Hồi ký

Bếp than tổ ong

Ở cái thời mà nhà nhà bếp từ với bếp ga như ở hiện tại thì có lẽ bếp than tổ ong đã trở thành một miền ký ức xa xăm trong không ít anh chị em 8x nhà ta nhất là với các cụ 7x đổ lên. Tất nhiên ở những vùng ven đô, hay những hàng quán bán chè cháo ven đường thì đâu đó vẫn thấy xuất hiện những chiếc bếp than bé nhỏ, leo lét ngọn lửa bập bùng trong những đêm đông lạnh lẽo. Nhưng có lẽ đó không phải một hình ảnh phổ biến như xưa, khi mà những hàng bán đồ nước như phở bún miến đã chuyển hết qua nồi điện với nút bấm xanh đỏ, rồi những hàng đồ xào chiên rán cũng đã sở hữu những chiếc bếp ga công nghiệp lửa xanh lam nóng rực bên dưới những chiếc chảo gang bự chảng. Tới mấy hàng bán nước ven đường, giờ hắn cũng thấy họ đun bằng bếp siêu tốc chứ cũng chẳng có mấy người dùng bếp than để đun nước sôi pha trà nữa. Thế nhưng dù công nghệ có đổi mới bao nhiêu đi chăng nữa thì những kỉ niệm vui buồn với chiếc bếp than có lẽ sẽ còn mãi và trở thành một phần không thể xóa nhòa trong chúng ta. Và để làm những vùng hồi ức đó sáng lại một chút nếu nó đã mờ và nhạt đi với ai đó ngoài kia, hãy để hắn kể về chiếc bếp than cùng khói lam chiều ngày đó ở nhà cũ nhé.

Hắn không nhớ chính xác thì bếp than có trong nhà từ khi nào, chỉ biết rằng nó là một trong hai cặp song sát luôn được cụ nhà hắn dùng để làm nên những bữa ăn hàng ngày. Một là chiếc bếp than nhuốm màu thời gian đen xì mà tới tận năm 6 hay 7 tuổi gì đó nó bị vỡ và nhà hắn phải sắm cái mới nhìn khá là đẹp, nâu nâu màu của đất sét với áo giáp bao xung quanh và có cửa gió bóng loáng làm bằng thép hay sắt gì đó hắn cũng chả rõ, cũng chính là nhân vật sẽ được nhắc tới nhiều nhất ngày hôm nay. Thứ hai là chiếc bếp dầu xanh lè, có chạc ba đen xì hệt mấy cái bếp ga bây giờ và mỗi lẫn muốn đun nấu phải mua dầu đổ vào đít. Nhưng có lẽ dầu đắt hơn than nên cái bếp này không được dùng hàng ngày mà chủ yếu dùng vào những công đoạn chế biến món ăn cần lửa lớn trong một thời gian ngắn như xào thịt bò với rau hoặc rang tôm rang thịt cháy cạnh chẳng hạn. Hàng bán dầu thì cũng ngay bên hàng xóm, hắn nhớ hồi đó ông bán dầu tên Lợi thì phải, dầu được đựng trong những thùng nhựa xanh, to cao hơn cả thằng bé như hắn và có nắp đậy. Mỗi khi có khách, ông Lợi sẽ lấy muôi có kẻ vạch và múc ra rót vào chai cho khách mang về. Thú thực kể lại chuyện này hắn mới thấy ghê ghê, hồi đó làm quái gì có cái gọi là phòng cháy chữa cháy, thế mà các cụ cứ vô tư hút thuốc gần đó và nhà ông Lợi hình như hắn chả thấy có cái gì gọi là công cụ có thể dập được nếu cái thùng nhựa chứa dầu này bốc lửa. Cũng may hơn chục năm sống tại nhà cũ, hắn cũng chưa thấy lần nào nhà bên đó phụt lửa 🔥 và sáng nhất phố. Thôi dừng lại câu chuyện bếp dầu ở đây và quay về với chủ đề chính nào.

