Hồi ký

Một đời sợ Tôm Cua

“Yêu biển yêu hải sản và không bao giờ sát hại tôm cua”

Có lẽ đây là khẩu hiệu nhiều người từng tiếp xúc với mình được nghe nhất mỗi lần đi đâu đó ăn uống, hay có dịp tụ tập tại một nhà hàng nào đó mà hỏi ý kiến mình về món định gọi.

Có lẽ mình cũng là một trong số ít những người từng có quãng thời gian khá dài làm việc ở Hải Phòng, có nhiều kỉ niệm đẹp với Hải Phòng lẫn Đồ Sơn mà CHƯA BAO GIỜ ăn lẩu cua đồng hay món bánh đa cua trứ danh của đất cảng thân yêu.

Sự thật là:

Mình bị dị ứng từ bé với những con có vỏ giáp sát cụ thể là Tôm, Cua, Ghẹ, Bề Bề, Sam, mai Mực, Nhộng, Châu Chấu…. và một vài gần gần thế có lớp vỏ cứng. Lúc nào trong hành trang đi công tác của mình cũng có một đến hai viên thuốc dự phòng như ảnh minh họa. Dù thực sự là cũng khá lâu rồi mình chưa phải động tới, và toàn mua cả vỉ để đề phòng những trường hợp cấp lỡ mà bị dính ăn nhầm hoặc không biết mà ăn phải.

Thế nên mới có những trường hợp buồn cười mỗi lần đi cùng đoàn học viên ra Hạ Long, Móng Cái hay Đồ Sơn đó là, cả đoàn gọi nào là lẩu hải sản, cua hấp tôm chiên các kiểu còn mình đập bàn gọi một đĩa cơm rang dưa bò xơi một mình Cá biệt có nhà hàng vì chuyên đồ biển còn không có cả cơm rang dưa bò làm mình phải kêu một đĩa mì xào rau không hoặc cơm chiên trứng để ăn. Mỗi lần như thế chủ nhà hàng nhìn mình bằng ánh mắt bố cái thằng vào nhà hàng hải sản kêu mỳ xào với cơm chiên.

Thành ra mình rèn được một thói quen là thấy bất cứ một món gì lạ hay nghi được nấu bằng hải sản là mình auto hỏi ngay đầu bếp là được chế biến từ gì, hoặc nếu không hỏi được thì sẽ sử dụng kỹ năng được rèn luyện lâu năm để ngửi cho ra xem có thành phần tôm cua gì trong đó không. Nếu vẫn không xác định được thì tốt nhất là không ăn, vì ăn vào thì cứ gọi anh Tôn Ngộ Không là cụ tổ.

Mình biết tới lần dị ứng đầu tiên là năm 4 tuổi, lúc chị chủ nhà xay nát vỏ tôm ra nấu cháo để bổ sung canxi. Xơi trong bát cháo chưa đầy một tiếng thì mặt mình to ra như quả dưa hấu đỏ, toàn thân bắt đầu nổi mề đay và ngứa. Rồi thì bắt đầu thở khó, chị chủ nhà phải đưa qua ngay ông bác sĩ già về hưu ở đầu phố để khám. May thế chả biết bác ấy cho uống cái gì mà mình đỡ không bị khó thở nữa. Nhưng những nốt đỏ mề đay thì kéo dài vài ngày mới hết kèm theo cơn ngứa đặc trưng cực kỳ khó chịu. Sau này lớn lên mình có đôi lần dính lúc đi học cấp 2 cấp 3 hay đại học nhưng đã có thói quen đề phòng và có thuốc dự trữ nên không bị quá nặng nữa.

Có lẽ vì mình cũng thường xuyên nói về cái “tình yêu” đặc biệt với hải sản này nên rất nhiều đồng nghiệp cũng biết và thông cảm. Do đó nếu có đưa mình đi ăn thì cũng tránh những cửa hàng bán đồ biển hoặc nếu là bữa cơm bình thường trong các tiệm cơm bình dân thì tránh gọi các món có tôm rang hay canh cua. Cảm ơn các bạn đồng nghiệp nhé tâm lý quá ạ.

Quên nói về việc dị ứng mà lại không nói lúc bị dị ứng thì như thế nào để các bạn hình dung. Cơ bản là nếu bạn nào đã ngó thấy con tôm hùm lúc được luộc chín như thế nào thì màu sắc của người bị dị ứng khi dính phải đồ ăn phải kiêng y hệt vậy. Rồi thì từng mảng mề đay dày cứng và ngứa cứ thi nhau mọc trên khắp cơ thể. Gãi chỉ là cấp độ nhẹ nhất của việc bị dị ứng. Nói không ngoa chứ mỗi lần như thế là như bị thần khỉ nhập mạng, gãi từ đầu tới chân, gãi từ trong ra ngoài. Tế nhị một chút thì một số chỗ nhạy cảm mà ngứa quá thì giữa thanh thiên bạch nhật cũng gãi như bình thường Nặng nữa thì phải đi cấp cứu truyền nước không thì có mà gãi toét cả da lẫn khó thở. Nói chung là chỉ có người bị dị ứng mới biết nỗi khổ mỗi lần cái mồm nó hại.

Mình không biết trong tương lai các nhà khoa học có chế được thuốc nào cải thiện gen cho những người bị dị ứng bẩm sinh như mình không nữa nhưng hiện tại không có biện pháp hiệu quả. Có một vài người nói cứ ăn đi rồi uống thuốc, có người lại bảo luyện dần thì cũng đỡ sẽ ăn được ít ít nhưng nếu ăn quá một số lượng nào đó thì lại bị. Và điển hình mình ghét nhất loại này là những gian thương bán thuốc bổ gan, cứ gạ gẫm rồi đổ dị ứng do cơ địa cho gan không tốt, rồi dẫn một đống rác kiến thức nói về vấn đề đó với mục tiêu cuối cùng để những người tiêu dùng thơ ngây mua hàng lố thuốc về uống để rồi dị ứng vẫn hoàn dị ứng. Mình xin chửi bỏ bu những đứa như thế với tư cách là người dị ứng lâu năm và cũng khuyên các bạn bị giống mình éo bao giờ được tin cái lý thuyết bổ gan thì hết dị ứng, các bạn tây thân yêu đã chứng mình là nó nằm trong đoạn mã của gen rồi trừ khi có phương pháp cải biến gen còn không thì đừng mơ mà hết dị ứng.

Dĩ nhiên cũng có một món ngoại lệ, mình không rõ là do được chế biến hay tương tác ủ lâu ngày mà mình xơi không thấy có hiện tượng gì. Đó là mắm tôm khi ăn với bún đậu. Đâu có lẽ mà món có chữ Tôm duy nhất mà mình ăn không bị dị ứng.

Leave a Comment