Hồi ký

Điện thoại bàn ngày xưa

Điện thoại bàn đã từng là thứ nhà ai cũng muốn có thì ở hiện tại hiếm lắm mới thấy tồn tại một cái ở nhà dân, còn chủ yếu chỉ còn xuất hiện trong các công ty hoặc cơ quan nhà nước. Hắn cũng có một thời thơ ấu trải nghiệm cùng em nó, hãy cùng nhớ về những ngày tháng đó nào.

Đăng ký vô cùng khó khăn thậm chí phải nói tùy vào nhân phẩm mới được xem xét là thứ đầu tiên hiện lên trong đầu hắn. Hắn nhớ ngày còn ở phố cũ, cạnh nhà có một cô bán gạo tên Hằng, do nhu cầu cần lắp điện thoại để liên lạc với khách và nhà cung cấp. Nhưng vì những lý do ở thời điểm đó, không phải nhà ai cũng có thể lắp điện thoại. Thủ tục thì khá khó khăn, yêu cầu phải có một số điều kiện nhất định. Thế là cô sang nhà, nhờ vả mẹ hắn lúc đó còn đang làm trên ủy ban quận lấy danh nghĩa để lắp một cái điện thoại. Tất nhiên điện thoại sẽ đặt bên nhà hắn, nhưng chi phí hàng tháng thì cô ấy sẽ lo. Từ đó hắn có thêm một nhiệm vụ vô cùng vinh dự đấy là chạy đi báo lúc có điện thoại. Viết ra thì vất vả vậy thôi, chứ thực tế thì một ngày giỏi lắm thì được khoảng 2 tới 3 cuộc vì thời đó có phải nhà nào cũng có điện thoại đâu, còn các cuộc gọi đi thì không cần phải sang nhà cô thông báo rồi. Nhưng cũng nhờ có điện thoại trong nhà, nên lâu lâu gia đình hắn cũng gọi ké được vài cuộc hoặc nhận vài cuộc từ người thân trong Nam gọi ra. Thôi thì cũng gọi là hai bên cùng có lợi, thêm nữa thằng bé hơi mập mạp hồi đó thì lâu lâu được tập thể dục một tí, dù nhà kia cách đâu đó có 2 nhà.

Vì giá thành và chi phí sử dụng khá đắt đỏ, nên chiếc điện thoại đấy được khóa trong một hộp inox hoặc sắt tây gì đó, chỉ lộ ra bên ngoài phần tai nghe. Còn muốn gọi đi thì phải dùng chìa mở khóa và bấm số. Nếu như hắn nhớ không nhầm thì nhà hắn cũng chả có cái chìa đấy đâu, nên mỗi lần muốn gọi đi thì phải nhờ cô Hằng sang mở. Nhưng nghe thì thoải mái, nên thường nhà hắn có cho người thân ở xa số điện thoại thì họ gọi là chính, chứ nhà hắn cũng hiếm hoi lắm mới gọi đi, thường là vào những lúc cần báo tin quan trọng này kia. Phí gọi đi hồi đó cũng đắt phết đấy, hình như là tính bằng ngàn trên phút chứ không phải block 6s như điện thoại di động hiện giờ. Mà bạn có biết rằng vật giá thời đó, 5000vnd đã có một bát phở bò, và cơm bình dân thì 3500 tới 4000 là đã ăn được. Nên thời gian gọi luôn được giới hạn ở mức thấp nhất có thể, mọi người luôn có xu hướng nói nhanh nói vội và tập trung vào ý chính chứ không cháo lưỡi như ở 2024 đâu.

