Một vài chia sẻ kinh nghiệm để chiến đấu một mình trong bệnh viện mà chẳng có ai thay ca của mình mấy tháng vừa rùi. Mong rằng sẽ hữu dụng với ai đó chẳng may gặp phải cảnh vô cùng vất vả này sẽ có chút động lực và đỡ mệt hơn khi gặp phải nhé. Toàn bộ những gì mình viết đều là những thứ thu nhận được thực tế không phải ngồi nhà mà chém ra nên cực kỳ hữu dụng đó bạn ơi.
1) Đầu tiên là phải chuẩn bị kỹ và thật nhiều đồ đạc vì sẽ chẳng có thời gian cho bạn về nhà để lấy hay nhờ ai lấy hộ, vấn đề chỗ để mình sẽ chia sẻ ở phía dưới nhưng trước mắt là phải có thật nhiều vật dụng cơ bản cho sinh hoạt của mình lẫn người bệnh đã mọi thứ sau này sẽ du di và xử lý tiếp sau. Một số thứ như quần áo để thay đặc biệt là đồ lót, khăn mặt + bàn chải, dầu gội đầu + xà bông, bột giặt và nước rửa bát bắt buộc nên có để đảm bảo cho mình và người bệnh tránh những căn bệnh khác lây qua đường dùng chung. Chẳng may mà thiếu quá bạn chỉ còn có nước đi mua, mà thực sự chi phí sinh hoạt ở viện đắt gắp đôi ở ngoài. Cây kem bạn mua 6k ở trong này có thể bán 10k thậm chí là 12k là chuyện hết sức bình thường. Đồ ăn thì thường có kèm đũa và thìa luôn nên bạn có thể giảm bớt việc mang đồ để đựng trừ việc nên có một chai nước khoảng 1.5 lít cho bệnh nhân và một chai lavie 500ml cho mình sử dụng mang theo người lúc bị đuổi khỏi buồng mỗi lượt đi thuốc hàng ngày.
2) Luôn luôn chuẩn bị sẵn trong tư thế ngủ được là ngủ. Vì một lẽ rất tự nhiên ban đêm trong này, nhất là những khu cấp cứu bật đèn 24/7 và lượng bác sĩ y tá đi lại với tần xuất cực lớn và bạn sẽ chẳng có một giấc ngủ yên bình đâu. Gầm giường trống có chiếu khò luôn, hành lang vừa lau sạch sẽ khò luôn, ghế ngoài khu khám bệnh không có ai ngồi ngả lưng khò luôn, ghế của đội hướng dẫn và bảo vệ không dùng tới êm êm tranh thủ ngồi được khò luôn, giường bệnh nào trống chưa có bệnh nhân mới vào leo lên được tránh ánh nhìn y tá khò luôn, gác thượng có nắng nhẹ mà không có ai lên khò luôn….. rất rất nhiều địa điểm bạn có thể khò và lấy lại năng lượng. Không cần phải ngủ quá nhiều, ít nhưng cứ ngủ được để lấy sức là tốt nhất.
3) Giặt quần áo phải thật kỹ, vò thật khô mới đem đi phơi. Lý do là chỗ phơi trong này ít và tranh nhau từng mét vuông một nên quần áo cực khó khô đặc biệt là vào mùa mưa. Quần áo không khô sẽ dẫn tới mốc, mùi khó chịu dù có dùng bột giặt thơm nhất cũng chịu bó tay không cách gì làm cho bớt mùi được. Mặc vào người thì đảm bảo nấm và lang ben tung hoa tung bông trên người luôn.
4) Đừng chủ quan vào sức khỏe mà coi nhẹ việc ăn uống và ăn mặc. Đơn giản bạn có thể trụ 1 ngày 3 ngày thậm chí là 5 ngày trong này nếu là thanh niên trẻ khỏe NHƯNG khi con số đó được đếm bằng tuần thì xin phép nhé con bò tót cũng vẫn có khả năng gục như thường. Vì trong này ngoài áp lực về công việc chăm sóc người ốm trong một môi trường trắng muốt còn một áp lực nữa về mặt tâm lý cực kỳ cực kỳ khó chịu và luôn theo sát bạn 24/7. Đó có thể là người nhà có biến chứng cần cấp cứu gấp, đó có thể là sự ra đi của bệnh nhân giường bên cạnh, đó có thể là tiếng rên la kèm cứt đái của một góc nào đó trong phòng bệnh…. thật đáng sợ và stress cực luôn Thề đừng chủ quan đừng cười vì chỉ khi bạn ở trong này thật lâu bạn mới cảm nhận được hết những gì mình kể.