Với bếp than muốn đun được thì cần có nguyên liệu là than tổ ong được bán khá phổ biến hồi đó. Với nhà nào mua quen thì cứ hết tháng hoặc 45 ngày là chú bán than lại kéo xe vào để nạp thêm. Xe chở than thì đúng kiểu ngựa người người ngựa bạn vẫn thấy trên kịch nói ấy, một cái thùng to đằng sau được che bằng bạt hoặc có nắp tùy người bán, kết hợp với một đôi càng xe để chủ nhân kéo đi chu du trên mỗi con phố. Hắn còn nghe kể, hồi trước nữa khoảng những năm 197x-198x, khi ngựa với trâu bò còn phổ biến và được chạy thoải mái trong phố thì những người bán than sẽ dùng những con vật này để kéo, nhưng khi hắn lớn lớn và biết chuyện thì chủ yếu thấy họ kéo bằng cơm là chính chứ mấy con kia thì chả thấy đâu. Vài năm sau những chiếc xe tự chế cũng dần ra mắt với việc gắn xe đạp rồi tới xe máy vào hai chiếc càng này để có thể đi được xa và nhiều chuyến hơn trong ngày, tới khi nhà hắn chuyển nhà vào ngõ thì vẫn thấy những chiếc xe bán than dạng chế cháo này chạy bon bon trong ngõ nhỏ.

Giá than cũng khá rẻ, nếu hắn không nhớ nhầm thì một cục than tổ ong có giá 250đ lúc hắn bé tí và sau này tăng lên dần, lúc hắn rời nhà cũ là khoảng 500đ 600đ gì đó hoặc có thể hơn nhưng hình như chưa bao giờ vượt qua 1000đ. Để tiện so sánh thì vật giá thời đó bát phở bò cỡ khoảng 7 đến 8 ngàn, và với 5 ngàn Việt Nam Đồng bạn có thể có một bữa trưa tươm tất, thậm chí có thể yêu cầu quán cơm bình dân rang tất cả lên cho mình kết hợp với dưa chua ăn cực kỳ bén. Thế nên dân thành phố thời đó với hiện trạng không kiếm đâu ra củi và rơm thì chỉ có than là lựa chọn tối ưu nhất về mặt chi phí, tất nhiên với tình cảnh nhà nhà nhóm than vào buổi sáng và đun đồ ăn vào buổi chiều thì không khí cũng thoang thoảng mùi CO khắp nơi. Nhưng vì hồi đó Hà Nội vắng tanh à, tới 7h 8h tối là đường phố vãn người và bọn trẻ con có thể chạy nhảy đá bóng giữa lòng đường rồi, xe máy với ô tô trước năm 2000 thì nhà nào khá giả với giàu có mới sắm được, chung cư cao tầng thì chưa có mấy nếu không muốn nói là hiếm hoi ngoài mấy cái tập thể cao nhất cũng chỉ có 5 tầng. Nên cái sự ô nhiễm và bụi mịn cũng không quá khó chịu, thậm chí người ta còn chẳng nhận ra cái sự ảnh hưởng của khói than tới cuộc sống hàng ngày ấy chứ. Buổi sáng khi đó với lượng cây xanh đông đảo và thành phố chưa bị bê tông hóa hoàn toàn, không khí vẫn rất trong lành, hít một hơi đầy phổi vẫn rất sướng chứ không phải như bây giờ, sáng tinh mơ đã mù sương và hít một phát thì phê tận nóc thì chỉ cần một cái bếp than bé ti hun khói thôi là cả phố hít đủ CO. Do đó dù cả phố đun bếp than thì cũng không chả mẩy may làm chất lượng không khí trong ngày của Hà Nội tệ đi quá nhiều, dù cũng có thời điểm thường là vào buổi sáng khi các nhà và hàng quán đồng loại nhóm than sẽ thấy chút khói bay bay khắp nơi với cuối giờ chiều khi nhà nào cũng đun nấu thì có chút mùi lượn lờ quanh quẩn trên mỗi con đường mà thôi.

