Bình thường sau một ca phẫu thuật dài thì bệnh nhân sẽ được nằm trong phòng hồi sức sau mổ chứ chưa được về phòng bệnh thường ngay. Thời gian nằm trong đó lâu hay chậm hoàn toàn tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân với những yếu tố như : thời gian tỉnh sau hôn mê, lượng dịch còn trong vết mổ (phải đặt ống dẫn lưu đã từng được mình viết chi tiết là bộ phận dẫn lưu đó trông như thế nào, mọi người tìm đọc lại nhé), khả năng phản ứng của người bệnh với các yếu tố môi trường như mắt có linh hoạt, miệng có nói chuyện dược không v…v. Trung bình khoảng 4 đến 5 ngày là có thể ra khoa ngoại hoặc chuyển về một khoa chuyên trách nào đó, nhưng cũng có nhiều trường hợp bệnh nhân có sức khỏe tốt, khả năng hồi phục nhanh thì khoảng 3 ngày đã có thể ra, tuy nhiên cũng có trường hợp do một số biến chứng không mong muốn mà bệnh nhân phải nằm trong đó rất lâu từ 1 tuần đến 2 tuần mới được rời khỏi đó khá là buồn và trong thời gian này mình cũng biết một vài trường hợp như thế – chúc các gia đình đó mau mau được rời ra khu ngoài và ra viện.
Và thời gian người bệnh ở trong khoa hồi sức, người nhà hầu như không được thăm nom và chăm sóc mà toàn bộ công việc đó được giao cho đội ngũ y bác sĩ chuyên trách. Người nhà trước khi phẫu thuật được căn dặn mua một danh sách những thứ cần rồi đưa vào đó cho các y tá, ngoài ra khi người bệnh đã tỉnh táo hẳn thì lúc đó mới được đưa cháo vào cho ăn, còn bình thường các hoạt động ăn uống được thực hiện thông qua ống xông đặc biệt chỉ những người phụ trách trong đó mới biết cách đưa vô dạ dày người bệnh.
Trong bảng danh sách đó thì gồm những thứ như trong ảnh mình upload cùng. Cơ bản thì cũng gồm khăn mặt, bàn chải, ống hút, giấy khô giấy ướt, sữa…. Nhưng có hai thứ đặc biệt cần là bỉm và tắm khô. Bỉm để đóng cho người bệnh tránh đi ra ngoài làm bẩn giường bệnh cũng như tránh nhiễm trùng, còn tắm khô thì hôm qua mình đã nói trong bài hồi ký rồi, nó là một thứ không thể thiếu trong này.
Sau khi trao mấy thứ đó cho bác sĩ ở đó, mình sẽ được nghe giải thích về một số thủ tục và quy trình chăm sóc trong phòng hồi sức, nếu có bất cứ tình hình gì biến đổi họ sẽ báo cho mình qua số điện thoại để xử lý tiếp. Và lại một khoảng chờ nữa đến khi có cú điện thoại đầu tiên, nội dung của nó chủ yếu nói rằng bệnh nhân đã tỉnh táo hẳn, người nhà mang cháo dinh dưỡng xay nhuyễn vô.
Uki đặt ngày cháo theo số điện thoại mình xin từ mấy anh em đi trước, sau đó chờ đến giờ để đưa vô. Bình thường ở khoa hồi sức có 3 mốc thời gian để thăm nom và cho ăn, 6h sáng, 11h trưa và 6h chiều, mỗi lượt được 30 phút.
Lần đầu tiên vào khu hồi sức cũng khá là bỡ ngỡ, phải rửa tay sạch sẽ, mặc quần áo họ phát cho và đội kín đầu bằng một cái nón nilon cực kỳ bí, thêm một sự khâm phục các y bác sĩ trong này, họ đội cái nón đó hết một ca trực mà chịu được tài thật.
Sau đó mình được dẫn vào một khu gồm một loạt giường ngay ngắn trên đó có người bệnh đang nằm, mời người được cắm một đống những kim tiêm và chai truyền đủ loại, có người vẫn còn đặt ống xông trong cổ họng chưa được rút ra. Vì đặc thù môi trường trong này nên điện thoại mình cũng không được mang vào để chụp hình nên chỉ có thể mô tả sơ lược lại như vậy cho các bạn hình dung.
Rồi thì mình có 30 phút để thăm hỏi và đút cháo, khá là khó thực hiện vì thời gian mới này người bệnh cực yếu và hầu như không thể cử động nhiều vì các vết mổ khá đau à không cực đau mới đúng và khó chịu toàn thân. Toàn bộ các hoạt động đó khá tốn thời gian và phải làm cực kỳ nhẹ nhàng tránh chạm và những vết đang được băng bó sau mổ.
Xong đó thì bị đuổi ra, chờ đến lượt đưa cháo tiếp theo. Mình thì không được vào đó nhiều, vì sức khỏe cụ nhà mình cũng hồi nhanh nên chả mấy mà đã được di dời xuống khoa mạch máu để nằm và điều trị tiếp rồi. Do đó mình chỉ tranh thủ được ít nhiều thời gian được vô đó ngắm nghía và kể lại các bạn nghe thế thôi.
Nói chung là bệnh viện đã mệnh danh là sạch sẽ và vô trùng rồi, trong khu hồi sức đó còn sạch sẽ và tiệt trùng gấp vài lần bạn ạ.
Uki hôm nay viết thế thôi, chúc các bạn cuối tuần vui vẻ nha!