5) Chỗ để đồ luôn là đề tài nóng của tất cả các bệnh viện vì lý do, người nhà thường ở xa mang balô to balô nhỏ lên rất khó để có đủ tủ để đồ. Nên lời khuyên là hãy sắp xếp đồ đặc thật ngăn nắp trước khi nhận phòng bệnh, khi đã nhận thì quan sát thật kỹ những vị trí khuất có thể để thêm đồ, có túi nilon để tìm chỗ treo nếu đó là hoa quả và đồ ăn. Tranh thủ đi bộ dọc hành lang để tìm ra những vị trí khác ngoài buồng bệnh có thể dung nạp đống đồ của mình, tất nhiên những đồ đó phải ít giá trị và quan trọng vì một lẽ đồ đạc trong này rất dễ cất cánh mà bay không lý do cho dù đó có là một cái bô đi nữa.
6) Luôn cười thật tươi chịu khó hỏi y tá và hộ lý những điều chưa biết và cảm ơn sau khi có thông tin. Đừng im im như bị thóc để rồi chịu thiệt bị mắng hoặc làm sai hoặc gì gì đó. Mình nói điều này không có nghĩa là chịu lép vế, mà là phải hoạt ngôn hỏi han và làm quen, nhưng sẵn sàng tóc váy lên bật lại nếu những điều nào là vô lý nhé, đừng để bị bắt nạt.
7) Đi bộ thuộc lòng sơ đồ tòa nhà và các khoa sẽ giúp bạn tiết kiệm được thời gian đi lại trong bệnh viện lẫn có thể giúp đỡ những bệnh nhân khác khi cần thiết. Có thể tranh thủ làm quen với mấy bạn y tá thực tập cho vui tránh bị buồn và stress nơi bệnh viện nhàm chán này.
8) Tắm rửa là vấn đề đáng quan tâm thứ hai sau ngủ, với những bệnh viện có nhà tắm dịch vụ thì không nói, bạn có thể tốn chút tiền để tận hưởng một không gian sạch sẽ trong ngoặc kép. Còn những nơi không có thì bạn phải chấp nhận ngó nghiêng xem buồng tắm lúc nào không có người vô thì nhào luôn vào mà kì cọ nhanh nhất có thể.
9) Thư giãn vào buổi tối trước giờ đi ngủ bằng việc ngồi thiền hoặc tìm xem có cuốn sách nào hay ho gần đó không để đọc, bạn có thể mang sách theo để giết thời gian trong những lúc như thế này. Buổi tối ở viện thời gian trôi qua cực chậm và chán nếu không có ai tới thăm thì một lúc là ngán tới tận óc luôn. Có thể bạn không tin những mình đã từng nhâm nhi sách về đoàn viên và tư tưởng Hồ Chí Minh trong những ngày chui gầm giường ở viện tim đấy. Mình tìm được mấy quyển đó trong ngăn tủ bụi mù mốc meo có vẻ hàng năm trời không ai động đến ở khoa mạch máu.
10) Chú ý lúc sắp đến giờ đi ngủ sẽ có người cho thuê giường gấp để người nhà dùng. Tùy mỗi bệnh viện tùy khoa mà giờ giấc và người cho thuê sẽ khác nhau nhưng nên chuẩn bị sẵn tiền lẻ để thanh toán vì họ không có nhiều tiền mệnh giá nhỏ để trả lại bạn đâu, thường là khoảng 20k cho một tối, 50k cho 3 tối cuối tuần 6 7 + chủ nhật. Chọn thật nhanh, với người mới thì sẽ khó chứ với mình việc nhìn ra giường gấp ngon là cực đơn giản. Cứ cái nào nhìn phần vải mới và các thanh nối nhỏ nhỏ móc các thanh dài mà thẳng không cong và biến dạng là giường tốt. Nếu sai thì thôi đằng nào mai cũng lại lựa cái mới rồi.
11) Cho bệnh nhân uống thuốc và ăn đồ đúng giờ để nhanh khỏe. Với mình thì vấn đề này khá đơn giản nhưng những nhà có thay ca thường quên cái này cái kia và rất dễ quên luôn giờ uống thuốc.
12) Mở miệng ra xin những thứ thuốc không được kê trong bảng điều trị như thuốc ngủ, thuốc đau bụng nếu người nhà bị mắc gì đó hoặc mất ngủ. Đừng im và cũng đừng gật gù cho qua bằng việc ra ngoài mua vì như vậy rất nguy hiểm không tốt cho bệnh nhân.
13) Cân nước tiểu và cân phân dùng bô hoặc cân bỉm nhớ trừ đi khối lượng của hai thứ này nếu không bạn vô tình sẽ tính sai để báo y tá khi được hỏi.
14) Để ý những gì bác sĩ thăm khám căn dặn, đặc biệt là những loại thuốc mua ngoài mua thêm để mua cho đúng loại và đúng liều lượng.
15) Giúp đỡ những người khác cũng là gửi vào tài khoản được giúp lại của bạn khi ở viện đó. Những ngày tháng ở trong viện chăm người nhà mình giúp nhiều người và cũng được giúp lại không ít. Mình vui và cảm thấy thực sự quý những tình cảm mà con người trong đó dành cho nhau.
Vậy thôi 15 điều nho nhỏ hy vọng sẽ giúp được ai đó ngoài kia gặp hoàn cảnh giống mình.