẻ hiện giờ, tại sao lại có thể đo kiểu vậy thì là do thời đó nhà hắn ở mặt phố Lê Văn Hưu và nhà vệ sinh thì có cửa sổ thông thẳng sang ngách con cạnh nhà hát. Nếu lý cố chạy với thân hình béo ú của hắn ngày bé thì kết quả đã được báo trước đấy là trượt ngã sấp mặt. Thế nên hãy từ tốn mặt áo mưa, hoặc mang ô hoặc đội mũ rộng vành với giấy vệ sinh nhét sâu trong cạp quần rồi thong thả đi gặp anh Tào.
Công đoạn dội nước xả
Nhiều người sẽ nghĩ, sau khi đi nặng thì chỉ việc gạt cần xả nước là xong. Ồ đó là thời bây giờ, còn ở những tháng năm xưa cũ đó à, xong khi xong xuôi các thủ tục với anh Tào, bạn sẽ phải ra ngoài sân, múc một chậu nước rồi quay ngược vào dội. Nhưng hôm nào cứt to và cứng do táo bón thì cứ gọi là phải đi lại vài lần mới trôi. Mà đấy là tính lúc ít người đấy, chứ những lúc ra vào dồn dập thì cứ gọi là cứt ra đằng cứt và phân trồi đằng phân. Cũng may theo trí nhớ tồi tàn của hắn ngày đó, chưa có vụ nào mà tắc cứng không thông khiến các hộ phải nhịn ị cả. Cũng có thể là đã từng xảy ra nhưng hắn không được người lớn cho biết. Vì thời đó nhiều lúc hắn lười hoặc sợ ma buổi tối không dám xuống đi vệ sinh thì đành đẩy thẳng vào bô, rồi sáng mai đem đi đổ 😅
Mỏi chân
Như đã viết ở trên với loại hố xí kiểu này hầu như rất ít ai có thể ngồi lâu. Một phần khi đang tận hưởng thì đã có người khác ở ngoài giục nhanh lên rồi. Một phần khác nữa là ngồi rất mỏi chân, ai cố lắm vì táo bón cũng chỉ được khoảng 10 tới 15 phút, chứ để mà hơn thì chân tê dại và chuột rút luôn không đi được luôn. Hắn nhớ có lần vì để bớt mùi, hắn mang theo cốc cà phê và một tờ báo vào trong, với hy vọng mong manh cà phê thơm sẽ làm dịu bớt mùi phân và báo chí sẽ làm đầu óc thông thoát giúp đại tràng hoạt động hiệu quả và cứt ra nhanh hơn. Ai dè báo quá hay hoặc là cà phê quá ngon, hắn ngồi cho gần 20 phút, nhất là hôm đấy đúng ngày vắng vẻ chả có ai giành đi ị. Lúc hắn đứng lên thì chân tê rần, chuột rút tê tái cả người mãi mới bò lê bò lết về tới nhà. Từ đó về sau chừa thói đem cà phê với báo vào đó vừa đọc vừa ị.
Phía trên toàn là những điều tiêu cực vậy em nó có tí nào tích cực không? Xin thưa là có chứ.
Tốt cho ruột và đại tràng
Theo một nghiên cứu khoa học hắn đọc được trên mạng, cũng chưa Fact check là thực hay là dởm. Thì họ nói rằng việc sử dụng những hố xí kiểu ngồi xổm này tốt hơn cho ruột lẫn đại tràng, giúp việc đi ị được thông suốt và trơn chu hơn so với những loại hố xí ngồi hiện đại. Hắn thì chịu chết vì từ năm 10 tuổi đã không còn cơ hội để trải nghiệm dài lâu loại hình hố xí này nữa, nên cũng chả biết liệu nó có thực sự tốt về lâu về dài như lời đồn hay không nữa. Chỉ biết rằng ngày nay có khá nhiều loại sản phẩm phụ trợ giúp người ta thông nhanh hơn và tuột dễ hơn, kiểu kệ nâng chân dùng cho lúc đi ị hay vòi xịt tự động. Mà chắc chắn là xài thoải mái hơn mà vẫn đem lại hiệu quả tốt tương đương so với việc ngồi hố xí xổm.
Sau này khi đã chuyển qua nhà mới ở Thổ thì nhà hẳn từ biệt hẳn với phong cách hố xí xổm kiểu này, tất nhiên trong một vài lần đi du lịch với công tác cũng có gặp ở vài nơi vẫn dùng kiểu nhà vệ sinh như thế này nhưng theo thời gian và sự hiện đại hóa phong cách đi ị thì số lần gặp được cũng ít dần theo thời gian.
Không sợ mông dính vào thành bồn cầu
Ngày nay với các loại hố xí công cộng, người ta thường truyền tai nhau những truyền thuyết đô thị kiểu dính bệnh này bệnh kia nếu ngồi trực tiếp lên thành bồn cầu. Thành ra khi đi vệ sinh, đặc biệt là các chị em thường lót giấy xung quanh chỗ ngồi, hoặc xịt khử trùng và lau sạch rồi mới dám sử dụng. Khá là mất thời gian và tốn công tốn sức, nhưng ở thời xưa khi hố xí xổm còn thịnh hành thì những nỗi lo đó chả bao giờ tồn tại. Lý do thì chính trong cái tên của loại hố xí này đã trả lời, hố xí xổm làm gì có đụng chạm trực tiếp đâu, toàn ngồi xa cả chục cm mà.
Nhanh và rất nhanh
Như đã kể ở trên vì mỏi chân và luôn có người khác giục bên ngoài. Nên những kiểu nấu cháo điện thoại hay lướt mạng cả tiếng đồng hồ trong nhà vệ sinh là điều chả bao giờ xảy ra. Mà thực ra cũng chả biết được, vì hồi đó đã làm gì có điện thoại thông minh hay mạng internet đâu. Thứ giải trí duy nhất có thể cầm tay là đài radio to như hai cục gạch, mà hắn chả dám mang vô vì sợ bẩn và hỏng nếu chả may rơi xuống. Còn báo chí với truyện tranh thì càng không, nhất là sau lần hắn bị chuột rút tê tái người. Thế nên mỗi lần hành sự với anh Tào vô cùng nhanh và gọn. Lâu lắm thì 15 phút còn không thì chỉ 3 tới 5 phút là xong một cữ.
Một bài ký ức thật bốc mùi 💩 nhưng cũng thật hoài niệm làm sao!