Hồi ký

Gmap thời 8x

Với Gen Z ngày nay thì việc tìm đường vô cùng đơn giản, chỉ cần một chiếc điện thoại có kết nối 4G hoặc tải sẵn bản đồ ngoại tuyến là muốn đi tới đâu cũng không hề khó khăn. Nhưng ở thời các chú các bác hoặc các anh như thế hệ của hắn chẳng hạn thì việc tìm đường vô cùng vất vả nhất là với những người có căn bệnh mù đường kinh niên như tác giả bài viết này. Vậy thời đó tìm đường để đi nó như thế nào? Hãy để hắn kể cho mà nghe nhé.

Hỏi bằng mồm

Đây chính là cách thức nguyên thủy nhất từ khi loài người sinh ra tới nay để có thể tìm được đường đến nơi mình mong muốn và ở thời của hắn thì cách này vẫn vô cùng thông dụng cho tới tận khi hắn học xong đại học mới bắt đầu ít được phổ biến. Lý do tại sao cách thức này dần tuyệt chủng có lẽ là một câu chuyện vừa bi vừa hài diễn ra tại Hà Nội này mà thời đó đã được lên cả báo giấy lẫn báo mạng về tấm biển hỏi đường 10k 5k, hắn xin phép đính kèm ảnh để bạn dễ hình dung.

Chỉ đường 10k 5k

Nguyên nhân thì được các tác giả tấm biển phân trần là do bị hỏi nhiều quá, lười trả lời hoặc không muốn trả lời nữa nên ghi tấm biển này ra để đỡ bị làm phiền chứ thực lòng cũng chả muốn lấy 10k 5k này làm gì. Tất nhiên đây chỉ là một trong những tác nhân làm cái sự hỏi đường bị phai một đi ít nhiều, còn tác nhân chính vẫn là sự lên ngôi của dòng điện thoại thông minh với các ứng dụng bản đồ kiểu Gmap, Here map, Waze… thay thế cho cách tìm đường và hỏi đường truyền thống vẫn diễn ra cả trăm nghìn năm nay. Nhưng cũng phải nhìn nhận thực tế là ở thành phố việc hỏi đường theo cảm nhận của cá nhân hắn thì khó khăn và thái độ thì không nhiệt tình cho lắm so với các vùng quê. Thế nên cách thức dùng mồm để hỏi này, dần dà không còn được yêu thích nữa. Thêm nữa là việc chỉ đường dạng này độ chính xác cũng dựa hoàn toàn vào người được hỏi, nhiều khi người ta do vô ý hoặc nhầm lẫn chỉ tới một con đường mà đi một lúc lại thấy xa dần cái điểm mình cần tới thì cũng đành bó tay hỏi lại người khác. Hắn nhớ có một lần hồi đại học, đi vào một con ngõ khá bé và hẹp, hắn thì mặt gian gian nhìn ngó hết nhà này tới nhà khác mà trí nhớ ngắn hạn lẫn dài hạn vẫn chưa nhớ ra đường vào chỗ cần đến và đang định hỏi người dân thì một bà cô ra dò xét, rồi bắt đầu quát nạt kiểu vào ngõ sao không hỏi mà cứ lần lũi lui xe ra lui xe vào. Tới lúc hắn tìm được người thân cũng là dân trong ngõ và đi vô nhà họ cũng gần gần đó thì bà cô kia mới thôi to tiếng. Thế nên cái món hỏi đường bằng mồm này cũng ít nhiều hên xui ra phết.

Bản đồ giấy

Nếu nói một cách thiên vị thì hắn thích cách này nhất trong các phương thức tìm đường. Vì nó chủ động, có thể thực hiện trước chuyến đi và thích lúc nào là lôi ra dò tìm ngay và luôn mà không cần nhờ vả ai cả. Ở thời đó các tấm bản đồ của thành phố được bày bán rộng rãi tại các sạp báo lẫn cửa hàng tạp hóa ven đường, cứ hỏi là có và mức giá thì chỉ bằng nửa bát phở. Với hắn suốt một thời học sinh phải dùng tới 3 đời bản đồ dạng này vì như đã nói ở trên, hắn bị mù đường mãn tính, nhiều khi một địa điểm đã đi rất nhiều lần mà vẫn quên và phải tra cứu. Nhưng vì làm bằng giấy nên việc mở ra gấp vào nhiều kèm với việc đi ngoài đường thường xuyên với thời tiết nắng mưa ở Hà Nội nên nó khá dễ hỏng nếu không dùng cẩn thận. Dù hắn đã bảo quản tương đối kỹ hơn người khác, luôn cất trong một chiếc túi nilon dày và khi trời mưa thì phải chui vào chỗ nào có mái che, lau khô tay rồi mới dám sờ vô.