Bếp than thì ngoài công dụng chính là để đun nấu thì còn vô số những tính năng phụ trợ khác mà đội bếp ga với bếp từ phải khóc thét và không thể làm được đó là:

Dùng để hầm với kho thì cứ gọi là đỉnh của đỉnh. Những nồi cá kho bằng bếp điện hoặc bếp ga ở hiện tại tuổi tôm khi so về chất lượng với những nồi cá kho hồi đó. Tất nhiên phần nhiều cũng do tâm lý khi mà thời đấy nhà nào cũng đói kém, không phải lúc nào cũng có thể kho một nồi cá ngon, phải vào những dịp sắp tết hoặc có lễ lạt gì thì mới làm một nồi thôi. Nhưng lý do chính vẫn là những nồi cá như thế được kho từ sớm tinh mơ tới tận chiều tối khi than đã nguội, mới bắc xuống cho vào chạn để mai ăn, nên miếng cá cực kỳ ngấm gia vị, mềm mại và hao cơm. Chứ dùng bếp ga hay bếp điện cũng chỉ tầm 2 tới 3 tiếng là tắt bếp rồi, nào dám để cả ngày thì chết tiền, mà có để cả ngày cũng chẳng thể đọ được với cái lửa hồng hồng vừa đủ độ của bếp than mà so với sánh làm gì cho mất công. Nên với riêng hắn thì món cá kho chỉ có bếp than ngày xưa hoặc bếp củi có thể rút ra rút vào ở quê thì mới gọi là chuẩn vị.

Dùng để nướng chả nướng ngô nướng khoai và vô số thứ linh tinh khác. Tất nhiên với than tổ ong thì sẽ không ngon được như than hoa nhưng chắc chắn các loại bếp nướng dùng điện với cồn khô ngày nay phải gọi là đại ca trong khâu chế biến. Cái mùi thơm phưng phức của đồ ăn cháy xém bay theo luồng không khí từ cửa gió đưa lên xuyên qua những lỗ trên bề mặt than kết hợp với lửa bập bùng cũng đủ khiến những thanh niên ngồi xung quanh ít nhiều rớt nước miếng. Xơi hết hạt xung quanh bắp ngô nướng, nhồi tiếp cái lõi vào cửa gió, làm lửa lại thêm phần đượm để nướng tiếp củ khoai, hay con mực trong những ngày mùa đông rét buốt xưa kia quả là những hoài niệm thật khó mà có thể quên. Dù hắn đã lớn, đã ăn đủ thứ đồ nướng của ta lẫn tây thì mùi thơm đồ ăn làm từ những chiếc bếp than hồi đó vẫn là cái gì đó thật khó tả, thật điếc mũi và ưng cái bụng làm sao.

Ngoài hai công dụng để chế biến đồ ăn kể trên bếp than còn được dùng để sưởi ấm trong những ngày mùa đông rét buốt ở Hà Nội. Hắn không khuyến khích dùng ở thời hiện tại do nhà cửa bây giờ quá kín dễ dẫn tới những tai nạn không đáng có mà báo chí đã nói rất nhiều lần mấy năm qua, mà chả hiểu sao năm nào vào đông là lại có một vụ thương tâm chết cả nhà do ngộ độc khí CO từ bếp than gây ra, thật bực vì sự thiếu hiểu biết mà cũng thật đau lòng. Thời đó chỗ đun bếp than nhà hắn là một góc nhỏ trên hành lang vào sân sau, hai bên thông thoáng chả che chắn gì và mái tôn bên trên thì cũng đầy chỗ vá víu hở hang, khói từ bếp than có thể tứ tán đi bốn phía và không gây hại tới người dùng. Người sưởi là một chuyện, nhưng bọn mèo cũng vô cùng khoái vị trí gần bếp này, đặc biệt là những ngày mưa hoặc những khi trời trở gió. Nhưng không biết là do mèo nhà hắn ngố tàu hay là nghịch ngu chuyên dí mũi vào gần bếp lúc cụ nhà hắn rang tôm với đảo cá nữa, mà con nào con đấy đều bị tình trạng râu quăn lại và đôi chỗ trên lông hơi xém xém cháy cạnh nhìn khá là ngộ nghĩnh.

