Hồi ký

Kẹo bông, bỏng Tây Du Ký một thời bé thơ

Tuổi thơ có lẽ ai cũng đôi lần được ba mẹ thưởng cho một cây keo bông trắng tinh, hay nhâm nhi những thanh bỏng dài thật dài có hình thiết bản hay bồ cào trong Tây Du Ký mỗi khi tan học. Nhưng nếu chỉ kể về hai món ăn như trong tiêu đề của chương này nhắc tới thì có lẽ chưa đủ và còn thiếu quá nhiều những món quà vặt ngon lành. Thế nên cái tên ngày hôm nay chỉ là một nút thắt nho nhỏ để mở ra cả một vũ trụ quà vặt của bọn trẻ con 8x bọn mình.

Đầu tiên là món kem cốc kem mút 500đ mà có lẽ thế hệ 9x 10x ngày nay sẽ chẳng bao giờ biết tới khi mà ngày nay nào là kem Wall Kibo, kem cá, đá bào Bingsu, kem tươi Jelly, Yogen Fruz, Ốc quế lốc xoáy….. và sự xuất hiện của nhiều món kem tươi mát màu sắc khác. Hồi đó kem chỉ xúc như xúc đất vào từng cái vỏ ốc quế, hay được đựng trong những thùng xốp như chở hải sản bây giờ theo từng lốc cứng như đá tảng, kem cực rẻ cực mát nhưng cũng cực nhạt nhưng chẳng hiểu sao bọn trẻ con hồi đó cực mê. Mê đến mức có những giờ nghỉ giải lao cũng tranh thủ chui qua cái kẽ nho nhỏ ở cổng trường để mua cho bằng được một cốc, một cái kem 500 ấy. Thú thực vệ sinh an toàn của những chiếc kem rẻ hều ấy chắc cỡ dưới cả 0 nhưng mình chưa từng bị đau bụng khi thưởng thức bao giờ, cũng thật lạ trong khi kem ngày nay nhiều cái ăn xong đã thấy hơi ấm ách rồi.

Thứ hai là bộ ba món hay đứng cạnh nhau là kẹo bông, bỏng Tây Du và nước mía. Nhâm nhi một cái kẹo bông mềm sốp thơm phức mùi đường đã đủ đã, nhưng nhìn những vòng quay đều để tạo ra những chiếc kẹo mới còn đã hơn. Không biết có phải do thời gian mà bây giờ mình không còn cảm tình với những chiếc kẹo bông nữa, mình thấy nó nhỏ hơn và thường được làm sẵn bỏ vào bao nilon chứ không được trực tiếp sản xuất trước mặt bọn trẻ nữa. Còn bỏng thì khỏi phải nói, ngon thơm mùi ngô mùi nếp, nhiều màu sắc và hình dạng. Mình có thể nhai tóp tép từ trường về tới nhà mà mới chỉ hết có một nửa cây. Nhiều hôm, chị chủ nhà còn mua thêm một túi nước mía để nhậu cùng bỏng, nhai một miếng bỏng lớn hút một miếng nước mía to cứ gọi là phê hơn cả cỏ mà dân chơi bây giờ hay sài.

Thứ ba là cam thảo, ngày đó thuốc tây chưa nhiều và còn đắt nên người ta hay tới ông lang để được khám và kê thuốc hơn là tới bệnh viện. Trong mỗi thang thuốc thường được bỏ một ít cam thảo để thuốc đỡ đắng và thêm phần dẫn. Bọn trẻ con bọn mình toàn ngó trước ngó sau lấy hết cam thảo trong thuốc ra để nhai cho sướng miệng. Nhai cái này nó ngọt ngọt, thơm thơm và rít ra nước màu nhìn cực thích. Nhiều đứa nghiện qua mà nhai tới mức chảy cả máu cam, bố mẹ phải cấm tiệt.

Thứ tư là bánh đa kê, bánh gio, bánh dày mặn ngọt và một số loại bánh quê khác. Mình không thích hầu hết mấy loại này nên chỉ liệt kê vô cho đủ chứ ăn một miếng đã ứ tới tận họng rồi.

Thứ năm là cái loại kẹo bánh Trung Quốc như ô mai hoa đào, kẹo nổ, thạch bút dài, bò khô mực (mà ngày nay bị bóc phốt là cao su), cao su dưa bở, Vitamin C trái tim, ô mai sợi và tất nhiên không thể không nhắc tới món ăn thần thánh mà bây giờ vẫn nhiều người mê mẩn mỳ vụn tẩm gia vị. Cái món cuối cứ gọi là ăn từ ngày này qua ngày khác, từ hè này qua hè sau mà vẫn không dứt được miệng. Ăn tới mức mọc mụn đầy mặt, khô cả cổ họng và cây xé cả lưỡi mà vẫn khoái vẫn thích bóc thêm gói nữa. Nói chung là cả một bầu trời tuổi thơ chỉ có toàn mấy thứ ấy.

Thứ sáu là kẹo kéo thổi thổi đủ hình thù. Thề bây giờ nghĩ lại sao nó bẩn vãi ra, nước bọt các kiểu cứ phun phì phì vào vậy mà bao nhiêu bé con ngày đó ăn như phải bả. Riêng mình có mua ăn thì không có chuyện bảo thổi thổi thành các hình thù, chỉ cần cuốn cuốn một chút lên cái que là được.

Thứ bảy là gì thì quên rồi bạn nào nhớ ra thì kể giúp mình với để cùng hồi tưởng về thời thơ ấu ăn vặt đã cả miệng đau cả ruột nhé.

Leave a Comment