Hồi ký

Hà Nội chuyện mất điện ngày xưa

Nhiều người thường nói dân Hà Nội sống lạnh tanh à, nhà nào biết nhà đấy và chả có mấy cái gọi là tình làng nghĩa xóm. Hắn lúc đầu nghe thì cũng ấm ức cũng tưng tức thiệt, nhưng rồi ngẫm lại thì Hà Nội của hiện giờ đúng là đang diễn ra tình trạng như thế thật. Nhà nào cũng kín cổng cao tường, sáng đi tối về và hiếm hoi lắm mới hỏi thăm nhau đôi ba câu gọi là cho có phép lịch sự còn có khi vài năm chẳng biết mặt nhau. Đặc biệt là trong 2 năm Cô vy vừa rồi, ai ra đường cũng mặt nạ khẩu trang kính chắn thì cái chuyện chém gió thăm hỏi còn ít hơn nữa. Có chăng thì cũng là câu hỏi tiêm chưa? nhiễm chưa? hay là bao giờ thì lại chọc mũi nữa mà thôi. Nhưng thực ra Hà Nội cũng đã từng có văn hoá sống như ở quê, các nhà biết nhau từ đầu phố tới cuối phố, và chuyện tối tối kê chiếu ra đường ngồi tụ tập là chuyện thường xuyên. Ấy là lúc thủ đô vẫn còn hay mất điện, hay nói đúng hơn là chuyện mất điện diễn ra như cơm bữa.

Hắn nhớ khoảng thời gian đó cũng khá xa rồi, chắc độ trước những năm 2000 thậm chí là 94 95 gì đó khi hắn vẫn còn sống ở nhà cũ. Hồi đó nhà hắn vẫn còn ở mặt phố Lê Văn Hưu, nên dường như được chứng kiến hầu hết và trước nhất những đổi thay lẫn những lần tụ tập chuyện này chuyện kia kiểu đi bão bóng đá như tháng trước chẳng hạn. Và mất điện cũng là một trong những sự kiện đáng chú ý thời đó, dù nó diễn ra khá nhiều và chẳng phải một năm mới có một lần để bảo trì như bây giờ. Ngày đó mỗi lần mất điện phải tính bằng giờ, bằng buổi, thậm chí với những đợt biến áp bị hỏng nặng, bị cháy chưa thay thế được ngay thì chuyện mất bằng ngày cũng đã từng diễn ra, tất nhiên không phải quá phổ biến như việc mất đôi ba giờ. So với hiện tại thì hắn nhớ đợt mất điện gần nhất hình như cũng phải gần năm rồi, và cũng mất đâu đó có nửa tiếng, còn trước đó một năm có một đợt phải thay thế biến áp thì có thông báo trước đôi ngày là đợt đó sẽ mất từ sáng đến trưa nhưng thực ra là cũng chỉ khoảng 2 tiếng từ 8h30 sáng đến gần 11h trưa là có lại rồi. Nói chung là cũng khá là nhẹ nhàng và chưa phải dùng đến đèn cầy, cái đèn cầy nhà hắn dùng chắc phải có tuổi đời mười mấy năm rồi mà mới hết có phân nửa. Mà tốn phần nhiều là ở đôi lúc hắn thắp lên cho vui với nghịch chứ còn thắp lúc mất điện buổi tối còn ít hơn. Mà EVN cũng thông báo trước hai ba ngày, nên nhiều nhà cũng chả thèm ở nhà lúc đó mà chạy di tản ra cà phê, hoặc sang nhà bạn bè. Chứ còn thời xưa cũ á, mơ đi mà được thông báo, cứ mất là mất thôi. Mà còn có kiểu mất gián đoạn, mất 1 tiếng có 15 phút rồi lại mất tiếng 1 tiếng rồi lại có, chập chờn cứ như đánh bẫy chuột ấy, nhiều lúc tưởng có rồi cắm nồi cơm thì lại mất và phải bắc ra ngoài bếp than thổi nốt, thành ra nhiều bữa do mất điện mà cơm nửa chín nửa sống ăn cứ như cám nhợn 🐷