Để sấy quần áo trong những ngày thủ đô chảy nước như đợt này cũng là một công dụng cực kỳ hay ho của bếp than. Cứ làm một cái dây thép rồi căng ra phía trên bếp than, độ nửa ngày là quần áo treo trên đó khô đét hệt miếng thịt trâu gác bếp vẫn quảng cáo trên mạng vậy. Tất nhiên so với những công cụ như mấy sấy quần áo hay tủ sấy ở hiện tại thì không bằng, vì quần áo sấy bằng bếp than kiểu gì thì kiểu cũng hơi có mùi khói, mùi khét hoặc nếu lúc xào nấu không kéo dạt ra hai bên thì có thêm cả mùi đồ ăn kèm dầu mỡ. Nhưng so với việc quần áo hôi mùi mốc và chuột chết của những ngày độ ẩm trên 90 phần trăm thì mùi khói vẫn còn dễ chịu chán. Không chỉ quần áo thôi đâu, bất cứ vật gì mà bạn vô tình hay “cố tình” rơi xuống nước như sổ đầu bài, bài kiểm tra 😂 cũng đều có thể sấy bằng cách này, khô thì có khô nhưng nội dung chắc chắn là bay màu hết.

Xỉ than từ bếp sau một ngày đun nấu có thể để nguội, đập nhỏ cho vào chậu làm chỗ WC cho các boss nhà hắn. Còn một công dụng nữa là trộn với ít đất sét hoặc mùn cưa đem chát vào mấy chỗ hở trên tường cũng rất tốt trong cái thời buổi cái gì cũng thiếu như ngày xưa. Nhưng hai công dụng này chủ yếu là tận dụng và tiết kiệm là chính chứ để so với cát mèo bây giờ hay cát xây dựng với xi măng thì thua xa không thể bằng được. Và đó cũng là hai công dụng cuối của bếp than mà hắn còn có thể nhớ và viết lại.

Tiếp theo hắn sẽ kể về việc dùng bếp than

Điều chỉnh lửa khi dùng bếp than cũng là một môn nghệ thuật mà ai ai thời đó cũng biết nhưng nó vẫn vô cùng kỳ diệu hệt như khi ta đi xem ảo thuật ở rạp xiếc. Chỉ bằng cửa gió, ta có thể mở to để có lửa lớn, mở vừa để có lửa trung bình và đóng kín để có lửa riu riu cực kỳ thích hợp để hầm nhừ những nồi canh xương hoặc để kho cá như đã kể ở phần trên. Khi nào cần lửa siêu lớn kiểu để nướng chả chẳng hạn thì kê thêm cái quạt con cóc vào trước cửa gió, luồng gió từ quạt sẽ thổi thẳng vào cửa gió xen kẽ qua những cục than hoa được nhét đầy trong lò và phả ra luồng nhiệt đủ để làm mọi thứ đầu bếp thời bao cấp cần. So với việc vặn hay bấm nút ở hiện tại cũng không khác là mấy nhưng khi thực hiện mới thấy nó điệu nghệ làm sao, làm hắn một đứa con nít bé tẹo luôn có cảm giác bản thân giống hệt một người thợ rèn đang phập phù thổi lửa tạo nên một thanh thần kiếm từ Orihancon trong truyện dấu ấn rồng thiên.

Việc gắp than ra vào cũng cực kỳ thú vị. Dụng cụ gắp thì nó giống cái kéo phóng to nhưng hai lưỡi thì lại hình trụ tròn như đũa vừa đủ để xuyên qua những lỗ tổ ong trên than. Người mới dùng không biết cách sử dụng sẽ rất dễ làm than trượt khỏi cái gắp ấy, nhưng khi đã quen rồi thì gắp một lúc hai cục cũng không thành vấn đề. Gắp than lúc chưa đun khá dễ chỉ vài lần là biết cách nhưng gắp than lúc đang hừng hừng lửa thì khó hơn rất nhiều, không cẩn thận để cục than nóng bỏng rơi ra thì có khi dính bỏng. Nói chung là khi than đang đun chỉ người lớn mới sờ vào để gắp ra thay mới hoặc gắp từ bếp này qua bếp kia, còn bọn trẻ con chỉ cho gắp những cục đã nguội hoặc than đã thành xỉ và gắp vào chậu đi ị của mèo để đập nhỏ ra mà thôi.

