Hồi ký

Cơm ở viện ăn chỉ để hồi sức

Đây là một sự thực khó có thể tranh cãi, hầu hết các bữa ăn trong viện mục đích duy nhất là để hồi phục sức khỏe kể cả với người bệnh lẫn người nhà đi chăm sóc chứ chẳng phải ăn để thưởng thức hay ăn vì ngon. Lý do thì có muôn ngàn nhưng tựu chung lại đều là:

+ Thức ăn quanh viện cho dù là hàng nấu ngon nhất được anh em đi trước giới thiệu và khen nhiều thì cũng chỉ ở mức trung bình so với nơi khác. Đặc biệt thi thoảng còn có những bữa ăn từ thiện ngon lành chèn vào nữa thì chất lượng của những đồ ăn mua ngoài này càng tụt thêm một điểm.

+ Tâm lý người nhà thì lo lắng chỉ mong ăn uống nhanh còn phục vụ, còn người bệnh thì âu sầu về căn bệnh mình đang mắc, có chữa được không, nếu chữa được thì cũng tốn kém…. nên bữa cơm càng kém ngon đi một phần.

+ Chế độ ăn uống trong này phải đảm bảo đủ một lượng tương đối để dung nạp một lượng lớn kháng sinh và các loại thuốc đặc trị mỗi ngày. Trong khi đó nhiều người ở nhà ăn khá ít, nhưng vào đây mỗi bữa phải ăn cố thêm một chút để nhanh khỏe và tránh đau dạ dày khi uống thuốc.Nên những món ăn dồi dào năng lượng nơi đây lại kém đi một điểm nữa.

+ Mùi bệnh viện, mùi thuốc, mùi đủ thứ ở phòng bệnh cũng làm không gian nơi đây khó có thể là nơi lý tưởng để chén một bữa ăn thơm phức, mọi món ăn xào nấu có ngon tới mấy khi đưa vào không gian này cũng mất đi mùi thơm vốn có của nó và bị hòa trộn vào đủ thứ mùi vị nơi đây.

+ Tác dụng của thuốc uống, truyền và tiêm lên cơ thể người bệnh cũng làm cảm giác thèm ăn mất đi, lưỡi chát và có vị đắng thì thử hỏi món ăn nào có thể gọi là ngon được nữa.

Thế nên việc ăn cho có ở đây chỉ mang tính hồi phục sức khỏe để tiếp tục chiến đấu với bệnh tật chứ chẳng được gọi là ăn bình thường.

Tuy nhiên cũng có một số cách để cải thiện tình trạng này mình đã áp dụng hồi còn chăm người nhà trong viện cũng tương đối hiệu quả, xin chia sẻ để mọi người cùng áp dụng nếu éo le phải đi chăm ai đó trong viện nhé.

+ Thay đổi món ăn liên tục, mỗi bữa một món ăn khác nhau. Tốt nhất là trong 3 ngày không có bữa nào bị trùng, còn nếu không may phải ăn lại thì nên có món gì ăn kèm để cải thiện. Sáng cháo, thì trưa bánh mỳ, tối mỳ vằn thằn, đêm uống sữa ăn bánh nhẹ cho người tiểu đường.

+ Chia nhỏ bữa ăn ra làm nhiều đợt. Tránh ăn làm 3 bữa lớn như ở nhà, người bệnh sẽ rất khó tiêu hóa và hấp nạp thức ăn lại nhanh ngán.

+ Uống kèm các loại nước hoa quả để bữa ăn tránh nhàm chán và bổ sung thêm các vitamin có lợi, đặc biệt vitamin C rất có lợi cho các vết thương sau phẫu thuật.

+ Ăn từ một lượng ít thức ăn rồi tăng dần lên, giảm tinh bột tăng vitamin.

+ Bổ sung thêm một số men tiêu hóa đường ruột để người bệnh đỡ bị đi ngoài và kích thích ăn uống ngon hơn.

+ Cố gắng giữ nóng đồ ăn trong khay hoặc cặp lồng, đồ ăn nguội rất khó nuốt và khô.

+ Và quang trọng nhất tinh thần của những người đi chăm cũng phải thật tự nhiên và thoải mái. Phải thể hiện điều đó ra bên ngoài cho người bệnh thấy dù thực sự không có phải vậy, bạn phải ăn uống thật ngon lành và hào sảng, ăn hết xuất của mình trước mặt người bệnh. Chỉ riêng điều đó thôi cũng đã làm người bệnh ăn ngon hơn và có tinh thần thoải mái rồi.

Đó chỉ mấy điều thế thôi.

Leave a Comment