Hồi ký

Lịch sử và văn hoá Việt

Cả hai chủ đề đều rất hay và liên quan một chút tới tên của blog VSPT. Nhưng để mà suy diễn sâu hay phân tích cho ra ngọn ngành thì hắn chưa đủ trình độ. Nên bài viết hôm nay sẽ tập trung nhiều về những ký ức về lịch sử hắn có và những thứ văn hoá Việt ảnh hưởng tới hắn bé tới giờ.

Lịch sử Việt

Trần Quốc Toản bóp cam, có lẽ là quyển truyện tranh của Việt Nam đầu tiên hắn được mua cho hồi cấp 1 ở nhà xuất bản Kim Đồng phố Bà Triệu. Hắn không nhớ chính xác được mua nhân dịp gì hay là vì lý do gì, có thể là mới được điểm cao hoặc cũng có thể là cụ nhà hắn mới nhận lương. Chỉ biết đó là quyển sách đầu tiên về lịch sử mà hắn có trên tay. Mà trình bày thì cực kỳ đẹp nhé, truyện có màu sắc chứ không phải chỉ đen trắng như truyện tranh Nhật Bản hắn thường đọc. Và tất nhiên là cũng đắt hơn. Hắn nhớ hồi đó giá một quyển như thế này bằng ba bằng bốn so với truyện Manga. Nội dung thì khá cơ bản, kể về gia thế nhà anh Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, rồi chuyện anh Toản xin đi đánh giặc nhưng không được vua cho phép. Vua khen anh ngoan có chí nhưng còn nhỏ rồi ban cho quả cam. Anh về anh tức anh bóp nát cam rồi vét hết đồ nhà đi đánh giặc. Anh còn thêu cờ có sáu chữ “Phá cường địch, báo hoàng ân“. Anh đi tới đâu giặc Nguyên sợ chạy té cứt té đái tới đó. Và câu chuyện tới đây là hết. Tâm trạng của một thằng nhóc cấp 1 hồi đó thì đúng kiểu mồm chữ O mắt chữ A vì hâm mộ anh. Chứ còn bảo để mà hiểu sâu hơn về lịch sử qua quyển truyện tranh đó thì chắc là chả có gì.

Khi đã đọc thông viết thạo, thì hình như hồi đó có một phong trào mua báo thiếu nhi mà các cô giáo hay giới thiệu cho bọn học sinh trong lớp mua theo tháng. Và thường trong những tờ báo như vậy có vài ba trang kể về những câu truyện lịch sử được minh hoạ bằng tranh màu nhìn khá bắt mắt. Có truyện chỉ trong một số, có truyện dài kéo tới vài số. Đề tài thì cũng vô cùng vô tận. Truyện rùa vàng đòi kiếm cho vua Lê Lợi, truyện Lý Bí – Lý Nam Đế khởi nghĩa, truyện quả cam anh Toản ngắn hơn vẽ xấu hơn quyển phía trên hắn kể rồi truyện Bà Trưng Bà Triệu, truyện Đinh Bộ Lĩnh đánh trận giả bằng cỏ lau, truyện Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn…. Một vài truyện còn lưu lại ký ức trong hắn tới bây giờ, nhưng một vài truyện thì nói thực chả còn tí nào ấn tượng cả.

Rồi hắn lên cấp 2 và chuyển nhà từ phố lớn Lê Văn Hưu về ngõ Thổ. Gần nhà hắn có con gò Đống Đa to tướng, nghe người lớn kể là chứa xác hàng vạn vạn quân thanh thời vua Quang Trung đánh giặc. Nhờ lời doạ dẫm đó mà suốt một khoảng thời gian tương đối dài mỗi lần có việc đạp xe qua đó để lên phố Thái Hà là hắn đi thật nhanh, đạp thật lẹ để tránh gặp ma 👻 Mãi tới khi gò Đống Đa được cải tạo, xây mới khang trang sạch đẹp và có tượng vua Quang Trung to thiệt to trấn thủ ở đó thì hắn mới yên tâm lượn lờ cả ban ngày lẫn buổi tối. Rồi thì mỗi năm cứ đến ngày mùng 5 tết, là bà con tứ phương lại tụ tập về đây làm lễ kỉ niệm đại thắng quân thanh năm xưa. Hồi đầu thì hắn cũng háo hứng đi trẩy hội lắm, nhưng sau dần thì đi nhiều cũng chán nên là giờ chỉ tưởng nhớ về vua Quang Trung và gò Đống Đa qua màn ảnh nhỏ thôi. À quên mấy năm trước khi mà rộ lên phong trào bắt Pokemon trên điện thoại, thì đây cũng là một trong những địa điểm được người chơi đồn đại là dễ bắt được những con Pokemon khủng và mạnh nhất nhì Hà Nội.