Thế là cứ mỗi lần như vậy bà con ta lại hò nhau ra đường trải chiếu, kê ghế và chém gió chuyện trên trời dưới biển. Thường là ngồi dưới những tán cây cổ thụ hoặc chí ít cũng ngồi ngay hiên nhà. Mà cây cối hồi đó to dã man con ngan, hắn nhớ có những cây mà phải vài thằng nhóc 6 7 tuổi ôm mới hết được xung quanh, tán lá thì rộng từ lề đường bên này sang lề đường bên kia, mà còn có nhiều tầng nữa, nên mùa hè hầu như không bị nóng và phả hơi hầm hập chín trứng như bây giờ. Đang trong nhà mất điện giữa mùa hè thì cứ phi ra ngồi dưới bóng cây cổ thụ, thì có là giữa trưa hay tối đến cũng đều mát rười rượi. Nhiều cây như cây nhãn trong sân nhà hắn thì một hai năm tuỳ lượng nước lên nhiều hay ít mà sẽ cho quả, thành ra các nhà lại vừa nói chuyện vừa vặt quả măm măm cứ vui như tết. Internet, 3g 4g ở thời điểm đó là những khái niệm vô cùng xa lạ, đến cả cái điện thoại bàn còn hiếm gặp không phải nhà nào cũng có. Như nhà hắn còn được nhà khác nhờ lắp dưới danh nghĩa người làm cơ quan, rồi phải đóng hộp thép có khoá bảo quản như báu vật. Nên cứ mất điện là khỏi có gì chơi, tivi không, điện thoại thông minh không, 4g không nốt thế nên vui chơi chạy nhảy quanh phố và buôn xuyên lục địa là những hoạt động bắt buộc phải diễn ra. Do đó tình lắm nghĩa xóm hồi đó cứ gọi là dính như kéo dính chuột, dâng lên cứ gọi là tận nóc, nhà đầu phố dù chả có ý quan tâm nhưng kiểu gì cũng biết nhà cuối phố đang làm gì, vì cứ lâu lâu lại tối om cả cửa nhà và bà con lại kháo nhau ra đường làm thông tấn xã vỉa hè mà lị.

Thành ra mất điện ở những năm chín mấy đó tuy khó chịu nhưng cũng mang lại những điều thú vị của cuộc sống. Chứ không phải kiểu nhà nhà có điều hoà, cứ phải đón kín cả cửa trước lẫn cửa sau như bây giờ. Còn mất điện á, ta có quạt lưu điện, không thì cũng còn điện thoại lướt lướt 4g chứ hơi đâu mà trải chiếu ra bên ngoài chém gió với ai. Mà quả thực bây giờ mà làm chuyện đó có mà dở người, đường thì siêu bụi, cây cối thì nhiều cái bé như que củi chưa chịu lớn, bê tông mặt đường nóng đủ làm ốp la thì ai hơi đâu mà chui ra đường túm tụm làm gì cho ốm thêm. May ra chỉ ở những vùng ngoại ô, nhà cửa chung cư còn ít, vẫn còn những mảng xanh và ao hồ thì mới làm chuyện ấy thôi. Hệ quả là người Hà Nội mỗi ngày một xa cách nhau hơn, bọn trẻ cũng ít có những hoạt động ngoài trời mà tụ tập nhiều vào màn hình máy tính với thế giới ảo, với điện thoại với tiktok và các nhà thì ai biết nhà đó, thậm chí còn chả biết phía trước phía trái phía phải là nhà ai. Và chúng ta có những câu nhận xét của người dưới quê, người ở nơi khác tới như ở đầu bài viết.

Chẳng biết nên vui hay nên mếu nữa, vì với sự phát triển của đô thị bây giờ thì tình trạng đó sẽ ngày một phổ biến hơn. Thậm chí giữa các tầng trong chung cư cũng ít khi giao lưu nhiều với nhau nữa, đặc biệt là trong dịp con Vy điên đảo vừa qua, ai cũng sợ cũng lo này lo kia và thiếu đi sự kết nối, hoặc nếu có cũng là những kết nối ảo không thực tế không zui và tình cảm như xưa. Hy vọng rằng Hà Nội trong tương lai sẽ có nhiều những điểm kết nối và vui chơi như công viên, khu vui chơi, nhà thiếu nhi, trung tâm văn hoá, quảng trường, phố đi bộ, công trình công cộng.., để chuyện nhà nào biết nhà đấy hay là trẻ còn làm quen với mạng hơn đời thực sẽ bớt đi. Chứ tất nhiên hắn cũng chả mong Thủ đô ta mất điện thường xuyên để nhà nhà ra đường trải chiếu ngồi buôn dưa lê nha, thế thì chết vì bụi với khói xe mất 😂

Leave a Comment