Và cuối cùng một công đoạn vô cùng quan trọng khi đun bếp than nhưng hắn đẩy xuống cuối để nói vì nó cũng thật lắm chuyện để kể đấy là công việc nhóm than. Thường thì có hai cách chính, cách cổ điển là cho than vào bếp, nhồi vào cửa gió một ít giấy vụn từ sách vở hoặc báo cũ – thứ cực kỳ phổ biến ở những ngày 199x khi mà báo mạng chưa xuất hiện, kết hợp cùng một ít vụn gỗ vụn củi nếu xin được được mót được từ mấy cái cây to ngoài đường hoặc nhà nào có đồ gỗ bỏ đi. Ưu điểm của cách này là ai cũng làm được và không tốn điện nhưng nhược điểm là khói um lên như đun bằng rơm rạ và phải tốn công tốn sức tốn thời gian để than bắt lửa. Cách thứ 2 thì mãi đến khi nhà hắn chuẩn bị rời nhà cũ ở Lê Văn Hưu thì hắn mới thấy, đó là một dụng cụ nhóm than có dạng đế, bên trên xoắn quẩy vài ba vòng dây mai xo. Chỉ việc cho than lên và cắm điện là vài ba phút sau chúng ta có một cục than nóng bỏng để đun nấu. Ưu điểm là nhanh, dễ dàng ai cũng làm được nhưng nhược điểm là tốn điện, nguy hiểm hơn kiểu truyền thống nếu nhà có trẻ con hay chạy nhảy và hắn thấy không bền cho lắm, cứ lâu lâu lại phải đi sửa để thay thế hoặc nối dây mai so. À quên thực ra còn một cách nữa nhưng hắn thấy chủ yếu là hàng phở với quán cơm bình dân hay làm, đấy là họ tiếp than liên tục trong những chiếc bếp 9 than, than cũ lúc sắp tàn sẽ trở thành lửa mồi cho cục tiếp theo. Tới chiều tối thì họ đóng cửa gió lại và đun âm ỉ cái khối 9 cục tro ấy qua đêm, sáng hôm sau lại nhóm bằng chính cái đống tàn tro đó. Nhà dân cũng có nhà mồi than kiểu vậy nhưng có vẻ người ta sợ bắt lửa làm cháy vào đồ đạc ban đêm khi mà cả nhà đang ngủ, nên thường cuối ngày là rút hết xỉ trong bếp ra và sáng hôm sau nhóm mẻ mới. Như nhà hắn thì cứ tầm 7h tối sau khi rửa bát là rút xỉ ra để một góc cho nguội đặng còn để mai đập ra làm chỗ đi ị cho đám mèo trong nhà, chứ không khi nào để than cháy qua đêm với làm mồi cho ngày hôm sau. Từ đó cũng đôi khi sinh ra vài trò nghịch ngu của đám con nít kiểu khi than đã rút ra khỏi bếp nhưng vẫn còn tí hồng hồng thì nhét pháo vào lỗ tổ ong và chờ nổ. Hoặc vảy nước mát vào cho nó khói um lên rồi lượn qua lượn lại kiểu mấy ông tiên vẫn xuất hiện trên tivi. Hay lấy giấy xoắn lại rồi nhét vào mấy cái lỗ còn cháy và nhìn nó bùng lửa lên. Nói chung là đủ trò và cực kỳ vui cho bọn trẻ con trong cái thời cái gì cũng thiếu chỉ có nghèo đói là thừa thôi.

Viết tới đây hắn chợt nhận ra hình như cũng phải hơn hai chục năm rồi nhà hắn không còn đun than nữa. Chính xác là từ khi chuyển về nhà mới ở Thổ, nhà hắn cũng chuyển qua đun ga nhưng vẫn dính một chút tới xỉ than do phải xin về làm nguyên liệu cho bọn mèo ị đái. Phải tới khi những em mèo cuối cùng của nhà hắn ra đi khoảng những năm 2014 2015 gì đó thì mới chính thức dã từ sự nghiệp đập xỉ thần thành và không còn liên quan tí gì tới than tổ ong nữa. Thế nên nhờ bài viết ngày hôm nay hắn có cơ hội hoài niệm lại những ký ức ngày xưa cũ, thật đẹp thật thơm và thật ấm bụng đặc biệt trong những hôm trời vừa mưa vừa rét như mấy hôm nay ở Hà Nội.

Hà Nội rằm tháng giêng, một ngày có than nhưng không than thở!

Leave a Comment