Hắn nhớ trong dịp sinh nhật lần thứ mười mấy gì đó. Hắn được mua cho quyển các triều đại Việt Nam. Và đó là lần đầu tiên hắn được tiếp cận một cách chính thống, đầy đủ và rõ ràng về các triều đại đã từng cai trị ở ta. Quyển sách thì khá khô khan không có tí hình ảnh minh hoạ gì mấy, nếu có thì cũng kiểu đen trắng nhạt nhoà mờ mờ. Nhưng không hiểu sao hồi đó hắn đọc như bị ma nhập ý, đọc liền tù tì từ đầu tới cuối. Đọc xong cảm giác như mình phải lên mấy bậc trong thang các sử gia trẻ của Việt Nam. Sau này bẵng đi một thời gian, không hiểu hắn thất lạc mất quyển sách đó ở đâu, tiếc hùi hụi vì đây là một trong những quyển hắn hào hứng và thích đọc nhất trong cái kho sách bé bỏng hồi đó. Tuy không cho hắn những kiến thức hàn lâm cao siêu gì cả, nhưng quyển sách này giúp hắn hiểu thêm về lịch sử hưng suy các triều đại, tên các vị vua và hoàng hậu, cũng như những biến đổi của thời cuộc từ thời Văn Lang cho tới vị vua cuối cùng của triều Nguyễn – Bảo Đại.

Khoảng thời gian gần đây thì hắn thích coi Lịch sử Việt trên các video tóm tắt ngắn của Youtube. Quả thực so với những nguồn mà từ trước tới nay hắn tiếp cận thì thể loại video này dễ xem, dễ hiểu và dễ nhớ hơn rất nhiều. Các video thường không quá dài, cái dài nhất cũng chỉ khoảng hơn 30 phút, được biên tập rất chỉnh chu và có hoạt hoạ mô tả. Từ các nhân vật lịch sử, các trận đánh lớn hay là những mưu kế thâm sâu tranh giành quyền lực đều được tổng hợp và kể lại bằng ngôn ngữ hình ảnh. Giọng của người thuyết minh cũng rất hay, trầm cảm và êm tai, có cả giọng miền nam, miền bắc lẫn miền trung. Chưa kể là các hình ảnh các bậc anh hùng trong lịch sử cũng được lựa chọn rất khéo và tỉ mỉ, hắn không rõ là họ tự vẽ hay là sưu tầm từ các nguồn khác nhau. Nhưng quả thực rất nhiều anh tài lẫn vua chúa thời xưa cứ như bước ra từ trí tưởng tượng của hắn vậy. Qua đó hắn học hắn biết thêm và nhớ lại rất nhiều những giai đoạn lịch sử trọng đại của dân tộc ta mà đã từng nhớ và đọc nhưng giờ quên mất sạch trơn. Hy vọng bọn trẻ con bây giờ cũng thích xem những video lịch sử như thế hơn là mấy loại nhảm nhí tràn lan trên mạng.

Và lịch sử Việt còn do việc tiếp nhận những sự kiện mới mỗi ngày trong dòng chảy đi phía trước của thời gian. Ví dụ như thời đại của internet và di động bùng nổ, dấu mốc 1000 năm Thăng Long, sự kiện tàu lạ, sự kiện các vị tổng thống Huê Kỳ qua nước ta chơi, hay sự kiện gần đây nhất khi con dân Việt Nam phải đối mặt với ác thần Cô vy. Hắn tin là dù trong tương lai khi có những sự kiện, dấu mốc mới gì xảy ra đi nữa thì đó chắc chắn sẽ là những câu chuyện thú vị để hắn kể cho con cháu khi về già.

Văn hóa Việt

Còn ở khía cạnh văn hoá. Đó là một thứ vô hình mà được tích tụ dần dần qua năm tháng. Từ khi hắn lọt lòng tới lúc già khú đế như hiện tại. Mỗi một tác động, ảnh hưởng đều tạo nên những suy nghĩ khác nhau về văn hoá Việt bên trong hắn. Đó có thể là những suy nghĩ tiêu cực nhưng cũng có thể là những suy nghĩ tích cực, đó có thể là những thứ mong muốn và cũng có thể là những thứ gây nên sự chán ghét, đó có thể là những thứ ngoại lai được đem về mà cũng có thể là những nội tại bên trong có cả từ cả ngàn năm nay. Dù là gì đi nữa thì đó vẫn là văn hoá và vẫn là một phần không thể tách rời trong hắn, một con dân của Đại Việt.

Văn hoá được thấm từ bé tới lớn qua những câu chuyện của người lớn

Đó có thể là những phong tục tập quán hay một món ăn truyền thống nào đó mà các cụ đời trước dậy các cụ thời này, rồi các cụ thời này lại chỉ lại cho hắn. Đó là những quy tắc trên mâm cơm, đó là những cách hành xử làm người. Và đó cũng có thể là những thói quen mà bao đời nay dân ta vẫn làm vẫn thực hiện mỗi một dịp lễ tết, hội hè hay sự kiện nào đó trong năm. Nói chung là nhiều thứ hắn còn nhớ và thấy nên giữ và duy trì, nhưng nhiều cái hắn thấy cổ hủ, lạc hậu và nên bị xoá bỏ trong thời đại bây giờ, dù biết rằng có thể sẽ bị các cụ quở trách.