Rồi thì nhà cô Hằng cũng bán đi và chiếc điện thoại cũng rời đi theo đó. Nhà hắn không còn công cụ để liên lạc nữa cho tới ngày chuyển qua chỗ mới thì hắn mới chính thức được sở hữu một đường dây điện thoại chính chủ, không nhờ vả hoặc dùng chùa. Hắn nhớ đó là khoảng 1999 2000 gì đó, khi vừa về bên Đống Đa, nhà hắn lắp 2 chiếc điện thoại, một ở phòng khách và một ở trên phòng ngủ cụ nhà hắn. Cùng thời điểm đó nhiều nơi trong thành phố cũng lắp những bốt điện thoại công cộng với những chiếc thẻ trả trước đút ra đút vào. Thú nhận một điều rằng hắn khá sợ những bốt điện thoại đó, một phần vì đó là nơi mấy anh nghiện hay gà gật và để lại những ống kim tiêm dùng rồi. Thế nên hắn thường dùng những dịch vụ gọi điện trong nhà dân, thường là mấy cửa hàng cạnh trường học, những lúc tan sớm hoặc có việc cần gọi cho phụ huynh. Giá dịch vụ thời điểm này đã dễ chịu đi rất nhiều so với thời trước đó, nhưng vẫn còn tương đối cao nếu so với hiện tại. Chỉ đến khi Viettel gia nhập thị trường, thì giá cước mới gọi là tụt không phanh. Còn trước đó bưu điện độc quyền về mảng này nên khó mà có cước phí rẻ cả điện thoại bàn lẫn di động.

1080 chắc là số điện thoại quen thuộc của người dân hồi đó. Ở 2024 thì khi cần biết một thông tin gì đó, bạn có thể hỏi AI, có thể tìm kiếm trên mạng. Nhưng ở những ngày xưa cũ đó thì một là đọc báo giấy, hai là thường xuyên xem tivi, ba là phải hỏi chị 1080. Mà chị ấy giỏi lắm nhé, hỏi gì cũng biết và chuyện gì cũng thông. Hắn đồ rằng ngày đó trong các tổng đài 1080 đã được trang bị mạng nội bộ và internet rồi. Chứ nếu không làm cách gì mà các chị 1080 lại giỏi và đa tài tới vậy. Từ tỉ giá tới tư vấn tình cảm, từ địa chỉ các cơ quan tới số điện thoại của ông A ông B, bạn đều có thể hỏi chị 1080. Sau này khi bưu điện phát hành những trang vàng hay còn có tên là niêm giám điện thoại thì hắn mới bớt ngỡ ngàng về sự vi diệu của các chị 1080. Cứ dịp đầu năm, các cơ quan tổ chức được phát hoặc mua những quyển này, nên những quyển cũ lại được thải đi. Và cụ nhà hắn hồi đó hay mang về cho hắn đọc cho vui. Nội dung của những trang vàng thì khá đơn giản dễ hiểu nhưng lại vô cùng hữu dụng. Nó bao gồm hầu hết những sản phẩm, dịch vụ, cửa hàng cửa hiệu, cơ quan tổ chức nằm trên địa bàn Hà Nội và một số thành phố trực thuộc. Thậm chí trong những số đầu tiên phát hành, bạn có thể tra cứu được hết số điện thoại của những người dân theo tên và địa chỉ. Kiểu kiểu như bạn biết bác A ở địa chỉ B nhưng lại không rõ số điện thoại thì có thể tra cứu ngay trên này. Hoặc nhanh hơn thì hỏi 1080 cũng được nhưng sẽ tốn phí. Giờ thì chắc mấy quyển niên giám kiểu này đã đi vào dĩ vãng cùng với dịch vụ 1080 rồi, vì đã có internet để tra cứu. Nếu có gặp lại chắc chỉ trong những tiểu phẩm gặp nhau cuối tuần thời ngày xưa vẫn được phát trên Youtube mà thôi.

