Hồi ký

Một nửa thế giới trong môi trường bệnh viện

Trang hồi ký dành tặng riêng cho những cô gái đang công tác trong bệnh viện.

Mỗi ngành nghề đều có những đặc thù và khó khăn riêng dành cho những người phụ nữ. Nhưng riêng trong môi trường bệnh viện thì những trở ngại đó còn khác biệt và khó nói hơn rất nhiều lần.

Cũng do tò mò, thích quan sát và hỏi han mỗi nơi được ở lại nên mình thấy ở trong này các bạn nữ thường xuyên phải đối mặt với.

Sự tức giận và những cơn mắng chửi giáng lên đầu nhiều như cơm bữa của không ít người nhà lẫn bệnh nhân trong những tình huống vô cùng trớ trêu. Trong môi trường dịch vụ thì điều này không lạ, và việc gặp một khách hàng khó tính lẫn hách dịch, thích thể hiện cái tôi của bản thân qua những hành vi và câu nói mạt sát người khác cũng khá phổ biến khi bị tính sai tiền, khi sản phẩm hỏng hóc, khi gặp những vấn đề rắc rối trong quá trình sử dụng dịch vụ sản phẩm v…v.. Nhưng trong viện khi cơn đau gắn liền với cảm xúc tiêu cực thì sự bộc phát thành những hành động như ĐM, ĐC, Đ cái loại là Đ gặp hàng giờ chứ chẳng phải tính bằng ngày nữa, nhất là trong khu cấp cứu. Cá biệt có những nơi mà trên báo đưa tin việc thượng cẳng chân hạ cẳng tay với chính những bạn nữ là y tá, điều dưỡng đã xảy ra gây nên những thương tích thân thể và tâm lý vô cùng lớn. Rất buồn và tiếc khi viết đến đoạn này vì nhiều khi những xô xát như vậy xảy ra phần nhiều do sự thiếu hiểu biết lẫn va chạm về thông tin và cách nhìn gây nên, chứ chưa chắc là do lỗi một bên nào.

Máu, Dịch và Chất Thải của bệnh nhân. Nhiều người sẽ nói đã làm nghề y thì việc đối mặt và phải tập quen dần với 3 thứ này chứ. Nhưng bạn thử 6 ngày trong tuần, 24 ngày trong tháng, và khoảng gần 300 ngày trong năm tiếp xúc với 3 thứ này xem. Những lúc khỏe thì chẳng nói làm gì, nhưng những khi cơ thể mệt mỏi, vào ngày ấy hay là những lúc tâm lý gặp stress thì sao? Là người nhà bệnh nhân với thời gian nhìn thấy 3 thứ đó hữu hạn mà mình đã cảm thấy nôn nao và khó chịu rồi thì việc tiếp xúc trong một khoảng thời gian dài chắc chắn sẽ để lại nhiều căng thẳng cho tất cả những bạn nữ đang hoạt động trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là những công việc liên quan tới chăm sóc bệnh nhân.

Những căn bệnh truyền nhiễm thường trực trong bệnh viện. Có thể kể chơi chơi vài cái tên anh tài đang hoành hành trong thời gian qua như Sốt xuất huyết, sốt virut, lao phổi, tay chân miệng, Zika….. Cho dù có được phòng bị tốt như thế nào đi chăng nữa thì nguy cơ dính phải những căn bệnh đó với những bạn nữ trong môi trường bệnh viện là vô cùng lớn, cao hơn rất nhiều tỉ lệ người mắc trong những ngành nghề khác. Thế mới thấy khi lựa chọn nghề y làm sự nghiệp suốt đời thì các bạn nữ đã phải rất dũng cảm và gan dạ.

Những ca trực đêm dài, kèm các ca cấp cứu bất chợp trong đêm vắng. Hậu quả là nhịp sống sinh học của các bạn ấy bị ảnh hưởng không ít, và có những căn bệnh nghề nghiệp đã nặng nay còn nặng hơn như đau dạ dày, mất ngủ, thiếu ngủ, mệt mỏi suy nhược, căng thẳng stress….. Đánh đổi những năm tháng tuổi trẻ lấy những ca trực là một sự hy sinh không hề nhỏ của những cô gái làm nghề y.

Hóa chất, dụng cụ và thiết bị y tế có hàm lượng bức xạ cao như máy xquang, máy cộng hưởng từ, máy chụp các lớp…. Việc thường xuyên hít phải hoá chất dùng trong việc thử các phản ứng sinh hoá và huyết học. Tiếp xúc với các hoá chất công nghiệp dùng cọ rửa và bảo quản dụng cụ. Đứng cạnh và vận hành các máy móc công nghệ cao trong việc chuẩn đoán y khoa. Tất cả mấy thứ đó góp phần không nhỏ ảnh hưởng tới sức khỏe của những bạn nữ làm việc tại các chuyên khoa. Vẫn biết rằng với trình độ khoa học kỹ thuật ngày nay thì những tác hại do mấy thứ trên gây ra đã được giảm thiểu rất nhiều so với thời các cụ ngày xưa, nhưng không có nghĩa là mọi thứ đảm bảo 100% và không để lại bất cứ ảnh hưởng gì tới sức khỏe.

Các tổn thương do tư thế làm việc bất lợi và do phải nâng, nhấc, vận chuyển và giữ bệnh nhân có trọng lượng lớn. Một tỷ lệ khá cao các bác sĩ, y tá gặp tình trạng đau mỏi cơ, xương ở lưng, thắt lưng, bả vai, đầu gối, cổ – khi má mình làm can thiệp đặt Stent lần đầu ở bệnh viện Xanhpôn bác sĩ chính trong quá trình thực hiện phải đeo đai dành cho người bị thoát vị đĩa đệm. Đứng hoặc ngồi quá lâu cũng là nguyên nhân dẫn đến những bệnh lý như trĩ, giãn tĩnh mạch chân. Ví dụ như các phẫu thuật viên, đặc biệt là vi phẫu, phải đứng mổ có khi hàng nhiều giờ liền.

Và cuối cùng là sự quấy rối nhiều khi là cực kỳ khó chịu của những thành phần vô ý thức. Coi những bạn nữ là công cụ mua vui trong những ngày chán chường ở viện. Sự quấy rối nhẹ thì dừng ở mức ngôn ngữ khiếm nhã, nặng hơn là những hành vi sờ mó vào những bộ phận nhạy cảm, nặng nữa là sự khủng bố về tinh thần qua tin nhắn, điện thoại, thậm chí là rình mò đường đi lối về với bạn nữ xinh xắn và có ngoại hình ưa nhìn.

Vẫn biết là vô vàn khó khăn và thách thức như vậy nhưng những cô gái vẫn tiếp tục công việc vì đam mê vì tình yêu vô bờ bến với bệnh nhân. Thật sự cảm phục và ngưỡng mộ họ rất nhiều.

Sắp đến 20 tháng 10 rồi, xin dành tặng một nửa rất đặc biệt trong bệnh viện những lời hỏi thăm và chia sẻ về công việc các bạn đang làm. Chúc mọi điều tốt lành sẽ tới trong tương lai với một ca trực thật yên bình, một công việc lương thật tốt, những bệnh nhân đáng mến, và những kỉ niệm thật đẹp trong cuộc đời làm nghề y nhé.

Xin chào và hẹn gặp lại trong những trang hồi ký tiếp của mình.

Leave a Comment