Văn hoá được thẩm thấu từ những bộ phim dài tập trên tivi cả phim của Việt Nam lẫn phim nước ngoài

Những ai sống ở cái thời mà tivi là thứ duy nhất để giải trí, ngoài ra chả có gì thì chắc sẽ hiểu được cái này. Thời đó internet là một cái gì đó xa xôi, cánh đồng lúa vàng ươm là một thứ chỉ có trong tưởng tượng của trẻ em thành phố và khu vui chơi hay công viên với bách thú bách thảo thì vài tháng mới được đi một lần. Thế nên phim truyền hình là thứ thân quen nhất, xem nhiều nhất và nhồi nhét nhất về văn hoá đối với những đứa trẻ 7x 8x thậm chí là 9x đời đầu. Những bộ phim về cái lều chõng của các sĩ tử lên kinh đi thi với văn hoá nho giáo trọng lễ nghĩa, những bộ phim về thời chiến tranh với văn hoá anh dũng hào hùng, những bộ phim về thời bao cấp với văn hoá ứng xử của sự thiếu thốn với thòm thèm và những bộ phim về thời kỳ đổi mới với văn hoá hiện đại hoà nhập chứ không hoà tan (ai hay xem tivi hồi đó chắc sẽ ngộ luôn câu này). Tổng hoà tất cả những điều đó tạo nên những ký ức hỗn tạp về văn hoá Việt trong hắn. Đấy là còn chưa kể tới sức ảnh hưởng không hề nhỏ về văn hoá của những bộ phim tiếng Trung siêu dài tập và dài kỳ được chiếu đi chiếu lại chiếu tái chiếu hồi trên các kênh sóng truyền hình.

Văn hoá do đọc sách mà tạo thành

Lớn lên một chút khi đã biết đọc sách và thích đọc sách thì thêm một nguồn nữa cho hắn hấp nạp những hiểu biết về văn hoá Việt đó là qua những quyển sách, những tác phẩm văn học. Mà những tác giả dù cũ dù mới, dù già dù trẻ, dù văn hay thơ đều không ít thì nhiều truyền vào mỗi trang giấy những văn hoá hết sức thuần Việt. Và từ đó hắn được thưởng thức và hiểu thêm về những gì các cụ nhà ta đã đi qua, lẫn những sự phát triển về văn hoá qua các thời kỳ. Nói chung là đọc thì hay đấy nhưng nhiều quyển hơi mọt và lý thuyết. Nên những sự phản ánh về văn hoá trong sách cũng có giới hạn và không được phong phú cho lắm.

Văn hoá ảnh hưởng từ mạng internet

Và tới thời kỹ thuật số khi mà nhà nhà có internet, người người có tài khoản mạng xã hội. Thì văn hoá lại được bổ sung và làm màu mỡ thêm từ nguồn do người dùng tự đăng lên thông qua các bài viết trên mạng. Khởi đầu là những blog yahoo 360, sau đó là sự bùng nổ của các mạng xã hội khác cả của nước ngoài lẫn của Việt Nam. Thành ra là văn hoá Việt lại một lần nữa lan rộng hơn, chui sâu hơn và được hiểu một cách đa dạng hơn ở đủ các tầng lớp xã hội. Điều này vừa tích cực mà vừa tiêu cực. Tích cực là nhiều người thêm biết và thêm hiểu về những nét văn hoá Việt kể cả những bạn rất trẻ thuộc gen z thậm chí là sinh sau năm 2010 cũng có thêm nguồn để đọc bên cạnh sự xâm lăng của văn hoá Kpop. Nhưng tiêu cực là vì không có những nguồn chuẩn lẫn không có tư duy phản biện thông tin, nên nhiều người dùng cái gì cũng cho là chuẩn là đúng. Dẫn tới việc là văn hoá Việt nhưng lại hiểu như văn hoá nước ngoài và văn hoá tây lại coi như là văn hoá ta, đấy là còn chưa kể tới sự xâm thực của văn hoá tàu văn hoá hàn bao nhiêu năm qua. Lẫn lỗn láo nháo và như một nồi cám heo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Còn riêng với hắn thì hắn biết ơn internet và mạng xã hội, vì trên đây tuy có nhiều thông tin dởm, sai và đểu những cũng là một nguồn uy tín mà giúp hắn chỉnh sửa, thay đổi lẫn nhìn nhận lại văn hoá Việt đã hấp nạp, thẩm thấu bao nhiêu lâu nay từ ba nguồn đã nhắc tới phía trên.

Tổng kết

Dọc theo hành trình của thời gian. Hắn được biết được học được nghe và được xem vô số những câu chuyện lịch sử và văn hoá Việt Nam thông qua rất nhiều nguồn. Và mỗi nguồn thì đều có những giới hạn và tính tốt xấu khác nhau. Nhưng chung quy lại thì lịch sử Việt hay văn hoá Việt đều rất đẹp rất đáng trân trọng và nên được hắn lẫn những thế hệ bây giờ chung tay xây dựng và làm giàu mạnh thêm mỗi ngày.

Leave a Comment