Hồi đầu nhà hắn cũng dùng điện thoại có dây, nhưng sau này bác của hắn buôn từ Hải Phòng về điện thoại mẹ bồng con nên nhà hắn cũng đổi mới theo. Hắn nhớ đó là quãng 2005, 2006 gì đó. Về cái điện thoại này nó sẽ có phần mẹ không khác gì những chiếc điện thoại kiểu cũ có bàn phím để bấm số, nhưng sẽ có phần tai nghe rời ra có ăng ten và pin để có thể mang đi mang lại, phần con này cũng có phím bấm như điện thoại mẹ nhé nên nếu gọi đi cũng không cần quay về máy mẹ. Phạm vi hoạt động của nó cũng không được xa lắm đâu, cách tầng thì vẫn ok, nhưng lên tầng 3 hoặc ra ngoài cửa là tậm tịt. Và cái pin của nó cũng chai siêu nhanh, nhà hắn dùng đâu đó được khoảng 2 3 năm là máy con nói chuyện được tầm vài phút là tít tít báo hết pin, để không thì được khoảng đôi tiếng. Nên không còn có thể để ngoài cả ngày không cần gắn với máy mẹ nữa. Sau rồi thì nó cũng hỏng và nhà hắn lại quay về với em có dây truyền thống nhưng bền hơn.

Một trong những nhược điểm của điện thoại bàn ngày đó là bị tác động bởi thời tiết. Cứ hôm nào trời mưa là nghe thấy tiếng rè rè và hội thoại thì tiếng được tiếng mất. Tất nhiên di động bây giờ mà vào vùng sóng yếu cũng xuất hiện hiện tượng tương tự nhưng không phổ biến như điện thoại bàn ngày xưa, cứ mưa một phát chả cần biết to hay nhỏ, hay dây ẩm một tẹo là nghe ra tiếng méo mó rè rè ngay. Nói về cái dây điện thoại này thì còn một điểm trừ nữa là nó có điện, không quá mạnh để gây giật đâu nhưng có lần hắn nghịch ngu dí vào lưỡi theo lời thằng bạn thì cũng tê tê phết đấy.

Vì không có nhiều phương thức liên lạc như ngày nay, nên hồi đó phương tiện kết nối giữa phụ huynh và giáo viên thường là sổ liên lạc và điện thoại. Với sổ thì còn có thể giả chữ ký, nhưng với điện thoại thì khó hơn vì không thể giả giọng được. Nhưng cũng có một cách là ngắt dây khỏi điện thoại để cô giáo không thể gọi cho phụ huynh báo cáo này kia. Và chỉ cần nói điêu rằng “hệ thống điện thoại khu nhà em đang hỏng, có gì cô cứ viết vào sổ liên lạc đem về xin chữ ký là được“. Tất nhiên khi lộ ra thì ăn roi là chắc luôn.

Rồi theo thời gian cùng với sự xuất hiện của điện thoại di động, những chiếc máy bàn dần mất đi giá trị của riêng nó. Không còn là một sản phẩm độc quyền và nhà ai cũng cần phải có nữa. Thêm vào nữa là quy trình hoạt động mỗi ngày một nặng nề và quan liêu khiến những chiếc máy bàn và bưu điện dần mất đi vị thế trong mắt những khách hàng, đặc biệt là những người trẻ như hắn. Rồi nhà hắn cũng ngắt em nó từ 2015 và thủ tục niêu khê vãi ra, phải ra tận nơi để hủy hợp đồng và thái độ nhân viên thì đúng kiểu đứng yên ở những năm 2000 về trước. Lý do ngắt thì cả tháng có khi chả ai gọi mà cũng chả gọi đi đâu vì đã có di động mà vẫn phải trả phí duy trì ngoài cái tiền cước, nên là thôi nhà hắn quyết cho em nó đi bụi. Nhiều người mách rằng chả cần phải ra ngoài cửa hàng hủy làm gì cho tốn công, cứ đếch thèm đóng phí hàng tháng nữa là tự bị cắt. Nhưng cụ nhà hắn thuộc thành phần hưu trí đã từng làm công ăn lương nhà nước nên cũng hơi sợ ảnh hưởng này kia nên vẫn tuân thủ đúng quy trình.

Đấy là tất cả mọi ký ức hắn còn nhớ về em điện thoại bàn, vui có đau đít có và thất vọng cũng có.

Leave a Comment