Việc tìm đường trên này cũng vô cùng đơn giản nếu bạn đã quen, ví dụ bản đồ Hà Nội được chia thành từng quận riêng biệt và trên toàn bản đồ thì được chia thành 6 hoặc 8 ô chữ nhật có đánh số và chữ. Bên dưới thì có danh sách tất cả các tuyến phố của Hà Nội có tên và khu vực thuộc ô chữ nhật nào. Một vài địa điểm quan trọng và hay được thăm quan sẽ được làm nổi bật để bạn dễ dàng tìm ra. Nếu cẩn thận trước khi đến một chỗ nào, bạn có thể dùng bút chì kẻ trước tuyến đường đến đó, cứ lúc nào quên thì lấy ra nhòm theo dọc đường đã kẻ đảm bảo không bao giờ lạc và sai (tất nhiên là vào những ngõ ngách thì vẫn lạc như thường nhé, vì tới tận bây giờ vẫn chả có ông lớn nào bao phủ hết những cái này). Thêm một điều nữa bản đồ khá gọn, khi mở ra có thể to bằng nửa cái giường đơn nhưng khi gấp lại thì chỉ đúng bằng tập vở học sinh, lại khá nhẹ nên việc mang đi mang lại vô cùng tiện và đơn giản có thể nhét vào mọi nơi trong cặp hoặc balo.

Ưu điểm là vậy thế còn nhược điểm thì sao. Nhiều lắm ví dụ như không cập nhật theo thời gian thực các con đường mới, hay những con đường chuyển qua một chiều, rồi đường đang sửa chữa hoặc ùn tắc… Rồi thì việc tìm kiếm hoàn toàn phải thực hiện bằng cơm không phải cứ nhấn nút là xong như bây giờ. Cũng chẳng thể nào đo được khoảng cách giữa điểm xuất phát và đích đến. Thế nên giờ này còn mấy ai dùng cái thứ này nữa đâu, đến như hắn thì tấm bản đồ dạng này cũng đã vứt vào xó từ năm 2013 rồi. Nhưng dù gì cũng là một hồi ức đẹp mỗi lần đạp xe tới khám phá những chỗ được gọi là “ngoại thành” ở thủ đô trước năm 2010.

Đi theo hệ tâm linh

Có một câu nói hồi đầu cấp 2 lúc hắn mới biết đạp xe hay được trêu “Cứ đi một vòng rồi kiểu gì cũng về tới Hồ Gươm“. Số là hồi đấy trường cấp 2 của hắn cạnh nhà thờ Lớn Hà Nội và cực gần Hồ Hoàn Kiếm nên lâu lâu lúc tan học cũng đạp xe lượn lờ mấy khu phố cổ. Nhưng thú thực với khả năng của hắn thì chuyện đi vào một phố và không biết đường quay lại là chuyện hết sức tự nhiên, thế nên cứ mỗi lần lạc hắn lại nhẩm trong đầu câu trên và quả thực nó linh nhiệm một cách ảo diệu luôn. Không biết có một thế lực siêu nhiên nào đó dẫn dắt hay không mà cứ mỗi lần đạp mãi không thấy đường nào quen và bắt đầu hoang mang thì lại lòi ra cái tháp rùa ở xa xa. Mà cái chuyện lượn lờ bằng xe đạp này nó cũng hay ho lắm nhé, hắn sẽ xin phép tách ra để kể ở một bài riêng còn hôm nay cứ tập trung vào chuyện đường xá đi đã.

Đi theo trí nhớ và Trust Me Bro!

Vế đầu thì thôi đi vì hắn làm khỉ gì nhớ đường đâu mà đi theo phương án này. Đến những nhà cô nhà chú mà lâu lâu không đến hắn còn quên béng cả đường vào ngõ chứ chưa nói tới ngách nữa là nên biên cách thức này ra cho nó có mà thôi. Quan trọng là ở vế thứ 2 và hắn tin ít nhiều trong các bạn kiểu gì cũng đã từng trải qua, một người lái và một người chỉ đường nhưng theo hệ “niềm tin” hoặc “yên tâm đèo đi, đường này tao đi mãi rồi” và cuối cùng chợt nhận ra lạc từ lúc nào không hay phải quay về dùng phương pháp đầu tiên. Vài lần trong đời hắn đã dính vào trường hợp này và lần xa nhất là lúc dẫn bác bên ngoại về quê ở Phù Đổng nhưng bằng một sự “Trust Me Bro!” thần kỳ nào đó mà hắn và một xe máy khác lái lên tận Hưng Yên mới biết hình như có gì đó sai sai và phải quay đầu. Từ đó tới nay hắn ít tin tưởng vào trí nhớ bản thân và phương pháp “Trust Me Bro!” này nhất.

Trên đây là tất cả những cách thức hắn lẫn thế hệ của hắn từng dùng tới để tìm đường trước khi Gmap và những ứng dụng tương đương ra đời. Còn bạn thì sao, đã từng dùng tới những cách này chưa?

Leave a Comment